Tính đến chiều 30/7 trận mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh đã làm 23 người chết và mất tích, tổng thiệt hại lên tới hơn 2.000 tỉ đồng (trong đó ngành than thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng). Bên cạnh công tác khắc phục, tỉnh cũng khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với đợt mưa lũ sắp tới.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 20-07-2016
- Cập nhật : 20/07/2016
Việt Nam có thể mất 6% GDP vào năm 2030 vì nắng nóng
Nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030, theo báo của của Liên Hợp Quốc.
Báo cáo của tổ chức Health and Environment International Trust thuộc Liên Hợp Quốc (UN) cho thấy có đến 43 quốc gia, đặc biệt là những nước ở châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia sẽ bị suy giảm về kinh tế do nắng nóng và thay đổi khí hậu.
Tổng GDP của Trung Quốc sẽ giảm 1% còn Indonesia là 6% vào năm 2030 do những tác động từ thời tiết.
Việc nhiệt độ ngày càng tăng tại khu vực Đông Nam Á cũng khiến tổng số giờ làm việc tại đây hàng năm giảm từ 15-20% và tỷ lệ này có thể tăng gấp đôi vào năm 2050.
Riêng với Việt Nam, nắng nóng có thể khiến GDP mất khoảng gần 6% trong khi những thiên tai khác khiến GDP mất gần 11% tính đến năm 2030.
Số liệu trong báo cáo cho thấy trong khoảng 1980-2012 đã có khoảng 2,1 triệu người trên toàn thế giới tử vong do ảnh hưởng trực tiếp từ khoảng 21.000 thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, bão hoặc cháy rừng...
Tổng chi phí nhằm giải quyết những thiệt hại trên đã vượt 4 nghìn tỷ USD, tương đương vưới tổng GDP của Đức hiện nay.
Với tình trạng nắng nóng, số giờ làm công sẽ giảm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Trong khi đó, những nước giàu sẽ phải chi tiêu nhiều nguồn lực tài chính hơn nữa nhằm đối phó với sự thay đổi này.
Tính đến năm 2030, tổng GDP của cả Ấn Độ và Trung Quốc có thể bị mất tới 450 tỷ USD.
Những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình là những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất từ thay đổi khí hậu dù họ không phải là nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính cũng như thải nhiều khí các bon. Trái ngược lại, những nước giàu, thủ phạm chính của thay đổi môi trường toàn cầu lại chịu tác động ít hơn từ nắng nóng.
Một số nước như Nga, Na Uy và Thụy Điển cũng sẽ chịu sự suy giảm về GDP do thời tiết mùa đông trở nên khắc nghiệt hơn.
Bên cạnh đó, thay đổi thời tiết chủ yếu tác động đến những ngành kinh tế kỹ thuật thấp hoặc thu nhập thấp, như ngành công nghiệp nặng, nông nghiệp hay sản xuất. Yếu tố này sẽ khiến khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia cũng như trong xã hội ngành càng bị nới rộng.
Ngoài ra, nhu cầu về điều hòa nhiệt độ tại các văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở sẽ tăng, qua đó gia tăng gánh nặng cho ngành năng lượng trên toàn cầu.
Ví dụ một thành phố có kích thước rộng như thủ đô Bangkok-Thái Lan cần thêm 2 GW điện cho mỗi 1 độ C tăng lên.
Hà Nội: Nợ đọng thuế lên tới gần 20.000 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục thuế Thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay nợ liên quan đến đất là 5.468 tỷ đồng; nợ thuế, phí là 7.353 tỷ đồng; nợ tiền chậm nộp thuế, phí, các khoản liên quan đến đất là 6.967 tỷ đồng…
Cơ quan thuế đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý nợ đọng thuế, phí, lệ phí, tuy nhiên, tính đến ngày 31.5.2016, tình hình nợ đọng vẫn còn tồn tại. Trong đó, nợ liên quan đến đất là 5.468 tỷ đồng; nợ thuế, phí là 7.353 tỷ đồng; nợ tiền chậm nộp thuế, phí, các khoản liên quan đến đất là 6.967 tỷ đồng. Riêng khoản nợ khó thu thuế, phí đã tăng 11,1% so với năm 2015, khoảng 1.867 tỷ.
Với những nỗ lực cố gắng của Cục Thuế, 6 tháng đầu năm 2016, đã thu nợ thuế được 7.433 tỷ đồng, góp phần tích cực vào thu ngân sách nhà nước. Nhờ đó, tổng thu nội địa 6 tháng ước thực hiện được 78.764 tỷ đồng, đạt 51% dự toán được giao, tăng 20,8% so với cùng kỳ.(CAND)
Tỏi Phan Rang tăng giá gấp đôi tỏi Lý Sơn
Vì lượng hàng khan hiếm nên tỏi Phan Rang có giá cao gấp đôi tỏi Lý Sơn, thậm chí gấp 3-4 tỏi loại 2,3.
Cô Dung, có gần nửa ha tỏi ở Phan Rang (Ninh Thuận) cho biết, năm nay hạn hán, tỏi mất mùa khiến sản lượng của gia đình chỉ đạt khoảng gần 3 tấn, giảm 50% so với vụ năm ngoái. Tuy nhiên, cũng chính vì sản lượng giảm mạnh nên giá tỏi tăng mạnh. Nếu năm ngoái tỏi bán tại vườn chỉ 70.000-80.000 đồng một kg thì nay tăng lên 150.000 đồng, thậm chí có thời điểm lên tới 180.000 đồng.
“Mặc dù giá tỏi cao ngất ngưởng nhưng sản lượng thu hoạch thấp nên sau khi trừ chi phí chúng tôi cũng chỉ đạt được mức lợi nhuận nhỏ. Nếu không khéo có thể bị lỗ vì tỏi năm nay chất lượng không được như mọi năm”, cô Dung nói.Không trồng nhiều như cô Dung, và chỉ sở hữu 2 sào tỏi Phan Rang, bà Hoà cũng cho biết, nếu năm ngoái một sào thu được 5 tạ thì năm nay chỉ khoảng 2 tạ. Do vậy, sản lượng 2 sào năm nay của gia đình bà giảm một nửa, chỉ đủ cung ứng cho các cửa hàng nhỏ lẻ.
Là chủ vựa chuyên mua bán tỏi ở Phan Rang, cô Sen ở thôn Mỹ Tường cho biết, năm nay tỏi mất mùa nên lượng thu gom chỉ đủ cung cấp cho thị trường trong nước chứ không bán cho các đơn vị xuất khẩu. Với giá thu mua tại vườn 150.000 đồng một kg tỏi loại một và 130.000 đồng (loại 2), tiểu thương này thường bán cho khách sỉ với giá khoảng 160.000-170.000 đồng.
“Vì hạn hán, thời tiết thiếu thuận lợi nên tỏi không được mọng như các mùa trước và hay bị hư hỏng nên khi thu mua về số lượng giảm đáng kể so với ban đầu, lợi nhuận có được cũng giảm so với năm ngoái. Mặt khác, nếu năm ngoái chúng tôi thu mua cả vụ tới trên chục tấn thì năm nay chỉ khoảng vài tấn”, cô Sen cho biết.
Cũng thu mua cả vụ với số lượng thấp, bà Lại cho biết năm nay chỉ gom được khoảng 3 tấn trong khi năm ngoái là 10 tấn. Nguyên nhân là do tỏi mất mùa nên sản phẩm trở nên khan hiếm. Ngoài ra, các sản phẩm loại một được các doanh nghiệp lớn thu mua xuất đi Mỹ, Nhật nên hàng lại càng hiếm hơn và giá sản phẩm này liên tục tăng. Nếu đầu vụ 100.000 đồng một kg thì chỉ sau 2 tháng đã lên đến 180.000 đồng một kg.
“Nếu năm ngoái vào thời điểm này, người dân ở Phan Rang có trữ lượng tỏi lớn thì tới nay số lượng còn rất ít”, cô Lại nói.
Chuyên cung cấp tỏi Phan Rang đến tay người tiêu dùng tại TP HCM và Hà Nội, Huỳnh Thị Mỹ Oanh, chủ cửa hàng bán đặc sản Phan Rang ở cư xá Bắc Hải, quận 10 (TP HCM) cho biết, hơn một tháng nay để có nguồn hàng bán cho khách, Oanh khá chật vật.
“Nếu năm ngoái cửa hàng có số lượng hàng để trữ thì năm nay nhập đến đâu bán hết đến đó. Nhiều lúc hết hàng phải cử người đi mua thêm nhưng số lượng rất hạn chế vì đa phần nguồn hàng được các thương lái lớn thu gom rất nhanh. Hiện trung bình mỗi tháng chỉ thu gom được hơn một tạ”, Oanh chia sẻ và cho biết thêm, hiện tại cửa hàng của cô bán một kg tỏi Phan Rang với giá 220.000. Đây cũng là mức giá cao nhất suốt 2 năm qua.
Nếu so sánh với tỏi Lý Sơn loại một thì giá tỏi Phan Rang đang gấp đôi, còn loại 2,3 thì cũng gấp 3-4 lần. Cô Lại cho biết đang thu mua tỏi Lý Sơn loại một với giá 90.000-100.000 đồng một kg, còn loại 2, 3 chỉ 50.000-60.000 đồng, nhưng tỏi vùng này tép nhỏ nên rất khó xuất khẩu. Còn tỏi Phan Rang loại một, nhà nhập khẩu rất ưa chuộng vì tép lớn, lại có dược tính cao, củ tròn căng mọng dễ chế biến tỏi đen. Do vậy, thời gian tới giá tỏi Phan Rang có thể sẽ tăng cao, nhất là thời điểm gần Tết. Bởi lẽ, đến tận tháng 2 năm sau mới đến vụ tỏi mới, trong khi đó, chỉ mới gần cuối tháng 7 lượng tỏi vùng này đã dần khan hiếm.
Kinh tế Việt Nam khó đạt mức tăng trưởng 6,7%
Chiều 19-7, WB đã công bố Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam. Bản báo cáo công bố sáu tháng một lần này của WB cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt 5,5%, thấp hơn mức 6,3% so với cùng kỳ.
WB giải thích nguyên nhân giảm tốc tăng trưởng đến từ những tác động bất lợi của đợt hạn hán và xâm nhập mặn. Việc thiên tai nặng nề liên tiếp xảy ra đã thực sự khiến GDP tăng trưởng chậm lại một cách gián tiếp bởi dù nông nghiệp chỉ đóng góp rất ít trong tăng trưởng GDP; song đây lại là nguồn nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành công nghiệp.
“Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 6%. Tốc độ này đã được WB điều chỉnh giảm 0,2% so với đầu năm” - ông Achim Fock, Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam, đánh giá.
Trước câu hỏi về quyết tâm giữ mức tăng trưởng 6,7% của Chính phủ Việt Nam, đại diện WB cho rằng mức này không thể đạt được. “Lý do Chính phủ giữ mức 6,7% có thể do chưa cập nhật các diễn biến hiện nay” - ông Achim Fock nói.
Về đề xuất thành lập một ủy ban quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, WB khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục công cuộc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó cần tái cơ cấu đầu tư công, giảm mất cân đối tài khóa,...
“Vấn đề hiện nay là phải thực hiện cam kết duy trì bền vững nợ công và tái tạo khoảng đệm tài khóa, bằng những hành động cụ thể. Tình trạng mất cân đối tài khóa tích tụ từ nhiều năm nay vẫn chưa mấy cải thiện. Thâm hụt ngân sách trung bình 6,7% GDP (kể từ 2012, số liệu WB) và nợ công gần chạm 65% GDP đang khiến thu chi ngân sách sáu tháng đầu năm 2016 rất căng thẳng” - ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng WB, đánh giá.