Đảng ủy khối cơ quan trung ương tuần trước đã bỏ phiếu với tỷ lệ lớn đề nghị kỷ luật cách chức với ông Võ Kim Cự, hiện là Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Nghịch lý doanh nghiệp bị làm hàng giả nhưng ngại đấu tố, vì sao?
- Cập nhật : 25/05/2016
Tại hội thảo “Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của doanh nghiệp” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 25/5, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, việc vi phạm hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại nói chung, ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều thủ đoạn tinh vi. Tuy nhiên, lực lượng mới tiếp cận được các đối tượng đi làm thuê.
“Đây vẫn là vấn nạn nhức nhối”, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Thực tế, năm 2015, Cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 38.059 vụ, phát hiện 25.123 vụ vi phạm, xử phạt hành chính trên 68 tỷ đồng. Theo ông Trịnh Văn Ngọc , Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 536 tỷ đồng. Riêng Quý I/2016, 1.269 vụ SXKD hàng giả, hàng nhái cũng bị phát hiện và xử lý
Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường cho biết, mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân nổi cộm là do vấn đề nguồn lực, cơ chế thực thi cũng như phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên quan.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, một trong những khó khăn của công tác chống hàng giả là việc có nhiều văn bản mở ở các Bộ, ngành dẫn đến một số vụ việc dù phát hiện nhưng lại bị chìm đi do yếu tố văn bản mở.
Đáng nói, “có doanh nghiệp khi xem ti vi thấy hình ảnh sản phẩm của mình bị làm giả hốt hoảng than thở “làm thế này thì tôi chết”. Vị giám đốc này cho rằng Tết đến nơi mà đưa tin hàng bị làm giả thì còn ai dám mua”, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chia sẻ.
Doanh nghiệp sợ bị nêu tên trên phương tiện thông tin truyền thông về sản phẩm của mình bị làm giả, sợ bị ảnh hưởng thương hiệu khó bán hàng, điều này cho thấy nhận thức của một số doanh nghiệp trong đấu tranh chống hàng giả còn hạn chế, ông Bảo nhận định.
Nhiều doanh nghiệp ở tình trạng nêu trên, ngại đấu tố cho dù hàng của mình bị làm giả. Thậm chí còn ngại khi được nhắc đến từ hàng giả.
Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an cho biết tội phạm hàng giả đã len vào từng ngõ ngách với những việc làm rất tinh vi. “Có khi chúng tôi bắt được 7 vụ vi phạm hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng chỉ khởi tố được một vụ còn lại 6 vụ các Bộ, ngành xử lý hành chính. Đây là một thực tế khó khăn, nhìn thấy rõ tội, bức xúc nhưng phải làm theo pháp luật quy định. Thực tế hiện có quá nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn chồng chéo”, Đại tá Trực cho hay.
Ông Trực cho rằng mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị cần tốt hơn trong câu chuyện chống hàng giả và nâng cao nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp.
Hải Minh
(Theo Người Đồng Hành)