Nhiều người không nhận ra sự đồng bộ biển hiệu ở TP.HCM, bởi vì mục đích đồng bộ mà tại TP.HCM đang làm giúp mỹ quan và trật tự hơn, còn nội dung thể hiện trên bảng thế nào thì tùy vào cửa hàng.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 13-05-2016
- Cập nhật : 13/05/2016
Chống buôn lậu sẽ có nhiều nguồn kinnh phí hỗ trợ
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Theo đó, ngoài kinh phí quản lý hành chính được ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (bao gồm quỹ tiền lương, chi hoạt động thường xuyên, chi nghiệp vụ đặc thù, chi mua sắm tài sản, trang thiết bị làm việc), các cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn được ngân sách nhà nước bố trí thêm kinh phí hỗ trợ hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Nguồn kinh phí hỗ trợ gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước và kinh phí hỗ trợ tự nguyện từ các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, các dự án, chương trình hỗ trợ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp trực tiếp cho cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Quyết định nêu rõ, cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để chi cho các nội dung chi thuộc dự toán chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng kinh phí theo dự toán chi thường xuyên đã sử dụng hết (gồm: Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; chi công tác phí; chi mua sắm trang thiết bị...).
Kinh phí hỗ trợ cũng được sử dụng để chi các khoản chi đặc thù chưa có trong dự toán chi thường xuyên. Cụ thể, chi bồi dưỡng trong thời gian điều trị cho cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ bị tai nạn, bị thương và gia đình cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ bị chết trong quá trình điều tra bắt giữ; chi tiền viện phí trong trường hợp không thuộc hoặc vượt phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế hoặc được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán một phần. Mức hỗ trợ cụ thể do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả quyết định nhưng tối đa không vượt quá 10 tháng mức tiền lương cơ sở.
Chi bồi dưỡng cho người trực tiếp tham gia điều tra, mật phục, truy bắt, kiểm tra, kiểm soát đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian trực tiếp tham gia trên địa bàn xảy ra vụ việc. Mức bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày.
Nội dung chi và mức chi quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn. Quyết định này hướng dẫn cụ thể một số khoản chi đặc thù trong quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Cụ thể, về chi mua tin (nếu có), mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% của số tiền xử phạt và tiền bán tài sản tịch thu (nếu có) và tối đa không quá 100 triệu đồng đối với các vụ việc mà số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền bán tài sản tịch thu có giá trị dưới 5 tỷ đồng.
Mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% của số tiền xử phạt và tiền bán tài sản tịch thu (nếu có) và tối đa không quá 200 triệu đồng đối với các vụ việc mà số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền bán tài sản tịch thu có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên.
Trường hợp tài sản bị tịch thu được xử lý theo hình thức tiêu hủy hoặc chuyển giao thì chi phí mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% của số tiền xử phạt và giá trị tài sản tịch thu và tối đa không quá 100 triệu đồng.
Cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã thực hiện thanh toán chi phí mua tin từ nguồn kinh phí thanh toán các chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định thì không thực hiện thanh toán chi phí mua tin từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.
Chi khen thưởng theo vụ việc cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong quá trình tham gia điều tra, bắt giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Việc quyết định khen thưởng và mức tiền thưởng do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả quyết định nhưng không vượt quá 3 triệu đồng/cá nhân/vụ việc, 15 triệu đồng/tập thể/vụ việc.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ 26-6-2016.
Hà Nội: Doanh nghiệp lấn chiếm hàng ngàn mét đất
Doanh nghiệp lấn chiếm hơn 5.000 m2 đất nông nghiệp dưới gầm cầu Thăng Long để xây dựng “đại bản doanh” riêng của doanh nghiệp. Không những thế, doanh nghiệp còn xây dựng nhiều công trình trái phép trên đất nông nghiệp, phân lô cho đơn vị khác thuê lại, thu lợi bất chính… Chuyện trái khoáy này đang diễn ra tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.
Theo người dân xã Hải Bối, bắt đầu từ năm 2014, người dân rất bức xúc khi phát hiện Cty Cổ phần Công nghiệp Thanh Hiền (Cty Thanh Hiền) nhảy dù vào đặt trụ sở ngay dưới gầm cầu Thăng Long. Không chỉ vậy, công ty này ngang nhiên san lấp, lấn dần diện tích đất nông nghiệp của xã để biến thành trụ sở sản xuất riêng của công ty.
Bất thường hơn, công ty lấn chiếm một diện tích rộng lớn đất nông nghiệp và ngang nhiên xây dựng các hạng mục công trình trái phép mà không gặp bất cứ sự cản trở nào của ngành chức năng địa phương. Phát hiện sự việc, người dân liên tục kiến nghị với các ngành chức năng.
Các ngành chức năng cũng có xuống kiểm tra nhưng đâu lại vào đấy. Các công trình như: nhà ở, bãi tập kết xe, bãi tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông lần lượt xuất hiện trên diện tích đất mà Cty Thanh Hiền đã lấn chiếm. Theo quan sát, thời điểm hiện tại, đại bản doanh của Cty Thanh Hiền như một đại công trường đang xây dựng và tiếp tục mở rộng, nằm kề sát cầu Thăng Long.
Tại đây hàng loạt những công trình khủng đã xây dựng từ trước đó và một số vẫn đang tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện. Toàn bộ diện tích khoảng 8000 m2 được quây tôn, lập hàng rào kín mít. Theo quan sát, những công trình này có dấu hiệu xâm phạm hành lang an toàn của cầu Thăng Long.
“Cty Thanh Hiền ngang nhiên lấn chiếm diện tích lớn, xây dựng không phép trong nhiều năm mà chính quyền không xử lý chắc chắn có khuất tất. Trong khi đó, cũng tại khu vực xung quanh, người dân chỉ lấn một mét đất là các ngành chức năng lập biên bản xử lý, cưỡng chế. Không thể để tồn tại mãi sự bất công, bất chấp pháp luật như vậy được, ngành chức năng của huyện Đông Anh và TP Hà Nội cần vào cuộc xử lý để lấy lại sự nghiêm minh của pháp luật và lòng tin của nhân dân…”- ông Tuấn, một người dân thôn Cổ Điển bức xúc cho biết.
Lý giải về sự vi phạm của Cty Thanh Hiền, ông Nguyễn Hữu Thụ - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối cho rằng, từ những năm 1995, Cty Thanh Hiền đã thu gom đất nông nghiệp của người dân khu vực này, sau đó Công ty đổ đất san lấp để xây dựng các công trình trên tổng diện tích khoảng 5.000 m2. Theo ông Thụ thì doanh nghiệp này trước san lấp để làm dự án trồng cây, còn việc xây dựng cụ thể các công trình thì không nắm bắt được vì công ty không báo cáo với chính quyền xã.
Để biện minh nguyên nhân xảy ra sai phạm, ông Thụ cho rằng, khu vực đất của Công ty Thanh Hiền là vùng đất trũng, đất kẹt, nước thải khu dân cư đổ ra nên khiến hoa màu bị chết, không canh tác được. Hơn nữa Công ty này trước vốn là một doanh nghiệp mạnh của địa phương, nhưng hiện nay đang rất khó khăn và các công trình chủ yếu được xây dựng từ năm 2014 trở lại đây.
Nói về các hạng mục công trình “khủng” mới xây dựng trên đất nông nghiệp, như trạm trộn bê tông, ông Thụ trả lời quanh co, rằng do Công ty Thanh Hiền xây dựng vào ngày nghỉ Thứ 7 và Chủ nhật nên rất khó kiểm tra, xử lý. Sau khi nắm bắt tình hình, xã đã lập biên bản và lên phương án cưỡng chế.
Để một công ty tư nhân xây dựng hàng loạt công trình khủng trên đất nông nghiệp, thế nhưng trong một thời gian dài, chính quyền địa phương không có động thái xử lý triệt để mà để những công trình sai phạm ngày càng “phình” to ra trong sự bất bình của nhân dân. Vậy trách nhiệm của UBND xã Hải Bối ở đâu?
Rà soát tổng thể quy trình nghiệp vụ quản lý hải quan
Cơ quan Hải quan sẽ tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn, nhằm phát hiện sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, kẽ hở và chỉ rõ những yếu kém tồn tại để có giải pháp khắc phục.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hải quan đã được ban hành tương đối đầy đủ, các DN, hiệp hội đã đánh giá cao việc xây dựng, ban hành, hoàn thiện các quy định pháp lý đối với thủ tục XNK đã thật sự giảm thời gian làm thủ tục hải quan, tiết kiệm thời gian thông quan, giải phóng hàng, chi phí cho doanh nghiệp. Cơ quan Hải quan cũng là một trong những cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên tổ chức các hội nghị tham vấn với DN; tiếp thu, lắng nghe ý kiến của DN và kịp thời hoàn thiện, bổ sung các quy định cho phù hợp với hoạt động thực tiễn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện tại các đơn vị trong ngành vẫn chưa đầy đủ, các khâu nghiệp vụ vẫn còn thiếu đồng bộ, thực hiện quy trình còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn và chưa đạt yêu cầu trong công tác quản lý hải quan.
Chính vì vậy, Tổng cục Hải quan đang yêu cầu ba đơn vị hải quan địa phương lớn trên cả nước là Cục Hải quan Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM thực hiện rà soát, đánh giá, báo cáo thực trạng, hiệu quả hoạt động theo chức năng nhiệm vụ của mình trên cơ sở Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn.
Vẽ sơ đồ tất cả các quy trình nghiệp vụ quản lý hải quan đối với hàng hóa XK, NK từ khâu trước thông quan đế khâu sau thông quan nhằm phát hiện sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, kẽ hở, chỉ rõ những yếu kém, tồn tại để có các giải pháp khắc phục.
Thủ tướng yêu cầu quản chặt nợ công
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14-2-2015 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công một cách nghiêm túc, đầy đủ và thực hiện theo đúng quy định các nhiệm vụ chưa hoàn thành.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đổi mới cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ nhằm tăng cường trách nhiệm của người vay lại; nghiên cứu Đề án mở rộng cho chương trình, dự án đầu tư vay lại qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng để báo cáo Chính phủ, làm cơ sở xây dựng Nghị định mới về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong khuôn khổ hướng dẫn Luật Quản lý nợ công sửa đổi.
Đồng thời xây dựng cơ chế huy động vốn vay IBRD (Ngân hàng Tái thiết Phát triển Quốc tế)/OCR (vốn vay thông thường) để tạo bước đệm khi chuyển đổi phương thức huy động vốn vay ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức), vay ưu đãi sang vay theo điều kiện thị trường sau khi Việt Nam tốt nghiệp IDA (vốn vay ưu đãi). Xây dựng phương án cân đối nguồn trả nợ tăng thêm khi Việt Nam chính thức bước sang giai đoạn tốt nghiệp IDA.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, gắn trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư, sử dụng vốn với trách nhiệm trả nợ để có thêm cơ sở xây dựng và ban hành các văn bản thi hành các quy định về: quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; cho vay lại chính quyền địa phương; thẩm định tài chính các dự án cho vay lại, đăng ký khoản vay nợ công theo quy định.
Nhiều áp lực tăng giá tháng 5
Tháng 5 trùng với kỳ nghỉ lễ kéo dài và dự kiến giá thế giới của một số nhiên liệu, chất đốt như xăng dầu, LPG (gas)... đang có xu hướng hồi phục trở lại sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá tháng này.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2016 tăng 0,33% so với tháng 3-2016. Mức tăng này tuy thấp hơn mức tăng CPI tháng 2-2016 (0,42%) và tháng 3-2016 (0,57%) nhưng vẫn là mức tăng cao so với các tháng cuối năm 2015; đồng thời là tháng 4 có chỉ số giá tăng cao nhất trong bốn năm trở lại đây.
Những con số ấy cho thấy mặt bằng giá đang tăng trở lại. Trong tháng 5, theo dự báo mới đây của Cục Quản lý giá, một số yếu tố dự báo có thể gây áp lực lên mặt bằng giá đó là: Thời tiết tiếp tục chuyển sang mùa nóng, kỳ nghỉ lễ dài 30-4 đến 1-5 khiến nhu cầu đối với một số hàng hoá, dịch vụ như đồ uống, may mặc và giầy dép, thiết bị đồ dùng gia đình, điện, nước sạch sinh hoạt, dịch vụ du lịch, dịch vụ giao thông công cộng, thực phẩm tươi sống...
Ngoài ra, do bị ảnh hưởng kéo dài từ thời tiết khô hạn và tình hình xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể gây tác động về tâm lý đến giá thóc gạo trong nước. Giá một số thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt gia cầm có thể tăng do tâm lý người dân lo ngại về độ an toàn của mặt hàng thủy hải sản trước hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực biển miền Trung.
Đáng ngại hơn, giá thế giới một số nhiên liệu, chất đốt như xăng dầu, LPG... đang có xu hướng hồi phục trở lại cũng gây áp lực tăng giá lên các mặt hàng này tại thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, trong nước, cân đối cung - cầu của đa số các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu trên thị trường tiếp tục được giữ vững; việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá của các Bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong tháng.
Dự báo giá một số mặt hàng ổn định hoặc giảm nhẹ. Một mặt hàng quan trọng đó là lúa gạo, được dự báo giá tại các tỉnh phía Bắc tương đối ổn định, phía Nam giảm nhẹ.
Mặc dù, hạn hán, xâm nhập mặn đã làm 180.000 ha lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thiệt hại nhưng bù lại, diện tích lúa vụ Thu Đông tới ở khu vực này sẽ tăng thêm 200.000 ha nên cả nước sẽ không lo thiếu gạo xuất khẩu. Hiện nay, các huyện ở vùng Tứ giác Long Xuyên như Hòn Đất, Hà Tiên, Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đang tranh thủ tháo dỡ các đập tạm trước đó để xả mặn, làm đất.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dù hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại lớn đến diện tích lúa đông xuân ở ĐBSCL nhưng nếu các địa phương thực hiện đúng kế hoạch của Bộ NN-PTNT thì tổng sản lượng lúa sẽ không thấp hơn nhiều so với các năm trước. Doanh nghiệp cũng không lo thiếu gạo để xuất khẩu. Dự báo trong thời gian tới, nguồn cung gạo thế giới tiếp tục tăng trong khi một số nước đang tạm hoãn kế hoạch nhập khẩu như Indonesia, Philippin nên giá gạo thế giới có khá năng ổn định.
Vừa qua, những biến động cá chết ở một số tỉnh miền Trung khiến dư luận lo lắng nguồn cung của thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, theo dự báo của Cục Quản lý giá, trong thời gian tới, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống ổn định do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào. Được biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 4-2016 giảm 0,27% do giá một số mặt hàng giảm trong kỳ tính chỉ số giá.
Cùng đà ổn định giá có mặt hàng thức ăn chăn nuôi, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và giá xi măng.
Tuy nhiên, giá đường, phân bón, giá thép bán lẻ dự kiến sẽ có thể tăng nhẹ. Đáng chú ý, do nguồn cung LPG trên thế giới hiện ổn định và theo diễn biến của giá dầu thế giới nên dự kiến giá LPG thị trường thế giới và trong nước tăng nhẹ, bởi dự báo giá xăng, dầu thành phẩm thế giới tháng 5-2016 tiếp tục biến động phức tạp, có nhiều khả năng tăng giá so với hiện nay.