Hoa Kỳ có thể bắt đầu giao các máy bay quân sự cho Việt Nam
Sau khi bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí Mỹ có thể bắt đầu cung cấp vào Việt Nam máy bay tuần tra P-3 Orion và máy bay vận tải C-130 Hercules, nhưng họ không thể tạo thành một đối thủ cạnh tranh nghiêm túc đối với trang bị vũ khí Nga, ông Vasily Kashin, chuyên gia của Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ của Nga nhận định.
Máy bay tuần tra P-3 Orion của Mỹ. Ảnh Flickr/gillfoto
"Thứ nhất, máy bay tuần tra P-3 Orion sẽ đến Việt Nam ngay sau khi bãi bỏ lệnh cấm vận. Máy bay chuyên tuần tra Nga đã ngừng sản xuất từ những năm 90. Thứ hai — máy bay vận tải C-130 Hercules. Hiện tại chúng ta không sản xuất máy bay thể loại này, chúng ta có loại máy bay trọng tải nặng hơn, đó là IL-76 ", Ông Kashin cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Ông nhấn mạnh rằng P-3 Orion — là một máy bay chiến đấu, có thể mang theo phương tiện hủy diệt các tàu ngầm. Nhưng mục tiêu chính của nó là trinh thám.
Các chuyên gia lưu ý rằng Nga là nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam (chiếm 93% thị phần vũ khí nhập khẩu), quyết định này của Mỹ sẽ không dẫn đến những thay đổi lớn.
"Tính cạnh tranh trong thị trường Việt Nam đang gia tăng mà không kể đến quyết định này của Mỹ. Chính sách của Việt Nam là đa dạng hóa quan hệ, trong đó có hợp tác với Israel, hợp tác với một số nước EU, phát triển quan hệ với Ấn Độ. Đối với Nga, quyết định của ông Obama chỉ thay đổi chút ít", Ông Kashin nói.
Kiểm toán đề nghị cung cấp số liệu về dự án giao thông trên sông Hồng
Kiểm toán Nhà nước vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến chủ trương đầu tư dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp với thủy điện, cho cơ quan này trước ngày 25/5/2016.
Theo đó, các tài liệu mà cơ quan kiểm toán kiến nghị ngành giao thông cung cấp gồm có quy hoạch phát triển giao thông thủy Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai cũng như thống kê về khối lượng hàng hóa vận tải đường bộ, đường thủy trong 3 năm gần nhất, từ 2013 - 2015. Lý do mà Kiểm toán Nhà nước đề nghị trên là nhằm mục đích “chuẩn bị nội dung báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội về đánh giá chủ trương đầu tư dự án”.
Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp với thủy điện theo hình thức xây dựng - kinh doanh - sở hữu (BOO) với mức đầu tư dự kiến 1,1 tỷ USD của Công ty Xuân Thiện (Ninh Bình) được Bộ Kế hoạch và đầu tư trình lên Chính phủ vào cuối tháng 4 vừa qua. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã phát đi văn bản nêu rõ "Thủ tướng chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật".
Cũng tại văn bản nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững.
Lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành
Bộ Xây dựng đã phúc đáp Bộ Giao thông vận tải ý kiến về việc lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo Bộ Xây dựng, cảng hàng không quốc tế và đài kiểm soát không lưu có vai trò là cửa ngõ quốc gia, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức thi tuyển kiến trúc loại hình công trình này. Kinh nghiệm thi tuyển các Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) đã thành công trên thế giới cho thấy lợi ích từ phương án thiết kế tốt nhất đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế, văn hóa xã hội.
Gần đây một số công trình CHKQT lớn đã được lựa chọn qua thi tuyển có các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới tham gia như: CHKQT Istanbul do liên danh Pininfarrina và AECOM thiết kế; CHKQT Taoyuan Đài Loan do Rogers Stirk thiết kế, CHKQT Incheon Hàn Quốc do Heerim Architects & Planners thiết kế, CHKQT New Mexico City do Norman Foster thiết kế; CHKQT St. Petersburg’s Pulkovo do Grimshaw thiết kế; CHKQT Raleigh-Durham Mỹ do Fentress Architects thiết kế…
Ngày 6/5/2016, Bộ Xây dựng đã có ý kiến về việc thi tuyển phương án kiến trúc dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành gửi Bộ Giao thông Vận tải tại văn bản số 818/BXD-QHKT. Bộ Giao thông vận tải “thực hiện việc thi tuyển để lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo qui định của pháp luật” (theo nội dung công văn số 1215/VPCP – KTN ngày 26/02/2016 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ).
Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm hoàn thành nhiệm vụ thiết kế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị tư vấn được mời tham gia dự thi đề xuất phương án kiến trúc đảm bảo tính thống nhất đồng bộ về dây chuyền công nghệ, công năng của công trình với các giải pháp về kiến trúc.
Đây là công trình cấp quốc gia có sử dụng nguồn vốn lớn. Để đảm bảo chất lượng của cuộc thi, hội đồng chấm thi sẽ bao gồm các kiến trúc sư trong và ngoài nước với đa số các thành viên phải có kinh nghiệm am hiểu về Cảng hàng không quốc tế.
Nhà ở xã hội “ngóng” chính sách mới
Sau khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội (NOXH) ngừng cho vay, các doanh nghiệp (DN) và người thu nhập thấp đang trông chờ Nhà nước mau chóng có chính sách mới để chính sách nhà ở nhân văn này không bị “đứt đoạn”, giúp các dự án NOXH tiếp tục được triển khai, còn người nghèo tiếp tục được mua nhà.
Khu đô thị Ecohome 1 (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm) là một trong những dự án NOXH thành công.
Theo số liệu mới nhất về gói 30.000 tỷ đồng, số tiền cam kết cho vay đã lên đến 34.000 tỷ đồng (trong đó 70% là người dân vay và 30% là DN vay), tiến độ giải ngân được khoảng 75%. Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, việc các ngân hàng dừng triển khai cho vay mới là điều dễ hiểu để có thể giải ngân hết số tiền đã cam kết cho vay.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ định 4 ngân hàng thương mại là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank ban hành các điều kiện, cách thức cho vay ưu đãi đối với NOXH sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì từ phía các ngân hàng thương mại này. “Hiện nay, các ngân hàng thương mại chưa triển khai vì họ còn phải giải ngân nốt gói 30.000 tỷ đồng” , ông Nam nói.
Trong khi chờ đợi gói 30.000 tỷ đồng được giải ngân hết thì một số dự án NOXH sắp triển khai hoặc triển khai dở, chưa kịp vay tiền từ gói 30.000 tỷ đồng đang bị “mắc cạn”. Dự án The Vesta (Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) với quy mô 1.900 căn hộ là một trong những dự án NOXH rơi vào cảnh này. Ông Phạm Minh Tuấn, Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Hải Phát - chủ đầu tư dự án, cho biết, đúng vào thời điểm dự án này được xác nhận đủ điều kiện vay ưu đãi thì gói 30.000 tỷ đồng khép lại.
Ông Tuấn cho biết, nếu bây giờ DN vay thương mại thì giá nhà sẽ tăng cao, người thu nhập thấp sẽ không mua được. Theo quy định, chủ đầu tư được trích 20% quỹ NOXH để kinh doanh thương mại. “Đối với phần nhà này, DN có thể xây dựng giải pháp tín dụng riêng cho khách hàng. Nhưng đối với phần nhà thu nhập thấp thì DN vẫn phải chờ đợi chính sách mới của ngân hàng”, ông Tuấn nói.
Mặt khác, khi gói 30.000 tỷ đồng khép lại thì khả năng mua nhà của người thu nhập thấp sẽ giảm. Anh N.V.Hải (Đống Đa, Hà Nội) không khỏi hụt hẫng khi gói vay ưu đãi này dừng triển khai. Anh Hải cho biết, cả hai vợ chồng anh đi làm công được mấy năm, tích lũy không được bao nhiêu. Vừa mới có một số tiền nhỏ, vợ chồng anh định vay thêm tiền người nhà và vay từ gói 30.000 tỷ đồng để mua NOXH thì gói vay ưu đãi lại kết thúc. Bởi vậy nên vợ chồng anh chỉ còn biết tiếp tục chờ đợi chính sách khác của Nhà nước để có thể vay tiền mua nhà giá rẻ.
Đang hoàn thiện gói vay mới
Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển, quản lý NOXH của Chính phủ đã quy định hai nguồn vốn để phát triển NOXH và nhà ở thương mại giá rẻ là nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại và nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo đó, các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 3% tổng dư nợ của mình để cho vay mua bán NOXH với các điều kiện ưu đãi. “3% này tương đương 300.000 - 400.000 tỷ đồng là con số tương đối lớn”, ông Nguyễn Trần Nam đánh giá.
Nguồn vay thứ 2 được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Theo đó, ngân hàng này sử dụng nguồn vốn 50% từ ngân sách và 50% từ nguồn huy động để cho vay mua NOXH với lãi suất tối đa 5%. “Như vậy, thay cho gói 30.000 tỷ đồng, sẽ có 2 gói vay không giới hạn quy mô, thời gian vay với lãi suất thấp dành cho người mua NOXH và nhà ở thương mại giá rẻ. Người có nhu cầu mua NOXH có thể yên tâm”, ông Nam khẳng định.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là thời gian, mặc dù cơ chế, chính sách đã có nhưng để những chính sách này được đưa vào thực tế thì cần một “độ trễ” nhất định. Ông Nam cho biết, Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội hoàn thiện gói vay này để trình Chính phủ. Hiệp hội BĐS sẽ thúc đẩy Bộ Xây dựng và NHNN nhanh chóng triển khai các chính sách này.
Về phía NHNN, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN đã có văn bản chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng các quy trình, quy chế; đồng thời đề nghị Chính phủ về nguồn lực tài chính và lãi suất. Ngân hàng Chính sách xã hội đã dự kiến trình lên Chính phủ mức lãi suất cho vay thấp hơn 5%/năm. Chính sách xây dựng NOXH là chính sách lâu dài, đã được pháp luật quy định. Sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng, việc cho vay sẽ chuyển sang các văn bản hướng dẫn tiếp theo. NHNN đang hướng dẫn cụ thể các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội cách thức triển khai.
Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh vừa có công văn kiến nghị NHNN sớm có có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 23/NQ-CP ngày 30/3/2016 của Chính phủ về "Tiếp tục triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng" để các ngân hàng thương mại có căn cứ thực hiện và người vay yên tâm. Hiệp hội đề xuất NHNN cần phải thống kê, xác định số dư nợ theo các hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của từng ngân hàng thương mại.
Chính phủ sẽ bảo lãnh vốn vay cho dự án hơn 5.000 tỷ đồng của EVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc bảo lãnh khoản vay không ràng buộc có bảo hiểm NEXI cho Dự án đường dây 500 KV Trung tâm điện lực Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên.
Lễ khởi công dự án đường dây 500 KV Trung tâm điện lực Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên.
Ngày 23/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt bảo lãnh cho dự án đường dây 500 KV Trung tâm điện lực Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên với các điều kiện Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) chịu trách nhiệm đảm bảo thu xếp đủ vốn chủ sở hữu cho dự án theo quy định, phù hợp với tiến độ triển khai dự án.
Đồng thời đăng ký tài sản đảm bảo đối với tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 15/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011 về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ và văn bản hướng dẫn liên quan.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giám sát, thúc đẩy việc triển khai các dự án nguồn điện có ảnh hưởng đến dự án đúng tiến độ để đảm bảo nguồn thu cho dự án đường dây truyền tải; giám sát việc NPT thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, sử dụng và bố trí nguồn vốn trả nợ khoản vay nước ngoài.
Trường hợp EVNNPT không đảm bảo cân đối nguồn trả nợ, EVN có trách nhiệm cân đối nguồn đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn với tư cách Công ty mẹ và có văn bản cam kết với Bộ Tài chính.
Mức phí bảo lãnh là 0,25%/năm tính trên dư nợ của khoản vay bảo lãnh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NPT chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án bảo đảm hiệu quả; đúng tiến độ đã dự kiến; cân đối nguồn, đảm bảo trả nợ khoản vay nước ngoài cho dự án đầy đủ, đúng hạn trong mọi trường hợp; quản lý các chi phí đầu tư, rủi ro về biến động tỷ giá và biến động lãi suất vay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công thương giám sát và đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án lưới điện và các dự án nguồn điện thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đúng thời hạn đã được phê duyệt; giám sát chặt chẽ tình hình tài chính của EVN và NPT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp EVN và NPT gặp khó khăn tài chính.
Thủ tướng phê duyệt nội dung Thư bảo lãnh và giao Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ ký Thư bảo lãnh cho Hợp đồng tín dụng không ràng buộc có bảo hiểm NEXI vay các ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng BNP Paribas làm ngân hàng đại lý. Bộ Tư pháp cấp Ý kiến pháp lý về Thư bảo lãnh và Người bảo lãnh.
Được biết, dự án Đường dây 500 kV TTĐL Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên có tổng mức đầu tư hơn 5.333 tỷ đồng do EVNNPT làm chủ đầu tư.
Công trình có quy mô: xây dựng đường dây 500 kV 2 mạch dài khoảng 243 km nối từ sân phân phối 500 kV của TBA 500 kV Vĩnh Tân đến cột rẽ nhánh (Vị trí G1-03) của ĐZ 500 kV Sông Mây - Tân Uyên; lắp đặt thiết bị cho 02 ngăn lộ ĐZ 500 kV tại TBA 500 kV Vĩnh Tân. Đường dây đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai.
(
Tinkinhte
tổng hợp)