Việt Nam chưa đủ sẵn sàng cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới
Ngân sách khó khăn, hàng loạt dự án vẫn tăng vốn đầu tư hơn 100%
Quỹ bình ổn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tiếp tục giảm 55 tỷ đồng
5 kiến nghị chính từ cộng đồng doanh nghiệp
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 21-07-2016
- Cập nhật : 21/07/2016
Tốc độ nợ công tăng nhanh
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 cho thấy dư nợ công đến ngày 31-12-2014 là 2.284.882 tỉ đồng, bằng 58,02% GDP.
Trong đó, nợ Chính phủ là 1.826.777 tỉ đồng, bằng 46,4% GDP, chiếm 79,95% nợ công; nợ được Chính phủ bảo lãnh là 422.640 tỉ đồng, chiếm 18,5% nợ công và nợ chính quyền địa phương là 35.465 tỉ đồng, chiếm 1,55% nợ công.
Qua kiểm toán cho thấy chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nợ công từng bước được tăng cường, các chỉ tiêu nợ công năm 2014 so với GDP trong phạm vi giới hạn Quốc hội cho phép (thấp hơn 65% GDP - PV). Song, danh mục nợ công tuy phù hợp với quy định của Luật Quản lý nợ công nhưng có thể bị trùng lặp hoặc chưa đầy đủ các khoản nợ của Chính phủ; tốc độ nợ công tăng nhanh; công tác tổ chức quản lý nợ công phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp, lập báo cáo. Đáng lưu ý, Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng làm cơ sở để Kiểm toán Nhà nước xác nhận số dư nợ công đến cuối năm 2014 tại Báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ năm 2014.
Báo cáo cũng cho thấy tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương được kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị 21/50 tỉnh, TP được kiểm toán bố trí hoàn trả lại nguồn 1.608 tỉ đồng. Ngoài ra, còn địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí và không còn kết dư ngân sách dẫn đến một số nhiệm vụ chi theo quy định được chuyển nguồn nhưng không có nguồn bảo đảm để chi chuyển nguồn.
Về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, cơ quan kiểm toán nêu rõ một số đơn vị được kiểm toán chưa tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành về mua sắm, sửa chữa tài sản, vượt định mức về số lượng ô tô. Trong đó, một số đơn vị thuộc Bộ Y tế sử dụng vượt 17 ô tô so với định mức, Viện Pháp y tâm thần trung ương vượt 1 xe, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vượt 3 xe...
Vì sao chủ dự án Flamingo Đại Lải nợ “sổ đỏ”?
Nhiều chủ biệt thự ở Resort 5 sao Flamingo như ngồi trên lửa khi tiền đã trả hết nhưng chưa nhận được sổ đỏ.
Trong khi đó, ban quản lý liên tục thay đổi các quy định kinh doanh, khiến họ không thể cho thuê nhà hưởng lợi nhuận như lời hứa ban đầu.
Thấp thỏm chờ “sổ đỏ”
Trước những khúc mắc chưa được xử lý giữa chủ biệt thự và chủ dự án, một số chủ biệt thự tại Flamingo Đại Lải (FDL) cho biết, muốn “dứt áo ra đi” nhưng khó bán nhà vì chưa có sổ đỏ.
Anh H. chủ căn biệt thự trị giá gần 10 tỷ đồng cho hay, mặc dù hợp đồng ghi rõ chủ đầu tư dự án FDL có trách nhiệm làm thủ tục với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên mua sau khi nhận thanh toán tiền đợt 2. Tuy nhiên, sau khi thanh toán 100% giá trị hợp đồng, hai năm nay, anh vẫn chưa được cầm “sổ đỏ”. “Trong công văn trả lời kiến nghị của các chủ biệt thự, FDL cho biết: Căn cứ quy hoạch đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt, Khu du lịch Flamingo Đại Lải resort được quy hoạch là khu du lịch chứ không phải là khu đô thị. Họ nói tháng 9 tới sẽ cấp “sổ đỏ”, chúng tôi lại tiếp tục thấp thỏm chờ đợi”, anh H. nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Tuệ Minh, PGĐ Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho biết: “Mới chỉ nhận được vài hồ sơ của chủ đầu tư FDL đề nghị cấp “sổ đỏ” song chưa thể giải quyết vì chủ đầu tư chưa hoàn tất hồ sơ theo đúng thủ tục pháp lý”.
Theo ông Minh, muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê, chủ đầu tư FDL phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; Đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; Đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải...
Ngoài ra, FDL cũng phải hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có)...
Mang thông tin này trao đổi với FDL, ngày 19/7, đại diện FDL khẳng định với PV Báo Giao thông đã hoàn thành thủ tục để được cấp “sổ đỏ”. “Một số chủ sở hữu mua đất (không có tài sản trên đất) đã nhận được “sổ đỏ” do Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc cấp. Riêng đối với các chủ biệt thự khác (đất gắn liền với tài sản) thì thủ tục sẽ lâu hơn vì liên quan đến việc kiểm tra công trình xây dựng trên đất của Sở TN&MT và Sở Xây dựng”, vị đại diện này giải thích và cam kết, tháng 9, khoảng 95% hộ mua biệt thự tại FDL sẽ được cấp “sổ đỏ”(!?)
Chủ đầu tư phủ nhận o ép người mua nhà
Cũng trong cuộc làm việc với Báo Giao thông, ông Đoàn Mạnh Cường, Trưởng phòng Pháp chế Công ty CP Hồng Hạc Đại Lải (đơn vị chủ đầu tư FDL) phủ nhận hoàn toàn việc chủ biệt thự tố bị o ép trong sử dụng và kinh doanh chính tài sản của mình.
“FDL chưa hề nhận được đơn thư phản ánh của các chủ biệt thự”, ông Cường cho biết và thông tin: “Đang nhờ cơ quan chức năng điều tra những thông tin trên mạng xã hội gây mất uy tín của chủ đầu tư”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, ngay trong năm 2015, kể từ khi FDL ban hành quy chế quản lý biệt thự mới, siết lại quyền kinh doanh của chủ biệt thự, ít nhất đã có 5 lần cộng đồng dân cư tại đây gửi đơn phản đối. Trong một lần phản hồi lại, FDL đã bác bỏ toàn bộ nội dung kiến nghị này.
Thậm chí, bà Trần Thị Ngọc Linh (cựu chủ nhà C17 Bách Thanh) do không chấp nhận tham gia chương trình kinh doanh do FDL đưa ra, đã bị chủ đầu tư đơn phương ngừng cung cấp điện, nước. Sau nhiều lần kiến nghị không được, bà Linh đã làm đơn tới cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc.
Gần đây nhất, ngày 28/6, hơn 20 chủ biệt thự tại FDL cùng đứng tên ký đơn đề nghị FDL lùi chương trình “Biệt thự vui vẻ” cho tới khi thống nhất cách thức hợp tác cũng như giải quyết các mâu thuẫn hiện có như bỏ quy định hạn chế quyền kinh doanh; Xem lại giá trị pháp lý của bản quy chế ra sau thời điểm hợp đồng mua bán đã được ký kết, nhanh chóng trả sổ đỏ cho khách hàng theo đúng hợp đồng...
Phản hồi kiến nghị này, FDL cho rằng, có thể tiếp tục điều chỉnh điều kiện kinh doanh bất cứ khi nào khi có sự thay đổi về thị trường...(Giaothong)
Tiến hành thanh tra việc cấp phép xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội
Thanh tra Bộ Xây dựng vừa ra quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp Giấy phép Xây dựng tại Thành phố Hà Nội.
Theo quyết định, Đoàn thanh tra có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng tại Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội.
Qua thanh tra, phát hiện những vướng mắc, tồn tại của cơ chế chính sách để đề nghị bổ sung, sửa đổi; kiến nghị xử lý các tổ chức cá nhân có sai phạm (nếu có); báo cáo Chánh Thanh tra, trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng xử lý theo quy định pháp luật.
Quyết định thanh tra được căn cứ theo Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15/11/2010; Nghị định số 26/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành xây dựng; Quyết định 1366/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2016…
Thời gian thanh tra sẽ được Đoàn thanh tra tiến hành theo đúng quy định pháp luật.
Cộng đồng start-up dậy sóng, Bộ Tư pháp hứa xem xét sửa điều 292
Bộ Tư pháp khẳng định sẽ có công văn gửi một số bộ nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý...
Bộ Tư pháp vừa có trả lời chính thức với kiến nghị của cộng đồngdoanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) về điều 292 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thời gian gần đây, đã có nhiều ý kiến đề nghị Bộ Tư pháp rà soát lại điều 292 của Bộ luật Hình sự năm 2015 - tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, đặc biệt là quy định tại điểm e, khoản 1 điều 292 về “các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật”, vì cho rằng quy định này có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng nên không khuyến khích, thậm chí là “rào cản” đối với sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trả lời chính thức về vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết, thứ nhất, điều luật này được bổ sung trên cơ sở đề xuất của các cơ quan thực thi pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng Internet để phạm tội trong thời gian vừa qua.
Điều luật này cũng đã được lấy ý kiến của các bộ, ngành hữu quan và các bộ ngành này đều thống nhất với quy định tại điều 292 Bộ luật Hình sự 2015.
Thứ hai, mục đích của quy định này nhằm bảo vệ hoạt động kinh doanh lành mạnh (trong đó có hoạt động kinh doanh sử dụng mạng máy tính, mạng Internet) đúng pháp luật; răn đe, phòng ngừa các vi phạm, lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực kinh doanh này.
Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung điều 292 quy định về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông để xử lý đối với hành vi cung cấp trái phép trên mạng (tức là không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung được cấp phép) một trong các dịch vụ sau đây: (1) kinh doanh vàng trên tài khoản; (2) sàn giao dịchthương mại điện tử; (3) kinh doanh đa cấp; (4) trung gian thanh toán; (5) trò chơi điện tử trên mạng; (6) các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 1 điều 292, chỉ xử lý hình sự về tội này trong trường hợp người phạm tội thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc có doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên. Nếu dưới mức này thì sẽ xử lý bằng các biện pháp khác.
Thứ ba, về nội dung kiến nghị của đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp về đề nghị rà soát lại điều 292, nhất là quy định tại điểm e, khoản 1 điều 292 “các loại dịch vụ khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định của pháp luật”, Bộ Tư pháp cho rằng, đề xuất này cần phải được nghiên cứu nghiêm túc, trên cơ sở tham khảo của các bộ, ngành nhất là các cơ quan thực thi pháp luật, để không cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
Bộ Tư pháp khẳng định sẽ có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị các bộ này nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý, gửi kết quả về Bộ Tư pháp để tổng hợp, trình ban soạn thảo dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, thông tin và mời đại diện cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để trao đổi, thảo luận kỹ các nội dung nêu trên trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định.