Những ngày sau Tết, nông dân vùng trồng chuyên canh sầu riêng ở Tiền Giang phấn khởi bởi giá loại trái cây đặc sản này đang tăng mạnh và nhờ đó bà con được hưởng lợi.
Đến năm 2035, thu nhập bình quân của người Việt sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay
- Cập nhật : 23/02/2016
(Tin kinh te)
Trong vòng 20 năm tới tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người tối thiểu phải đạt 6,0%/năm để tiến tới mức thu nhập bình quân là 7.000 USD vào năm 2035.
Đó là một trong những nội dung được đưa ra trong “Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới (WB) công bố sáng 23/2.
Thu nhập bình quân năm 2014 là 2.052 USD, tương đương với GDP bình quân đầu người hiện nay khoảng 5.370 USD (tính theo sức mua tương đương bằng USD năm 2011).
Với Báo cáo Việt Nam 2035, Việt Nam hướng tới mục tiêu có nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại. Theo đó, nếu thực hiện cải cách thì dự báo thu nhập bình quân năm 2035 sẽ là hơn 7.000 USD (tức là khoảng 18.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương).
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đây là tỉ lệ tăng trưởng cao hơn hẳn so với tỷ lệ tăng trưởng bình quân theo đầu người là 5,5%/năm trong giai đoạn 1990-2014 và cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng 3,8%/năm của các nước thu nhập trung bình trong cùng thời kỳ.
Đối với kịch bản có tốc độ tăng trưởng thấp hơn, nhưng khả thi hơn song vẫn được xem là đầy tham vọng so với mức 5%/năm (là tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam 10 năm qua), thì GDP theo đầu người sẽ lên đến 15.000 USD vào năm 2035 và đưa Việt Nam ngang hàng Bra-xin năm 2014, và đạt 18.000 USD vào năm 2040.
Còn với kịch bản không cải cách, dự báo thu nhập bình quân năm 2035 của Việt Nam sẽ đạt tối đa là 4.500 USD (tương đương 12 USD tính theo sức mua tương đương).
Đồng thời, với lộ trình tăng trưởng trên 7%/năm (chỉ tiêu tăng trưởng theo khát vọng của Việt Nam), GDP theo đầu người sẽ đạt xấp xỉ 22.200 USD, tương đương với mức thu nhập của Hàn Quốc năm 2002 hoặc của Ma-lay-xi-a năm 2013. Tốc độ tăng trưởng cao hơn đó sẽ giúp Việt Nam đuổi kịp In-đô-nê-xi- a và Phi-líp-pin.
Ngoài ra, ít nhất 54 triệu trong số 108 triệu người Việt Nam sẽ sinh sống tại đô thị vào năm 2035, nghĩa là tăng thêm 25 triệu dân đô thị so với hiện nay. Như vậy, tỷ lệ đô thị hóa hiện nay vào khoảng 33%, cần tăng thêm 1-2% mỗi năm mới hoàn thành chỉ tiêu này, phù hợp với tốc độ trong 20 năm qua.
Các ngành phi nông nghiệp tăng trưởng nhanh gấp đôi so với nông nghiệp kể từ thập kỷ 1990. Đó là điều kiện để tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp chiếm 90% trong nền kinh tế. Nếu khả thi, khu vực tư nhân có thể đóng góp đến 80% GDP, đây sẽ là sự thay đổi hoàn toàn so với trước đây.
Kể từ khi tiến hành đổi mới đến nay, tỉ trọng khu vực công luôn dao động ở mức 33% GDP, điều đó có nghĩa là cần có những nỗ lực có ý nghĩa hơn nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả cổ phần hoá nhiều hơn) và để khuyến khích khu vực tư nhân phát triển hơn nữa.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khát vọng phát triển đất nước trong 20 năm tới rất lớn lao nhưng thách thức phải vượt qua cũng vô cùng lớn. Do đó, có rất nhiều việc phải làm, trong đó sáu chuyển đổi lớn, là sáu đột phá cần phải thực hiện.
Bao gồm: Xây dựng thể chế hiện đại; Hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao; Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hòa nhập xã hội; Tăng trưởng có khả năng chống chịu với khí hậu và Chuyển dịch không gian phát triển.
Sáu đột phá trên là cơ sở cho hiện thực hóa khát vọng, đồng thời cũng chính là những mục tiêu cần đạt tới vào năm 2035, bao gồm trong ba trụ cột: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Công bằng và hòa nhập xã hội; Năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.
An Ngọc
Theo Trí thức trẻ/CafeF