“Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất khi tham gia vào cộng đồng kinh tế chung ASEAN." – Đó là nhận định của Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Giám đốc trường Đào tạo Cán bộ BIDV phát biểu trong Hội thảo “Bạn màu gì trong bức tranh Hội nhập”,...
Sự cố 'chưa từng có' trong vụ vỡ ống dẫn hoá chất Alumin Nhân Cơ
- Cập nhật : 03/08/2016
Báo cáo của Ban quản lý nhà máy cho thấy việc thất thoát 9,6m3 kiềm đã được xử lý kịp thời, song cũng thừa nhận đây là sự cố chưa từng xảy ra ở bất kỳ công trình nào khác.
Ban quản lý dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ - Vinacomin vừa có báo cáo gửi Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng và Cục Giám định Nhà nước về sự cố vỡ đường ống dẫn xút tại Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông).
Trước đó vào ngày 23/7, trong quá trình nhập kiềm tại khu vực chứa kiềm lỏng phục vụ chạy thử nhà máy, cổ ống đẩy của máy bơm đã vỡ, dẫn đến kiềm bị chảy ra ngoài. Sự cố khiến gần 9,6m3 kiềm thất thoát, trong đó có một phần thẩm thấu xuống nền đất xốp trên diện tích khoảng 600m2 và một phần theo hệ thống thoát nước mưa chảy tràn ra suối Đăk Yao.Ban quản lý cho biết đã làm việc với nhà thầu là Công ty TNHH công trình quốc tế nhôm Trung Quốc (Chalieco) để rà soát các giai đoạn từ thiết kế đến vận hành để xác định nguyên nhân. "Việc xảy ra sự cố trên là bất khả kháng, chưa từng xảy ra ở bất kỳ nhà máy nào", báo cáo viết.
Cụ thể, sự cố xảy ra trong giai đoạn nhà thầu Chalieco đang tiến hành các bước để chạy thử liên động toàn nhà máy. Việc triển khai thi công, lắp đặt đã theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt và đã chạy thử thiết bị đúng quy trình. Nhà thầu đã vận hành bơm để tiếp nhận kiểm trong thời gian hơn một tháng trước khi xảy ra sự cố.
Theo số liệu được báo cáo, tổng số kiềm đã nhập về nhà máy tính đến 22/7 là 22.112 tấn, trong đó khu vực chứa kiềm lỏng là 5.822 tấn, khu vực cô đặc là 5.822 tấn, khu vực kết tinh mầm là 3.443 tấn, khu vực lắng mầm tinh là 5.331 tấn.
Khi phát hiện sự việc, Ban quản lý đã huy động lực lượng để cách ly khu vực, sử dụng các công cụ, dụng cụ (cuốc, xẻng, xô chậu, dụng cụ bảo hộ lao động về hoá chất), axit HCl để thù hồi, trung hoà kiềm trên bề mặt. Đồng thời mở các họng cứu hoả trên các tuyến đường bị nhiễm kiềm để pha loãng, trung hoà axit HCl tại cửa xả số 3 của nhà máy (cửa xả thoát nước mưa chảy tràn). Một số vị trí giếng thu trên các tuyến đường mà dòng kiềm chảy để trung hoà độ pH rò rỉ ra môi trường. Ban quản lý cũng đã bố trí máy xúc, ôtô để xúc phần đất bị nhiễm kiềm đổ ra khoang số 1 của hồ bùn đỏ, dùng nylon che kín bề mặt phần đất đã bị xúc đi.
Theo phán ánh của người dân địa phương, nước thải chảy ra suối Đăk Dao làm cá chết hàng loạt. Nhiều người dân đã lội xuống dòng suối này vớt cá về ăn, da bị ngứa ngáy, phỏng rộp như bỏng nước sôi.
Tuy nhiên báo cáo phân tích mẫu nước của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên & Môi trường cho thấy độ pH trong nước, đất vẫn nằm trong quy chuẩn của Việt Nam. Đoàn kiểm tra ghi nhận không thấy hiện tượng bất thường nào xảy ra cho cây cối, sinh vật trong khu vực khảo sát.
Thừa nhận sự cố hoá chất không ảnh hưởng đến môi trường song Ban quản lý dự án cho biết đã phối hợp với nhà thầu Chalieco để đưa ra các giải pháp khắc phục. Trước mắt, khu vực đất bị kiềm thẩm thấu, ban quản lý sẽ phối hợp với nhà thầu thực hiện vận chuyển đất từ nơi khác về để đắp bù cao độ bằng với cao độ của sân thu kiềm. Sau đó, tiếp tục đổ đá dăm và tiến hành đổ bê tông, xây tường bao quanh khu vực với chiều cao 30cm.
Về lâu dài, Ban quản lý cam kết sẽ cùng nhà thầu Trung Quốc kiểm tra, rà soát tổng thể đối với thiết kế liên quan đến hoá chất nhằm đưa ra các giải pháp, bổ sung thiết kế, thi công nhằm bảo đảm an toàn cho quá trình vận hành sản xuất của nhà máy.
Đơn vị cũng hứa bổ sung phương án ngăn chặn các cửa xả (thoát nước mưa chảy tràn) nhằm không cho hoá chất chảy ra môi trường khi xảy ra sự cố, sau khi kiểm soát được các thông số kỹ thuật nằm trong tiêu chuẩn cho phép theo quy định về môi trường thì mới mở để thải ra môi trường. Cùng với đó là lắp đặt hệ thống camera tại khu vực chứa kiềm lỏng và kết nối về phòng điều khiển trung tâm của phân xưởng cô đặc và hiệu chỉnh dung dịch để giám sát 24/24 giờ hoạt động của khu vực này.
Ngày 2/8, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có.
Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các cơ sở sản xuất cần tiếp tục rà soát, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định kể cả trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như trong quá trình sản xuất, bảo đảm an toàn khai thác, chế biến khoáng sản, chủ động có biện pháp ứng phó.
Dự án Alumin Nhân Cơ đã được chấp thuận xây dựng tại Quyết định số 167/2007 của Thủ tướng với công suất 600.000 tấn một năm. Việc khai thác được giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản (Vinacomin) làm chủ đầu tư với nhà thầu xây dựng là Công ty Chalieco (Trung Quốc).
Dự án gồm 2 nhà máy được xây dựng trên diện tích 850ha. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ - TKV. Dự án được khởi công xây dựng năm 2010 và khai thác chế biến quặng bô xít. Tính đến tháng 3/2016, Vinacomin đã đầu tư khoảng 13.400 tỷ đồng vào dự án này.
Bạch Dương
Theo Vnexpress