tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 03-08-2016

  • Cập nhật : 03/08/2016

Chủ động kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang có những diễn biến phức tạp, với sự gia tăng qua các tháng gần đây. Việc chủ động kiểm soát CPI là hết sức quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay. Phóng viên đã trao đổi với bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê về vấn đề này.

- Thưa bà, diễn biến về CPI từ đầu năm đến nay có điểm nào đáng lo ngại?

- 7 tháng đầu năm 2016, CPI tăng 2,48% so với tháng 12- 2015 và tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Giá dịch vụ y tế tăng theo quyết định của liên bộ Y tế và Tài chính (có hiệu lực từ ngày 1-3-2016), việc thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, rồi mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1-1-2016, nhất là dịch vụ đáp ứng nhu cầu thiết yếu… tăng.

Nhóm nguyên nhân thứ hai là yếu tố thị trường do giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng 6 đợt, dưới tác động từ sự giảm giá trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, thị trường cũng có những thời điểm điều chỉnh giá do tính mùa vụ, diễn biến thời tiết khiến nhóm hàng may mặc, thiết bị điện làm mát mùa hè cùng nhu cầu đi lại, du lịch, ăn uống và giải trí gia tăng trong những dịp lễ hội quan trọng. Thời tiết khắc nghiệt, thất thường cũng là tác nhân gây thiệt hại cho hoạt động nông nghiệp, làm giá nhiều loại rau xanh, lương thực tăng hoặc giảm cục bộ tùy theo thời điểm. Nhưng, tính chung trong 7 tháng đầu năm nay, các mặt hàng có giá do Nhà nước quản lý là yếu tố góp phần làm tăng CPI nhiều nhất.

- Theo bà, vì sao CPI tháng 7 lại tăng thấp hơn so với mức tăng của tháng trước?

- CPI tháng 7 tăng 0,13% thấp hơn mức tăng 0,46% của tháng 6, là do một số nguyên nhân sau: Nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, nên giá lương thực giảm và giá thực phẩm khá ổn định, góp phần kiềm chế CPI tháng 7. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,44% do nhu cầu xây dựng giảm cùng với giá thép thế giới giảm. Giá gas giảm 3,02%. Các ngày 20-6, 5-7, điều chỉnh giá xăng, tổng cộng giá xăng đã giảm 540 đồng/lít.

- Bà dự báo thế nào về CPI những tháng tới, liệu có xuất hiện các yếu tố khiến CPI tăng mạnh?

- Từ nay đến cuối năm có một số yếu tố sẽ làm tăng CPI, như giá dịch vụ y tế sẽ điều chỉnh theo Thông tư liên tịch số 37/TTLT- BYT-BTC vào các thời điểm tháng 8, tháng 10, tháng 11, tháng 12. Giá dịch vụ giáo dục sẽ điều chỉnh vào tháng 9-2016. Tiếp theo, giá lương thực, thực phẩm có thể tăng vào cuối năm do nhu cầu xã hội tăng. Tuy nhiên, với nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, nên giá các mặt hàng này không tăng đột biến. Một số mặt hàng tiềm ẩn khả năng tăng giá trở lại, như sắt thép, xăng dầu. Nhìn chung, CPI vẫn có xu hướng gia tăng tuy vẫn còn những yếu tố tiềm ẩn, chưa thể xác định hay lường trước.

- Bà có nhận xét gì khi một số chuyên gia cho rằng có thể xảy ra lạm phát cao hơn 5%? Và chúng ta có biện pháp nào để khống chế CPI như mong muốn?

- Với các yếu tố khách quan, chủ quan như đã nói ở trên cùng những tác động khác, thì CPI năm nay có nhiều khả năng tăng vượt mức 5%. Một số chuyên gia cũng dự báo về khả năng này. Để kiểm soát CPI cả năm ở mức không quá 5%, cần tiếp tục theo sát diễn biến cung - cầu trên thị trường trong nước và thế giới, xu hướng giá cả; đặc biệt là đối với thị trường, nhất là với các mặt hàng thiết yếu là gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón… Trong trường hợp các mặt hàng này tăng mạnh sẽ trở thành áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra thị trường, tập trung vào những mặt hàng nhạy cảm hoặc do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào dịp cuối năm dương lịch. Nếu làm tốt các biện pháp này sẽ góp phần kiềm chế lạm phát ở mức tối đa. Theo tôi, nếu cần thiết thì giá dịch vụ y tế chỉ nên điều chỉnh 2 đợt vào tháng 8, tháng 10, các đợt còn lại có thể linh hoạt chuyển sang điều chỉnh trong năm 2017 để giảm bớt sức ép tăng giá.(HNM)

- Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Lọc dầu Dung Quất lãi đậm dù liên tục kêu lỗ, “doạ” đóng cửa nhà máy

Lợi nhuận hợp nhất sau thuế 6 tháng đầu năm của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), chủ đầu tư của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đạt 995 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ( PVN ), nửa đầu năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn đạt 35.200 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch 6 tháng, bằng 43% kế hoạch năm.

Lợi nhuận hợp nhất sau thuế của riêng Công ty mẹ BSR đạt được lên tới 995 tỷ đồng, vượt 24% so với kế hoạch cả năm 2016 mà BSR đã đặt ra trước đó.

Báo cáo cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn vận hành ổn định với công suất tốt. Công tác báo dưỡng thường xuyên được tổ chức thực hiện.

Tổng sản phẩm sản xuất từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất 6 tháng đạt 3,4 triệu tấn, vượt 17% kế hoạch 6 tháng và bằng 58% kế hoạch năm trong đó LPG là 244.500 tấn, xăng A92 là 747.700 tấn, xăng A95 là 683.800 tấn, xăng Jet A1 là 183.700 tấn, dầu diesel là 1.387.000 tấn, dầu FO là 62.700 tấn và Polypropylen 85.600 tấn.

Cũng tại báo cáo này, PVN cho biết, tình hình khó khăn hơn khi ngày 5/4/2016 Bộ Tài chính ban hành cách tính giá cơ sở xăng dầu theo đó, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền để tính giá cơ sở đối với DO là 2,32% và xăng là 18,35%. Với chính sách này sẽ không khuyến khích đầu mối mua hàng Dung Quất, khách hàng sẽ ưu tiên nhập khẩu theo FTA có mức thuế nhập khẩu thấp nhằm hưởng lợi thế chênh lệch giữa giá đầu vào và giá bán.

“Kể từ tháng 3/2016 phần lớn các khách hàng ký phiếu tem với BSR đã giảm khối lượng, huỷ/giãn lịch nhận hàng so với kế hoạch đã ký kết”, báo cáo cho hat.

Thực tế, vấn đề chênh lệch thuế đã từng được đại diện PVN và BSR nêu ra trong nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trước đó, thậm chí theo BRS, chính sách thuế nêu trên đã đe doạ sự sống còn của Lọc dầu Dung Quất.

Cụ thể, hồi tháng 2/2016, theo lãnh đạo PVN các sản phẩm xăng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đang áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 20%, sẽ cao hơn mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc hiện đang áp dụng là 10% (tương đương 4,84 USD/thùng tính theo giá trung bình tháng 1/2016).

PVN cho rằng việc chênh lệch thuế đối với mặt hàng dầu đã gây khó khăn lớn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong việc tiêu thụ sản phẩm, nên việc tiếp tục chênh lệch thuế nhập khẩu đối với xăng sẽ gây thêm áp lực tiêu thụ và làm xáo trộn tình hình sản xuất của Nhà máy.

Trong trao đổi với BizLIVE, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Lọc Hóa dầu Bình Sơn từng cho biết, việc điều chỉnh mức thuế là cấp thiết, liên quan đến sự sống còn của nhà máy.(Bizlive)

Đồng Nai: Chôm chôm Thái cuối vụ giá cao

Năm nay giá chôm chôm ổn định từ 18-20 ngàn đồng/kg là do thời tiết thất thường, các loại cây ăn trái khác năng suất đều giảm và đã kết thúc vụ thu hoạch.
 

Hiện người trồng chôm chôm Thái ở huyện Thống Nhất đang thu hoạch cuối vụ được mùa, được giá. Cụ thể, bà con đang thu hoạch với năng suất khoảng 20 tấn/hécta, tăng khoảng 2 tấn/hécta so với cùng kỳ. Giá chôm chôm Thái cuối vụ đang ở mức 21-22 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 6 ngàn đồng so với giữa vụ và trên 15 ngàn so với cùng kỳ.

Với năng suất và giá đều tăng, mỗi hécta chôm chôm Thái sau khi thu hoạch trừ các chi phí đầu tư, người trồng thu lời trên 200 triệu đồng/hécta, tăng rất nhiều lần so với các loại cây trồng khác trên cùng một diện tích.

Năm nay giá chôm chôm ổn định từ 18-20 ngàn đồng/kg là do thời tiết thất thường, các loại cây ăn trái khác năng suất đều giảm và đã kết thúc vụ thu hoạch.

Những ngành nghề dự báo sẽ khát nhân lực

Các ngành thuộc khối kỹ thuật, CNTT, y tế, dệt may, da giày... đang được dự báo là có nhu cầu nhân lực lớn trong thời gian tới.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, hiện nay ở một số ngành dịch vụ cung đang vượt cầu, trong khi các ngành công nghiệp-xây dựng cung lại chưa gặp cầu.

10 nhóm ngành trọng tâm phát triển, có nhu cầu nhân lực lớn

Trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Chính phủ đã xác định 3 nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo, Điện tử và viễn thông, Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo. 

Trong đó tập trung phát triển 10 ngành trọng điểm bao gồm ngành điện, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, ngành chế biến nông lâm, thủy sản, thực phẩm, đồ uống, ngành hóa chất,ngành dệt may, da giày, ngành điện tử, ngành công nghệ thông tin, ngành cơ khí-luyện kim, ngành dầu khí.

Với sự phát triển của ngành đương nhiên sẽ cần nhiều nhân lực để phục vụ hoạt động sản xuất. Đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao như kỹ sư cơ khí, kỹ sư thủy sản, kỹ sư công nghệ thông tin…Theo dự báo trong giai đoạn 2016 - 2020 đến năm 2025, tại thành phố Hồ Chí Minh dự báo mỗi năm có khoảng 270.000 cơ hội việc làm.

Trong đó nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, trình độ cao đẳng chiếm 15%, trình độ đại học chiếm 17%, trên đại học chiếm 2%. Như vậy nhu cầu tuyển dụng nhân lực qua đào tạo của các doanh nghiệp là khá cao. 

Trong tổng nhu cầu nhân lực qua đào tạo, nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm tỷ trọng 35%, nhóm ngành Kinh tế - Tài chính – Ngân hàng – Pháp luật – Hành chính chiếm tỷ trọng 33%, nhóm ngành khoa học tự nhiên chiếm tỷ trọng 7%, các nhóm ngành khác chiếm tỷ trọng 3-5%.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia  Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025.  Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương(TPP) chính thức được thông qua. Khả năng FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Việc tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng yêu cầu của hiệp định cũng khiến dòng vốn vào lĩnh vực công nghệ thông tin khả quan hơn, bên cạnh ngành sản xuất - chế biến thực phẩm dự báo hút vốn từ các tập đoàn đa quốc gia muốn tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào trong nước. Một số ngành kinh tế có thể phát triển nhanh nhờ vào mức tăng trưởng kinh tế đạt được thông qua quá trình tự do hóa thương mại như các ngành: Dệt may, da giày, thủ công nghiệp, thủy sản, điện tử, đồ gỗ và nội thất… Những tác động tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế ở khu vực này sẽ mang lại nhiều cơ hội về việc làm.

Nhiều ngành nghề mới

Cũng theo công bố mới đây của trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM quá trình phát triển thị trường lao động trong giai đoạn các năm tới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập làm thay đổi một số cơ cấu ngành nghề trong xã hội. Một số nhóm ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Các nhóm ngành này vẫn dựa trên cơ sở của những nhóm ngành cũ và có sự kết hợp, lồng ghép các nhóm ngành với nhau dẫn đến sự hình thành của những nhóm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Có thể kể đến như ngành bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D. Vẫn dựa trên nền tảng của ngành đào tạo là công nghệ thông tin và được phát triển theo hướng chuyên sâu hơn. Với nhóm ngành kỹ thuật sẽ có những ngành mới như kỹ thuật thương mại, quản trị viên của các ngành kỹ thuật. Với nhóm ngành xã hội cũng được dự báo sẽ có thêm các ngành như tư vấn học đường, tâm lý xã hội, tâm lý điều trị bệnh lý...

Thách thức nào cho nhân lực Việt Nam

Theo những con số thống kê cho thấy ngành CNTT đang là một trong những ngành có nhu cầu lớn trong giai đoạn hiện nay, cung không đủ cầu, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn cho rằng phải cạnh tranh khốc liệt với các tập đoàn lớn để đón đầu được nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên vẫn tồn tại một nghịch lý, trong khi các doanh nghiệp chờ “đỏ mắt” thì còn rất nhiều nhân lực được đào tạo chuyên môn về ngành này lại đang thất nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Khuê, PGĐ công ty CP Công nghệ DKT, nguyên nhân dẫn đến vấn đề này do nguồn nhân lực vừa thiếu lại vừa thừa. Đơn cử như ngành CNTT, bà Khuê cho rằng, đây là một ngành khó, có tính thay đổi công nghệ nhanh chóng, đòi hỏi nguồn lực CNTT liên tục học hỏi, cập nhật công nghệ, thì mới đáp ứng được yêu cầu. Vì thế có thực trạng nhiều bạn theo học ngành này theo trào lưu nhưng thiếu đam mê công nghệ, mức gắn bó phát triển với nghề yếu vẫn còn cao, dẫn đến ngành này đào tạo đã thiếu, chất lượng vẫn chưa đảm bảo.

Hay trong lĩnh vực Nhà hàng khách sạn, giám đốc nhân sự JW Marriott cũng cho biết nhiều đơn vị hiện đang khát nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực hiện có trên thị trường lao động Việt Nam mới chỉ cung cấp được 50-60% nhu cầu tuyển dụng.  Song vấn đề cung chưa kịp cầu, nhưng vẫn thất nghiệp hàng loạt cũng được coi là thực trạng chung cho ngành nhà hàng khách sạn.

Nhiều nhà tuyển dụng chia sẻ, thách thức lớn nhất đối với nhân lực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp. Đây là những yếu tố giúp nhân lực Việt Nam đủ sức cạnh tranh với nhân lực nước ngoài trong bối cảnh gia nhập TPP và AEC.(XL)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục