tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

T.S Lê Đăng Doanh: “Đồng phục quảng cáo” thủ tiêu sáng tạo kinh doanh

  • Cập nhật : 15/05/2016

(Yeu nhan)

Thông tin cơ quan chức năng đang thực hiện thí điểm “đồng phục” quảng cáo trên một phông nền với hai màu xanh đỏ trên đường Lê Trọng Tấn (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) đang khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Chia sẻ với Dân Trí, các chuyên gia kinh tế cho rằng: chủ trương dẹp loạn quảng cáo là tốt còn cách thức thực hiện lại duy ý chí, chủ quan và thiếu sáng tạo.

T.S Lê Đăng Doanh, chuyên gia Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định: Mục đích của cơ quan chức năng là tốt, muốn thiết lập trật tự, xanh sạch đẹp, tất cả mọi thứ đều theo khuôn mẫu. Nhưng cách tiếp cận lại không đẹp, khiến tạo nên dư luận không tốt.

dong phuc quang cao tai pho moi le trong tan

Đồng phục Quảng cáo tại phố mới Lê Trọng Tấn

Ông Doanh cho rằng: Nhiều DN phải mất hàng chục tỷ chỉ để thiết kế ra logo màu gì, slogan bao nhiêu chữ và phối màu cho hợp. Vậy sao ta lại áp đặt hai màu xanh đỏ và một loạt phông nền giống nhau?. "Tôi cảm thấy chán khi vào những tuyến phố nhà nào cũng có kiến trúc như nhau, chỉ phân biệt số nhà. Tôi chẳng cần đi hết tuyến phố cũng biết được cả khu như vậy thì lấy đâu là thích thú nữa", ông Doanh bày tỏ quan điểm.

“Họ tự tuyên bố đường kiểu mẫu thì phải làm dư luận thuyết phục là đúng pháp luật, có tính kinh tế, phù hợp xu hướng hiện đại hay không? Nhìn biển hiệu và phông quảng cáo tôi liên tưởng đến thời bao cấp khi cái đẹp được nhất quán một cách đơn điệu quần đen áo trắng, đầu đẹp là tóc phải cắt đúng kiểu. Nay ta cũng áp dụng thế sao được”, ông Doanh nói.

Liên hệ với quảng cáo trên thế giới, ông Doanh nói: Phải chăng các thành phố lớn như Tokyo, Hồng Kông, New York hay Singapore... những biển hiệu quảng cáo chằng chịt, cao thấp, nhấp nháy là họ lộn xộn, họ không quản lý được? Ta cao tay hơn họ, giờ ta gộp hết biển quảng cáo làm 1 kiểu.

"Điều đó là hoàn toàn sai lầm, chúng ta đang làm chủ trương đúng mà thực hiện sai. Các cơ quan Nhà nước đừng áp đặt, làm như thế sẽ làm mất đi tính đa dạng, độc đáo, bắt mắt của kinh doanh. Chẳng nhẽ biển quảng cáo bán phở bò cũng giống với phông quảng cáo nước hoa, nhãn hàng thời trang hàng hiệu . Chẳng nước nào đồng phục quảng cáo như Việt Nam cả", ông Doanh nêu ý kiến.

Vị chuyên gia này cho rằng: "Cơ quan nào chỉ định chỉ có hai màu xanh - đỏ làm nền cho quảng cáo. Thời đại nào rồi mà bây giờ người ta quảng cáo bằng đèn LED điện tử, bảng điện tử hết rồi mà chính quyền áp đặt phông hai màu xanh - đỏ. Như thế là rất không phù hợp”.

"Cơ quan Nhà nước chỉ giỏi gom việc để tiện cho mình quản lý thôi, chứ các anh không biết vấn đề nó sẽ có những tác động đến người dân, doanh nghiệp như thế nào. Tinh thần là ai giỏi việc gì thì người ấy làm, cơ quan Nhà nước giỏi việc quản lý pháp luật hãy đứng trên pháp luật mà quản lý, còn doanh nghiệp quảng cáo, cơ sở bán hàng họ giỏi hơn về nghiệp vụ quảng cáo, marketing hãy đưa cho họ những lằn ranh luật pháp để họ tự làm cho đúng, cho đủ và lại thêm đẹp. Thế có phải hay hơn không?", ông Doanh phản biện.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cơ quan tổ chức lập ra cách thức này đã mạnh dạn và có những ưu điểm, nhưng vấn đề đưa hai màu sắc đỏ - xanh thì đơn điệu.

"Phải nói rằng biển quảng cáo hiện nay khá rối rắm, mỗi người một kiểu, mạnh ai nấy làm khiến kiến trúc đô thị xệch xoạc, méo mó bởi rất nhiều quảng cáo choán hết không gian, gây "ô nhiễm thị giác" của người dân. Đây là việc làm mới, chúng ta hãy nên góp ý chứ không nên phản bác, còn việc nên mở rộng ra các địa phương hay chưa thì còn xem xét các khía cạnh góp ý của các chuyên gia từ kiến trúc, quy hoạch đô thị, mỹ học đặc biệt là chuyên gia kinh tế và người dân", ông Phong nói.

"Vấn đề là phải làm sao thể hiện tính sáng tạo trong kinh doanh. Ai bảo những khu đô thị mới gọn gàng là đẹp, cùng một kiểu kiến trúc là đẹp. Kinh doanh phải có tính sáng tạo, khác biệt”, ông Phong bình luận.

Trước đó, trao đổi với báo giới, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao Hà Nội khẳng định: Việc đồng bộ hóa biển hiệu quảng cáo trên tuyến đường mới Lê Trọng Tấn là cần thiết, đảm bảo mỹ quan đô thị và phù hợp với Luật Quảng cáo.

Ông này khẳng định: Việc đồng bộ này trước hết là sự hợp chuẩn và tương đồng nhau về kích thước biển hiệu, nội dung trình bày trên biển hiệu và tuyệt đối không đưa hình ảnh sản phẩm vào biển hiệu. Về hai màu xanh đỏ trong tuyến phố kiểu mẫu có được dư luận đồng ý hay không, thì các đơn vị phải lấy ý kiến của người dân trong khu phố đó và phải sự đồng thuận. Ông này cũng cho hay: đây là hình thức đang được thí điểm, Sở sẽ tiếp tục lắng nghe và điều chỉnh rồi tiếp tục nhân rộng ra các tuyến phố khác.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục