7 tháng đầu năm 2016: Giá trị SXCN tỉnh Hậu Giang đạt 52% kế hoạch năm
Bộ Công thương: Ưu tiên các dự án điện hoàn thành năm 2016
Gần 300.000 người bị ảnh hưởng vì cá chết ở miền Trung
Liên đoàn Lao động muốn tăng lương tối thiểu gấp đôi giới chủ
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 21-07-2016
- Cập nhật : 21/07/2016
Vì sao một phó chủ tịch Hải Phòng chưa được phê chuẩn?
Ngày 19/7, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Chính phủ đang làm quy trình phê chuẩn chức danh phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng đối với ông Lê Khắc Nam.
Trước đó, ngày 29/6, kỳ họp thứ nhất HĐND TP Hải Phòng khóa 15 đã bầu ông Nguyễn Văn Tùng - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP khóa 14 giữ chức Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khóa 15,nhiệm kỳ 2016- 2021. Ba phó chủ tịch UBND TP khóa 14 gồm các ông Lê Khắc Nam, Nguyễn Xuân Bình, Lê Thanh Sơn cũng tái đắc cử chức phó chủ tịch UBND TP.
Tuy nhiên, ngày 13/7, Thủ tướng đã có quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử chức danh phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhiệm kỳ 2016-2021 đối với các ông Nguyễn Xuân Bình, Lê Thanh Sơn. Riêng ông Lê Khắc Nam vẫn chưa có tên trong quyết định phê chuẩn.
Việc chưa phê chuẩn ông Lê Khắc Nam khiến dư luận cho rằng do ông có liên quan đến một dự án nhạc nước. Cụ thể, ông Nam là một trong ba cá nhân vừa bị UBKT Trung ương đề nghị xem xét, xử lý kỷ luật vì có liên quan đến sai phạm trong phê duyệt đầu tư Dự án nhạc nước trên hồ Tam Bạc (Hải Phòng) có tổng mức đầu tư 194 tỷ đồng bằng nguồnvốn ngân sách.
Theo đó, UBKT Trung ương kết luận ông Nam cùng ông Dương Anh Điền-nguyên Chủ tịch UBND TP, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Đoàn Duy Linh-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP Hải Phòng đã thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, vi phạm quy định lựa chọn nhà thầu, quản lý đầu tư, chi phí, hợp đồng dự án nhà nước.
Đến nay dự án nhạc nước chưa thể nghiệm thu, quyết toán, bàn giao đưa vào sử dụng theo đúng mục tiêu, làm thất thoát, lãng phí ngân sách, gây dư luận xấu tại địa phương. Theo UBKT Trung ương, những vi phạm của các cá nhân đã đến mức phải xem xét áp dụng hình thức kỷ luật.
Phê duyệt “hỏa tốc”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó, cuối tháng 10/2014, tại cuộc họp với Công ty TNHH Sơn Lâm (trụ sở tại Hà Nội), ông Dương Anh Điền, khi ấy là Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, đã chấp thuận đề xuất lắp đặt hệ thống nhạc nước kết hợp ánh sáng tại hồ Tam Bạc của Công ty Sơn Lâm. Đến ngày 3/11/2014, ông Điền đã giao Công ty Sơn Lâm chủ trì thiết kế, thi công công trình này.
Ngày 1/12/2014, ông Điền ký quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết hồ Tam Bạc để triển khai dự án nhạc nước. Đồng thời, phân công ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án nhạc nước.
Cụ thể, cùng ngày 5/12/2014, khi các cơ quan chức năng trình nội dung thẩm định dự án, ông Điền đã “bút phê” chỉ đạo để ông Nam ký quyết định phê duyệt dự án nhạc nước với tổng mức đầu tư 194 tỷ đồng, đúng bằng mức dự toán Công ty Sơn Lâm trình. Ngày 9/1/2015, khi UBND TP Hải Phòng đề xuất lựa chọn nhà thầu thi công dự án với duy nhất Công ty Sơn Lâm, trong cùng ngày, Thành ủy Hải Phòng (lúc này ông Điền đã làm Bí thư Thành ủy) ra văn bản đồng ý và ông Nam ký quyết định phê duyệt cho Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch lựa chọn Công ty Sơn Lâm làm nhà thầu thiết kế, thi công, cung cấp, lắp đặt thiết bị cho dự án nhạc nước.
Dịp lễ 30/4/2015, công trình nhạc nước được thiết kế theo kiểu bè nổi bằng thép đặt dưới lòng hồ Tam Bạc đã được đưa vào sử dụng. Đến nay, sau hơn một năm hoạt động, dự án này vẫn đang phải “bảo hành”, chưa thể bàn giao. Một số thiết bị công trình đã có dấu hiệu hoen gỉ.(Tienphong)
Cần giải pháp đồng bộ thúc đẩy xuất khẩu cuối năm
Ngày 19/07/2016 đã diễn ra Hội nghị Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm 2016 do Bộ Công thương chủ trì với sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng và gần 300 doanh nghiệp (DN) diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.
Số liệu của Tổng Cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 đạt 82,13 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm nông lâm thủy sản đạt 13,63 tỷ USD, tăng 4,1%, nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt 1,65 tỷ USD, giảm mạnh 39,4%, nhóm công nghiệp chế biến đạt 62,59 tỷ USD, tăng 8,7%.
Theo Bộ Công thương, kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng trưởng chưa cao là do nhiều nguyên nhân như giá xuất khẩu giảm, nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản sụt giảm về nhu cầu nhập khẩu...
Dự báo, trong 6 tháng cuối năm nay, dù theo chu kỳ xuất khẩu luôn cao hơn đầu năm, tuy nhiên tình hình ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, khiến kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng trưởng chậm.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, để phát triển thị trường xuất khẩu hàng hóa, ngoài các giải pháp cụ thể đối với từng ngành hàng, cần nhiều giải pháp đồng bộ của các Bộ, ngành như quy hoạch vùng nguyên liệu đảm bảo cung ứng lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, ổn định.
Đồng thời, rà soát cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ chế biến cao, phát triển công nghiệp phụ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực thuế, hải quan, tiền tệ, lãi suất cho DN.
Tổng Bí thư: Kiểm tra nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nếu có dấu hiệu vi phạm
Đồng ý với những kết luận của UB Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo điều tra làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng ở TCTy Xây lắp Dầu khí thời ông Thanh làm Chủ tịch, yêu cầu kiểm tra với nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến vị Tỉnh uỷ viên Hậu Giang….
Văn phòng Trung ương Đảng vừa có văn bản số 1578 gửi tới nhiều cơ quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các công việc cần làm tiếp sau khi có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh – Tỉnh uỷ viên Tỉnh uỷ Hậu Giang, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh này.
Tổng Bí thư yêu cầu 3 Bộ, ngành, 4 Ban Đảng, Tập đoàn Dầu khí quốc gia và tỉnh Hậu Giang làm tiếp nhiều việc.
Tổng Bí thư giao Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thường vụ Đảng uỷ và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hậu Giang, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ có sự tham gia của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm đã nêu trong kết luận kiểm tra của UB Kiểm tra Trung ương vừa qua.
Tổng Bí thư giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, đánh giá các quy định, quy trình về công tác cán bộ để sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ.
Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có sự tham gia của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương được yêu cầu tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trong việc thẩm định, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương Lao động trong 2 năm liền (năm 2009 và 2010) và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (năm 2011).
Tổng Bí thư giao Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành công an điều tra làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011 - 2013) ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Đảng uỷ Công an Trung ương cũng được yêu cầu chỉ đạo xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc cấp biển số xe công trái quy định, rà soát, thu hồi biển số xe công (biển xanh) đã được cấp và sử dụng trái quy định.
Đối với những việc thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định (tiến hành quy trình xem xét kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh), Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét lại việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Tổng Bí thư nhấn mạnh nội dung chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và một số cá nhân; kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng - nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.
“Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cần chỉ đạo chặt chẽ các đoàn kiểm tra xem xét, kết luận bảo đảm đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, công tâm, khách quan, trong sáng, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào” – văn bản nhấn mạnh chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Cơ quan này cũng được yêu cầu chỉ đạo tiến hành khẩn trương các công việc được giao và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.
Đưa ra 3 phương án tăng lương tối thiểu năm 2017
Trưa ngày 20-7, sau phiên họp buổi sáng của Hội đồng tiền lương Quốc gia tại quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) để bàn phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2017, ông Lê Đình Quảng - Trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng tiền lương Quốc gia - cho biết kết thúc phiên họp buổi sáng bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đã đưa ra 3 phương án tăng lương tối thiếu vùng năm tới.
Phương án thứ nhất là tăng mức lương tối thiểu tại mỗi vùng lên khoảng 10%, ở mức tăng thêm từ 250.000-350.000 đồng/tháng. Phương án thứ hai có mức tăng thấp hơn là từ 230.000-300.000 đồng/tháng và phương án ba ở mức thấp hơn nữa là từ 100.000 - 200.000 đồng/tháng.
Thay mặt cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trình bày tại phiên họp, ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - đề xuất phương án tăng lương tối thiểu ở mức tuyệt đối là từ 250.000-400.000 đồng, với tỉ lệ tăng bình quân là khoảng 11,11%.
Theo ông Quảng, do thời gian có hạn nên trong phiên thương lượng buổi sáng 20-7 phía đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn chưa trình bày được phương án đề xuất tăng lương.
Dự kiến, trong chiều nay 20-7 sẽ tiếp tục thảo luận về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.(NLĐ)
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự lãnh đạo TP.HCM
Như vậy đến thời điểm hiện tại, bộ máy lãnh đạo của TP lớn nhất nước đã được kiện toàn cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.
Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, ngày 19/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng phê chuẩn kết quả bầu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với bà Nguyễn Thị Thu và các ông Lê Thanh Liêm, Lê Văn Khoa, Trần Vĩnh Tuyến, Huỳnh Cách Mạng.
Trước đó, trong Kỳ họp lần thứ Nhất, HĐND TP.HCM khóa 9, ông Nguyễn Thành Phong đã được các đại biểu bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP với tỷ lệ đồng ý đạt 97,14%. Trong khi đó các Phó Chủ tịch cũng có tỷ lệ đồng ý rất cao.
Cụ thể là bà Nguyễn Thị Thu đạt 87,61%, ông Lê Thanh Liêm đạt 94,28%; ông Lê Văn Khoa đạt 94,28%; ông Trần Vĩnh Tuyến đạt 92,38%; ông Huỳnh Cách Mạng đạt 88,57%.