Bị buộc thôi việc vì từ chối nhận chức cao hơn
Hà Nội sắp họp bầu tướng Chung làm Chủ tịch UBND TP
62 tỉnh thành có bệnh nhân mắc tay chân miệng
378 trẻ em làng Đông Mai bị nhiễm độc chì
Khởi tố 3 giám đốc lừa đảo hàng trăm tỉ đồng
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 29-04-2016
- Cập nhật : 29/04/2016
Ông Obama sẽ nói gì trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5?
AP dẫn lời Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bàn về thảo thuận TPP trong chuyến công du Việt Nam vào tháng Năm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Mỹ sẽ thảo thuận với Việt Nam về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cụ thể là rủi ro trong trường hợp hiệp định không được thông qua.
Khi đó, Mỹ có thể sẽ để mất lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói.
TPP sẽ mang lại các cơ hội kinh doanh cho Việt Nam, có lợi cho cả Washington và Hà Nội. “Tổng thống chắc chắn sẽ nhấn mạnh lợi ích của cả đôi bên trong chuyến thăm Việt Nam”, ông Earnest khẳng định.
Ông lưu ý các doanh nghiệp Trung Quốc thường xem nhẹ tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường và quyền con người. Nếu họ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, các nước khác sẽ đua nhau cạnh tranh bằng cách “cắt xén” các tiêu chuẩn cơ bản này.
“Và điều này sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp Mỹ, trong việc mở rộng cơ hội kinh doanh tại một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới”, Người phát ngôn cho biết.
Tháng Một, trong thông điệp liên bang cuối cùng của mình trên cương vị Tổng thống, ông Obama đã kêu gọi quốc hội nước này thông qua TPP với 11 quốc gia khác càng nhanh càng tốt để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tâm lý chống tự do thương mại đang chiếm thế thượng phong trong cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa Mỹ.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ hiện nay là bà Hillary Clinton và ông Bernie Sanders, cũng như ứng cử viên của Đảng Cộng hòa là tỷ phú Donald Trump đều phản đối TPP.
Theo văn bản ký kết cuối cùng của TPP, trong hai năm sau khi ký kết, nếu toàn bộ 12 nước phê chuẩn, Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày.
Nếu không, TPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày khi trên sáu nước chiếm 85% tổng lượng kinh tế của 12 nước thành viên phê chuẩn.
Truy tố hàng chục cán bộ thuế, hải quan An Giang
Viện KSND Tối cao vừa tống đạt cáo trạng truy tố 29 bị can về các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Mua bán trái phép hóa đơn, thu nộp ngân sách”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong số 29 bị can này thì có 14 bị can là lãnh đạo hoặc cán bộ thủ quỹ các doanh nghiệp. Nổi bật có bị can Phạm Thanh Dũng (Giám đốc Công ty Tân Thành Lợi); bị can Lê Thị Kim Anh (Giám đốc Công ty Tân Lợi Kim); bị can Trần Thanh Bình (Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty Thành Lợi) và bị can Nguyễn Minh Hiếu (Kế toán Công ty Thành Lợi)…
Bên cạnh đó, có 8 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ thuế. Nổi bật có bị can Võ Văn Ngoan (nguyên Phó phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, thuộc Cục thuế tỉnh An Giang) và bị can Nguyễn Thanh Tùng (nguyên Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Còn lại 7 bị can là cán bộ, công chức hải quan. Trong số này có bị can nguyên là cán bộ văn phòng hải quan tỉnh An Giang, Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Bắc Đai, huyện An Phú; hải quan Vĩnh Hội Đông, tỉnh An Giang.
Theo cáo trạng, từ tháng 12/2010 đến tháng 12/2013, bị can Phạm Thanh Dũng sử dụng pháp nhân của Công ty Tân Thành Lợi, Tân Thành Lợi An Phú, Tân Lợi Kim để trực tiếp mua và chỉ đạo người khác mua tổng cộng 2.076 hóa đơn giá trị gia tăng khống từ nhiều doanh nghiệp khác nhau rồi cho các công ty của bị can này xuất hóa đơn cho nhau. Mục đích của Dũng là tạo chứng từ, hồ sơ giả mua bán hàng hóa trong nước nhằm hợp thức hóa đầu vào rồi móc nối làm giả hợp đồng mua bán ngoại thương.
Tiếp đó, Dũng chỉ đạo cho nhân viên làm giả hồ sơ xuất khẩu, chứng từ thanh toán hàng bán ra tạo dựng ra 42 bộ hồ sơ xin hoàn thuế giá trị gia tăng. Bằng thủ đoạn này, Dũng và đồng phạm đã sử dụng pháp nhân Công ty Tân Thành Lợi lừa đảo chiếm đoạt 26,8 tỷ đồng; sử dụng pháp nhân Công ty Tân Thành Lợi An Phú lừa đảo chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng và sử dụng Công ty Tân Lợi Kim chiếm đoạt hơn 6,6 tỷ đồng. Tổng cộng số tiền Dũng và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt của Nhà nước là 43,5 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, Dũng đã móc nối và chi tổng cộng 324 triệu đồng cho cán bộ hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang; hơn 1,1 tỷ đồng cho cán bộ Hải quan cửa khẩu Bắc Đai, tỉnh An Giang và hơn 446 triệu đồng cho các cán bộ thuế thuộc Cục thuế tỉnh An Giang. Mục đích của Dũng là mua chuộc những cán bộ thuế và hải quan này để họ trợ giúp và che giấu hành vi phạm tội của mình.
"Không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế mà hủy hoại môi trường"
Đó là quan điểm mà ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ra trước tình trạng cá chết hàng loạt ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Sau cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế vào chiếu tối ngày 27/4, ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi riêng với chúng tôi về sự việc.
Ông Võ Tuấn Nhân cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, qua kết quả kiểm tra của các cơ quan quản lý và các nhà khoa học, bằng chứng vẫn chưa có đủ để kết luận nhà máy Formosa hay các nhà máy bên bờ biển đã thải ra chất độc làm cá chết hàng loạt. Cơ quan quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường sẽ tiếp tục điều tra, xác minh và làm rõ sự việc. Còn quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế mà hủy hoại môi trường".
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng nhấn mạnh, muốn xác minh nhanh chóng sự việc cũng cần phải có nguyên nhân rõ ràng, từ đó mới tìm ra giải pháp hữu hiệu, thiết thực: "Sau khi có báo cáo kết quả, chúng ta có thể tiến hành một cách khẩn trương, bài bản, có đủ phương pháp luận và các phương pháp cụ thể. Vì thế, việc xác định sớm nguyên nhân còn phụ thuộc vào kết quả mang lại".
Bên cạnh đó, ông Võ Tuấn Nhân còn khẳng định chủ trương sắp tới của Bộ Tài nguyên và Môi trường là sẽ lập đoàn kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ.
Đồng thời, các địa phương cũng sẽ phải tiến hành kiểm tra khẩn trương các hoạt động xả thải của các nhà máy, đặc biệt là nhà máy có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Ngoài ra, theo ông, công tác làm sạch môi trường, khử độc phải tiếp tục được tiến hành.
Chủ tịch TP HCM: “Chỉ số minh bạch của thành phố tụt thảm hại”
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng vụ quán Xin Chào ảnh hưởng ghê gớm đến môi trường đầu tư của thành phố. Ảnh: Trung Sơn.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm của TP HCM diễn ra sáng 28/4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của thành phố vừa thống kê chỉ xếp 47/63 tỉnh thành.
Theo ông Phong, có 5/6 chỉ tiêu trong chỉ số đo lường hiệu quả hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 của TP HCM tụt hạng như sự tham gia của người dân, tính công khai minh bạch, giải trình cho người dân, giải quyết tham nhũng...
"Đây là chỉ số rất nhức nhối. Rõ ràng sự đánh giá của người dân đối với chính quyền cơ sở không cao. Chúng ta ngồi đây để nâng hiệu quả nhưng kết quả thì thấy không hài lòng. Các đồng chí đứng đầu cơ sở phải bức xúc trước chỉ số này", ông Phong nhấn mạnh và yêu cầu chủ tịch các quận huyện phải có giải pháp cụ thể khắc phục.
"Thảm hại nhất là chỉ số về tính minh bạch tụt từ thứ 4 xuống thứ 17; chỉ số về chi phí không chính thức từ thứ 42 tăng lên thứ 54", ông Phong nói khi đề cập đến chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh giảm từ thứ 4 xuống thứ 6 trong năm 2015.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, Sở Kế hoạch - đầu tư đã đề xuất một số giải pháp nhưng thường trực UBND thành phố cho rằng nó còn mang tính chất chung chung, chưa cụ thể.
Trong khi đó, các chỉ số tăng thì không đáng kể, chỉ 1-2 điểm. Chỉ riêng chỉ số về cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ doanh nghiệp thì trụ hạng. "Đà Nẵng đã ba năm liền trụ vững ở vị trí số một. Một số tỉnh, thành thì có sự bứt phá vươn lên rất rõ như Đồng Tháp. Dĩ nhiên là quy mô, số lượng doanh nghiệp và đặc điểm tình hình của TP HCM có khác so với các tỉnh nhưng kết quả này khiến chúng ta phải suy nghĩ", ông Phong nói.
Liên quan đến vụ chủ quán Xin Chào ở Bình Chánh bị khởi tố hình sự vì chậm đăng ký giấy phép kinh doanh, ông Phong cho rằng vụ việc đã làm ảnh hưởng ghê gớm đến môi trường đầu tư của TP HCM.
"Trong khi cả thành phố tập trung xây dựng môi trường thông thoáng hơn cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho hộ làm ăn kinh doanh chính đáng phát triển thì vụ việc này tác động rất lớn đến sự nỗ lực của cả thành phố", ông Phong nói.
Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,9% trong hai năm tới
Ngày 28/4, tại Hà Nội, Ủy ban kinh tế-xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) của Liên hợp quốc công bố Báo cáo điều tra kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2016.
Theo Báo cáo điều tra kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2016, dự báo trong các năm 2016 và 2017 Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 6,8-6,9%.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho kinh tế Việt Nam trong việc tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu.
Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe hơn về môi trường, lao động, đồng thời cũng có thể sẽ phải nâng chi phí sản xuất trong thời gian ngắn hạn.
Trình bày chuyên đề “Thúc đẩy năng suất ở Việt Nam: Không chỉ là một ưu tiên chính sách,” Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh cải cách năng suất lao động đã trở thành vấn đề cấp thiết của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Tăng trưởng kinh tế chỉ có thể bền vững khi dựa trên nền tảng năng suất lao động.
Việt Nam cần tiếp tục và kiên trì đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng xuất lao động, trong đó chú trọng cải cách dài hạn; nới lỏng điều kiện gia nhập thị trường và quyền sở hữu tài sản cho các doanh nghiệp; đổi mới cách tiếp cận cải cách trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, gắn nâng cao chất lượng đào tạo với nhu cầu sử dụng người lao động của các doanh nghiệp; phát huy hơn nữa vai trò trọng tâm của doanh nghiệp và người lao động, kết hợp thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Đánh giá về triển vọng của các nền kinh tế trong khu vực, Báo cáo điều tra kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2016 cho rằng triển vọng của các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhìn chung ổn định, dự báo tăng trưởng trong các năm 2016 và 2017 sẽ lần lượt là 4,8 và 5%.
Báo cáo đưa ra kiến nghị, các nước cần tập trung nâng cao năng suất lao động kết hợp với cải cách tiền lương; cải thiện môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng; kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển nông thôn và thành thị; đẩy mạnh hợp tác khu vực và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ./.