Ông Obama phát biểu với G7 về sự phát triển vượt bậc của Việt Nam
Xử lý hàng giả hàng nhái vẫn theo kiểu “bấm ngọn tỉa cành”
Trung Quốc lần đầu điều máy bay không người lái ra đảo Phú Lâm
Hà Nội duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn
Hình ảnh lễ hạ thủy tàu Gepard mà Nga đóng cho Hải quân Việt Nam
Tin trong nước đọc nhanh trưa 24-01-2016
- Cập nhật : 24/01/2016
Tàu Hải quân cứu 10 người gặp nạn trên biển
Sáng 23/1, tàu cá do ông Nguyễn Văn Hiền (44 tuổi, quê Ninh Thuận) làm thuyền trưởng đang hành nghề cách bờ Phan Thiết (Bình Thuận) chừng 35 hải lý đột ngột bị hỏng máy.
Các thuyền viên nỗ lực sửa chữa nhưng bất thành. Chiếc tàu trôi tự do trong thời tiết rất xấu, sóng biển mạnh cấp 6, khiến 10 người trên tàu lo lắng, yêu cầu cứu hộ.
Tiếp nhận thông tin, tàu 726 thuộc Hải đoàn 128 Quân chủng Hải quân đang làm nhiệm vụ trên biển, ngay lập tức chuyển hướng cứu nạn.
Đến chiều nay, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận tàu cá bị nạn, đưa các thuyền viên lên tàu Hải quân chăm sóc y tế. Các chiến sĩ tổ chức làm dây kéo tàu gặp nạn về Mũi Né, Phan Thiết.
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thua kiện
Theo TAND TP Hà Nội, quyết định tịch thu toàn bộ lô rượu trị giá 3,7 tỉ đồng của Cục Điều tra chống buôn lậu có nhiều sai phạm.
TAND TP Hà Nội vừa mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện hành chính giữa nguyên đơn là Công ty Camellia Trading International INC (Belize) và bị đơn là cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan về việc tịch thu lô hàng rượu trị giá 3,7 tỉ đồng của công ty này hồi tháng 6-2013.
Theo đơn khởi kiện, năm 2013 Công ty Camellia Trading International INC đã gửi vào kho ngoại quan của Công ty TNHH quốc tế Sao Bắc toàn bộ lô hàng rượu gồm 349 kiện, trị giá 3,7 tỉ đồng.
Công ty Sao Bắc được ủy quyền nhận hàng, làm thủ tục khai báo hải quan, nhập lô hàng về cảng Hải Phòng. Chiều 21-6-2013, toàn bộ lô hàng đã được nhập kho dưới sự kiểm tra, giám sát của Chi cục hải quan cảng Cái Lân thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh.
Tuy nhiên sau đó Chi cục hải quan cảng Cái Lân đã không làm thủ tục xuất lô hàng ra khỏi kho ngoại quan với lý do: Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực phía Bắc, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đề nghị tạm thời chưa làm thủ tục để chờ kết quả kiểm tra xác minh hồ sơ hải quan của lô hàng.
Tháng 10-2013, Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định phong tỏa lô hàng. Đến tháng 4-2015, Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định tịch thu toàn bộ lô hàng nêu trên với lý do tịch thu tang vật vi phạm hành chính không xác định được chủ sở hữu.
Sau đó, Công ty Camellia làm đơn khởi kiện đến TAND TP Hà Nội và yêu cầu hủy hai quyết định do cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu ban hành vì hai quyết định này xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công ty.
Tại tòa, đại diện ủy quyền của cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho rằng quyết định tịch thu lô hàng nói trên hoàn toàn đúng thẩm quyền, đúng quy định.
Trong khi đó, luật sư Phan Thị Hương Thủy - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn - cho rằng Cục Điều tra chống buôn lậu đã ban hành quyết định không hợp pháp, căn cứ vào các văn bản pháp luật đã hết hiệu lực.
Luật sư cho rằng Cục Điều tra chống buôn lậu chỉ có quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100 triệu đồng, trong khi giá trị toàn bộ lô hàng rượu lên tới 3,7 tỉ đồng.
Xét thấy quyết định hành chính của cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu có nhiều sai phạm, TAND TP Hà Nội đã tuyên hủy toàn bộ quyết định, giao trả lô hàng cho Công ty Camellia Trading International INC.
13.000 tỉ đồng để cải cách lương
Nhà nước sẽ chi 13.055 tỉ đồng để cải cách tiền lương. Số tiền này sử dụng vào các mục đích gồm: tinh giản biên chế; điều chỉnh lương hưu...
Trong năm 2016, Nhà nước sẽ chi 13.055 tỉ đồng để cải cách tiền lương. Số tiền này sử dụng vào các mục đích gồm: tinh giản biên chế; điều chỉnh lương hưu đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động thấp dưới 2 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, những giáo viên mầm non về hưu trước năm 1995 có lương hưu thấp sẽ được tăng thêm để bằng mức lương cơ sở. Đồng thời một phần số tiền trên sẽ hỗ trợ một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn để khi tăng lương cơ sở lên 1,21 triệu đồng/tháng từ ngày 1-5.
Cuộc sống của những lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc
Kể từ khi sang Hàn Quốc lao động bất hợp pháp, cuộc sống của Tùng (24 tuổi) chỉ quanh quẩn trong nhà máy và phòng trọ rộng chưa đầy 20 m2 dành cho 3 người. Một năm trước, gia đình Tùng vay mượn gần 13.000 USD lót tay cho “cò” để sang Hàn bằng đường du lịch, nhưng thực chất tìm cơ hội ở lại làm việc.Sau khi đến Hàn Quốc, Tùng được sắp xếp làm việc tại một nhà máy gia công đồ nội thất, sơn sắt thép ở ngoại ô Seoul. Ở cùng nhà trọ còn có 2 đồng hương quê Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và đều là lao động bất hợp pháp. “Gần một năm nay em giống như sống trong địa ngục vậy, nhiều lúc muốn bỏ về nhưng cứ nghĩ đến khoản vay bố mẹ đang phải gánh lại cắn răng chịu đựng”, Tùng nói.
Vốn xuất khẩu lao động bằng con đường chui nên Tùng không biết tiếng Hàn Quốc và đây chính là trở ngại lớn nhất. “Nhiều lần chủ bảo em làm việc này nhưng em không hiểu gì, thế là làm sai ý. Cứ như vậy lại bị quát mắng”, Tùng ngậm ngùi nói. Mỗi tháng Tùng được trả gần 30 triệu đồng tiền lương, trừ chi phí sinh hoạt, cậu dành dụm hơn 20 triệu đồng gửi về cho gia đình. Tuy nhiên, Tùng nói rằng đã 2 tháng nay chủ chưa trả lương.
“Không giống như lao động hợp pháp, những người như bọn em thường xuyên bị chủ nợ, thậm chí quỵt lương. Khi chuyển qua công ty khác chẳng ai nhận được hết tiền công vì chủ ít nhất cũng nắm một tháng lương nhằm giữ chân nhân công”, Tùng nói và cho hay những lao động bất hợp pháp chẳng có quyền lợi gì. Không có bảo hiểm, sống chui lủi nên biết chủ sai phạm, đối xử tệ nhưng phải im lặng vì chẳng biết tố cáo với ai, sợ bị bắt.
“Ở đây người Việt chủ yếu lao động chân tay nên rất hay bị tai nạn, song chẳng có bảo hiểm cũng không dám đến bệnh viện chữa trị. Lần nào gọi điện về nhà cũng bảo sống tốt, công việc tốt nhưng thật ra em không muốn để gia đình phải lo, tắt máy em chỉ biết khóc”, Tùng nói. Bạn bè một số người làm việc bên Hàn nhưng Tùng không dám gặp họ vì sợ bị nhà chức trách địa phương bắt. Cuộc sống của Tùng chỉ quanh quẩn trong phòng trọ sau 12 tiếng làm việc mỗi ngày.
Cùng cảnh ngộ với Tùng, Long (25 tuổi) 6 năm sống bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Quê ở xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Long kể hội đồng hương xã bên Hàn Quốc tới 1.270 người, nhưng chỉ 70 người là hợp pháp, còn lại sống “chui”. “Có lẽ cũng nhờ những đồng tiền từ lao độngchui ở Hàn Quốc mà xã em được xem là giàu nhất nước”, Long tự hào nói.
Bạn bè và người thân bên Hàn Quốc nhiều, lại sống ở đây lâu năm nên cuộc sống của Long có phần đỡ ngột ngạt hơn Tùng. Tuy nhiên, anh cũng thường xuyên bị nợ lương và bị chủ đối xử không tốt. “Làm việc thì không theo giờ giấc nào cả, công việc rất nặng. Có khi một ngày làm đến 16 tiếng vì phải theo ý chủ, bọn em phàn nàn sợ bị chủ báo cảnh sát bắt về nước”, Long nói.
Mỗi tháng Long gửi về cho gia đình gần 30 triệu đồng. “Làm bất hợp pháp lương cao hơn, nhiều người có sức khỏe đi làm xây dựng có khi mỗi tháng kiếm được 100 triệu đồng. Nghề đó làm ngoài trời, rất lạnh nên không phải ai cũng làm được”, Long kể.
Từng tốt nghiệp một trường đại học danh giá tại Hà Nội, Minh (28 tuổi) chấp nhận “treo bằng” để đi xuất khẩu lao động. Minh cho hay, sau vài tháng đi xin việc khắp nơi không được, anh nghe nói phải bỏ 300 triệu mới có được việc làm nên buông xuôi. “Bỏ số tiền đó để đi Hàn Quốc nhanh lấy lại vốn hơn, sau này về tính sau”, Minh nói và cho hay qua Hàn Quốc bằng đường du học, sau đó bỏ ra ngoài sống lưu vong.
“Ở đây hơn 5 năm đã quá quen với cuộc sống chui lủi rồi. Khổ cũng được, nhục cũng phải chịu, chỉ cần có tiền. Bây giờ về nhà chẳng biết làm gì ra tiền cả”, Minh nói và cho hay nhà chức trách địa phương thường tổ chức từng đợt truy quét người bất hợp pháp. Những lần như vậy, Minh cũng như nhiều người khác lại phải trốn chạy, có khi phải trốn trên mái nhà cả ngày.
Minh kể rằng, cách đây vài tháng bạn anh bị cảnh sát Hàn Quốc bắt khi đang trốn trên mái nhà. Lúc bỏ chạy, lao động này bị ngã phải nhập viện. Anh ta sau đó bị buộc về nước và bị phạt 100 triệu đồng. Minh cho rằng, lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc phải không để mất lòng nếu như không muốn bị bắt. "Phần lớn số bị bắt là do đồng nghiệp và chủ báo. Chỉ cần thấy ghét là họ báo, chính vì vậy phải luôn nhẫn nhịn. Chủ và đồng nghiệp nước ngoài có chửi cũng không dám cãi lại, bị nợ lương cũng không làm được gì", Minh nói.(VNexpress)
Cán bộ hải quan tiếp tay lừa hoàn thuế 80 tỉ
31 cán bộ hải quan của TP.HCM và An Giang nhận hối lộ để ký khống, ký sai tờ khai hải quan giúp công ty lừa đảo tiền hoàn thuế.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Lê Dũng, nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn (Công ty TPCN Sài Gòn) và đồng phạm về tội buôn lậu; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đưa hối lộ; môi giới hối lộ.
Tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia
Trong số 43 bị can bị đề nghị truy tố có 31 cán bộ hải quan của TP.HCM và An Giang bị khởi tố về các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm… Những cán bộ hải quan này giúp bị can Dũng lừa đảo tiền hoàn thuế hơn 80 tỉ đồng.
Theo hồ sơ, để lừa đảo tiền hoàn thuế, Dũng đã câu kết với Trần Thị Bích Tuyền (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) lập các công ty ma tại nước ngoài. Các công ty ma này sẽ ký kết các hợp đồng kinh tế mua hàng của Công ty TPCN Sài Gòn. Theo đó, Công ty TPCN Sài Gòn sẽ bán hàng thuốc lá điếu nhưng thực tế lại xuất khẩu các mặt hàng có giá trị thấp như gạo hoặc hàng không có giá trị để hoàn thuế GTGT, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Theo cơ quan điều tra, Dũng phân công người móc nối, bôi trơn và đặt vấn đề ăn chia theo tỉ lệ phần trăm với nhân viên hải quan theo mức 20% số tiền được hoàn thuế và hàng chục cán bộ, công chức hải quan ở TP.HCM và An Giang dính chàm.
Công an xác định có ba cán bộ hải quan TP.HCM thuộc cảng Sài Gòn khu vực IV không kiểm hóa hàng nhưng vẫn xác nhận.
Cụ thể Nguyễn Tiến Lộc, công chức kiểm hóa Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn Khu vực 4, được phân công kiểm hóa 10% hàng hóa khai báo, tuy nhiên Lộc không kiểm hóa nhưng vẫn ghi xác nhận đã kiểm tra, hàng đúng khai báo.
Còn Lê Hà tiếp nhận hồ sơ, trình lãnh đạo phê duyệt hình thức kiểm tra hàng hóa, biết rõ Công ty TPCN Sài Gòn chưa được cấp giấy phép kinh doanh thuốc lá vẫn trình ký trong khi thực tế công ty xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng khác, giá trị thấp như trấu, mì gói... nhưng khai trong hồ sơ xuất khẩu là thuốc lá Caraven “A” để chiếm đoạt tiền hoàn thuế.
An Giang: 28 cán bộ hải quan ký khống
Kết luận điều tra xác định có tổng cộng 28 bị can là nguyên cán bộ hải quan công tác tại hải quan cửa khẩu Khánh Bình tỉnh An Giang, biết rõ không có hàng hóa xuất khẩu nhưng vẫn ký khống tờ khai hàng hóa xuất khẩu và ký thủ tục thông quan khống để nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp.
Cụ thể, Nguyễn Văn Biên, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, chỉ đạo ký khống 92 tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu mặt hàng thuốc lá để nhận hối lộ hơn 265 triệu đồng. Thái Thanh Nguồn và Nguyễn Phi Công (nguyên là phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình) chỉ đạo ký khống 120 tờ khai hải quan nhận hối lộ hơn 230 triệu đồng. Đội trưởng nghiệp vụ ký khống 20 tờ khai hải quan được hối lộ hơn 23 triệu đồng.
Cũng tại hải quan Khánh Bình, hàng chục cán bộ hải quan cấp dưới biết rõ Công ty TPCN Sài Gòn không xuất khẩu hàng hóa thật, mở tờ khai khống nhưng vẫn tiếp nhận hồ sơ, xác nhận việc xuất khẩu hàng hóa qua biên giới và nhận tiền từ doanh nghiệp.
Công an TP.HCM xác định Lê Dũng và đồng phạm chiếm đoạt của Công ty TPCN Sài Gòn số tiền hơn 36 tỉ đồng; lừa đảo tiền hoàn thuế GTGT tại Cục Thuế TP.HCM hơn 80 tỉ đồng.