tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 20-07-2016

  • Cập nhật : 20/07/2016

TP.HCM nhập siêu hơn 2,6 tỷ USD

Hết tháng 6, TP.HCM xuất khẩu đạt 14,763 tỷ USD và nhập khẩu lượng hàng hóa đạt trị giá 17,38 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong khi kim ngạch nhập khẩu của địa phương này tăng mạnh thì kim ngạch xuất khẩu lại có mức giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, hết 6 tháng đầu năm 2015, TP.HCM xuất khẩu được lượng hàng hóa trị giá 14,792 tỷ USD, trong khi đó nhập khẩu cùng kỳ của năm 2015 mới đạt 15,875 tỷ USD.

Đứng thứ 2 sau TP.HCM về xuất khẩu tiếp tục là Bắc Ninh với trị giá kim ngạch đạt 11,21 tỷ USD. Thái Nguyên ở vị trị thứ 3 với trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt 8,942 tỷ USD.

Ở chiều nhập khẩu, đứng ở trí thứ 2 sau TP.HCM là Hà Nội với trị giá kim ngạch đạt 11,629 tỷ USD. Đây cũng là địa phương có mức nhập siêu lớn nhất cả nước với con số lên đến gần 6,5 tỷ USD (xuất khẩu của Hà Nội chỉ đạt 5,172 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước). Đồng thời cả trị giá kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Hà Nội đều giảm so với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu giảm 56 triệu USD, nhập khẩu giảm 88 triệu USD.

Nhìn vào kết quả XNK ở TP.HCM và Hà Nội cho thấy dấu hiệu sản xuất hàng hóa xuất khẩu tại 2 thành phố trọng điểm này đang giảm. Điều này cũng phù hợp với xu thế chuyển các nhà máy sản xuất từ TP.HCM và Hà Nội ra các tỉnh, thành lận cận.

Ở khu vực Đông Nam bộ, các địa phương vệ tinh về sản xuất của TP.HCM tập trung ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Trong khi khu vực Đồng bằng Sông Hồng, vệ tinh của Hà Nội là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc…

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là đối tượng thực sự cần hỗ trợ

Luật sư Trương Thanh Đức, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp, Chủ tịch Công ty Luật BASICO đề xuất, cần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN) và thiết lập một số cơ chế pháp lý đặc thù cho khu vực DN nhỏ và vừa.

Thưa ông, cho đến thời điểm này, ông còn băn khoăn gì về Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Liên quan việc phân loại DN được hỗ trợ, Dự thảo quy định 2 tiêu chí cho DN nhỏ và vừa là tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm, được chia thành 3 cấp là siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Tổng nguồn vốn của DN nhỏ là dưới 20 tỷ đồng; DN vừa là từ 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng, riêng với lĩnh vực thương mại dịch vụ là 50 tỷ đồng.

luat su truong thanh duc

Luật sư Trương Thanh Đức

Có thể thấy, khoảng cách khá lớn giữa DN nhỏ và DN vừa gần trở thành DN lớn cả về năng lực và quy mô. Do vậy, sẽ không công bằng nếu hỗ trợ cào bằng như nhau.

Về đối tượng DN được hỗ trợ, theo số liệu của Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện có tới 97,5% tổng số DN là vừa và nhỏ. Việc quy định hỗ trợ quá nhiều DN là không hợp lý.

Tôi cho rằng, cần loại bớt một số đối tượng hỗ trợ hoặc chỉ hỗ trợ một phần, như đối với các công ty đại chúng, công ty niêm yết, vì các DN này đã hoạt động bài bản, có khả năng cạnh tranh…

Có khó phân loại chi tiết như vậy không, thưa ông?

Đã có những quy định theo hướng này. Có thể tham khảo một trong những quy định đã áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập DN 20% đối với DN có tổng doanh thu/năm không quá 20 tỷ đồng, thấp hơn 2% so với các DN khác theo quy định Luật Thuế thu nhập DN.

Mặt khác, bản thân nguồn lực hỗ trợ cũng yếu và hạn chế, nên cũng không thể mở quá rộng. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ (quy mô 10 - 20 tỷ đồng doanh thu và/hoặc từ 20 - 30 lao động trở xuống).

Phải khẳng định, nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ là nhóm yếu thế, khó khăn, lúng túng, vướng mắc, nên là đối tượng thật sự cần hỗ trợ. Còn các DN vừa là nhóm ở giữa, bình thường, nên không cần có sự kiểm soát chặt hoặc hỗ trợ, mà để phát triển theo tự nhiên để trở thành DN lớn hoặc tụt xuống thành DN nhỏ.

Đặc biệt, các quy định về cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính trong dự thảo Luật nếu được ban hành sẽ là chìa khóa mở rộng cửa vào thị trường cho các DN, đặc biệt là khu vực DN vừa đang muốn lớn lên.

Sự bình đẳng về pháp lý mới chính là sự hỗ trợ quan trọng, bền vững, vì về bản chất, hỗ trợ DN nhỏ và vừa là bảo đảm sự bình đẳng giữa tất cả các loại hình DN.

Cụ thể, sự bình đẳng này là gì, thưa ông?

Khoản 2, Điều 9 về “Cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính”, Dự thảo Luật đã quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức “ban hành quy định phân biệt đối xử về điều kiện kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn lực dựa trên các tiêu chí về quy mô kinh doanh, trừ khi các quy định này được luật quy định”, hay có hành vi phân biệt đối xử.

Trên thực tế, cách cản trở bằng quy định quy mô của DN này khá phổ biến. Ví dụ, DN kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; DN kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có tối thiểu 10 xe; riêng đối với Hà Nội, TP.HCM phải có tối thiểu 50 xe…

Các quy định kiểu như vậy cần phải được bãi bỏ, thậm chí ngay từ bây giờ. Tôi cũng cho rằng, cần xem xét cả việc quy định về mức vốn pháp định đối với nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. DN có vốn lớn thì đương nhiên có cơ hội kinh doanh bất động sản tốt hơn. Nhưng DN có vốn điều lệ dưới 20 tỷ đồng thì cũng vẫn hoàn toàn có nhiều cơ hội kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ với quy mô vài chục tỷ đồng...

Cũng cần xem xét bảo đảm một số đặc thù pháp lý đối với DN nhỏ, như cho phép DN nhỏ được sử dụng nhà chung cư thuộc sở hữu của chủ DN tư nhân, thành viên hợp danh, thành viên hoặc cổ đông vừa để ở, vừa để đặt trụ sở chính, chi nhánh và văn phòng đại diện của công ty.

Trên thị trường đã xuất hiện loại hình mới của thế giới là căn hộ thương mại (Shophouse) và căn hộ văn phòng (Officetel). Trong khi đó, Luật Nhà ở đang quy định một trong các hành vi bị cấm là “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”.

Ngoài ra, cũng cần xem xét quy định thêm cơ chế khuyến khích chuyển các hộ kinh doanh thành DN.

Nhưng hộ kinh doanh không phải là đối tượng của luật này, theo Dự thảo hiện tại?

Với 4 - 4,5 triệu hộ kinh doanh đã, đang và sẽ hoạt động như các DN, nhưng không được coi trọng điều chỉnh bằng luật và đã bị luật bỏ rơi suốt mấy chục năm nay.

Xét theo một góc độ khác, Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và 2014 đều đã gián tiếp thừa nhận hộ kinh doanh là một loại hình DN, vì đều được đề cập trong luật, nhưng rồi lại chỉ dừng lại ở chỗ điểm danh, công nhận sự sự hiện diện, mà không quy định cho nó một danh phận pháp lý của DN.

Trường hợp không công nhận hộ kinh doanh là DN, thì cần xem xét quy định thêm cơ chế khuyến khích chuyển các hộ kinh doanh thành DN - một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển 1 triệu DN. (BĐT)

Tổ chức Lao động quốc tế: Doanh nghiệp đừng e dè các điều khoản về lao động

Nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khẳng định các điều khoản lao động trong hiệp định thương mại quốc tế không ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp. Thậm chí, các điều khoản này còn cho phép doanh nghiệp gia tăng khả năng tiếp cận thị trường.

Các điều khoản về lao động trong thương mại xem xét tất cả các tiêu chuẩn liên quan tới quan hệ lao động hoặc điều kiện làm việc tối thiểu, các cơ chế giám sát hoặc tăng cường tuân thủ pháp luật, và/hoặc khuôn khổ hợp tác. Định nghĩa này bao phủ một số lượng lớn điều khoản về lao động. Với định nghĩa đó, khi các quốc gia ký kết hiệp định thương mại nhiều doanh nghiệp đã e ngại rằng nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, từ nghiên cứu của ILO đã chỉ ra rằng, trung bình một hiệp định thương mại có bao gồm các điều khoản về lao động tăng giá trị thương mại lên 28%, so với mức tăng 26% của một hiệp định không có điều khoản lao động.

Các điều khoản lao động đã khuyến khích thêm tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, đặc biệt là phụ nữ

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh sự gia tăng đáng kể về số lượng các hiệp định thương mại trên toàn thế giới. Trong năm 2014 gần 55% khối lượng xuất khẩu nằm trong khuôn khổ của các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Trong khi đó con số này vào năm 1995 chỉ là 42%.

"Ngày càng nhiều các hiệp định thương mại mới có bao gồm các điều khoản về lao động," Bà Marva Corley, chuyên gia kinh tế cao cấp của ILO và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Cụ thể, đến tháng 12/2015, đã có 76 hiệp định thương mại (bao trùm 135 nền kinh tế) có bao gồm các điều khoản về lao động, và gần một nửa được hoàn tất sau năm 2008. Hơn 80% số hiệp định có hiệu lực từ 2013 có những điều khoản về lao động.

Hiện nay, một phần tư giá trị thương mại của các hiệp định thương mại nằm trong phạm vi của những điều khoản trên. Đây là điều gần nhưng không tồn tại trước thời điểm giữa những năm 1990.

Ở Việt Nam nói riêng, trong số 16 hiệp định thương mại tự do Việt Nam có tham gia, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm một loạt các điều khoản rõ ràng liên quan đến lao động.

Tháng 2/2016, 12 quốc gia nằm trên vành đai Thái Bình Dương đã cùng ký kết để xác thực lời văn của TPP. Hiệp định này dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ tại các nước thành viên.

TPP không không tạo ra bất kỳ tiêu chuẩn lao động quốc tế mới nào, nhưng đòi hỏi Việt Nam thông qua và duy trì trong luật pháp, quy định và thực hành những quyền được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO về Các Nguyên tắc và Quyền Cơ bản trong Lao động, bao gồm tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) vừa hoàn tất đàm phán trong tháng 12/2015 cũng bao gồm các điều khoản về lao động. Hiệp định này yêu cầu các bên thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn lao động cơ bản của ILO và các Công ước của ILO đã ký kết, và yêu cầu các bên tham gia các Công ước cơ bản của ILO mà mỗi bên chưa tham gia.

Cung tiền tăng mạnh

Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết trong hai tháng đầu quý 2 nhu cầu huy động tiền tiếp tục tăng cao, đẩy tăng trưởng huy động lên mức 8,23% so với cuối năm 2015.

Trong đó, mức tăng trưởng huy động này của năm 2014 là 5,26%, năm 2015 là 4,58%.

VEPR nhận định, Thông tư 06 của NHNN ban hành nhằm sửa đổi một số điều khoản của Thông tư 36 trước đó đã giúp bớt sức ép thanh khoản cho các Ngân hàng thương mại.

Thông tư 06 cho phép các ngân hàng thương mại kéo dãn thời gian áp dụng tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. 60% đến hết năm 2016; năm 2017: 50%; từ năm 2018: 40%.

Ngay trước khi Thông tư 06 được ban hành, lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm ở các kỳ hạn. Đặc biệt, cả lãi suất qua đêm và một tuần đều đã có lúc xuống mức xấp xỉ 0,5%, thấp nhất trong vòng hơn hai năm gần đây. Lãi suất huy động tại các Ngân hàng thương mại cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều Ngân hàng thương mại đã giảm từ 0,1-0,3 điểm phần trăm với các khoản huy động kỳ hạn dưới sáu tháng.

Theo VEPR, khối lượng tiền tệ cũng tăng đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2016. Cung tiền M3 tăng 8,07% so với thời điểm cuối năm 2015, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước đó.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết: Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện những bước đi nới lỏng tiền tệ đầu tiên.

Cụ thể, hoạt động trên thị trường mở (OMO) và kênh tín phiếu diễn ra khá sôi nổi trong Quý 2.

Theo số liệu tổng hợp của BVSC, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bơm ròng khoảng 32 nghìn tỷ đồng qua kênh OMO và 25.700 tỷ đồng qua kênh tín phiếu ra ngoài thị trường.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2016 đạt 6,2%, tương đương so với cùng kỳ năm 2015. Chênh lệch huy động tín dụng vẫn còn, dù đã giảm so với mức trung bình 3,5% trong năm 2015.

TS Nguyễn Đức Thành nhận định khả năng lạm phát quay trở lại trong nửa cuối năm là không thể tránh khỏi khi giá hàng hóa cơ bản trên thế giới hồi phục kết hợp với những điều chỉnh giá trong nước.

Trong khi đó cung tiền đang có xu hướng được điều chỉnh tăng cao, đặc biệt 6 tháng đầu năm. Khi đó, cần phải có giải pháp để chủ động ổn định mức lạm phát. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18 – 20% trong năm 2016 cũng có thể tạo nguy cơ mất kiểm soát lạm phát như mấy năm gần đây.

Về ngoại hối, thị trường vẫn giữ ổn định. So với thời điểm cuối năm 2015, tỷ giá chỉ giảm nhẹ khoảng 0,1%. Điều này giúp tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua ròng ngoại tệ nhằm bổ sung phần dự trữ đã sử dụng trong năm 2015.

"Chúng tôi cho rằng, sau khi tỷ giá dần đi vào ổn định, NHNN sẽ thực hiện mua vào USD để tăng dự trữ ngoại hối cũng như đề phòng khả năng FED tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 5", Viện trưởng VEPR cho hay.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, NHNN đã mua ròng khoảng 7 tỷ USD kể từ đầu năm.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục