86% lao động dệt may Việt Nam có nguy cơ mất việc
Cần minh bạch tiền sử dụng đất
Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định tiếp tục hoặc bãi bỏ thông tư 20
Gia Lai: Huy động vốn tăng 15,6% trong 6 tháng đầu năm
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 25-03-2016
- Cập nhật : 25/03/2016
CPI quý I-2016 tăng tới 1,25%
Sáng 24-3, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) họp báo công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 và quý I-2016.
Theo đó, CPI tháng 3-2016 tăng 0,57% so với tháng 2 và tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, CPI bình quân quý I-2016 tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 2 nhóm tăng, đó là thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức tăng 24,34%; giáo dục tăng 0,66%.
Trong khi đó, có tới 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là giao thông vận tải giảm 3,64%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,54%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,48%; hàng hóa và dịch khác giảm 0,23%...
Bà Thủy phân tích, theo quy luật tiêu dùng, CPI tháng 3 hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm. Tuy nhiên, CPI tháng 3 năm nay tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tăng.
Cụ thể, giá dịch vụ y tế tăng theo thông tư liên tịch số 37/2015/TTTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-3-2016, theo đó giá các mặt hàng dịch vụ y tế áp dụng cho dối tượng có bảo hiểm y tế tăng 32,9%, góp phần làm cho CPI tăng 1,27%.
Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 68/2015/NĐ-CP từ ngày 2/10/2015, một số tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng học phí các cấp làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,66%.
Tổng quan thị trường và giá cả quý I-2016, bà Thủy cho biết, CPI quý I tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước, đang ở mức thấp, góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra và yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp.
Tuy nhiên, từ nay đến hết năm, giá dịch vụ y tế còn một đợt điều chỉnh vào tháng 7-2016, giá dịch vụ giáo dục cũng được điều chỉnh vào tháng 9/2016. Theo đó, chỉ số CPI tháng 12 năm nay sẽ có mức tăng khá cao, nhiều khả năng vượt mức 5%.
Do đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón… khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Cùng với đó, Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI
Bắt giữ gần 4.000 tấn đường không có chứng từ hợp lệ
Theo tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng Cảnh Sát biển vừa phát hiện tàu vận chuyển gần 4.000 tấn đường không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Thực hiện kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại của Tư lệnh Cảnh sát biển; sau gần một tháng theo dõi, đấu tranh, vào lúc 16 giờ 00 ngày 22-3, tại tọa độ 09057” N; 106053” E , Tổ công tác của Cụm trinh sát số 2, cách mũi Ô Cấp tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu khoảng 22 hải lý về hướng Đông NamBộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phát hiện tàu “Công Tuyền 01” mang biển số NĐ 2362 do ông Vũ Hữu Chiến, sinh năm 1972 (trú tại Minh Hòa – Kinh Môn – Hải Dương) làm thuyền trưởng có dấu hiệu vi phạm.
Tại đây, Tổ công tác tiến hành kiểm tra, phát hiện tàu chở khoảng 3.840 tấn đường không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Trên tàu có 9 người, trong đó cả 9 người không có danh sách thuyền viên, không có giấy tờ chứng chỉ chuyên môn tàu không có giấy phép khi tàu rời cảng cuối cùng.
Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm của tàu, phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 dẫn giải tàu vi phạm về cảng an toàn để xử lý theo quy định.
“Khổ” vì xử lý bình chữa cháy nhập lậu
Thông tư số 57/2015/TT-BCA ngày 26-10-2015 của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ ngày 6-1-2016 khiến nhu cầu tăng cao, cũng là lúc dân buôn lậu chuyển sang mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này. Lực lượng chống buôn lậu bắt giữ hàng nghìn sản phẩm bình chữa cháy nhập lậu nhưng lại vướng khi xử lý.
Lực lượng Hải quan, Biên phòng thuộc Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) phối hợp xử lý bình chữa cháy nhập lậu. (Ảnh do đơn vị cung cấp).
Những tháng đầu năm 2016, trong số hàng chục loại mặt hàng tiêu dùng nhập lậu mà lực lượng Hải quan Quảng Ninh bắt giữ, có cả bình chữa cháy mini.
Chỉ sau có 2 ngày Thông tư 57 có hiệu lực, mặt hàng bình chữa cháy nhập lậu rục rịch sôi động. Chỉ tính từ 8-1 đến 13-1-2016, các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Hải quan Quảng Ninh bắt giữ 1.308 bình chữa cháy mini nhập lậu, trị giá trên 149 triệu đồng.
Điển hình là ngày 13-1, tại mép sông biên giới đoạn mốc 1367(2) thuộc khu Hồng Hà, phường Ninh Dương, TP. Móng Cái, Quảng Ninh, Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) thu giữ một lượng lớn hàng hóa vô chủ gồm: 380 chiếc bình chứa cháy F1-23 loại 500 ml mới 100% do nước ngoài sản xuất. Trước đó, ngày 11-1, tại khu vực đường biên giới trên đường Đoan Tĩnh (thuộc khu 7, phường Hải Yên, TP.Móng Cái), Đội Kiểm soát Hải quan số 1 phát hiện, thu giữ hàng hóa vi phạm gồm: 120 chiếc bình cứu hỏa mini, cất giấu cùng hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, mới 100%, đều do Trung Quốc sản xuất.
Cùng thời điểm trên, lực lượng Hải quan thuộc Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến (Quảng Ninh) đã phát hiện, xử lý 3 vụ, vận chuyển trái phép 748 chiếc bình chữa cháy loại 500ml/bình và 60 bình chữa cháy, loại 1.000ml/bình (đều chưa xác định chủ sở hữu).
Đến nay, sau hơn 2 tháng, số bình chữa cháy vi phạm vẫn nằm “án binh bất động” trong các kho chứa hàng vi phạm để chờ ngày xử lý. Như ở Trạm Kiểm soát liên hợp Km15-Bến tầu Dân Tiến, số tang vật bình chữa cháy cũng được xếp cùng nhiều loại hàng hóa khác do không có kho chứa hàng riêng. Để đảm bảo công tác cháy nổ, đơn vị cũng chỉ còn cách đặt các bình chữa cháy nhập lậu nơi khô ráo, thoáng mát. Bởi thông thường bình chữa cháy dành cho ô tô được khuyến cáo nên để ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào, nhiệt độ không được vượt quá 50 - 550C và tránh va chạm mạnh. Mặt khác, căn cứ quy định hiện hành thì bình chữa cháy là mặt hàng có khả năng gây mất an toàn nên khi NK phải thực hiện thủ tục kiểm tra Nhà nước về chất lượng theo một quy trình nghiêm ngặt. Chẳng ai có thể đảm bảo chất lượng của các bình chữa cháy nhập lậu? Đây cũng là lo lắng của một số cán bộ Hải quan làm công tác xử lý vi phạm trên địa bàn TP. Móng Cái về bảo quản, cũng như xử lý tiêu hủy tang vật vi phạm.
Trong vai một cán bộ Hải quan làm công tác xử lý vi phạm, chúng tôi tìm đến "gõ cửa" Công ty Xử lý rác thải rắn Miền Đông (có địa chỉ trên địa bàn TP. Móng Cái). Công ty đã có nhiều năm kinh nghiệm khi tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn xử lý tiêu hủy tang vật vi phạm trên địa bàn. Tuy nhiên khi được hỏi về xử lý tiêu hủy đối với các loại bình chữa cháy, chúng tôi cũng chỉ nhận được cái “lắc đầu” từ đại diện Công ty.
Ông Phạm Tiên Phong, Phó Giám đốc Công ty Xử lý rác thải rắn Miền Đông cho biết: Bình chữa cháy được xem là loại hàng hóa nguy hại đến sức khỏe con người, bởi vì chứa hóa chất nên rất khó xử lý. Công ty chưa tiếp nhận xử lý tiêu hủy đối với mặt hàng bình chữa cháy và việc xử lý cũng nằm ngoài khả năng. Hiện việc xử lý rác thải tại Công ty mới dừng lại ở một số nhóm rác thải như rác thải sinh hoạt (thực phẩm); rác thải công nghiệp thông thường. Công ty có 3 hướng xử lý tiêu hủy đối với hàng hóa này gồm: Chôn lấp hợp vệ sinh; đốt tiêu hủy và tận dụng các chất hữu cơ đưa vào sản xuất phân bón.
Để thực hiện tiêu hủy đối với hàng nghìn chiếc bình chữa cháy nêu trên, các đơn vị có văn bản gửi Cục Hải quan Quảng Ninh để có hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, lực lượng Kiểm soát Hải quan vẫn đang chủ động tham khảo, tìm đối tác xử lý.(BHQ)
Hà Nội: Tiêu hủy hơn 12 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc
Ngày 23-3, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành tiêu hủy 12 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo ghi nhận của phóng viên, các sản phẩm bị tiêu hủy chủ yếu là thuốc lá, thiết bị ô tô đã qua sử dụng, thực phẩm không rõ xuất xứ, kim châm cứu, bình phòng cháy chữa cháy, dụng cụ kích dục và một số hàng hóa khác như quân trang, hàng vô chủ khác….
Trong số các mặt hàng bị tiêu hủy trong đợt này nhiều nhất là hộp kim châm cứu với hơn 30.000 sản phẩm và hơn 10.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu. Tổng số hàng hóa tiêu hủy đợt 1 năm 2016 ước tính khoảng hơn 12 tấn hàng hóa.
Ông Nguyễn Việt Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội - cho biết: Hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy đợt này hầu hết hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ.
Hội đồng xử lý hàng hóa tang vật vi phạm hành chính tổ chức tiêu hủy số hàng hóa nói trên theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng đưa lưu thông ra thị trường những hàng hóa cấm nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa ảnh hưởng sức khỏe người dân. Các sản phẩm này được xử lý tiêu hủy bằng các phương pháp nghiền, đốt, đập.
Hải quan Đồng Tháp: Một ngày bắt giữ 3 vụ buôn lậu
Trong ngày 22-3, Đội Kiểm soát Hải quan- Cục Hải quan Đồng Tháp đã liên tiếp bắt giữ 3 vụ vận chuyển đường và thuốc lá ngoại nhập lậu.
Lúc 7h30 Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp Công an phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp tổ chức tuần tra kiểm soát tại khu vực khóm Trà Đư, phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp đã phát hiện tại căn nhà không số do ông Nguyễn Văn Đàng làm chủ có dấu hiệu tập kết hàng lậu nên đã tiến hành kiểm tra.
Lực lượng kiểm soát đã kiểm tra và phát hiện trên nền đất phía dưới nhà sàn có 60 bao màu trắng, có chứa đường kết tinh được đựng trong các bao thức ăn thủy sản. Tổng cộng gần 3 tấn đường và chủ nhà không thừa nhận đó là hàng hóa của mình tại khu vực khóm Trà Đư, phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Sau đó 1 tiếng, hai lực lượng tiếp tục phối hợp tuần tra trên tuyến đường biên giới Trà Đư - Cây Da, phát hiện có nhiều bao màu trắng, được che đậy tạm bợ bằng bạt ni long, không người quản lý. Nghi trong các bao này chứa hàng hóa không hợp pháp, lực lượng phối hợp đến để kiểm tra, phát hiện 410 kg đường kết tinh.
15h chiều cùng ngày, Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp Phòng Cảnh sát đường thủy - Công an tỉnh Đồng Tháp tổ chức tuần tra kiểm soát trên tuyến sông Tiền. Tại khu vực bến đò ngang thuộc ấp Phú Trung, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, lực lượng phối hợp phát hiện có 3 túi nylon màu đen có chứa hàng hóa, để tại đường lên xuống của bến đò, không chủ sở hữu, không người quản lý. Qua kiểm tra phát hiện trong 3 bọc nylon trên có chứa gần 800 gói thuốc lá ngoại các nhãn hiệu Hero, Scott, Jet, Ram.
Đội Kiểm soát Hải quan đã lập biên bản chứng nhận, tạm giữ tang vật và tiến hành các bước xử lý tiếp theo.