Việt Nam có thể mua 4-6 máy bay tuần thám P-3
Malaysia tìm 20 phụ nữ Việt ôm con bỏ trốn
Nhóm người Việt ở Thái Lan sản xuất nước cam chứa vi khuẩn từ phân động vật
Vải thiều Bắc Giang rục rịch vào mùa xuất ngoại
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 06-06-2016
- Cập nhật : 06/06/2016
Chuyên gia Mỹ: Việt Nam muốn nhiều hơn F-16
Trang mạng Defense News dẫn một nguồn tin quốc phòng Mỹ nói rằng Việt Nam đang muốn cải thiện năng lực bảo vệ vùng trời của mình cũng như an ninh hàng hải. Ảnh: Wiki
Việt Nam sẽ xem quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ như một cơ hội để thế hệ sau tiếp cận công nghệ tiên tiến.
“Việt Nam muốn F-16. Đây là thứ họ muốn để tuần tra Biển Đông”, Sputnik dẫn lời ông Ralph Winnie, Phó Chủ tịch liên hiệp kinh doanh Á-Âu (EBC).
Nhưng ngoài F-16 là mặt hàng Việt Nam sẽ xem xét trong ngắn hạn, thì ông Winnie cho rằng Việt Nam còn tham vọng hơn thế.
Với mối quan hệ hợp tác kinh tế lâu năm cùng Mỹ, Việt Nam “sẽ tập trung vào phát triển các liên doanh với Mỹ, để được chuyển giao công nghệ trong vòng 10 - 20 năm nữa".
Theo chuyên gia này, Việt Nam đã chi 2 tỷ USD mua 6 tàu ngầm Nga và một số lượng lớn máy bay chiến đấu. Từ năm 2004 đến năm 2013, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi.
Cũng theo Sputnik, nhà cựu ngoại giao Mỹ Jim Jatras cho biết Việt Nam có thể quan tâm đến các chiến đấu cơ như F-16 của Lockheed hay F/A-18 Super Hornet của Boeing.
Bên cạnh đó là các tuần duyên hạm do Lockheed Martin và General Dynamics sản xuất, cũng như các loại vũ khí thông minh của hãng Raytheon và Boeing.
Theo ông, việc bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là một bước tiến mới trong đối đầu Mỹ-Trung. Việt Nam là nước nhập khẩu vũ khí đứng thứ tám trên thế giới, với mục đích tự vệ.
Trang mạng Defense News dẫn một nguồn tin quốc phòng Mỹ nói rằng Việt Nam đang muốn cải thiện năng lực bảo vệ vùng trời của mình cũng như an ninh hàng hải, và như vậy chiến đấu cơ F-16 và phi cơ trinh sát P-3 Orion là hai loại rất thích hợp.
Nguồn tin còn cho biết Việt Nam muốn Mỹ bán cho loại phi cơ trinh sát P-3 cùng loại với Đài Loan, có trang bị ngư lôi, trước đây bị ngăn trở bởi lệnh cấm vận, còn chiến đấu cơ F-16 thì cùng kiểu mà Mỹ đã bán cho Indonesia.
Còn theo The Diplomat, việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí trước mắt chưa ảnh hưởng gì đến Moscow, bạn hàng lâu năm của Việt Nam, nhưng về lâu về dài sẽ có tác động.
Petrolimex: Quỹ bình ổn xăng dầu giảm 730 tỷ đồng
Chiều 4/6, giá xăng dầu đã đồng loạt tăng mạnh với mức tăng cụ thể, xăng RON 92 tăng 680 đồng/lít lên mức tối đa 16.509 đồng/lít. Giá xăng sinh học (E5) cũng tăng 668 đồng/lít lên mức tối đa 15.938 đồng/lít.
Với các mặt hàng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được phép tăng giá dầu diesel 608 đồng/lít lên mức tối đa 11.908 đồng/lít và dầu hoả tăng 650 lên mức 10.297 đồng/lít, dầu mazut tăng 241 đồng/lít lên 8.391 đồng/lít.
Đây là lần thứ 5 giá xăng dầu được điều chỉnh, tăng 2.750 đồng so với đầu năm 2016.
Theo đó, giá xăng bán lẻ RON 92 của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex hiện đang ở mức 16.500 đồng/lít, E5 15.980 đồng/lít, dầu diesel 11.900 đồng/lít và dầu hoả là 10.290 đồng/lít.
Petrolimex cũng cho biết, trước thời điểm điều chỉnh giá, quỹ bình ổn xăng dầu hình thành tại tập đoàn là 1.650 tỷ đồng.
Như vậy, so với thời điểm tăng giá xăng dầu trước đó (ngày 20/5), quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Petrolimex đã giảm 150 tỷ đồng, so với hồi đầu năm (ngày 4/1) với 2.380 tỷ đồng, quỹ bình ổn xăng dầu tại tập đoàn này giảm 730 tỷ đồng.
Hồng Kông bắt 42 người nhập cư Việt Nam
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong số 42 người Việt bị bắt có một số thành viên của một băng buôn lậu người.
Nhà chức trách Hồng Kông đã phối hợp với cảnh sát Quảng Đông – Trung Quốc giám sát nhóm buôn lậu trên kể từ tháng 3. Băng đảng này hoạt động được 1 năm nay, đưa khoảng 100 người Việt nhập cư trái phép vào đặc khu.
SCMP cho biết những kẻ buôn lậu đưa người thông qua lãnh thổ Trung Quốc, chi phí khoảng 3.800 USD/người. Tất cả xuất phát từ Việt Nam tới tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc bằng đường bộ. Sau đó, họ được đưa đến TP Thâm Quyến rồi bắt tàu cao tốc đến Hồng Kông.
Tại điểm tập kết, một chiếc xe buýt nhỏ chờ sẵn để đón và chuyển những người nhập cư trái phép đi ẩn náu. Tất cả được xem như lao động chui vì được cấp giấy tờ tùy thân giả và làm việc mà không được chính quyền sở tại cho phép.
Trong cuộc đột kích hôm 1/6, cảnh sát Trung Quốc bắt được 31 người trốn ở hai thành phố Quảng Châu và Thâm Quyến. Còn tại Hồng Kông, cảnh sát xông vào hơn 20 địa điểm trên toàn đặc khu và bắt giữ 11 người. 9 người là thành viên băng đảng buôn lậu, 2 người kia nhập cư bất hợp pháp.
Sĩ quan Kwan King-pan cho biết cuộc điều tra vẫn đang tiến hành và có thể nhiều người khác sẽ bị bắt. “Cảnh sát và Cơ quan Di trú sẽ không chấp nhận bất cứ hình thức hoạt động bất hợp pháp nào như vậy” – ông Kwan nói.
Giám đốc Văn phòng Xuất – Nhập cảnh Hồng Kông Lau Wing-kei cho hay số người nhập cư bất hợp pháp đến từ Việt Nam bị bắt hồi năm ngoái là 189 người. Kể từ đầu năm nay đã có thêm 112 người bị tạm giữ.
Các băng đảng buôn lậu còn vận chuyển công dân Pakistan và Ấn Độ tới Hồng Kông.
Tổng kiểm tra phương tiện thủy chở khách trên cả nước
Liên quan đến vụ chìm tàu trên sông Hàn tại thành phố Đà Nẵng ngày 4/6 vừa qua làm 3 người mất tích, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình-Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu các Bộ Giao thông Vận tải, Công an, Quốc phòng và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân kiêm Trưởng Ban Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai tổng kiểm tra hoạt động vận tải thủy nội địa trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng tiếp tục trực tiếp chủ trì toàn bộ hoạt động cứu hộ tại hiện trường đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn tốt nhất của địa phương và ngư dân phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của các bộ, ngành nhằm đẩy mạnh công tác tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích; tổ chức cứu chữa, hỗ trợ các nạn nhân bị thương; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người.
Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn, xử lý nghiêm các cá nhân tổ chức vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động vận tải thủy nội địa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đồng thời tổng kiểm tra hoạt động vận tải thủy nội địa trên địa bàn thành phố, đặc biệt tập trung vào hoạt động vận tải hành khách du lịch, bến khách ngang sông.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường thủy Nội địa và các Sở Giao thông Vận tải địa phương kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa, chú trọng các quy định về an toàn phương tiện, bằng lái chứng chỉ chuyên môn, trang thiết bị cứu hộ, sử dụng áo phao theo đúng quy định; tăng cường công tác quản lý nhà nước với hoạt động vận tải thủy nội địa trên phạm vi cả nước, chú trọng hoạt động vận tải hành khách du lịch và các dịch vụ khác trên đường thủy, quản lý và kiểm tra an toàn trước khi xuất bến, kiên quyết xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải rà soát và sửa đổi kịp thời các văn bản quy định pháp luật có liên quan đến kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thủy, tập trung vào lĩnh vực vận tải hành khách du lịch thủy nội địa; tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động vận tải thủy nội địa tại một số địa phương tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông thủy nội địa.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát đường thủy bổ sung nhân lực trang thiết bị phục vụ cho việc tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát, nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm trong giao thông thủy nội địa.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh quân khu 5 huy động tối đa lực lượng đáp ứng tốt nhất yêu cầu thực tế, phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng trong công tác cứu hộ cứu nạn.
Ngay trưa 5/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào Đà Nẵng để làm việc với lãnh đạo thành phố về vụ chìm tàu trên sông Hàn khiến 3 người mất tích.
Báo cáo với Thủ tướng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho biết đến 12 giờ trưa nay, các lực lượng chức năng xác định có 56 người có mặt trên con tàu bị nạn.
Trong đó có 53 khách (4 người Malaysia) và 3 nhân viên của tàu. Ba người đang mất tích gồm Phạm Tấn Cường (46 tuổi, quê Bình Định) và 2 chị em ruột Trịnh Kim Phương (7 tuổi), Trịnh Tín Huy (4 tuổi, cùng quê Bắc Kạn đi du lịch cùng đoàn khách tỉnh Thái Nguyên). 16 người đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng, sức khỏe tiến triển tốt.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định là do chủ tàu không chấp hành các quy định về vận tải khách và chở quá số người quy định.