Dự án được khởi công ngày 15/5, xây dựng tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và là Cảng ICD quy mô lớn đầu tiên tại Hà Nội, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp vùng thủ đô.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 15-05-2016
- Cập nhật : 15/05/2016
Thủ tướng Campuchia bác tin con trai cả là người Việt
Thủ tướng Hun Sen (trái) và con trai cả Hun Manet trong một sự kiện tại căn cứ quân sự ở Phnom Penh năm 2009. Ảnh: AFP
Phát biểu tại một buổi lễ tốt nghiệp đại học ở Phnom Penh hôm 12/5, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng ông đã hy sinh rất nhiều để mang lại ổn định cho đất nước, phát triển cơ sở hạ tầng và giảm bất bình đẳng, nhưng nhiều người dùng mạng xã hội dường như chỉ thảo luận về những tin đồn thất thiệt.
"Điều đáng thất vọng nhất mà nhiều người đăng trên Facebook là Hun Manet không phải là con trai của ông Hun Sen, và đòi hỏi thử DNA", thủ tướng Campuchia nói và nhận xét rằng những tin đồn đang ngày càng vượt quá tầm kiểm soát, theo Cambodia Daily.
"Người ta đồn đại vợ tôi là vợ của một lãnh đạo Việt Nam, và sau đó họ sinh Hun Manet, rồi họ gửi nó cho ông Sok An nuôi", ông Hun Sen nói. Ông Sok An là một đồng minh thân cận của thủ tướng.
"Tôi chẳng nghĩ được là phe đối lập lại có thể có hành động rẻ rúng như thế này", ông Hun Sen nói về tin đồn. "Tôi muốn gửi một thông điệp tới đảng đối lập: Nếu các anh muốn chơi, tôi sẽ chơi cùng các anh", ông nói thêm.
Trong khi đó, đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đưa ra tuyên bố, bác bỏ họ là bên tung tin đồn này.
Trung tướng Manet là người Campuchia đầu tiên học tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, New York. Ông này sau đó trở thành người đứng đầu bộ phận chống khủng bố của Bộ Quốc phòng Campuchia.
"Hỡi những người anh em, chị em và nhân dân Campuchia, Hun Manet là đứa con trai tội nghiệp của tôi", ông Hun Sen nói và kể rằng ông đã khuyên con mình đừng bận tâm đến những tin đồn thất thiệt.
WB khảo sát an toàn thực phẩm tại 3 doanh nghiệp Việt
Kết quả của chuyến khảo sát sẽ được WB đưa ra thảo luận và đề xuất với các bộ ngành liên quan về dự thảo Chính sách lưu ý và Bản công tác kỹ thuật quản lý rủi ro an toàn thực phẩm. Đây cũng là cơ sở để tổ chức này xem xét những bước đi tiếp theo nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển gắn liền với sức khỏe cộng đồng xã hội.
222 triệu USD bảo hiểm cho vệ tinh VINASAT
Theo tin từ Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, hợp đồng bảo hiểm cho vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 trị giá 222 triệu USD vừa được kí kết giữa chủ đầu tư vệ tinh là Công ty Viễn Thông Quốc tế - VNPTI với liên danh bảo hiểm Bảo Việt và Tổng Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI).
Theo hợp đồng được ký kết, hai vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 tiếp tục được bảo hiểm trong thời gian hoạt động trên quỹ đạo từ 00 giờ 01’ ngày 16-5-2016 đến 00 giờ 01’ ngày 16-5-2017 với tổng mức trách nhiệm bảo hiểm tối đa gần 222 triệu USD, trong đó vệ sinh VINASAT-1 được bảo hiểm với giá trị trên 72,936 triệu USD và VINASAT-2 là hơn 148 triệu USD.
Việc bảo hiểm cho hai vệ tinh này được thực hiện theo kỳ tái tục hàng năm – tương ứng với mỗi kỳ bảo hiểm kéo dài là 12 tháng. Các rủi ro được bảo hiểm trong hợp đồng này gồm: Tổn thất toàn bộ hoặc tổn thất toàn bộ ước tính hoặc tổn thất bộ phận gây ra bởi tổn thất, thiệt hại hoặc hư hỏng vệ tinh xảy ra trong thời hạn bảo hiểm.
VINASAT-1 là vệ tinh thương mại đầu tiên của Việt Nam đã được phóng thành công lên quỹ đạo từ năm 2008, đánh dấu việc Việt Nam có chủ quyền trên quỹ đạo không gian. Năm 2012, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông tiếp tục phóng vệ tinh VINASAT-2. Theo đánh giá của Công ty Viễn thông Quốc tế, các chỉ số hoạt động của VINASAT-1 và VINASAT-2 tới nay rất ổn định, chất lượng dịch vụ được khách hàng trong nước và quốc tế đánh giá cao. Được biết VINASAT-1 đã được khai thác trên 95% dung lượng, VINASAT-2 cũng đã được khai thác trên 60% dung lượng băng tần.
Trên thị trường bảo hiểm hàng không – vũ trụ, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt - đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Bảo Việt được biết đến là doanh nghiệp đầu tiên xây dựng và triển khai thành công sản phẩm bảo hiểm loại hình này. Bảo hiểm Bảo Việt cũng là doanh nghiệp bảo hiểm lâu đời nhất trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, có thế mạnh vượt trội về uy tín, năng lực cán bộ quản lý và nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ và phục vụ tốt nhất; duy nhất có hệ thống mạng lưới chi nhánh khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; sản phẩm đa dạng và phong phú vào bậc nhất cũng như có trung tâm dịch vụ khách hàng hiện đại, vận hành và hỗ trợ khách hàng tốt nhất.
Trao Giải thưởng Từ điển 2016 cho Đại từ điển Séc–Việt
Chiều 13/5, tại hội chợ sách quốc tế "Thế giới sách Praha", Hội đồng Dịch thuật Toàn quốc CH Séc (JTP) đã tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng Từ điển 2016.
Đại từ điển giáo khoa Séc – Việt gồm ba tập đã hoàn thành trong tổng số sáu tập của hai đồng tác giả Ivo Vasiljev và Nguyễn Quyết Tiến được trao giải Nhì cùng hai tác phẩm khác sau giải thưởng Lớn dành cho Wikipedie cs. Đồng thời hai đồng tác giả Ivo Vasiljev và Nguyễn Quyết Tiến của Đại từ điển giáo khoa Séc – Việt còn được trao Bằng danh dự cùng hai nhóm tác giả khác.
JTP là một tổ chức khoa học có uy tín ở CH Séc và Giải thưởng Từ điển có lịch sử 23 năm với mục đích vinh danh các cuốn từ điển có giá trị học thuật cũng như thực tiễn lớn nhất trong một năm. Hội đồng xét duyệt giải thưởng gồm đại diện các tổ chức cũng như các cá nhân có danh tiếng trong lĩnh vực ngôn ngữ học và dịch thuật.
Hai đồng tác giả Ivo Vasiljev và Nguyễn Quyết Tiến cho biết, việc một bộ từ điển mới đi một nửa chặng đường đã được JTP vinh danh là điều cực kỳ hiếm có và đây cũng là lần đầu tiên một bộ từ điển Séc – Việt được trao giải thưởng chuyên ngành của năm. Hai ông coi đây là động lực lớn để tiếp tục chặng đường nhọc nhằn trước mặt.
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt ở Séc chúc mừng hai đồng tác giả Từ điển Séc – Việt.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Tiến sĩ Amalaine Diabová, Chủ tịch Ban giám khảo Giải thưởng Từ điển 2016 khẳng định: "Mặc dù mới chỉ xuất bản ba trong số sáu tập song Đại từ điển giáo khoa Séc – Việt được đánh giá cao vì sự công phu trong việc biên soạn, giải nghĩa và đây chính là cuốn từ điển đang được trông chờ tại CH Séc".
Bộ Đại từ điển giáo khoa Séc – Việt hướng tới phục vụ thế hệ người Việt được sinh ra tại Séc và có nhu cầu học tiếng mẹ đẻ cũng như một số người Séc quan tâm đến tiếng Việt. Đây không đơn thuần chỉ là những cuốn từ điển mà gần như là bộ bách khoa toàn thư được soạn bằng hai ngôn ngữ và đề cập nhiều lĩnh vực-xã hội, văn hóa, lịch sử, địa lý, sinh vật học… Tập 1 được ra mắt vào tháng 11/2013 gồm 10.100 mục từ và 630 trang. Tập 2 được ra mắt tháng 11/2014 gồm 9.200 mục từ và 690 trang. Tập 3 được ra mắt vào tháng 11/2015 gồm 19.200 mục từ và 930 trang.
Trung Quốc bất ngờ ngừng mua, giá heo giảm mạnh
Trước khi phía Trung Quốc đột ngột ngừng nhập khẩu heo từ Việt Nam, heo được các thương lái ào ạt đưa ra phía Bắc để xuất sang thị trường này - Ảnh: Hoài Linh
Ông Trần Văn Chương - chủ một trang trại heo hơn 700 con tại xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam), vùng nuôi heo lớn nhất miền Bắc - cho biết các thương lái đã bắt đầu vắng bóng và giá heo bắt đầu rớt từng ngày.
“Đầu tuần, giá heo hơi khoảng 55.000 đồng/kg nhưng tới chiều 13-5 chỉ còn 51.000 đồng/kg. Trung Quốc không thu mua nữa, người nuôi cầm chắc lỗ”, ông Chương lo lắng.
Bà Phạm Thị Huệ, thương lái ở xã An Nội (huyện Bình Lục) - chuyên xuất heo sang Trung Quốc, than vừa bị lỗ 270 triệu đồng do phải bán thốc bán tháo một xe heo khi không xuất được sang Trung Quốc. “Xe chờ ở biên ba hôm mà không thấy phía Trung Quốc mua.
Hàng trăm xe cứ nối đuôi nhau. Heo bị giảm trọng lượng, mỗi con mất 5-10kg, thậm chí nhiều con còn bị chết nên đành bán rẻ ở Quảng Ninh để vớt vát được tí nào hay tí đấy”, bà Huệ buồn bã nói.
Trong khi đó tại Đồng Nai - vùng chăn nuôi heo tập trung lớn nhất cả nước, nhiều người chăn nuôi cũng đứng ngồi không yên.
Ông Vy Hữu Mạnh (huyện Thống Nhất) cho biết giá heo tại chuồng hiện chỉ còn 50.000 - 51.000 đồng/kg, giảm 3.000-4.000 đồng/kg so với mức giá đầu tuần sau khi phía Trung Quốc đột ngột ngừng mua. “Nhiều người bàn nhau nếu có người mua giá được là bán hết chứ không dám giữ lại”, ông Mạnh nói.
Tuy nhiên, theo anh Hiếu (Tân An, Vĩnh Cửu), có muốn bán cũng không có người mua bởi thương lái lặn mất tăm mấy ngày nay, dù đàn heo của trại nhà anh đã đến ngày xuất chuồng, với trọng lượng hơn 100 kg/con.
Ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cho biết Đồng Nai cung cấp hơn 50% sản lượng heo VN cho Trung Quốc, việc thị trường này đột ngột dừng mua sẽ khiến bà con gặp nhiều khó khăn về đầu ra.
Đến cuối ngày 13-5, theo ghi nhận của chúng tôi tại xã Quảng Nghĩa, Móng Cái - nơi có điểm xuất heo sang Trung Quốc, khoảng 10 xe ước 1.500 con heo với tổng trọng lượng khoảng 150 tấn vẫn nằm chờ.
Nhiều chủ hàng cho biết sẽ chuyển sang Lạng Sơn, Cao Bằng để tìm cách xuất. “Chẳng biết chính sách của Trung Quốc những ngày tới như thế nào, chứ nếu kéo dài tình trạng ngừng nhập heo như mấy ngày gần đây, không chỉ thương lái mà người chăn nuôi cũng chết chắc”, tài xế một xe heo nói.
Chiều 13-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Trọng, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT, cho biết kết quả kiểm tra tại các cửa khẩu cho thấy phía Trung Quốc đã ngừng nhập heo VN qua cửa khẩu Lạng Sơn, khiến giá heo tại VN bắt đầu giảm mạnh trong những ngày gần đây.
Theo ông Trọng, khi giá heo tăng, người chăn nuôi trong nước ồ ạt mở rộng đàn với hi vọng bán được giá cao khi Trung Quốc thu mua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc kỳ vọng của người chăn nuôi là không có cơ sở bởi thị trường Trung Quốc rất thất thường.
“Cục Chăn nuôi đã nhiều lần khuyến cáo nhưng hiện tượng đua nhau nuôi heo khi Trung Quốc tăng mua, sau đó ôm hàng và chịu lỗ khi Trung Quốc ngừng thu mua vẫn tái diễn thường xuyên nhiều năm nay. Tuy nhiên, cái khó là người chăn nuôi đều tự phát và cứ luôn hi vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua với giá cao”, ông Trọng nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân tạm ngừng nhập khẩu heo từ VN là phía Trung Quốc đang tăng cường công tác kiểm soát kiểm dịch đối với mặt hàng thực phẩm vào nội địa.
Trong khi đó, phần lớn hoạt động xuất khẩu heo sang Trung Quốc đều theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng gì với người mua phía Trung Quốc, nên không chỉ người chăn nuôi mà chính các thương lái cũng gặp nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Trọng nhận định khoảng 3-5 tháng tới, nếu Trung Quốc không nhập nữa, trong khi số heo đang nuôi hiện tại sẽ xuất chuồng, giá sẽ càng giảm mạnh. Nguy cơ người chăn nuôi bị thua lỗ nặng sẽ khó tránh khỏi, do giá heo giống thời gian qua khá cao, từ 1,5-1,8 triệu đồng/con heo 20 ngày tuổi, trọng lượng 5-6 kg/con. (TT)