Tỉnh nào “tiêu” tiền ngân sách nhiều nhất 4 tháng đầu năm?
Bộ Giao thông vận tải và Hà Nội là 2 đơn vị có tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước lớn nhất trong 4 tháng đầu năm 2016.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2016, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước tính đạt 19.429,4 tỷ đồng.
Bao gồm, vốn trung ương 4.125 tỷ đồng, vốn địa phương 15.304,4 tỷ đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 62,3 nghìn tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch năm và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Cụ thể, vốn trung ương quản lý trong 4 tháng đạt 13,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,9% kế hoạch năm và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông vận tải đạt 4.692 tỷ đồng, bằng 26,5% và tăng 21,9%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.306 tỷ đồng, bằng 20,4% và tăng 4,9%. Bộ Y tế 782,5 tỷ đồng, bằng 26,1% và tăng 39,7%.
Bộ Giáo dục và Đào tạo 630,5 tỷ đồng, bằng 20,8% và tăng 56,3%. Bộ Xây dựng 235 tỷ đồng, bằng 26,1% và giảm 36,8%. Bộ Tài nguyên và Môi trường 191 tỷ đồng, bằng 22,6% và tăng 9,8%.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 130 tỷ đồng, bằng 22,5% và giảm 5,5%. Bộ Công Thương 110 tỷ đồng, bằng 26,3% và tăng 17,5%.
Bộ Khoa học và Công nghệ 70,2 tỷ đồng, bằng 27,9% và giảm 12,2%. Bộ Thông tin và Truyền thông 28,9 tỷ đồng, bằng 28,6% và giảm 41,7%.
Vốn địa phương quản lý trong 4 tháng đầu năm 2016 đạt 48,9 nghìn tỷ đồng, bằng 25,7% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 35.168,8 tỷ đồng, bằng 25,3% và tăng 14,5%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 11.282,5 tỷ đồng, bằng 26,2% và tăng 3,1%. Vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 2.442 tỷ đồng, bằng 31,4% và giảm 4,6%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 7.967,7 tỷ đồng, bằng 26,1% kế hoạch năm và tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
TP.HCM ước đạt 4.088,2 tỷ đồng, bằng 23,1% và tăng 6,2%. Nghệ An 1.675,5 tỷ đồng, bằng 29% và tăng 11%. Bà Rịa - Vũng Tàu 1.535,8 tỷ đồng, bằng 25,1% và giảm 0,7%.
Bình Dương 1.498,7 tỷ đồng, bằng 23,3% và tăng 63,9%; Thanh Hóa 1.332 tỷ đồng, bằng 32,3% và tăng 16,7%.
Xả thải trong công nghiệp thép: Phải kiểm soát khắt khe từng ngày
Đó là khẳng định của ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Đúc - Luyện Kim Việt Nam, người đã có nhiều kinh nghiệm điều hành, sản xuất kinh doanh trong ngành thép, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.
Nếu không kiểm soát chặt, chỉ xả thải một ngày cá đã chết hàng loạt. Ảnh Internet
Theo ông Cường, hiện tượng gây cá chết hàng loạt ở miền Trung chưa tìm ra nguyên nhân từ đâu, nhưng nghi ngờ nguyên nhân từ xả thải của sản xuất công nghiệp, thép tại dự án Formosa là có căn cứ. Bởi sản xuất thép được cho là ngành gây ô nhiễm môi trường nặng nề, nếu không có sự kiểm soát khắt khe từng ngày của các cấp quản lý.
Ông Cường cho rằng, dự án Khu Liên hợp Gang thép của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) tại Vũng Áng, Hà Tĩnh giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ USD, sản lượng thép đạt 7,5 triệu tấn/năm. Đây là dự án lớn và cũng đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ có thể gây ô nhiễm môi trường tại khu vực miền Trung tại cơ sở công nghiệp này.
Được biết, Khu Liên hợp gang thép của Formosa tại Vũng Áng sử dụng công nghệ lò cao. Theo đó, quặng sắt phải nghiền ra thành bột cùng với than, trộn với than coke để đốt trong lò cao với nhiệt độ trên 2.000°C, tạo ra gang lỏng. Sau đó đưa gang lỏng vào lò và thổi khí oxy để đốt carbon thừa. Mặc dù công nghệ này cũng đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn tiêu thụ nhiều than và thải ra xỉ, khí dioxyd carbon và nhiều bụi.
“Đặc biệt, trong quặng sắt còn chứa nhiều hóa chất rất độc hại khác như chì, arsen (thạch tín), lưu huỳnh, phốt pho. Cùng với đó, công đoạn luyện than coke cũng phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường”, ông Cường cho biết.
Ngoài nguyên liệu chính là quặng sắt, sản xuất thép còn sử dụng các nguyên liệu khác như vôi, nước và các chất phụ trợ như: điện cực, hợp kim, khí trơ, vật liệu đầm lò. Quá trình sản xuất thép sinh ra các chất thải khí, rắn và tiếng ồn. Ngay cả nước làm mát, nếu không được tuần hoàn tuyệt đối, cũng phát thải độc hại ra môi trường.
Theo ông Cường các nghiên cứu cho thấy để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao sẽ phải thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, trong đó có 455 kg xỉ. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3m3 nước thải độc hại. Lượng khí thải ra từ việc sản xuất một tấn thép thô có 2,3 tấn CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại...
Vì vậy, trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn thường chiếm tỷ lệ gần 60%. Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất chứa trong đó sẽ gây ra mưa axít, cùng với bụi kim loại, sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng trong khu vực. Nhìn chung, sản xuất thép là ngành công nghiệp không thân thiện với môi trường, nên phải chú ý kiểm soát chặt khâu xử lý ô nhiễm.
Ngày nay, đã có nhiều tiến bộ trong công nghệ kiểm soát ô nhiễm từ sản xuất thép để không gây ảnh hưởng tới môi trường. Chẳng hạn với bụi do luyện thép thải ra, sẽ dùng máy lọc rồi tưới nước cho đọng xuống và thu gom, xử lý; hay nước thải phải xử lý theo quy trình khép kín đến khi trong lành rồi mới được thải ra môi trường. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho các thiết bị xử lý môi trường chiếm tỷ lệ rất cao, với khoảng 30% trong tổng đầu tư.
DN đầu tư về các thiết bị xử lý môi trường đã rất tốn kém nhưng để vận hành và xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường cũng lại tốn kém hơn, mất thêm khoảng 10% chi phí. Do đó sẽ làm cho giá thành mỗi tấn thép tăng lên khoảng 10% nữa. .
Những phân tích nêu trên cho thấy nếu không có phương án quản lý chặt chẽ thì khó có thể kiểm soát hết được việc xả thải của doanh nghiệp.
Theo ông Cường, để làm tốt việc kiểm tra kiểm soát, địa phương nên làm trạm quan trắc riêng để trực 24/24 do mình kiểm soát. Nếu chuyên gia chúng ta không đủ khả năng thì nên thuê hẳn chuyên gia nước ngoài hỗ trợ giám sát.
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự 3 tỉnh
Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn việc bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Phạm Ngọc Thưởng, tân Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.
Ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn việc bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phạm Ngọc Thưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Phạm Ngọc Thưởng sinh năm 1968, là tiến sỹ Ngữ văn. Trước khi được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Thưởng từng đảm nhiệm các chức vụ: Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh, Bí thư huyện ủy Chi Lăng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.
Trước đó, ngày 25/4, Thủ tướng đã phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng thời, Thủ tướng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với: Ông Đặng Quốc Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Dương Tất Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tổng giám đốc Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh; ông Đặng Ngọc Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh.
Ngày 26/4, Thủ tướng cũng phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Nguyễn Văn Phương, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư.
Ra “tối hậu thư” thu hồi gần 49 tỷ đồng nợ tạm ứng quá hạn
Ngày 29/4, UBND tỉnh Quảng Nam thông báo chi tiết về thời hạn thu hồi nợ tạm ứng cho từng dự án, với tổng số tiền gần 49 tỷ đồng, gồm nhiều khoản nợ dai dẳng từ trước năm 2003.
Trong đó, thời hạn sớm nhất là hôm nay (30/4) đối với khoản nợ 400 triệu đồng của Công ty CP đầu tư phát triển Kỳ Hà Chu Lai, tại dự án đường vào cụm công nghiệp Trảng Nhật; chậm nhất là ngày 30/6.
Đáng chú ý, các dự án thuộc BQL khu kinh tế mở Chu Lai bị nợ nhiều nhất (hơn 24,4 tỷ đồng), liên quan đến các công trình khu phi thuế quan, khu công nghiệp Tam Hiệp, đường cứu hộ - cứu nạn đoạn qua H.Thăng Bình, bến số 3 cảng Kỳ Hà; các tuyến đường tránh, khu dân cư ở Núi Thành, Tam Kỳ…
Lần ra “tối hậu thư” mới nhất này, chính quyền tỉnh Quảng Nam yêu cầu điều tra, xác minh những nhà thầu đã giải thể, phá sản, không có địa chỉ liên lạc để có hướng xử lý cụ thể; trường hợp không thể thu hồi thì tập hợp chứng cứ để xin ý kiến Bộ Tài chính. UBND tỉnh cũng yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan vì đã nhiều lần chỉ đạo xử lý thu hồi dứt điểm nhưng các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư thiếu quan tâm chỉ đạo.
Đà Nẵng có thêm hai khu đô thị xanh vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng
UBND thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng là chủ đầu tư 2 dự án khu đô thị xanh Dragon City Park và khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside.
Theo thiết kế, dự án khu đô thị xanh Dragon City Park có quy mô diện tích 783.084m2 tại xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang và phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Khu đô thị Dragon City Park có phía Tây Bắc giáp khu dân cư phía Nam đường Nguyễn Tất Thành nối dài, phía Tây Nam giáp khu di tích lịch sử Đồi Trung Sơn, phía Đông Bắc giáp khu đô thị Hoà Hiệp 3 và phía Đông Nam giáp mương thoát nước và vệt cây xanh cách ly rộng 65m.
Trong khi đó, dự án khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside có quy mô 460.190m2 tại phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Khu đô thị này có phía Tây Bắc giáp mương thoát nước và vệt cây xanh cách ly rộng 65m, phía Tây Nam giáp khu đô thị Hoà Hiệp 4, phía Đông Bắc giáp tuyến mương thoát nước, và phía Đông Nam giáp đường số 5 khu công nghiệp Hoà Khánh.
Tổng mức đầu tư dự kiến của cả 2 dự án là hơn 1.260 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư cho dự án Dragon City Park là hơn 655 tỷ đồng và cho dự án Bàu Tràm Lakeside là hơn 605 tỷ đồng. Nguồn vốn này được huy động từ nguồn vốn của chủ đầu tư, vốn vay và từ nguồn khác.
Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng đề nghị được khởi công xây dựng 2 dự án nêu trên vào quý II/2016 và dự kiến hoàn thành vào năm 2019.
(
Tinkinhte
tổng hợp)