Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng nâng gói 30.000 tỷ lên gần 33.000 tỷ đồng
Bắt nguyên Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Hoa
Hà Nội: Thêm một dự án du lịch nghỉ dưỡng “khủng” sắp được triển khai
Mở rộng Sân bay Nội Bài: Riêng “tiền đất” mất 2 tỷ USD
Đua nhau chọn ngân sách “tôm hùm”?
- Cập nhật : 01/12/2015
( Tai chinh)
"Việc phân chia nguồn lực cho các dự án đầu tư công nói riêng và ngân sách nói chung ở Việt Nam đang có vấn đề nghiêm trọng, các nơi được uống “bầu sữa ngân sách” đang thi nhau chọn tôm hùm”.
- Đó là ý kiến của TS. Huỳnh Thế Du, giám đốc chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Diễn đàn Tái cơ cấu đầu tư công gắn với tăng trưởng xanh diễn ra ngày 24/11.
Theo ông, “cơ chế ngân sách tôm hùm” nghĩa là hầu như địa phương hay đơn vị nào nào cũng muốn có được những công trình quy mô được hỗ trợ từ ngân sách trung ương mà không quan tâm đến hiệu quả và sự hữu dụng của chúng. Có vô số các dự án, công trình gần như không mang lại ý nghĩa về mặt quốc kế dân sinh.
Đầu tiên là dự án tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng lên tới trên 400 tỷ đồng ở Quảng Nam vào năm 2011. Số tiền đó bằng 5,1% chi ngân sách và 10,7% thu ngân sách năm 2010 của tỉnh Quảng Nam.
Tương tự Sơn La – một địa phương có số thu ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng nhưng lại có kế hoạch xây cụm tượng đài và quảng trường lên đến 1.400 tỷ đồng. Hay công trình nhà bảo tàng mấy nghìn tỷ ở Hà Nội đang bỏ không lại triển khai kế hoạch xây dựng bảo tàng hơn 11.000 tỷ đồng.
“Việc tôn vinh hoặc có chính sách hợp lý những người có công với nước nói chung, các bà mẹ Việt Nam anh hùng riêng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, liệu có bất hợp lý khi quyết định bỏ ra chừng đó tiền để xây một công trình tuy có những ý nghĩa nhất định, nhưng không giải quyết được bất kỳ một nhu cầu cấp bách nào? Liệu các mẹ có cảm thấy vui khi mình được tôn vinh theo cách tốn kém như vậy trong khi đất nước chưa thực sự khá giả và còn bao nhiêu nhu cầu cấp bách hơn? Mong mỏi hay hy sinh của của những người có công với nước là vì một Việt Nam độc lập, hùng cường có thể sánh vai với các cường quốc năm châu. Muốn như vậy, các nguồn lực cần phải được cân nhắc một cách chi li và sử dụng hiệu quả”, TS. Du chỉ ra.
Đặc biệt gần đây nổi lên kế hoạch xây dựng các trung tâm hành chínhtập trung nghìn tỷ.
Theo TS. Du, lý do “việc tập trung vào một đầu mối sẽ tiết kiện được chi phí đi lại, giao dịch” trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam là không thuyết phục.
Bởi hiện nay vẫn có một lượng rất lớn công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà dường như chẳng làm gì cả.
Thứ hai, thời gian giao dịch của người dân, doanh nghiệp hiện nay không phải là thời gian đi lại mà là cơ chế là cho những công chức, những người xử lý hồ sơ cố tình kéo dài để trục lợi cho mình.
Thứ ba, trên thực tế, tình trạng giao thông ở hầu hết các địa phương ở Việt Nam đang rất tốt và các cơ quan sở ngành thường trong phạm vi khoảng 20 phút đi bằng xe gắn máy hoặc ô tô.
“Liệu việc tiết kiệm thời gian giao dịch có mang lại lợi ích hàng trăm tỷ đồng cho nền kinh tế hay không, nhất là ở những địa phương có các hoạt động kinh tế không sôi động?”, TS. Huỳnh Thế Du đặt câu hỏi.
Theo TS. Du, vấn đề cốt lõi của sự lãng phí trong đầu tư công hiện nay do cơ chế và cách thức phân bổ ngân sách, nguồn lực hiện tại đang có nhiều bất cập làm cho các nơi luôn muốn chọn "tôm hùm" thay vì liệu cơm gắp mắm.
Cách thức phân bổ nguồn lực nhà nước hiện nay đang tạo điều kiện cho các nhóm trục lợi vì lợi ích ngắn hạn ảnh hưởng đến việc chọn lựa và quyết định nhiều dự án đầu tư công. Các địa phương hay các đầu mối đươc giao quyền sử ngân sách tìm cách xin trung ương để được ưu đãi, đặc thù.
TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng vốn đầu tư hiện nay vẫn tập trung vào tạo dựng cơ sở hạ tầng và trực tiếp sản xuất kinh doanh, trong khi nhóm dịch vụ công lại chiếm tỷ trọng thấp. Nhiều công trình như bệnh viện, trường học thì chật cứng, thậm chí có tình trạng cho học sinh nghỉ luân phiên vì thiếu phòng học.
"Đầu tư khu tập trung hành chính là đau đầu, lõi vấn đề là dẹp bớt đầu tư theo phong trào, dự án phải chỉ ra nguồn. Cần xem lại với bằng đó tiền để chủ động sắp xếp, chọn cái gì phục vụ cho đất nước này nhiều hơn”, TS. Vũ Đình Ánh nói.
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên nhân khiến tái cơ cấu đầu tư công thu được kết quả hạn chế là do tồn tại cơ chế xin - chia. Trong khi bao nhiêu thuê má của đầu tư công đổ hết lên đầu dân nhưng người dân vẫn không có quyền được giám sát.
Để giải quyết vấn đề hiện tại, TS. Du cho rằng, cần phải thiết kế cơ chế cạnh tranh giữa các tổ chức ở khu vực công, các bộ/ngành hay chính quyền các địa phương.
Mặt khác, thiết lập nguyên lý “ai ăn bánh người đó trả tiền” thay vì người này ăn người khác trả tiền hay chia đều như cấu trúc ngân sách “tôm hùm” hiện nay.
Đối với những dự án đầu tư chậm tiến độ, đội vốn và thiếu hiệu quả sẽ không được xem xét cấp thêm vốn, thay vào đó chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm bỏ thêm tiền để tiếp tục xây dựng, triển khai và vận hành dự án…
TS. Lê Đăng Doanh cho biết, rất may thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã tạm dừng xây dựng trung tâm hành chính tập trung nghìn tỷ. Tuy nhiên nếu Nhà nước vẫn đóng vai trò vừa đã bóng, vừa thổi còi, một tay cầm triện, một tay cầm túi tiền thì cả hai bên đều vui vẻ, chỉ có nền kinh tế là trì trệ.
Bên cạnh đó, Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng cho rằng cần phải xem lại nguyên tắc “đầu tư công chỉ dành cho những ngành, những lĩnh vực mà đầu tư tư nhân không muốn hay không thể đầu tư”.
“Bao nhiêu năm nay rồi, có bao giờ nhà nước hỏi tư nhân có muốn đầu tư hay không, có sẵn sàng đầu tư hay không. Anh không hỏi người ta rồi tuyên bố xanh rờn là doanh nghiệp tư nhân không muốn làm, không thể làm được. Không có cái gì là người ta không làm được nếu họ cùng điều kiện như doanh nghiệp nhà nước”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.