Giá điện gió Cà Mau là 9,8 UScents/kWh
Doanh thu EVN tăng mạnh nhưng lợi nhuận liên tục lao dốc, giảm hơn 50% sau 3 năm
Sầm Sơn: Thị xã văn minh hiện đại và đáng sống
Lựa chọn thầu DA Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng
Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 sẽ phát điện thương mại cuối năm nay
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 21-07-2016
- Cập nhật : 21/07/2016
Hồ tiêu Quảng Trị mất mùa, mất giá
Khác với mọi năm “được mùa mất giá, mất mùa được giá” thì năm nay người dân trồng tiêu ở Quảng Trị lại phải đối mặt với nỗi lo mất mùa, mất luôn cả giá.
Cây hồ tiêu là “mỏ vàng đen” ở miền tây huyện Gio Linh, Quảng Trị, được đánh giá có chất lượng cao nhất nước với hạt chắc, vị thơm và cay. Tuy vậy, mùa thu hoạch hồ tiêu năm nay người dân gặp nhiều khó khăn...
Mất mùa, mất giá
Ông Lâm Quang Hoàng, chủ hộ trồng tiêu ở làng Gia Bình, xã Gio An cho biết do năm nay mất mùa nên vườn hồ tiêu của gia đình ông có diện tích gần 5 sào cho thu hoạch được khoảng 250 kg tiêu xanh, tương đương với khoảng 100 kg hạt tiêu khô. Nếu bán thời điểm hiện tại sẽ thu về được 16 - 17 triệu đồng. Cũng diện tích ấy, năm trước hồ tiêu được mùa, gia đình ông thu được đến 500 kg tiêu khô, bán được giá 210.000 đồng/kg, tổng số tiền thu về hơn 100 triệu đồng.
“Vua hồ tiêu” của xã Gio An, ông Lê Phước Hoạch tâm sự: “Năm nay hồ tiêu mất mùa, tán thưa, nhiều cây cho rất ít buồng, nếu có buồng thì cho rất ít hạt nên công việc thu hoạch rất vất vả”.
Ông Hoạch có vườn hồ tiêu rộng 1ha, trong đó khoảng một nửa diện tích với 500 cây đã đến tuổi thu hoạch. Mỗi năm bình quân ông Hoạch thu về đến 1 tấn hạt tiêu khô. Ông là người trồng tiêu nhiều nhất xã Gio An nên người ta thường gọi đùa là “vua hồ tiêu”.
Tuy vậy, do mất mùa nên năm nay vườn hồ tiêu của ông chỉ thu về được 150 kg hạt tiêu khô. Tiêu thưa buồng, thưa hạt nên lại tốn công thu hoạch. Mỗi ngày công thu hoạch hồ tiêu có giá trị 150.000 đồng nhưng vẫn rất khó để thuê được lao động. Vì thu hoạch hồ tiêu phải leo cao, vừa nhọc nhằn vừa nguy hiểm nên ít người muốn đi làm. Ông Hoạch cho biết dù khó khăn nhưng trồng hồ tiêu cho thu nhập gấp nhiều lần làm lúa.
Nhiều chủ vườn cho biết, nguyên nhân năm nay hồ tiêu mất mùa là do đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2015 có thời gian quá dài, nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C đúng thời điểm cây trổ buồng non, không chịu được rét nên buồng bị rụng, còn buồng có hạt thì queo quắt khiến hạt non không sinh trưởng nổi làm năng suất đến kỳ thu hoạch giảm mạnh.
Khác với mọi năm “được mùa mất giá, mất mùa được giá” thì năm nay người dân trồng tiêu ở Quảng Trị lại phải đối mặt với nỗi lo mất mùa, mất luôn cả giá. Bà Nguyễn Thị Hà, chủ thu mua hồ tiêu hàng năm tại xã Gio An cho biết, hiện tại giá mỗi kg hạt tiêu khô đang ở vào tầm 160.000 - 170.000 đồng/kg. Năm nay, mất mùa nhưng giá tiêu khô lại thấp hơn các năm trước từ 20.000 - 30.000 đồng, thậm chí là thấp hơn 50.000 đồng/kg. Các nhà buôn và người nông dân vừa tiên liệu, vừa hy vọng giá tiêu sẽ tăng lên ở thời điểm vào cuối mùa.
Vẫn là cây trồng số 1
Ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết, toàn xã đang có gần 100ha hồ tiêu và đang khuyến khích người dân phát triển thêm 10ha tiêu mỗi năm. Dự kiến đến năm 2020 đưa tổng diện tích cây hồ tiêu xã Gio An đạt 150ha.
Miền tây huyện Gio Linh bao gồm 8 xã Gio An, Gio Bình, Gio Sơn, Gio Hoà, Linh Thượng, Linh Hải, Hải Thái, Vĩnh Trường đã có diện tích 1.000ha hồ tiêu. Dù giá cả năm nay có hạ thấp chút ít nhưng thời gian qua cây hồ tiêu đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ông Lê Văn Viễn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gio Linh cho biết, về thương hiệu và giá trị thì hạt tiêu của vùng miền tây Gio Linh được đánh giá là có chất lượng tốt nhất nước ta (cùng với các vùng trồng tiêu khác như vùng Cùa (Cam Lộ), Khe Sanh (Hướng Hoá) và huyện Vĩnh Linh của Quảng Trị do hạt chắc, thơm và cay nên giá hạt tiêu ở đây thường ở mức cao hơn so với những nơi khác, được thương lái khắp nơi tìm về thu mua xuất khẩu.
Nhờ có chất lượng thơm cay nổi tiếng, nên hồ tiêu Quảng Trị rất có tiềm năng xuất khẩu vào những thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Nếu được tổ chức tốt việc xây dựng chỉ dẫn xuất xứ, địa lý, xây dựng thương hiệu, tiếp thị, tạo kênh phân phối bài bản, hồ tiêu Quảng Trị thực sự sẽ đạt giá trị cao trên thị trường.
Tuy nhiên, cây hồ tiêu ở đây thường có sản lượng không cao. Nguyên nhân là do hồ tiêu được người dân trồng quảng canh trong vườn nhà và chăm sóc theo truyền thống, không dùng thuốc kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc trừ sâu, nhưng cái được rất lớn vì đây là vùng tiêu sạch nên bạn hàng rất thích.
Cũng vì chưa được đầu tư thâm canh tốt nên cây hồ tiêu vẫn chưa thể đạt năng suất tối đa, mới chỉ ở mức từ 1,1 - 1,3 tấn/ha. “Nhưng so sánh với các cây trồng khác thì không có cây nào mang lại giá trị kinh tế ổn định hơn cây hồ tiêu trên cùng diện tích đất”, ông Lê Văn Viễn khẳng định.
Ông Lê Quang Chiến, Bí thư Huyện uỷ Gio Linh cho biết, so với tiềm năng đất đai sẵn có thì diện tích cây hồ tiêu toàn miền tây Gio Linh ở mức 1.000ha là đang khiêm tốn. Nghị Quyết 03 của Huyện ủy cũng chỉ rõ phát triển mạnh cây hồ tiêu để thúc đẩy miền tây Gio Linh thành vùng kinh tế tiềm năng của huyện.
Lợi thế của miền tây Gio Linh có điều kiện phát triển cây hồ tiêu với đất đỏ bazan màu mỡ, được phân bố tập trung ở địa hình bằng phẳng, gần khu dân cư. Vì vậy huyện có chủ trương hỗ trợ người dân SX, đưa hồ tiêu trở thành cây trồng chủ lực và phát triển bền vững. Cố gắng đến năm 2020 toàn huyện đạt diện tích 1.200ha hồ tiêu chất lượng cao.
Huyện sẽ có chính sách hỗ trợ về giống cây, phân bón, thuốc trừ sâu cũng như kỹ thuật canh tác cho nông dân, góp phần tăng năng suất, chất lượng loại cây được xem là “vàng đen” của miền đất này.
Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, đến năm 2016 tổng diện tích hồ tiêu của tỉnh đạt 2.274ha, trong đó diện tích tiêu kinh doanh đạt 1.800ha, cho sản lượng 2.160 tấn, năng suất bình quân đạt 1,2 tấn/ha.
Tuy nhiên, năm nay hồ tiêu mất mùa nên năng suất thu về chỉ bằng 1/5 của vụ trước. Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu Quảng Trị sẽ đạt 2.650ha. Bộ KH-CN cũng đã có quyết định số 1399 về việc đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị...(NNVN)
Công bố nguyên nhân nghêu, hàu chết ở Bạc Liêu
Ngày 19/7, Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu công bố nguyên nhân khiến nghêu, hàu nuôi tại các vùng ven biển tỉnh này chết hàng loạt trong thời gian quan là do sốc môi trường nước.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh này, 6 tháng đầu năm nắng nóng liên tiếp làm độ mặn tăng cao, nên khi mưa lớn đầu mùa (lên đến 351 mm, cao hơn 22% so cùng kỳ) làm độ mặn trong nước thay đổi nhanh, khiến nghêu, hàu không thích ứng kịp.
“Ban đầu diện tích nuôi bị thiệt hại nhỏ, nhưng làm nguồn nước bị ô nhiễm và lan ra diện rộng. Thời gian tới, hiện tượng La Nina sẽ diễn biến phức tạp vào tháng 8 và tháng 9, người nuôi trồng thủy hải sản cần nắm bắt thông tin thời tiết để chủ động ứng phó”, một cán bộ khuyến cáo.
Trước đó, Tổ hợp tác nuôi nghêu Thanh Vũ bị thiệt hại gần 19 tỷ đồng (tương đương 2.000 tấn) do nghêu nuôi được 8 tháng tuổi thì chết trắng. Riêng tại Cà Mau, có khoảng 130 tấn nghêu nuôi ở Đất Mũi bị chết, ước tính thiệt hại trên 2 tỷ đồng.
Dân trồng cà phê ở Tây Nguyên mất trắng vụ 2016 do hạn nặng?
Mặc dù diễn biến giá cà phê thế giới cũng như trong nước đang theo chiều hướng tích cực tuy nhiên người trồng cà phê năm nay đang đối diện với một vụ mùa thất nặng do tác động từ hạn hán vừa qua.
Dù hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa, nhiều diện tích cây trồng trong đó có cây cà phê đã được “cứu khát”, tuy nhiên tình trạng mất mùa nặng thậm chí mất trắng vụ mùa cà phê năm nay là khó tránh khỏi.
Gia đình cô An ở Krông Pắc, Đắc Lắc có gần nửa ha cây cà phê. Những năm trước, năng suất cà phê đạt khoảng 1-1,2 tấn. Đợt hạn hán vừa qua, nhà cô đã phải thuê khoan giếng để lấy nước tưới với chi phí hơn 20 triệu đồng.
“Mặc dù vẫn duy trì được nước tưới tuy nhiên do hạn nặng nên sản lượng cà phê mùa này chắc cũng sụt giảm khoảng 30-40%”, cô An chia sẻ với phóng viên qua điện thoại.
Hiện giá cà phê nhân xô trong nước đang ở mức 37.000-38.000 đồng/kg. Với mức giá này cùng với sản lượng cà phê sụt giảm mạnh, thêm vào đó là nhiều khoản chi phí đầu vào nữa thì khả năng vụ cà phê năm nay nhà cô An chỉ hòa vốn.
Hòa vốn với người trồng cà phê bị ảnh hưởng do đợt hạn nặng vừa qua đã là điều may mắn bởi không ít hộ còn gần như mất trắng vì cây trồng bị chết hàng loạt do “khát” nước.
Gia đình anh Han Jiung, ở Yunpa, Gia Lai là một ví dụ. Nhà anh trồng 1.000 cây cà phê. Mọi năm năng suất đạt khoảng 10 tấn cà phê tươi. Anh Jiung cho biết, sau đợt hạn hán vừa qua, sản lượng vụ mùa năm 2016 dự kiến giảm tới 80%.
Trao đổi qua điện thoại, anh Jiung cho biết vụ mùa năm nay không chỉ riêng gia đình anh mà rất nhiều hộ ở Gia Lai đều chung tình trạng cây cà phê chết hàng loạt. Lượng cà phê thu về chắc chắn không đủ trang trải chi phí “cứu” cây và thuê nhân công…
Không chỉ người dân trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đang đối diện với một vụ mùa mất mát do hạn hán mà ngay cả người trồng cà phê ở một số tỉnh thành như Đồng Nai, Bình Phước… cũng khốn khó bởi nắng hạn.
Theo ghi nhận thực thế của phóng viên ở nhiều vườn cà phê tại Bù Đăng, Bình Phước, mặc dù không xảy ra tình trạng vườn cây bị chết khô hàng loạt nhưng ảnh hưởng từ đợt hán vừa qua là không hề nhỏ. Bà con tại đây cho biết sản lượng mùa 2016 sẽ giảm khoảng 30% thậm chí lên đến 50% bởi tình trạng khô, rụng trái non do thiếu nước tưới.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hạn hán nặng nhất trong khoảng 30 năm qua đã đe dọa thiếu nước tưới cho khoảng hơn 160.000 ha, trong đó khoảng hơn 40.000 ha cây cà phê bị chết.
Cũng theo Vicofa, xuất khẩu cà phê năm 2016 của Việt Nam có thể sụt giảm 25%, đây là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Sản lượng giảm mạnh, giá tuy có tăng nhưng chưa mạnh đang khiến người trồng cà phê trong nước đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Hiện ở Tây Nguyên và một số tỉnh thành trồng cà phê đã và đang xuất hiện tình trạng thay vì tái canh thì người dân chặt bỏ cây cà phê để chuyển đổi sang cây trồng khác có giá thị trường hiện ở mức cao. Tuy nhiên, điều này được nhận định sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối, phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu cây trồng…
Ra mắt trung tâm quay thưởng xổ số kiểu Mỹ
Chiều nay (20-7), Tổng Công ty TNHH MTV Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) phối hợp với VTC Mobile tổ chức lễ khai trương Trung tâm Quay số mở thưởng. Đồng thời chính thức quay số lần đầu tiên giải thưởng xổ số tự chọn Mega 6/45 với giải thưởng cộng dồn kiểu Mỹ.
Theo đó, Trung tâm Quay số mở thưởng xổ số tự chọn Vietlott có trụ sở tại tầng 19, tòa nhà VTC (23 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trung tâm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chương trình quay số tự chọn tại các nước phát triển như Mỹ, Anh...
Trước mắt, trung tâm này sẽ dùng để phục vụ quay số mở thưởng sản phẩm xổ số tự chọn Mega 6/45 với giải thưởng cộng dồn không giới hạn.
Rút giấy phép công ty bán hàng đa cấp Trường Giang
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam do có nhiều vi phạm.
Trước đó, ngày 17-7, công ty này đã bị xử phạt 350.000.000 đồng về các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Theo quy định, quyết định xử phạt sẽ có hiệu lực thi hành sau 30 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam (tên cũ là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam) có địa chỉ trụ sở chính tầng 1 tòa nhà CT3 Khu đô thị Văn Quán, phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội. Đây cũng là công ty liên tiếp bị cơ quan chức năng xử phạt trong thời gian qua vì những vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo đó, ngày 26-4-2016, Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội có Kết luận thanh tra số 313/KL-TTr chỉ ra hàng loạt sai phạm đối với Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam như: Không thực hiện việc thông báo hoạt động theo quy định; không thực hiện việc báo cáo định kỳ sáu tháng đầu năm 2015 đối với Bộ Công Thương và Sở Công Thương theo quy định và cho duy trì nhiều mã số đối với một người tham gia bán hàng đa cấp…
Đặc biệt, kết luận thanh tra cũng cho thấy chênh lệch giá sản phẩm khi bán hàng đa cấp của công ty lên tới từ 50 đến 82 lần. Cụ thể, mức giá sản phẩm TruongGiang Liver được nhập với giá 18.000 đồng, TruongGiang Calcium nhập với giá 12.000 đồng, TruongGiang Calcium Kid nhập với giá 12.000 đồng, TruongGiang Queen nhập với giá 12.000 đồng và được bán lại cho người tham gia bán hàng đa cấp với giá 990.000 đồng (chưa có VAT). Mức chênh lệch giữa giá nhập-xuất bán từ 50 đến 82 lần.