tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 18-04-2016

  • Cập nhật : 18/04/2016

Khô hạn gây sụp đất kinh hoàng ở Cà Mau

Nắng hạn gay gắt, kênh rạch trơ đáy đã gây hàng loạt vụ sụp đất, đứt đường, nhà cửa, cây cối… vùi sâu xuống đất. Nhiều gia đình ở Cà Mau bị đẩy vào cảnh màn trời chiếu đất.

Khoảng 2 giờ ngày 15/4, vụ sụp đường giao thông tại ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình (Trần Văn Thời) làm đứt mạch tuyến giao thông từ tỉnh lộ Cà Mau đến xã Khánh Bình Đông.

Bà Nguyễn Hồng Xuân có quán cóc bán nước giải khát cạnh con đường bị sụp lún sâu hơn 3 m, kể lại: “Thấy cảnh tượng con đường lớn đổ sụp giữa đêm khuya nên gọi vợ chồng người em dậy, kéo dây điện, mắc bóng đèn sáng, khiêng cây để cảnh báo người đi đường tránh tai nạn”.

 

 

Sông rạch vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đã phơi đáy, giao thông đường thủy tê liệt nhiều tháng qua.

Ông Phạm Văn Vẹn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình cho biết, đoạn đường cấp V đi qua xã Khánh Bình khoảng 2,5 km, phần lớn nằm ở xã Khánh Bình Đông (Trần Văn Thời).

Ông Vẹn nói: “Đoạn đường sụp 25m, ngang 8m và sâu hơn 3m. Chúng tôi phối hợp với UBND xã Khánh Bình Đông mở đường mới cho người dân lưu thông tạm”.

Tại xã Khánh Hải (Trần Văn Thời) xảy ra 12 vụ sụp lở đất tại trung tâm Chợ Khánh Hải, đường giao thông liên xã và đường nông thôn đã vùi lấp đường xá, nhà cửa, công trình công cộng.

Ngày 17/4, ông Trần Triều Tiên, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải (Trần Văn Thời) nói: “Chúng tôi không nghỉ, phải làm đường suốt mấy ngày nay vì sụp đất xảy ra liên tục, đang lan rộng”.

 Nhà cửa, công trình dân dụng bị phá hủy do sụp đất tại Chợ xã Khánh Hải.

Nhà cửa, công trình dân dụng bị phá hủy do sụp đất tại Chợ xã Khánh Hải.

Hàng hóa, vật tư, lương thực thực phẩm…mùa khô hạn ở huyện Trần Văn Thời nhờ các tuyến đường nông thôn, đường liên xã, liên huyện vùng ngọt hóa Cà Mau bị tắc nghẽn. Những tháng qua, sông rạch cạn kiệt, giao thông đường thủy cũng tê liệt.

Ông Cao Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Đông nói: “Tuyến đường ô- tô duy nhất về xã Khánh Bình Đông đã đứt, hàng hóa vận chuyển đến xã phải chuyển xuống xe hai bánh, xe thô sơ, mang vác bộ”.

 Nhiều đoạn đường sụp lún sâu hơn 3m

Nhiều đoạn đường sụp lún sâu hơn 3m

 Dân quân tự vệ mở đường tạm cho người dân tại ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình.

Dân quân tự vệ mở đường tạm cho người dân tại ấp Rạch Cui, xã Khánh Bình.

 Người dân đi bằng xe máy, xe thô sơ bằng con đường tạm vừa mở.

Người dân đi bằng xe máy, xe thô sơ bằng con đường tạm vừa mở.

Ngày 17/4, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay, đã chỉ đạo Sở Khoa học- Công nghệ, Sở NN- PTNT, Sở GT- VT Cà Mau cử bán bộ khảo sát, tìm nguyên nhân sụp lở đất tại huyện Trần Văn Thời.

Trong khi đó, theo ông Dương Hoài Nam, Giám đốc Sở GTVT Cà Mau, do khô hạn, nước ngấm đất không còn tạo thành vùng rỗng nên xảy ra sụp đất. "Trước mắt, chúng tôi mở đường tạm lưu thông và sẽ đầu tư gia cố, sửa chữa những tuyến đường bị sụp", ông Dương Hoài Nam nói.

 


Việt Nam đề nghị Trung Quốc hợp tác phát triển bền vững sông Mekong

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung có cuộc gặp thường niên với người đồng cấp Trung Quốc Lưu Chấn Dân bàn về thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đề nghị cùng phát triển bền vững sông Mekong.
thu truong ngoai giao le hoai trung. anh: ttxvn.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung. Ảnh: TTXVN.

Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung có cuộc gặp thường niên với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân trong hai ngày 16 và 17/4 tại thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc. Cuộc gặp tập trung trao đổi việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực và vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa hai nước.

Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao, mở rộng giao lưu hữu nghị nhân dân, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi, kiểm soát tốt và giải quyết thỏa đáng bất đồng. Hai bên cần triển khai các biện pháp thiết thực thúc đẩy thương mại song phương phát triển ổn định, cân bằng và bền vững.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhắc đến việc Trung Quốc tăng lưu lượng xả nước xuống hạ lưu sông Mekong hỗ trợ khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Ông đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác lâu dài trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, Trung Quốc cho biết sẽ xả nước ở đập Cảnh Hồng xuống hạ lưu sông Mekong ở mức 1.200 m3/s từ ngày 11/4 đến ngày 20/4. Từ ngày 21/4 đến hết mùa khô, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng lưu lượng nước xả ra, căn cứ vào lượng nước ở thượng nguồn và an ninh điều tiết mạng lưới điện của nước này.

Hồi giữa tháng ba, Bắc Kinh thông báo xả lượng nước đạt 2.190 m3/s xuống hạ lưu sông Mekong, gấp đôi lưu lượng thông thường hàng năm. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trong tuần đầu tháng 4 đã đón nhận lượng nước này, góp phần hỗ trợ cứu hạn và chống xâm nhập mặn.

Thứ trưởng Ngoại giao hai nước nhất trí tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban liên hợp về biên giới trên đất liền Việt - Trung, thực hiện tốt và sớm tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện ba văn kiện về quản lý biên giới trên đất liền, cùng duy trì ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực biên giới hai nước.

Hai bên cũng trao đổi về vấn đề trên biển, nhất trí thúc đẩy các cơ chế đàm phán hiện có đạt tiến triển thực chất, nỗ lực triển khai những dự án hợp tác hai bên đã thỏa thuận.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung bày tỏ quan ngại sâu sắc của Việt Nam trước tình hình căng thẳng và hệ lụy của những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, Ông yêu cầu hai bên cần tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc", kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm cùng các nước ASEAN hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).


Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ hy sinh, vợ Việt được nhập tịch để nhận trợ cấp

ba vu thuy tuong vi le ben canh linh cuu chong tai tang le duoc to chuc o tru so so canh sat diyarbakir hoi thang 8.2015 - anh: daily sabah

Bà Vu Thuy Tuong Vi Le bên cạnh linh cữu chồng tại tang lễ được tổ chức ở trụ sở Sở Cảnh sát Diyarbakir hồi tháng 8.2015 - Ảnh: Daily Sabah

Báo Daily Sabah ngày 17.4 đưa tin Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu vừa đặc cách cấp quyền công dân cho một phụ nữ người Việt là vợ sĩ quan cảnh sát thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ.
Ông Davutoglu ngày 15.4 đã chỉ đạo giới chức bắt đầu tiến trình cấp quyền công dân cho bà Vu Thuy Tuong Vi Le, vợ của sĩ quan cảnh sát Tansu Aydin, sau khi biết rằng bà Vi Le không thể nhận được tiền trợ cấp hàng tháng dành cho gia đình liệt sĩ (chồng bà hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ) do chưa phải là công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Aydin, một sĩ quan cảnh sát giao thông, đã bị các tay súng thuộc tổ chức đảng Công nhân người Kurd (PKK) tấn công sau khi nhận thông tin giả về một vụ tai nạn tại tỉnh Diyarbakir, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, hồi tháng 8.2015. Ông Aydin sau đó đã được chôn cất tại thành phố quê nhà Zonguldak thuộc tỉnh cùng tên.
Sau vụ tấn công, chính quyền Diyarbakir đã bắt giữ 17 nghi phạm liên quan vụ tấn công, theo tờ Hurriyet Daily News.
Theo luật Thổ Nhĩ Kỳ, người nước ngoài kết hôn với công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 năm và vẫn sống chung với người đó có thể đăng ký xin nhập tịch. Tuy nhiên, bà Vi Le chỉ mới kết hôn với ông Aydin được 2 tháng tính đến thời điểm ông qua đời nên không đủ điều kiện nhận lương.
PKK, tổ chức bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU liệt vào danh sách khủng bố, đã nối lại chiến dịch vũ trang kéo dài 30 năm chống nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7.2015. Kể từ đó, hơn 350 thành viên lực lượng an ninh và hàng ngàn tay súng PKK đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc nước láng giềng Iraq.

Hạn, mặn gây thiệt hại gần 5.600 tỷ đồng

Đại hạn, mặn xâm thực ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung bộ khiến nhiều triệu người sống khổ sở và gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Báo cáo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai cho biết khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu thiệt hại 5.572 tỷ đồng, thống kê đến ngày 17/4.

Tại 3 khu vực này có 338.849 hộ thiếu nước sinh hoạt, gần 260.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Hơn 160.000 ha cây công nghiệp, ăn trái mất trắng, diện tích nuôi trồng thủy sản thất thu hơn 4.500 ha.  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Thủ tướng hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng trong hai đợt cho các địa phương ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ Quốc phòng huy động lực lượng chở nước sạch hỗ trợ người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

dai han khien ho nuoc can tro day o gia lai. anh: duy tran

Đại hạn khiến hồ nước cạn trơ đáy ở Gia Lai. Ảnh: Duy Trần

Dự báo thời gian tới, tại khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, hạn hán sẽ tiếp tục hoành hành. Mực nước sông có thể giảm hơn 90%. Tình hình khô hạn được dự báo lan đến Bắc Trung Bộ và kéo dài đến tháng 9.

Tại ĐBSCL, do nước từ thượng nguồn về cộng với đỉnh triều bắt đầu giảm. Tình hình mặn xâm thực tạm ổn nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài nhất trong lịch sử khiến nền nhiệt độ, lượng mưa, dòng chảy thiếu hụt. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, từ cuối năm 2015 lượng mưa thấp, nhiều hồ đập cạn đáy.

Hạn hán đã diễn ra trên phạm vi 70% diện tích canh tác tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, các tỉnh bị hạn hán nghiêm trọng là Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Trong khi đó, ĐBSCL đã có 11/13 tỉnh, thành phố công bố thiên tai. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, nước sinh hoạt thiếu hụt nghiêm trọng.

Trên sông Mekong, mực nước xuống thấp nhất trong 90 năm qua khiến mặn xâm nhập sâu vào đất liền đến 90 km. Điều này chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc Việt Nam.


Nha Trang: Báo động thiếu nước vì bị xâm mặn gần 10 km

nuoc o ha luu dap ngan man duoi cau vinh phuong, tp nha trang co do man gan bang nuoc bien. anh: d.q

Nước ở hạ lưu đập ngăn mặn dưới cầu Vĩnh Phương, TP Nha Trang có độ mặn gần bằng nước biển. Ảnh: Đ.Q

Tình trạng khô hạn đã khiến nước biển xâm nhập sâu vào sông Cái của TP Nha Trang (Khánh Hòa) gần 10 km, làm nước sông có độ mặn gần bằng nước biển và nguy cơ thiếu nước sinh hoạt đang báo động tại thành phố này.

Ngày 17-4, ông Vũ Văn Bình, Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Nha Trang (thuộc Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa), cho biết hiện mực nước trên sông Cái đoạn qua TP Nha Trang đã xuống thấp nhất trong nhiều năm qua và đang có nguy cơ tiếp tục xuống nữa.

Tại đập tràn ngăn mặn dưới cầu Vĩnh Phương thuộc xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang- cách biển gần 10 km- mực nước sông thấp hơn mặt đập gần 20 cm nên không đủ để tràn qua đập, đổ về hạ lưu.

Ở hạ lưu con đập này, mực nước sông đã thấp hơn mặt đập gần 1 m và thấp hơn mặt nước biển. Do đó nước biển đã xâm nhập sâu vào bên trong, gây nhiễm mặn cả một đoạn dài của hạ lưu sông Cái.

Kết quả khảo sát mới nhất của Xí nghiệp Cấp nước Nha Trang cho biết ở hạ lưu đập ngăn mặn tại cầu Vĩnh Phương, phần nước mặt có độ mặn 500- 1.000 mg muối/lít, phần nước dưới đáy có độ mặn 22.000-28.000 mg muối/lít, trong khi độ mặn nước biển Nha Trang bình thường là 30.000 mg muối/lít.

Theo một cán bộ Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa), nhiều ngày nay, người dân sống ven sông Cái đoạn bên dưới cầu Vĩnh Phương thuộc Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Ngọc Hiệp, Vĩnh Thạnh và một số phường của TP Nha Trang đã không còn sử dụng nước sông đểsản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, hồ chứa nước Suối Dầu đã dưới mực nước chết nên không thể xả nước về hạ lưu.

Cũng theo ông Vũ Văn Bình, tình trạng thiếu nước kéo dài trên sông Cái khiến nguồn nước cung cấp cho hai nhà máy nước Võ Cạnh, Xuân Phong- hai nhà máy cấp nước sinh hoạt cho TP Nha Trang và thị trấn Diên Khánh có tổng công suất 113.000 m3/ngày đêm- bị thiếu hụt.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Sở NN&PTNT, UBND các huyện tạm dừng hoạt động, tiết giảm nhiều trạm bơm thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp ở thượng nguồn để ưu tiên tối đa cho cấp nước sinh hoạt.

“Từ nay đến cuối tháng 6-2016, nếu không có lũ tiểu mãn trên sông Cái, nguồn nước cung cấp cho hai nhà máy nước Võ Cạnh, Xuân Phong càng thiếu hụt nhiều hơn, tình hình cấp nước sinh hoạt cho TP Nha Trang sẽ rất căng thẳng” - ông Vũ Văn Bình cho hay.

Theo lãnh đạo Xí nghiệp Cấp nước Nha Trang, một nguy cơ khác khiến Nhà máy nước Xuân Phong có thể phải ngừng hoạt động là nước mặn có thể thẩm thấu, xâm nhập xuyên qua đập ngăn mặn lên phía thượng lưu đập ngăn mặn tại cầu Vĩnh Phương. Nguy cơ này có thể xảy ra do Nhà máy nước Xuân Phong nằm ngay cạnh đập ngăn mặn bán kiên cố này.

Do đó, trong cuộc làm việc mới đây với Bộ NN&PTNT về tình hình hạn hán, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất xây dựng một đập ngăn mặn kiên cố trên sông Cái kết hợp xây dựng cầu Phú Kiểng nhằm chống nhiễm mặn, giữ nguồn nước ngọt vào mùa khô hạn.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục