Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 18-03-2016
- Cập nhật : 18/03/2016
Latvia điều trực thăng bắt người Việt vượt biên trái phép
Lực lượng biên phòng Latvia phát hiện các dấu hiệu của vụ vượt biên trên và nhanh chóng bắt giữ 4 nghi phạm người Việt tại quận Kaplava, thành phố Kraslava, theo hãng thông tấn Leta.
Được sự hỗ trợ của một chó nghiệp vụ và một tổ bay trực thăng, họ bắt thêm một người Việt khác và kẻ buôn người người Nga.
Những người Việt trên khai rằng họ muốn tìm một cuộc sống tốt hơn và dự định xin việc ở Ba Lan, Đức hoặc Anh.Cơ quan chức năng Latvia đã mở hồ sơ tố tụng hình sự về vụ vượt biên trái phép.
Đây là lần thứ hai trong năm nay những người nhập cư từ Việt Nam bị bắt ở biên giới Latvia. Vụ đầu tiên xảy ra hôm 1/2, trong đó biên phòng Latvia bắt 4 người Việt và một kẻ buôn người người Nga. Lực lượng an ninh cũng phát giác hai kế hoạch vượt biên và ngăn chặn 37 người Việt cùng 7 kẻ buôn người vào Latvia bất hợp pháp.
Năm ngoái, có gần 480 người vượt biên trái phép bị bắt tại biên giới phía đông của Latvia với Nga và Belarus. Hầu hết trong số này là người Việt.
43 lao động Việt ở Nhật Bản kêu cứu vì bị lừa
Trong đơn cầu cứu gửi đến Ban Bảo hộ công dân thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, các lao động trên cho hay họ qua Nhật Bản theo diện kỹ sư được tuyển chọn trực tiếp từ một công ty con của Freesia House Corporation, Tokyo. Thực tế, họ chỉ là lao động tay chân lách luật để sang Nhật Bản với mức lương được quảng cáo trên mạng là 30 triệu đồng sau khi trừ hết các khoản chi phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, khi đến Nhật Bản, họ được chuyển về tỉnh Iwate, miền bắc nước này, làm việc tại công ty Seinan.
Mỗi tháng, một người phải trả 39.000 yen (8 triệu đồng) tiền thuê nhà và 8.000 yen tiền điện, nước, gas, trừ trực tiếp khi công ty chuyển lương vào tài khoản ngân hàng. 9 người được sắp xếp ở chung trong một căn phòng 25 m2 chật chội, tối tăm.
Theo các lao động, họ cũng phải đóng tiền cho bữa trưa nhưng công ty chỉ trích ra khoảng 60% số này để mua đồ ăn. Đặc biệt, họ còn bị cấm ăn cá, thịt, trứng vì ông chủ công ty bảo mấy thức ăn này có hại cho sức khoẻ. Do đó, hầu hết các bữa ăn thường chỉ có rau và 43 người cũng chỉ được phép nấu gần 4 kg gạo lứt mỗi bữa.
Ngoài ra, họ còn không được bảo hộ lao động trong môi trường làm việc độc hại. Hàng ngày, các công nhân buộc phải thức dậy lúc 5h30 để tập thể dục, kể cả trong điều kiện thời tiết xấu, tuyết rơi dày và đến gần 23h mới được tự do làm việc cá nhân.
Vietnam+ dẫn lời ông Tổng Hải Nam, phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết Ban Quản lý Lao động Việt Nam, thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã thông báo về vụ việc này cho bộ.
Theo Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Nhật Bản, 43 lao động trên đi làm việc thông qua chi nhánh của công ty Freesia House Corporation, có văn phòng tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, theo diện kỹ sư thực hành với thời hạn visa là một năm. Họ sang Nhật Bản theo hình thức hợp đồng cá nhân ký trực tiếp với công ty sử dụng lao động tại Nhật Bản.
Ban quản lý đã có buổi làm việc với công ty sử dụng lao động tại Tokyo và nhận thấy công ty không thực hiện đúng hợp đồng đã ký về các điều kiện làm việc và ăn ở. Ban quản lý sẽ tới nhà máy tại Iwate, nơi những lao động trên đang làm việc để xác minh, làm rõ các thông tin trong đơn tố cáo để có cơ sở yêu cầu công ty thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký, đảm bảo điều kiện làm việc và ăn ở cho người lao động.
Ông Tổng Hải Nam khuyến cáo để đảm bảo được đi làm việc ở nước ngoài theo kênh an toàn, hợp pháp, tránh tình trạng bị các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài lừa đảo, người lao động cần phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký thông qua bất kỳ tổ chức nào.
Kiểm ngư Việt Nam có thêm tàu vỏ thép 750 tấn
Ngày 16/3, Công ty TNHH MTV đóng và sửa tàu Hải Minh (Nhà máy X51) thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã làm lễ hạ thuỷ tàu kiểm ngư vỏ thép cỡ trung KN-265.
Tàu dài 56 m, rộng 8,2 m, lượng chiếm nước toàn tải 770 tấn, tốc độ tối đa 18 hải lý mỗi giờ. Tàu có 2 máy chính do Nhật Bản sản xuất và được trang bị hệ thống điều hòa trung tâm cùng các thiết bị cứu hộ, hàng hải thông tin đồng bộ hiện đại khác nhằm đảm bảo cho tàu chạy 60 ngày đêm liên tục trên biển.Đây là tàu thực thi pháp luật trên biển của kiểm ngư Việt Nam, có nhiệm vụ: tuần tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; hỗ trợ cung ứng vận tải nhiên liệu cho ngư dân khai thác hải sản xa bờ; tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển...
Theo trung tá Nguyễn Hải Tùng - Trưởng phòng thiết kế công nghệ Nhà máy X51- sau khi hạ thủy, nhà máy sẽ nhanh chóng triển khai các bước tiếp theo đúng quy trình công nghệ, đảm bảo chất lượng và tiến độ hoàn thiện tàu. Đồng thời, tiến hành nghiệm thu và bàn giao tàu cho lực lượng kiểm ngư đưa vào khai thác.
Cùng ngày Nhà máy X51 đã hoàn thành công tác sửa chữa và bàn giao 2 tàu pháo 264 và 265 cho Vùng 5 Hải quân.
Giám đốc Sở Tài chính "ngâm" 50 tỉ đồng đền bù phải giải trình
Bà Đinh Cẩm Vân, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, đã yêu cầu giải trình, làm rõ trách nhiệm trong việc chậm tạm ứng 50 tỉ đồng hỗ trợ giải phòng mặt bằng cho người dân Sầm Sơn.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn hỏa tốc gửi Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn yêu cầu giải trình, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc chậm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo đó, trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng để giao cho FLCthực hiện dự án “Khu du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn giai đoạn 2”, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất cho UBND thị xã Sầm Sơn tạm ứng 50 tỉ đồng thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, do thời gian tham mưu giải quyết công việc của Giám đốc Sở Tài chính và Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn chậm nên Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính và Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn giải trình làm rõ thời gian tham mưu giải quyết công việc chậm. Tuy nhiên, qua xem xét giải trình của hai đơn vị này cho thấy chưa làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc không nghiêm túc chấp hành và chậm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Vì lý do trên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính giải trình rõ lý do và tránh nhiệm cá nhân người đứng đầu trong việc chậm tham mưu, hướng dẫn cho Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn tạm ứng ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hõ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn giải trình rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm có văn bản đề nghị ứng vốn.
Trước đó, bà Đinh Cẩm Vân, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh này cũng bị Chủ tịch UBND tỉnh phê bình do bà Vân ký Quyết định bổ nhiệm con gái ruột là bà Lê Cẩm Nhung, đang làm Chuyên viên phòng Quản lý Ngân sách tin học và Thống kê tài chính, lên giữ chức Phó trưởng phòng Tài chính Doanh nghiệp và Chính sách phát triển kinh tế của Sở này trái với Công văn số 7369/UBND-THKH của UBND tỉnh Thanh Hóa. (NLĐ)
Giải cứu 9 trẻ H'Mông bị lừa sang Trung Quốc làm thuê
Ngày 16/3, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thành phố bàn giao 9 em nhỏ bị dụ dỗ sang Trung Quốc làm thuê về với gia đình.
Trước đó khoảng 22h ngày 13/3, trong khi làm nhiệm vụ, Đội tuần tra kiểm soát đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái phát hiện 7 bé nam, 2 bé gái không có giấy tờ tùy thân đi từ bờ sông biên giới hướng Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Qua điều tra ban đầu, 9 cháu nhỏ này có độ tuổi 13-15 đều là người dân tộc H’Mông tại xã Minh Sơn (Bắc Mê, Hà Giang).Các cháu bị người Trung Quốc không rõ tên tuổi đến tận nhà dụ dỗ đưa sang Trung Quốc làm thuê với số tiền hơn 300 nghìn đồng/ngày.
Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái ký biên bản bàn giao 9 cháu nhỏ cho cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang. Ảnh: M.C
Hiện đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã bàn giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang tiếp tục làm rõ.