Thứ trưởng Bộ GTVT làm bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng
Ngày 12-10, tại hội nghị sơ kết công tác 9 tháng và triển khai nhiệm vụ quý 4-2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết Bộ Chính trị đã có quyết định điều động thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về làm bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Văn Thể - Ảnh: T.PHÙNG
Ông Nguyễn Văn Thể (49 tuổi), quê quán huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ông Thể từng giữ các chức vụ: phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp; ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bí thư Huyện ủy huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.
Ông Thể được HĐND tỉnh Đồng Tháp bầu giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tại kỳ họp bất thường vào ngày 21-7-2012.
Ngày 6-6-2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định điều động, bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Văn Thể giữ chức thứ trưởng Bộ GTVT.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể cho biết cảm thấy rất hạnh phúc và thoải mái khi về Bộ GTVT trong thời gian làm thứ trưởng Bộ GTVT. Ông Thể cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với Bộ trưởng và tập thể lãnh đạo Bộ GTVT, cán bộ công nhân viên của Bộ GTVT thời gian qua đã giúp đỡ để thực hiện nhiệm vụ của mình...
Ông Thể sẽ nhận nhiệm vụ mới trong những ngày tới.
Trung Quốc phủ sóng mạng không dây trái phép tại quần đảo Hoàng Sa
Từ đầu tháng 10/2015, Trung Quốc đã bắt đầu lắp đặt trái phép các thiết bị phát sóng không dây tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Sân bay phi pháp của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa (Ảnh: News)
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 11/10 đưa tin, chính quyền cái gọi là “thành phố Tam Sa” tiết lộ rằng từ ngày 1/10 đã triển khai lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây (wifi) trên các đảo có cư dân sinh sống. Ngư dân và nhân viên Trung Quốc đồn trú trên các đảo này có thể truy cập internet tốc độ cao.
Bài báo cho biết, hiện tại Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây này tại đảo Cây và đảo Bắc, và tiếp đó sẽ triển khai lắp đặt tại các đảo đá khác như đảo Duy Mộng, Xà Cừ, Ba Ba… nhằm thực hiện phủ tín hiệu mạng không dây trái phép lên khắp các đảo Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa.
Hồi đầu tháng 9/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố hoàn thành phủ sóng 4G trên 7 đảo chiếm đóng thuộc quần đảo Hoàng Sa bao gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/10, Trung Quốc cũng tuyên bố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 ngọn hải đăng cỡ lớn tại đảo Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thành phố Tam Sa được Trung Quốc thiết lập hồi tháng 7/2012 nhằm mục đích quản lý trái phép quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng rằng: Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Mọi hoạt động của các bên tại các khu vực này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều bất hợp pháp và vô giá trị. (Dân Trí)
Lừa đảo qua ứng dụng Skype, chiếm đoạt trên 9 tỉ đồng
Hôm 12.10, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết đang điều tra một vụ lừa đảo qua ứng dụng Skype do người nước ngoài thực hiện, có hơn 162 người là nạn nhân với số tiền trên 9 tỉ đồng
Biểu tượng ứng dụng Skype - Ảnh: AFP
Trước đó, vào tháng 7, PC46 nhận được đơn tố cáo của bà Nguyễn Thanh Thúy (ngụ huyện Long Thành, Đồng Nai) phản ảnh bị một đối tượng người nước ngoài xưng là Eric Townsend lừa đảo.
Theo đó, vào tháng 4, Eric Townsend làm quen bà Thúy qua ứng dụng Skype và giới thiệu mình là đại tá quân đội Mỹ (53 tuổi) đang chiến đấu ở Afghanistan, đã có vợ và hai con (một trai một gái sinh đôi). Tuy nhiên vợ và con gái Eric Townsend đã chết trong một tai nạn máy bay.
Sau đó Eric Townsend hứa sẽ về Việt Nam kết hôn với bà Thúy, ngoài ra sẽ gửi thùng hàng gồm1,8 triệu USD và một số giấy tờ phục vụ trong quân đội.
Những ngày sau đó bà Thúy liên tục nhận được email của một người xưng là Steven, nói là người chuyển thùng hàng cho Eric Townsend từ Mỹ về Việt Nam nhưng bị hải quan, công an… "làm khó", vì vậy cần bà Thúy gửi một số tiền để thông quan.
Tưởng thật nên từ tháng 5 đến tháng 6, bà Thúy đã nhiều lần chuyển tiền vào 6 tài khoản khác nhau theo yêu cầu của Steven, gồm: Hồ Thị Dung, Dương Thị Ngọc Hà, Nguyễn Thị Ngọc Liên, Thạch Thị Trắng, On Chakriya và Lê Thị Thùy Linh, với tổng số tiền trên 2,2 tỉ đồng.
Theo xác minh của PC46 Công an tỉnh Đồng Nai, trong 6 tài khoản mà bà Thúy chuyển tiền vào có đến 162 bị hại ở các tỉnh, thành trên cả nước gửi vào với số tiền trên 9 tỉ đồng. Trong số 162 bị hại chỉ có 20 người có đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, còn lại không có thông tin.
Về 6 tài khoản đối tượng dùng để chuyển tiền vào, cơ quan điều tra xác định có một tài khoản do người Campuchia qua Việt Nam du lịch rồi mở, một trường hợp vì đem cầm cố giấy CMND, rồi thất lạc và bị nghi phạm sử dụng thông tin để mở tài khoản dùng vào mục đích lừa đảo. Các trường hợp còn lại do quen biết với nghi phạm trên mạng sau đó bị lợi dụng nhờ mở tài khoản thẻ visa rồi gửi bằng đường bưu điện sang Malaysia và Campuchia cho nghi phạm.
PC46 Công an tỉnh Đồng Nai thông báo ai là bị hại của đường dây lừa đảo này liên hệ qua địa chỉ: 1034 Nguyễn Ái Quốc, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai để được giải quyết hoặc liên hệ số điện thoại: 01999456999; 0987868639 gặp điều tra viên Nguyễn Thế Kỷ phối hợp tố giác tội phạm.
Trên 39% số vụ tai nạn giao thông đường bộ do bia rượu
9 tháng qua, tỉnh Bến Tre xảy ra 232 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 136 người chết, 171 người bị thương.
Vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Đà Nẵng ngày 29.4 - Ảnh: Nguyễn Tú
Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Bến Tre vừa sơ kết tình hình bảo đảm trật tự ATGT 9 tháng đầu năm 2015. Theo đó, 9 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 232 vụ tai nạn giao thông (TNGT) gồm: 2 vụ đường thủy (4 người chết), 230 vụ đường bộ làm 136 người chết, 171 người bị thương.
So với cùng kỳ năm 2014, TNGT đường bộ giảm cả 3 tiêu chí: số vụ (giảm 38 vụ), người chết (giảm 18 người), người bị thương (giảm 27 người). Tuy nhiên, số vụ TNGT đường bộ có liên quan đến rượu, bia vẫn còn ở mức cao: 90/230 vụ, chiếm tỷ lệ 39,14%.
Trộm cắp làm ‘sập’ công ty
Từng được coi là biểu tượng của ngành luyện kim, nhưng hơn 2 năm qua, Công ty CP luyện thép Gia Sàng phải ngừng hoạt động bởi phần lớn máy móc thiết bị trong công ty bị "rút ruột".
Phần lớn các thiết bị máy móc trong xưởng cán thép đã bị lấy cắp - Ảnh: Thái Sơn
Công ty CP luyện thép Gia Sàng (GSS), tiền thân là Nhà máy luyện thép Gia Sàng (P.Gia Sàng, TP.Thái Nguyên), đơn vị thành viên của Công ty gang thép Thái Nguyên do Cộng hòa dân chủ Đức tài trợ xây dựng từ năm 1971 với công suất 70.000 tấn/năm.
Từ năm 2007, GSS chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhà nước nắm cổ phần gần 40%. Sau một vài năm đầu kinh doanh có lãi thì từ năm 2011, GSS liên tục thua lỗ, đến năm 2013 thì ngừng hoạt động với tổng lỗ lũy kế đến nay gần 140 tỉ đồng. Đáng chú ý, đại diện GSS cho rằng việc liên tục thua lỗ và ngừng hoạt động có nguyên nhân lớn là do bị “mất cắp tài sản”. Báo cáo của GSS gửi Bộ Công thương mới đây cho biết, tổng giá trị tài sản, thiết bị thất thoát không còn trong kho tính đến tháng 11.2014 là 31,8 tỉ đồng bao gồm ở hầu hết các hạng mục của nhà máy.
Dẫn PV Thanh Niên đi một vòng trong nhà máy, ông Trần Quang Minh, Phó phòng Kinh doanh GSS lắc đầu ngao ngán: “Có những thiết bị rất nặng, như khuôn đúc ở xưởng luyện thép nặng cả chục tấn, muốn di dời phải dùng tới cần cẩu đến nay cũng không cánh mà bay”. Theo quan sát, không chỉ lò luyện thép mà ở phân xưởng cán thép, xưởng cơ khí... đều trong khung cảnh hoang phế, những loại máy móc thiết bị nào còn lại cũng hoen gỉ bởi nhà xưởng bị rách nát.
Theo ông Minh, năm 2012 công ty có 535 lao động nhưng đến nay chỉ còn 374 người với thu nhập bình quân hơn 1,7 triệu đồng/người/tháng. Tổng quỹ lương của công ty năm 2012 trên 12,8 tỉ đồng nhưng vẫn đang nợ tiền lương của người lao động từ tháng 9.2012, nợ BHXH tỉnh 2,1 tỉ đồng. Đến cuối năm 2014, công ty còn 244 lao động. “Hiện nay công ty chỉ duy trì 16 người, trong đó có 4 người là lãnh đạo để giải quyết hậu quả và 12 người là bảo vệ. Tất cả đều không lương, anh em chán ngán lắm rồi nhưng chúng tôi động viên nhau, nếu bỏ làm thì toàn bộ tài sản trong nhà máy mất hết”, ông Minh nói.
Hồi tháng 7.2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án, bắt giam 4 người là cán bộ, bảo vệ của GSS. Trong đó, ông Lê Xuân Hộ (tức Động), Phó tổng giám đốc công ty, người nắm gần 20% cổ phần GSS; Dương Minh Vang, Phó quản đốc phân xưởng cán thép; Đoàn Bá Huấn, Phó quản đốc phân xưởng cán thép bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ. Bùi Hồng Dương, nhân viên bảo vệ bị khởi tố, bắt tạm giam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Những người này bị cáo buộc cho xe ô tô tải vào khu vực sản xuất của công ty với mục đích dọn dẹp vệ sinh nhưng sau đó đã chở phôi thép ra ngoài. Trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT còn phát hiện một khối lượng lớn thiết bị, vật tư bị đánh cắp, thất thoát trị giá lên cả tỉ đồng.
Trong văn bản gửi Bộ Công thương, GSS kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với cơ quan hữu quan tìm kiếm các giải pháp phục hồi sản xuất, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đồng thời kiến nghị mở rộng điều tra vụ án liên quan đến việc tháo dỡ, tẩu tán phá hoại thiết bị tư liệu sản xuất tại GSS cũng như trách nhiệm của đại diện phần vốn nhà nước khi để mất vốn và khoản lỗ gần 140 tỉ đồng như hiện nay.
(
Tinkinhte
tổng hợp)