Doanh nghiệp “sợ” chống hàng giả, hàng nhái: Nghịch lý có thật
Thành lập Ủy ban quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN
Thủ tướng bổ nhiệm 2 Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Bình Định: Thu hồi Dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Hội Vân
Thống đốc chỉ đạo giám sát chặt tín dụng giao thông, bất động sản
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 27-05-2016
- Cập nhật : 27/05/2016
Chính phủ quyết liệt đẩy nhanh xử lý nợ xấu
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa chủ trì cuộc họp cho ý kiến dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ do NHNN soạn thảo. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo NHNN Việt Nam, các Bộ ngành liên quan và các DN mua bán nợ trong nước.
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết những nội dung tại dự thảo Nghị định. Cụ thể, Dự thảo quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam và không áp dụng với các hoạt động mua bán nợ của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, trái phiếu của DN được chào bán ra công chúng cũng như hoạt động mua bán nợ của VAMC…
Theo quy định Dự thảo, tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ thì phải thành lập DN và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về người quản lý, có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức và hoạt động kinh doanh, đáp ứng quy định về vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh cơ quan soạn thảo đã bước đầu tạo ra khung khổ pháp lý của hoạt động mua bán nợ tại Việt Nam về tư vấn, môi giới mua bán nợ và sàn giao dịch nợ. Nhưng ông cho rằng, việc xây dựng Nghị định này là khó khăn khi Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư, kinh doanh mua bán nợ.
Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo, rà soát lại các khái niệm về mua bán nợ. Nhất là khái niệm kinh doanh mua bán nợ để tách bạch hoạt động mua nợ để bán với việc mua bán nợ để tái cấu trúc khoản nợ và DN...
Phó Thủ tướng yêu cầu tinh thần xây dựng Nghị định này là không được trái với các quy định của Hiến pháp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, không tạo ra phân biệt đối xử với các tổ chức kinh doanh mua bán nợ trong nước và nước ngoài trừ các quy định đặc thù như mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Việc tích cực tháo gỡ khó khăn cho việc mua bán nợ cho thấy Chính phủ cùng hệ thống NH và các Bộ ngành liên quan đang rất quyết liệt đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu.
Không lo thiếu tiền, chỉ sợ thiếu cơ chế
Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện một số giải pháp hỗ trợ DN nhất là DNNVV tiếp cận vốn, không phân biệt đối tượng khách hàng, tạo sự bình đẳng.
Từ đầu năm đến nay Chính phủ đã ban hành hai Nghị quyết với nhiều chính sách hỗ trợ các DN nhất là DNNVV, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Trong đó, Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD thực hiện một số giải pháp hỗ trợ DN nhất là DNNVV tiếp cận vốn, không phân biệt đối tượng khách hàng, tạo sự bình đẳng… Vậy, các chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN triển khai ra sao trong thời gian tới?
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về quyết sách của Chính phủ đối với DN?
Những chính sách, giải pháp của Chính phủ đưa ra rất đúng. Nhưng vấn đề là nó sẽ được triển khai thế nào mới là quan trọng. Bởi thời gian qua, nhiều chính sách đưa ra rất đúng, nhưng khâu thực hiện có vấn đề nên hiệu quả chưa cao.
Nghị quyết có yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho DN, tạo sự bình đẳng trong vay vốn. Ông nghĩ sao về điều này?
Xét về bản chất yêu cầu trên là đúng. Nhưng tôi nghĩ rằng, trong thực tế khó có thể đòi hỏi sự bình đẳng khi DN đi vay vốn. Ở tầm vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện như vậy, nhưng người triển khai trực tiếp là các NH họ mới biết tường tận được mọi vấn đề.
Tôi lấy ví dụ, một cậu thanh niên 18 tuổi khi được đưa vào nhà máy sản xuất xi măng vẫn chịu được khi đeo thêm khẩu trang. Trong khi đó, nếu một đứa trẻ có vài ba tuổi được đưa vào môi trường trên nếu chỉ trang bị khẩu trang chắc chắn không thể chịu nổi. Nên chỉ những người làm trực tiếp mới biết được những người ở trong môi trường đó cần có bầu không khí thở, điều kiện thở như thế nào…
Việc NH cho DN vay cũng vậy. NH không thể mang tiền cho bất cứ DN nào vay, nhất là DNNVV quy mô chỉ vài chục lao động.
Khi các quy định cấp tín dụng vẫn phải chặt chẽ, thì vai trò của các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ phát triển DN… gần như lu mờ. Họ chưa nhận thức được vai trò bà đỡ cho các DNNVV mà vẫn còn có tư tưởng xin – cho. Và họ quên mất một điều, nếu bảo lãnh cho DNNVV tốt vay vốn thì lợi nhuận thu về còn gấp mấy lần đối với DN lớn.
Tôi thử hỏi, đã có “ông” làm quỹ nào đến các trường đại học chào mời những nhà khoa học bán ý tưởng rồi giới thiệu cho CEO giỏi và đứng ra bảo lãnh để vay vốn NH chưa? Chắc chắn là chưa.
Không kể đâu xa, nếu như nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không đồng ý đầu tư hàng triệu USD cho dự án “Mắt thần cho người mù” thì có lẽ dự án sản xuất kính cho người mù của TS. Nguyễn Bá Hải sẽ vẫn chỉ nằm trên giấy. Đó là một sự lãng phí rất lớn.
Vậy, theo ông giải pháp nào để thực hiện được yêu cầu trên?
Tôi nghĩ rằng, không chỉ các quỹ, ngay cả các NH cũng quá thận trọng hay nói cách khác là chưa có “máu” kiếm tiền lắm. Các NH đã bao giờ ngồi với các trường, viện nghiên cứu để xem có những sản phẩm gì hay, độc đáo để đầu tư vốn phát triển? Rồi sau đó NH có thể tính đến việc chào bán những sản phẩm này ra nước ngoài. Chắc là cũng chưa có.
Có thể bạn và nhiều người có sự lầm tưởng DN lớn mới là miếng thịt nạc, nhưng thực tế lại là DNNVV. Cho vay DN lớn, không chỉ áp dụng lãi suất thấp, các NH còn phải đưa ra nhiều ưu đãi khác, thậm chí phải lo chi phí không chính thức cho họ. Trong khi đó, các DNNVV có nhiều ý tưởng hay, sáng tạo và lại có thể cho vay với lãi suất cao hơn. Vấn đề của các NH là phải quản lý chặt chẽ dòng tiền, tư vấn kế hoạch kinh doanh cho DN hay nói cách khác phải chế biến "miếng thịt sống" này thành món ăn ngon.
Hỗ trợ ở đây, không có nghĩa là cầm tiền NH cho bất cứ DNNVV nào vay vốn. Mà tôi cho rằng, NH nên thành lập một Quỹ đầu tư hỗ trợ cho DNNVV. Đối với Quỹ này ưu tiên các DN có phương án kinh doanh tốt, ý tưởng sáng tạo nhưng không có tiền và kinh nghiệm làm quản trị DN thì NH hỗ trợ, ưu tiên cấp vốn. Đó mới gọi là Nhà nước khuyến khích khởi nghiệp, NH đứng ra hỗ trợ.
Tôi nghĩ rằng, vấn đề đối với cấp thực hiện, không phải thiếu tiền mà thiếu đội ngũ những người triển khai ý tưởng vào cuộc sống. Còn ở cấp vĩ mô còn thiếu cơ chế. Đấy là cơ chế theo kinh tế thị trường hoặc theo nguyên tắc thị trường để đảm bảo những rủi ro về sản xuất kinh doanh không bị hình sự hóa. Nhắc đến hình sự hóa thì ai cũng sợ chứ không cứ gì NH và DN.
Đối với một quốc gia sản xuất thì phải tạo mọi điều kiện để đưa tiền vào sản xuất. Do đó, tăng trưởng tín dụng cao nhưng tiền không đưa nhiều vào sản xuất thì cũng không có tác động mạnh, tạo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Một nền kinh tế sản xuất đúng nghĩa khi tiền bỏ vào đầu tư sản xuất thông qua cổ phần hóa DN, thị trường chứng khoán, trái phiếu công trình, trái phiếu DN với lợi nhuận cao thay vì chỉ chăm chăm gửi tiền vào NH để đảm bảo số tuyệt đối và được cộng thêm một ít lãi suất.
Sắp tới, tôi nghĩ rằng, cơ hội tiếp cận vốn của DN cũng sẽ cải thiện hơn khi mà các NH thực hiện quyết liệt tái cơ cấu. Muốn đảm bảo tăng trưởng, duy trì lợi nhuận nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các NH phải “bung” quân đi các ngõ, ngách tìm khách hàng DN để cho vay. Chắc chắn DN nào tốt sẽ được NH tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tư vấn tài chính, thẩm định phê duyệt hồ sơ nhanh chóng nếu không muốn mất khách. (TBNH)
Chuyên gia NH - TS. Nguyễn Trí Hiếu:
Với tình hình sức khỏe tài chính DNNVV còn yếu, phương án kinh doanh chưa khả thi, không đáp ứng điều kiện tín dụng chắc chắn là NH không dám cho vay dù rất muốn. Đây là vấn đề đặt ra từ lâu chưa thể giải quyết nên hai bên vẫn chưa gặp nhau được nhiều.
Thực tế, cũng không thể nào đòi hỏi NH phải dung hòa các điều kiện cho vay. Bởi việc các NH quản lý rủi ro chặt chẽ là điều cần thiết đảm bảo nền tảng bền vững hệ thống tài chính Việt Nam nói riêng, nền kinh tế nói chung. Nếu họ cố tình cho vay không đủ tiêu chuẩn có thể lại rơi vào rủi ro lớn. Cuối cùng NH cũng như cổ đông của họ là người chịu thiệt hại. Thế thì làm sao thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó.
Theo tôi, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV cần phải được thực hiện một cách bài bản hơn, vốn điều lệ phải tăng cường, bên cạnh đó có cơ chế chính sách cho quỹ hoạt động thông thoáng hơn không nên quy trách nhiệm hình sự hóa các vấn đề. Chính phủ chấp nhận chi phí hỗ trợ DN không có đủ điều kiện vay vốn NH cũng như trả nợ NH. Nếu không chẳng quỹ nào dám bảo lãnh cho DNNVV vì sợ mất tiền. Nó là chính sách của Chính phủ, chứ không thể chỉ hô hào hiệu triệu.
Tài chính vi mô: Hoàn thiện khung khổ pháp lý để phát triển bền vững
Ngày 26/5, tại TP. Thanh Hoá, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển ngành tài chính vi mô tại Việt Nam”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và tăng cường năng lực quản lý, giám sát ngành tài chính vi mô (TCVM) tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có ông Hoàng Quốc Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng (Vụ 4), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN; ông Jagdeep Dahiya, Tư vấn trưởng dự án Công ty Microsave (Ấn Độ); đại diện Nhóm công tác TCVM Việt Nam (MFWG); đại diện tổ chức TCVM tại Thanh Hoá, Nghệ An, Vĩnh Phúc...
Tài chính vi mô (TCVM) cung cấp cho người thu nhập thấp các dịch vụ tài chính dễ tiếp cận, giá cả phải chăng và bền vững.
Ông Hoàng Quốc Mạnh cho biết: Tại Việt Nam, hoạt động TCVM đã được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ XX và được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xoá đói giảm nghèo ở các quốc gia đang phát triển.
Ông Mạnh cũng cho rằng, dù TCVM là lĩnh vực mới hình thành và phát triển ở Việt Nam trong vòng vài chục năm trở lại đây nhưng những hiệu quả mà lĩnh vực này mang lại đã tác động tích cực tới đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Từ những chủ trương, chính sách lớn về TCVM, NHNN là đơn vị được giao triển khai, hỗ trợ phát triển và có trách nhiệm quản lý cho TCVM phát triển. Hội thảo được tổ chức lần này là diễn đàn để các đại biểu, các tổ chức TCVM có cơ hội cung cấp, trao đổi kinh nghiệm, qua đó có một bức tranh tương đối toàn cảnh về TCVM. Điều này sẽ tạo điều kiện, môi trường cho ngành TCVM ngày càng phát triển.
Hiệu quả xã hội của một tổ chức TCVM là những ảnh hưởng tích cực tới khách hàng, nhân viên, cộng đồng và môi trường mà hoạt động TCVM mang lại, thể hiện trách nhiệm xã hội của tổ chức TCVM.
Hiện nay, các tổ chức TCVM tại Việt Nam có chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, quy mô được mở rộng, nguồn vốn cho vay đạt 32 - 54% hộ nghèo tại các địa phương, trên 90% người nghèo vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh nhỏ có thu nhập tăng lên rõ rệt. Nhu cầu xin thành lập tổ chức TCVM ngày một tăng lên (hiện đang có 4 hồ sơ xin thành lập tổ chức TCVM); Quỹ Hỗ trợ tín dụng đang được NHNN triển khai thí điểm thành lập....
Tuy nhiên, hoạt động của chương trình, dự án TCVM đang ngày càng gặp nhiều thử thách hơn khi phải theo đuổi đồng thời mục tiêu tài chính và mục tiêu xã hội. Từ chuyện thiếu vốn, cạnh tranh không đồng đều, thiếu kỹ thuật, năng lực hạn chế... thì việc những quy định pháp lý chưa hoàn thiện và thiếu thực tiễn là một trong những nguyên nhân lớn gây ra việc hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người nghèo, người thu nhập thấp. Đây cũng là nội dung chính được các đại biểu đề cập và trao đổi tại Hội thảo.
Ông Jagdeep Dahiya cho rằng: Khi các tổ chức TCVM được cung cấp nhiều dịch vụ hơn thì rủi ro sẽ càng tăng lên nên yêu cầu về kiểm soát cũng cần được nâng cao hơn.
Ông Jagdeep cũng nêu ra một bài học từ Ấn Độ: Đó là giai đoạn 2005 - 2010, Ấn Độ xảy ra khủng hoảng TCVM bởi thời điểm này TCVM phát triển quá mạnh, có quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ TCVM tại đất nước này. Nhưng do thiếu khung khổ pháp lý hiệu quả nên nhiều người dân rơi vào tình cảnh vỡ nợ.
Từ bài học này, ông Jagdeep cho rằng sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, cơ quan quản lý là yêu cầu phải có để bảo vệ người dân, điều chỉnh tổ chức TCVM đi đúng hướng.
Tính đến hết giai đoạn 1 (2011-2015), Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020 đã xây dựng được môi trường pháp lý phù hợp với đặc thù hoạt động của tổ chức TCVM.
Bên cạnh đó, năng lực hoạch định chính sách và quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước phần nào được nâng cao hơn. Nâng cao năng lực của tổ chức TCVM tập trung vào việc hướng dẫn, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn, bền vững.
Bước sang giai đoạn 2 (2015 - 2020), yêu cầu của giai đoạn này đề ra là cần hoàn thiện môi trường pháp lý đồng bộ, cho phép đa dạng hoá loại hình tổ chức hoạt động và mở rộng sản phẩm dịch vụ TCVM.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hơn năng lực hoạch định chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước, năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát của tổ chức TCVM. Nhiệm vụ đặt ra là phải phân công nhiệm vụ, triển khai quyết định cụ thể tới từng Bộ, ngành, tổ chức liên quan.
Sau khi Luật các TCTD năm 2010 có hiệu lực, tổ chức TCVM được công nhận là một loại hình TCTD nhưng hiện vẫn chưa có văn bản pháp lý quy định về hoạt động của chương trình, dự án TCVM.
Từ khi triển khai Đề án tới nay, NHNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho cán bộ tham dự các khoá đào tạo, bồi dưỡng, khảo sát ở trong, ngoài nước về TCVM. Đồng thời cũng tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức quốc tế trong việc nâng cao năng lực quản lý, thanh tra, giám sát đối với TCVM.
Là một trong ba tổ chức TCVM chính thức tại Việt Nam, ông Nguyễn Hải Đường, Tổng giám đốc tổ chức TCVM Thanh Hoá chia sẻ: Để hướng tới một ngành TCVM rộng lớn với các tổ chức bền vững và có trách nhiệm với xã hội, cung cấp dịch vụ tài chính chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của người nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp, DN siêu nhỏ và nhỏ tại Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng.
Muốn đạt được mục tiêu này, các tổ chức TCVM tại Việt Nam cần tăng cường hơn nữa công tác quản trị và điều hành, tăng tính bền vững thông qua giảm chi phí, tăng nguồn thu.
Bên cạnh đó cũng cần chú ý tới chuyện minh bạch hoá thông tin để tăng uy tín và bảo vệ quyền lợi khách hàng; đa dạng hoá dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ TCVM để cân bằng giữa các dịch vụ tài chính và xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết giữa các tổ chức có hoạt động TCVM...
Bàn về tính bền vững của tổ chức TCVM tại Việt Nam, TS. Lê Thanh Tâm, giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân, chuyên gia TCVM chia sẻ, tổ chức TCVM sẽ bền vững nếu có thể duy trì được sự cân bằng giữa an toàn - sinh lời trong thời gian dài, phục vụ lợi ích của khách hàng, gia tăng lợi ích cho cộng đồng, xã hội, môi trường.(TBNH)
Giải mã rủi ro gian lận và vấn đề tuân thủ trong ngân hàng
Ngày 26/5, tại Hà Nội, Công ty Ernst & Young (EY) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Quản trị rủi ro gian lận ngành Ngân hàng “Giải mã rủi ro gian lận và Vấn đề tuân thủ trong ngân hàng”.
Theo ông Trần Đình Cường – Tổng giám đốc EY Việt Nam cho biết, trong vài năm gần đây, lĩnh vực tài chính – ngân hàng đang phải đối mặt với rủi ro gian lận. Rủi ro này, không chỉ xuất hiện ở việc cấp tín dụng mà còn ở chính cán bộ, nhân viên ngân hàng.
Hiện nay, một số ngân hàng Việt Nam đã bắt tay vào xây dựng các giải pháp để phòng chống rủi ro gian lận và họ đã áp dụng phương thức kế toán pháp lý (kỹ thuật phòng gian lận). Tuy nhiên, theo ông Cường, do đây là biện pháp kỹ thuật, phương pháp tiếp cận mới nên chưa thể hiện được tính ưu việt. Do đó, tại Hội thảo EY mang đến bức tranh về những tình huống và những giải pháp hóa giải, quản trị rủi ro trong gian lận.
Tại hội thảo, ông Kanny Lee – Giám đốc, Dịch vụ Phát hiện và Xử lý các vấn đề kế toán pháp lý bằng công nghệ cao, EY Singapore đã trình bày chuyên đề: Sử dụng công nghệ Phân tích dữ liệu kế toán pháp lý nhằm xác định rủi ro gian lận trong ngân hàng; ông Prajeesh Mukundan – Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Rủi ro khối định chế tài chính trình bày chuyên đề: Giải pháp mới cho hoạt động tuân thủ của ngân hàng.
Cũng tại hội thảo, EY cung cấp các giải pháp tự động nhằm tổng hợp, giám sát và phân tích dữ liệu như: công cụ quản lý tuân thủ; công cụ quản lý kiểm soát: trung tâm quản lý quy trình doanh nghiệp; quản lý hợp đồng.
Nam Định tiếp tục triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp
Tiếp tục thực hiện văn bản số 2668/NHNN-VP ngày 17/4/2014 của NHNN và kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 21/5/2014 của UBND tỉnh về việc triển khai chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Nam Định đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng với công ty cổ phần TCE VINA DENIM.
Dự và chứng kiến lễ ký kết có đồng chí Trần Thị Kiều Thu, phó Giám đốc NHNN tỉnh. Theo đó, MB cam kết giải ngân cho vay ngắn hạn tài trợ dự án dệt may vải bò xuất khẩu của công ty cổ phần TCE VINA DENIM số tiền 5 triệu USD.
Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 của ngân hàng Nam Định. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 156 khách hàng tham gia chương trình, số tiền cam kết cho vay luỹ kế là 3.643 tỷ đồng, luỹ kế số tiền giải ngân là 2.762 tỷ đồng, bằng 75,8% so với cam kết.
Việc thường xuyên tổ chức ký kết được các hợp đồng tín dụng cho thấy các TCTD trên địa bàn đã triển khai và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Thống đốc và của UBND tỉnh; thể hiện nỗ lực của ngành ngân hàng Nam Định trong việc chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng nhằm phục hồi, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.