Xu hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp Việt ngày càng đa dạng, chiến lược đầu tư tập trung vào các lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư thấp, khả năng quay vòng vốn nhanh...
Những hồ ô nhiễm nặng ở Hà Nội
- Cập nhật : 25/11/2015
(Thoi su)
Hồ Văn Chương, Linh Quang là hai trong số nhiều hồ đang bị ô nhiễm nặng ở Hà Nội bởi phải tiếp nhận nhận nhiều nguồn xả thải.
Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) vừa công bố báo cáo hồ Hà Nội 2015. Báo cáo phân tích 30 hồ, trong đó 5 hồ được đánh giá không ô nhiễm, 11 hồ có dấu hiệu ô nhiễm, 8 hồ ô nhiễm nặng và 6 hồ ô nhiễm rất nặng.
Hồ Văn Chương, rộng 13.418m2 nằm trên địa bàn giáp ranh và thuộc quyền quản lý của ba phường là Văn Chương, Thổ Quan và Hàng Bột. Dù mức độ ô nhiễm hữu cơ trong hồ đã giảm nhiều so với năm 2010, nhưng kết quả phân tích chất lượng nước ô nhiễm rất nặng, tảo phát triển mạnh. Nước hồ có màu xanh đục, xung quanh miệng cống nước có mùi hôi thối vào mùa hè. Hồ tiếp nhận nước thải từ các hộ dân, các hộ kinh doanh ven hồ. Ảnh: Cecr.
Hồ Thiền Quang rộng 58.686m2, được bao quanh bởi 4 con phố đầy cây xanh và bóng mát là Nguyễn Du, Trần Bình Trọng, Trần Nhân Tông và Quang Trung. Mặc dù tảo phát triển mạnh nhưng ô nhiễm chất hữu cơ đã được cải thiện đáng kể so với 2010. Vào mùa hè, hiện tượng cá chết hàng loạt càng khiến hồ ô nhiễm. Hồ tiếp nhận nước từ hệ thống thoát nước khu vực và chất thải từ các quán nước ven hồ. Ảnh: Quý Đoàn.
Hồ Ba Mẫu thuộc hệ thống ao hồ tự nhiên liên thông với hồ Bảy Mẫu. Hồ rộng 43.448m2 được sử dụng để tạo cảnh quan và điều hòa nước trong khu vực. Nước hồ màu xanh lục. Vào mùa nóng, mặt hồ nổi nhiều xác tảo, mùi rất hôi thối. Sinh vật trong hồ chủ yếu là xương xỉ, bèo tây, cá trê đen. Theo phân tích chất lượng nước của Trung tâm, nước bị ô nhiễm hữu cơ và có sự phát triển của tảo. Nguyên nhân là do hồ tiếp nhận nước thải qua 10 cống lớn. Bên cạnh đó, hồ còn nhận rác từ các hàng quán xả xuống hồ. Ảnh: Cecr.
Hồ Linh Quang - một trong những hồ ô nhiễm nhất của Hà Nội hiện nay, có diện tích 22.108m2, nằm ở ngõ Văn Chương II, phường Văn Chương, quận Đống Đa. Nằm trong dự án cải tạo nhưng hồ bị bỏ ngỏ từ năm 2010 đến nay. Hồ tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ các hộ dân xung quanh và hoạt động kinh doanh nhà hàng. Kết quả phân tích cho thấy hồ bị ô nhiễm hữu cơ và sự phát triển mạnh của tảo. Tình trạng lấn chiếm bởi các hộ dân khiến diện tích hồ ngày càng thu hẹp, mặt nước cạn dần. Mặt hồ chủ yếu là rác sinh hoạt, xác động vật và cá chết. Nước hồ có màu đen và thường bốc mùi hôi thối. Lòng hồ đang dần bị các hộ dân lấn chiếm để nuôi gia súc, gia cầm. Ảnh: Cecr.
Cảnh quan lòng hồ Kim Liên ngày càng suy giảm, cỏ dại, bèo gần như phủ kín mặt hồ. Nước màu xanh đục, mùi hôi thối nặng. Môi trường nước ô nhiễm chưa được cải thiện dù đã áp dụng một số biện pháp xử lý do phải tiếp nhận lượng lớn nước thải từ hàng quán, tiệm rửa xe. Hồ có diện tích 20.224m2. Ảnh: Cecr.
Hồ Tứ Liên còn có tên khác là hồ Bụng Cá, ở quận Tây Hồ. Mặc dù nằm trong dự án cải tạo vào năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện gây nhiều bức xúc cho người dân. Cảnh quan hồ đang xuống cấp và có nguy cơ phát triển hàng quán bừa bãi. Nước hồ có màu xám đục và mùi hôi tanh nặng. Trong hồ chỉ có cá trê sinh sống được, rau và cá ở hồ không thể ăn được do quá bẩn. Kết quả phân tích nước năm 2015 cho thấy, nước hồ vẫn bị ô nhiễm nặng hữu cơ và tảo. Hồ có diện tích 25.796m2. Ảnh: Cecr.
Bên cạnh nghiên cứu về hồ, nhóm chuyên gia Cern còn công bố kết quả các ao ô nhiễm ở Hà Nội. Trên hình là Ao Phủ có diện tích 4.006m2. Đây là một trong những ao ô nhiễm nhất tại Hà Nội, nằm ở ngõ 1194 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Nó tiếp nhận nước thải, rác thải trực tiếp từ các hộ dân, hàng quán, chợ tạm, tiệm rửa xe, trong đó còn có chất thải chăn nuôi gia cầm. Ảnh: Cecr.