tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 24-03-2016

  • Cập nhật : 24/03/2016

Quảng Trị: Ngư dân lại bị tàu Trung Quốc bắt nạt

Đang đánh cá tại vùng biển Cồn Cỏ, tàu cá của một ngư dân Quảng Trị bất ngờ bị 3 tàu vỏ gỗ mang ký hiệu Trung Quốc phá đứt lưới.

Ngày 23-3, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị cho biết đang làm rõ thông tin ngư dân huyện này tố bị tàu lạ tấn công khi đang hành nghề đánh bắt thủy sản trên vùng biển tỉnh.

Theo tin trình báo của ông Nguyễn Công Thành (46 tuổi), trú tại khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, vào tối 19-3, tàu cá của ông mang số hiệu QT - 94015 TS đang hành nghề lưới rê bùng nhùng cách đảo Cồn Cỏ 25 hải lý về phía Đông Nam thì bị 3 tàu vỏ gỗ mang ký hiệu Trung Quốc làm nghề lưới quét, rê neo phá lưới.

Sau đó, ông Thành liên lạc với các tàu cá của ngư dân Cửa Việt đang đánh bắt gần đó tới hỗ trợ thì 3 chiếc tàu Trung Quốc đã bỏ đi.

Sau khi kiểm tra ngư lưới cụ, ông Thành cho biết 18 tấm lưới bị neo tàu Trung Quốc kéo rách. Ngoài ra, ông Thành cũng thu được 1 chiếc neo và 20 m dây do các tàu của Trung Quốc bỏ lại. Tang vật đã được bàn giao cho lực lượng biên phòng.

luoi cua tau ca ong thanh bi dut

Lưới của tàu cá ông Thanh bị đứt

Trước đó, vào ngày 3-1, đoàn tàu đánh cá gồm 4 chiếc với 32 thuyền viên thuộc đội tàu khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đang hành nghề lưới rê đáy bùng nhùng tại tọa độ 17,30 độ vĩ Bắc -107,20 độ kinh Đông, cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) khoảng 20 hải lý về hướng Đông Bắc thì bị 10 tàu cá Trung Quốc đến quấy rối và phá hoại. Hậu quả khiến 12 cheo lưới của ngư dân Quảng Trị bị hư hỏng hoàn toàn, thiệt hại gần 100 triệu đồng.


Hoá chất gây ung thư trong chăn nuôi được nhập khẩu công khai

6 trong 9 tấn chất cấm Salbutamol được ngành y tế nhập về mỗi năm để sản xuất thuốc bị tuồn đến tay người nuôi heo để tạo nạc, có thể gây ung thư cho hàng triệu người.

Tại tọa đàm Chất cấm trong chăn nuôi – Thực trạng, giải pháp ngày 23/3, đại tá Trần Trọng Bình – Phó cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (C49) cho biết, chất cấm được người chăn nuôi heo sử dụng nhiều nhất là Salbutamol. Đây là loại chất được dùng nhiều trong lĩnh vực y tế. Mỗi năm, ngành này nhập khẩu hơn 9 tấn Salbutamol qua đường chính ngạch.“Theo tôi biết, nhập 9 tấn nhưng ngành dược sử dụng chưa tới 3 tấn để sản xuất thuốc. Theo phán đoán, số còn lại rất có thể bị tuồng ra thị trường đến tay một bộ phận người chăn nuôi”, đại tá Bình nhận định. 

dai ta binh tai buoi toa dam ve chat cam. anh: duy tran

Đại tá Bình tại buổi tọa đàm về chất cấm. Ảnh: Duy Trần

Đồng tình với ý kiến này, ông Tống Xuân Chinh – Phó cục Chăn nuôi - cho rằng, số liệu trên được nhập bằng đường công khai. Trong khi đó, Việt Nam có đường biên giới dài giáp với Trung Quốc, Campuchia, Lào hoặc đường biển nên không thể kiểm soát được chất cấm nhập lậu.

"Phải khống chế ngay trong ngành y tế để những chất như Salbutamol không lọt ra ngoài. Ở đường biên, lực lượng biên phòng nên tăng cường tuần tra, phát hiện những vụ chất cấm nhập lậu", ông Chinh nói.

Theo ông Chinh, mỗi năm, trên thế giới lại có thêm khoảng 400 chất kháng sinh, chất mới. Con số này theo ông không hề ít và phần nhiều trong đó không phù hợp cho ngành chăn nuôi trong nước, cần cập nhật để kịp thời phát hiện, xử lý.

Còn ông Nguyễn Văn Việt – Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp - cho biết, hành vi sử dụng chất cấm phần lớn ở các trang trại và hộ chăn nuôi cá thể. Lý do của việc sử dụng chất cấm do người chăn nuôi nhận thức thấp, không hiểu hết tác hại, muốn tăng lợi nhuận. Chất cấm đến tay người chăn nuôi qua thương lái, nhân viên tiếp thị cám hoặc mua nhỏ lẻ từ các đại lý thuốc."Việt Nam đã gia nhập TPP, giờ mà thịt nước ngoài vào sẽ chiếm lĩnh thị trường ngay bởi đặt lên bàn cân, người tiêu dùng sẽ chọn thịt ngoại vì nghi ngờ thịt trong nước. Khi đó, ngành chăn nuôi của mình sẽ chết", một người chăn nuôi tỏ ra lo lắng và mong cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng xử dụng chất cấm.

mot duong day buon chat cam bi c49 phat hien o tp hcm. anh: a.x

Một đường dây buôn chất cấm bị C49 phát hiện ở TP HCM. Ảnh: A.X

Theo thống kê của C49, năm ngoái đơn vị đã triệt phá được 3.365 vụ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Xử phạt hành chính hơn 2.400 vụ, thu nộp ngân sách gần 17 tỷ đồng. Nhiều đường dây buôn bán chất cấm lớn từ Bắc vào Nam cũng bị phát hiện.

Trước đó, ngày 27/11/2015, Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi.Trong Điều 317 chỉ rõ, người nào có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ bị xử lý hình sự. Nhẹ là 1-5 năm tù, có tình tiết tăng nặng bị 15-20 năm, hoặc phạt tiền từ 200 triệu đến 500 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc hoạt động lĩnh vực liên quan 1-5 năm. Bộ luật này có hiệu lực từ 1/7.

“Đe dọa, tống tiền người ta đã cấu thành tội phạm trong khi đưa chất cấm vào sử dụng, âm thầm giết bao nhiêu người lại không cấu thành tội phạm là bất hợp lý. Quốc hội thông qua điều khoản mới xem sử dụng chất cấm như hành vi đầu độc, giết người rất kịp thời”, đại tá Trần Trọng Bình nói.

Bộ Nông nghiệp cũng vừa ban hành Thông tư 01/2016 điều chỉnh thông tư 57/2012. Điểm mới là từ 25/2, lực lượng chức năng nếu phát hiện gia súc, gia cầm sử dụng chất cấm sẽ được phép tiêu hủy ngay tại chỗ. Trước đó, nếu kiểm tra phát hiện heo nhiễm chất cấm, các đơn vị chỉ được theo dõi, xử phạt hành chính. Khi heo hết tồn dư chất cấm lại được giết mổ.

Theo các đơn vị, những quy định này sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Vấn đề vốn gây hại cho người tiêu dùng, làm bất an xã hội thời gian qua.


Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng 'ngó lơ' nhà đầu tư nước ngoài

Trong lúc lãnh đạo TP Đà Nẵng đang nỗ lực kêu gọi, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào TP thì Sở KH&ĐT lại làm ngược lại. 

Sở này thậm chí còn không hồi âm, phản hồi với người đại diện nhà đầu tư.

Ngày 23-3, Facebook Tran Anh Ngan đã phải “cầu cứu” tới trang Facebook Quản lý đô thị của UBND TP Đà Nẵng vì đã cố gắng liên lạc với Sở KH&ĐT để tìm hiểu thông tin, xúc tiến đầu tư vào TP nhưng không hề nhận được hồi đáp.

Theo Facebook Tran Anh Ngan (một người Việt) đang sinh sống tại Singapore cho biết hiện bà đang làm việc cho một công ty nước ngoài tại Singapore, chuyên sản xuất và lắp ráp ô tô điện.

Công ty này có ý muốn thành lập một cơ sở sản xuất xe điện tại TP Đà Nẵng.  Tuy nhiên, qua tìm hiểu và gửi email, gọi điện thoại đến Sở KH&ĐT để hỏi về việc đăng ký doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại TP Đà Nẵng công ty không được hồi âm.

dai dien mot nha dau tu nuoc ngoai lien he voi so kh&dt khong duoc nen phai len "cau cuu" tren facebook quan ly do thi da nang. anh: chup man hinh

Đại diện một nhà đầu tư nước ngoài liên hệ với Sở KH&ĐT không được nên phải lên "cầu cứu" trên Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng. Ảnh: Chụp màn hình

Trên Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng, Facebook Tran Anh Ngan đã đăng nội dung “cầu cứu”:  “Anh/chị cho em hỏi có biết cán bộ phụ trách nào, số liên lạc hoặc địa chỉ email nào em có thể liên lạc không ạ? Được biết TP Đà Nẵng rất nhanh nhạy và hỗ trợ trong lĩnh vực này, hy vọng anh chị nào làm ở các phòng ban liên quan giúp đỡ em với ạ. Em xin chân thành cám ơn”.

Lúc này, ông Nguyễn Văn Duy (Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Đà Nẵng) đã có trả lời kịp thời. Theo ông Duy, Facebook Tran Anh Ngan cứ gửi Công văn kèm hồ sơ năng lực về UBND TP Đà Nẵng (24 Trần Phú, quận Hải Châu), fax qua số 845113825321.

Theo ông Duy, người có yêu cầu trên có thể gửi cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và Văn phòng UBND TP Đà Nẵng sẽ trình Lãnh đạo UBND TP có ý kiến chỉ đạo các ngành kiểm tra cụ thể và trả lời ngay.

Nhiều người trên Facebook Quản lý đô thị đã khá bức xúc trước việc không hồi âm với một người đang có kế hoạch đưa nhà đầu tư về TP Đà Nẵng.

Sau đó, một số thành viên trên trang này, đang công tác tại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng mới lên tiếng và cho các thông tin cần thiết.


Đài Loan đưa trái phép đoàn phóng viên quốc tế đến đảo Ba Bình

Đài Loan tổ chức trái phép cho một đoàn truyền thông quốc tế tham quan đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
doan phong vien ngoi tren may bay van tai quan su c-130 cua dai loan de ra dao ba binh. anh: reuters

Đoàn phóng viên ngồi trên máy bay vận tải quân sự C-130 của Đài Loan để ra đảo Ba Bình. Ảnh: Reuters

Hai chục phóng viên quốc tế, trong đó có nhà báo từ CNN, Reuters và AP, hôm nay được đưa tới đảo Ba Bình trên máy bay vận tải quân sự C-130 của Đài Loan. Họ được dẫn đi xem bưu điện, giếng nước ngọt, bến neo đậu tàu và ngôi đền Đài Loan xây dựng phi pháp trên đảo này.

Phó lãnh đạo cơ quan ngoại giao Đài Loan Bruce Linh Hồ là quan chức dẫn đầu chuyến đi. Theo AP, ông Bruce nói rằng ông muốn cho thấy Ba Bình là đảo có thể duy trì sự sống con người, chứ không phải là đá như quan điểm của Philippines trong vụ kiện yêu sách "đường 9 đoạn" lên Tòa án Trọng tài Thường trực. Đảo được hưởng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và các quyền khác mà đá không được hưởng.

Đài Loan có một bệnh viện 10 giường, một ngọn hải đăng và một trạm hỗ trợ ngư nghiệp trái phép trên đảo Ba Bình. Đài Loan còn chi hơn 100 triệu USD để nâng cấp đường băng trên đảo và xây dựng một cầu cảng có khả năng làm bến đỗ cho tàu hải cảnh 3.000 tấn.

Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đài Loan chiếm giữ trái phép đảo này và thường xuyên điều lực lượng tuần duyên đến đây.  Lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cuối tháng một đã đến đảo Ba Bình. Mỹ, đồng minh của Đài Loan, chỉ trích rằng chuyến thăm của ông Mã hoàn toàn vô ích, và không đóng góp cho việc giải quyết hòa bình tranh chấp.Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền từ phía Đài Loan, yêu cầu ngừng các hoạt động xây dựng trái phép, không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

hai dang dai loan xay dung phi phap tren dao ba binh. anh: reuters

Hải đăng Đài Loan xây dựng phi pháp trên đảo Ba Bình. Ảnh: Reuters


Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khắc phục hạn hán

Trung Quốc cam kết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
pho thu tuong pham binh minh (trai) hoi kien thu tuong trung quoc ly khac cuong ngay 23/3. anh: chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (trái) hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 23/3. Ảnh: chinhphu.vn

Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm nay hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Phó Thủ tướng cũng đề xuất các kiến nghị nhằm triển khai tốt các thỏa thuận và nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Phó Thủ tướng cảm ơn chính phủ Trung Quốc đã đáp ứng tích cực đề nghị của Việt Nam về việc gia tăng lưu lượng xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng, Vân Nam xuống hạ lưu sông Mekong, góp phần hỗ trợ khắc phục tình trạng hạn hán cho các nước hạ lưu sông Mekong.Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc cam kết sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ và phối hợp với các nước liên quan giúp Việt Nam khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

cac dap cua trung quoc tren song mekong. do hoa: michael buckley

Các đập của Trung Quốc trên sông Mekong. Đồ họa: Michael Buckley

Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng bày tỏ lo ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc cùng thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và giải quyết bất đồng, tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, không để ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bắc Kinh triển khai tốt các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển giữa hai nước, cùng các nước ASEAN thực hiện hiệu quả DOC và sớm xây dựng COC, không có các hành động mới gây phức tạp thêm tình hình, và xử lý thỏa đáng vấn đề nghề cá.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục