Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm tốc
Việt Nam - Hàn Quốc có nhiều mối quan hệ sâu sắc
Hà Nội thu ngân sách đạt trên 85 nghìn tỷ sau 6 tháng
EVNCPC: Đẩy mạnh thực hiện lưới điện thông minh
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 21-07-2016
- Cập nhật : 21/07/2016
Quan trọng ổn định giá trị đồng tiền
Cần xây dựng kênh đầu tư vàng với cơ chế hoạt động được quản lý chặt chẽ, giảm mạnh tình trạng buôn lậu vàng, đi liền với nó là các biện pháp truyền thông cho người dân về một nguồn lực vốn rất lớn có thể mang ra đầu tư sinh lời cao hơn nếu tích trữ vàng.
Huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế là một chủ trương đúng của Nhà nước. Vốn vàng trong dân là một trong những nguồn lực của xã hội, nhưng khơi gợi nguồn lực này để sinh lời hay huy động để đầu tư trong bối cảnh đất nước thiếu nguồn vốn đầu tư là vấn đề cần đặt ra.
Việc huy động vàng vật chất trong dân nước ta đã có những trải nghiệm. Trong một thời gian dài chúng ta đã từng cho phép các định chế tài chính huy động và cho vay vàng đi liền với việc nới lỏng quản lý thị trường vàng. Hậu quả của nó để lại cũng không nhỏ khi giá vàng thế giới tăng cao cùng với lạm phát gia tăng và kinh tế suy giảm.
Để khắc phục hậu quả này, nhiều giải pháp chính sách đã được triển khai, trong đó một khung pháp lý cho hoạt động thị trường vàng đã được thiết lập. Đáng kể nhất là sự ra đời của Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/04/2012, hoạt động quản lý thị trường vàng hướng tới mục tiêu bình ổn thị trường, chấm dứt tình trạng huy động và cho vay vàng trong hệ thống NH và chống hiện tượng vàng hóa nền kinh tế.
Sau hơn 4 năm Nghị định 24 đi vào cuộc sống, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thị trường vàng ổn định. Có thể nói Nghị định 24 đã thể hiện sự chắt lọc, kết tinh kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chính sách quản lý vàng của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam.
Điều đó được phản ánh rõ nét thông qua việc công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Nhà nước cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng theo quy định là một trong những nguyên tắc quản lý. Sự lựa chọn những nguyên tắc này là phù hợp với bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới của Việt Nam.
Thực tiễn tâm lý cất giữ vàng trong dân của người Việt Nam đã có từ lâu đời như Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng sử dụng biện pháp huy động vàng vật chất là không thành công. Chưa kể phải có lộ trình thực hiện mang tính trung và dài hạn với những giải pháp hướng tới mục tiêu hạn chế và làm cho người dân chán ghét giữ vàng.
Để đạt được mục tiêu này, một trong những điều kiện cần thiết là phải phát triển mạnh thị trường tài chính, tạo ra nhiều kênh đầu tư cho người dân và vàng chỉ được coi như là một kênh đầu tư chứ không phải là để tích trữ. Theo đó, cần xây dựng kênh đầu tư vàng với cơ chế hoạt động được quản lý chặt chẽ, giảm mạnh tình trạng buôn lậu vàng, đi liền với nó là các biện pháp truyền thông cho người dân về một nguồn lực vốn rất lớn có thể mang ra đầu tư sinh lời cao hơn nếu tích trữ vàng.
Để làm được những điều đó, bằng hành động cụ thể Chính phủ phải cho người dân tin tưởng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định giá trị đồng tiền. Trên cơ sở đó cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc điều tiết cung vàng theo Nghị định 24 để đảm bảo không có những cú sốc về biến động giá vàng quá lớn gây bất ổn thị trường, lay động lòng tin của thị trường.(TBNH)
Ông Nguyễn Văn Bình làm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc
Chiều 19/7, Lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ của Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã diễn ra tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định cho ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương giữ chức Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thay mặt Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định phân công ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật những kết quả khá toàn diện của Ban Chỉ đạo Tây Bắc đạt được trong 5 năm qua. Nổi bật là Ban Chỉ đạo đã có nhiều chuyên đề thiết thực huy động nhiều nguồn lực, nhiều hoạt động an sinh xã hội, góp phần phát triển vùng Tây Bắc.
Thủ tướng nhấn mạnh việc ông Nguyễn Văn Bình được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, vùng đất khó khăn nhất của cả nước thể hiện sự tín nhiệm và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục phát huy năng lực, phẩm chất, trí tuệ của mình, quyết liệt hơn, cùng với các thành viên Ban Chỉ đạo đưa các địa phương vùng Tây Bắc vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển cùng các vùng miền trong cả nước.
Trong quá trình hoạt động, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cần sát cơ sở, có nhiều biện pháp mới, thiết thực, vận dụng sáng tạo đường lối Đại hội XII của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ, đề xuất các chủ trương phát triển kinh tế- xã hội vùng Tây Bắc.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Bình trân trọng cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tin tưởng và tín nhiệm phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc. Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định sẽ nỗ lực cùng tập thể Ban Chỉ đạo Tây Bắc và lãnh đạo các địa phương trong vùng đoàn kết, đổi mới và sáng tạo trong công tác, đồng tâm, đồng lòng và quyết liệt trong hành động để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng giao, phấn đấu cùng với nhân dân các dân tộc và cấp ủy chính quyền các tỉnh vùng Tây Bắc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyết tâm phấn đấu từng bước tháo gỡ những khó khăn trong vùng để đưa Tây Bắc phát triển.
Khi thế chấp là động sản
Quy trình thi hành án và phát mãi tài sản là nợ vay do bên vay không đủ khả năng thanh toán sẽ tiếp tục đeo bám NH trong những năm tới nếu NH vẫn cho vay lệ thuộc vào tài sản thế chấp là động sản.
Ngày 19/7, trong buổi tọa đàm Giải quyết tranh chấp tín dụng tại tòa án và xử lý tài sản đảm bảo do Hiệp hội NH (VNBA), Tòa án tối cao và IFC tổ chức tại TP.HCM, ông Dương Thanh Minh, Câu lạc bộ Pháp chế NH thuộc VNBA đưa ra một thực trạng: có từ 20-30% các khoản vay trong NH hiện nay trên thị trường được thế chấp bằng động sản (kho cà phê, các mặt hàng tôm, cá…).
Nguyên do các khoản vay có tài sản đảm bảo bằng động sản hiện đang ở mức thấp do các NH thiếu nhân sự thẩm định, vì thẩm định tài sản là động sản phải hiểu được chất lượng của nó mới có thể định giá chính xác. Từ đó dẫn đến 80% tài sản đảm bảo nợ vay của các NH hiện vẫn là bất động sản.
Trong khi các quy định về giao dịch đảm bảo trong hơn 10 năm qua liên tục thu hẹp lại quyền bán tài sản đảm bảo nợ vay của các NH khi khách hàng không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay và vốn gốc.
Tân Tổng thư ký VNBA Nguyễn Toàn Thắng cho rằng: “hoạt động tín dụng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi phát sinh nợ xấu trong quá trình cho vay là điều khó tránh khỏi. Trong những năm gần đây do kinh tế khó khăn nên việc xử lý nợ được ngành NH đặt lên nhiệm vụ trọng tâm nhưng xử lý nợ còn chậm”.
Theo con số thống kê của cơ quan tòa án, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 11.000 vụ án tranh chấp liên quan đến hoạt động tín dụng. Ông Jinchang Lai, Trưởng nhóm cơ sở hạ tầng tài chính khu vực Đông Á của IFC nhìn nhận: thực tế ở những quốc gia tương đồng như Việt Nam, các NH thường có thói quen giải quyết tranh chấp tại tòa là cứu cánh cuối cùng vì phán quyết của tòa sẽ tạo ra công bằng, nhưng NH thường tránh những thủ tục phức tạp tại toà trong việc giải quyết tranh chấp một khoản vay.
“Chúng ta nắm tài sản đảm bảo nhưng lại rất ít khi lấy lại được 100% giá trị tài sản đảm bảo. Mỗi năm có đến 170 ngàn vụ việc giao dịch bảo đảm đủ thấy rằng khó có thể giải quyết hết được? Chúng ta phải xác định ngay từ khi ký kết là phải định giá trên một tài khoản khác đối với các khoản phải thu vào tài khoản này và hệ thống tòa án sẽ tôn trọng trên hợp đồng này” - ông Jinchang Lai gợi ý.
Bộ Luật Dân sự mới 2015 chính thức có hiệu lực đầu năm 2017 được ông Hồ Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp thông tin bổ sung nhiều điểm đáng chú ý trong tranh chấp và xử lý tài sản đảm bảo nợ vay NH. Tuy nhiên các luật sư cho rằng, quy trình thi hành án và phát mãi tài sản là nợ vay do bên vay không đủ khả năng thanh toán sẽ tiếp tục đeo bám NH trong những năm tới nếu NH vẫn cho vay lệ thuộc vào tài sản thế chấp là động sản.(TBNH)
HSBC cam kết tiếp tục đầu tư và hoạt động tích cực tại Việt Nam
Mới đây, tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã có buổi tiếp ông Kevan Watts - Phó Chủ tịch Ngân hàng HSBC.
Tại buổi tiếp, ông Kevan Watts cảm ơn NHNN đã hỗ trợ cho các hoạt động của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam.
Ông Kevan Watts báo cáo Phó Thống đốc tình hình hoạt động của HSBC trên toàn cầu cũng như tại thị trường Việt Nam và định hướng cũng như kế hoạch phát triển của Ngân hàng này trong thời gian tới.
Ngoài ra, ông Kevan Watts đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường mà Ngân hàng HSBC sẽ tiếp tục dành nhiều nguồn lực đầu tư trong thời gian tới, đồng thời cam kết tiếp tục hoạt động tích cực và tuân thủ các quy định của Việt Nam.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao các kết quả hoạt động và việc tuân thủ luật pháp của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam.
Phó Thống đốc cho rằng với tư cách là một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại thị trường Việt Nam, Ngân hàng HSBC đang có những định hướng kinh doanh và phát triển phù hợp với môi trường, văn hóa, tập quán của thị trường.
Đồng thời, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tin tưởng, HSBC sẽ phát triển bền vững và đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước hoạt động lành mạnh và hiệu quả tại Việt Nam.(TBNH)