Bác đề nghị xây dựng khu hành chính tập trung của Nghệ An
Hà Nội: Khẩn trương lập quy hoạch không gian ngầm của thành phố
Đà Nẵng: 140 tỷ đồng xây Khu dân cư KCN Hoà Khánh mở rộng
Bổ sung Dự án Becamex - Bình Định vào KKT Nhơn Hội
Hà Nội quy hoạch 8 tuyến buýt nhanh
Tin trong nước đọc nhanh chiều 25-01-2016
- Cập nhật : 25/01/2016
Tàu cá Việt Nam bị tàu Đài Loan tấn công
Hai tàu tuần tiễu Đài Loan màu trắng đâm va, phun vòi rồng vào tàu cá Việt Nam đang neo đậu tại vị trí cách đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 4 hải lý về phía đông.
Chiều 23-1, tàu cá QNg 90649 do ông Nguyễn Thanh Biên (32 tuổi, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, kiêm chủ tàu về đến trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) để trình báo với cán bộ trạm về việc bị hai tàu Đài Loan đâm va, phun vòi rồng.
Ngay sau đó, trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ đã kiểm tra thiệt hại, lấy lời khai từ các ngư dân. Đồng thời tiếp nhận biên bản mà hải quân Việt Nam đóng ở đảo Sơn Ca xác nhận sự việc.
Theo đó, vào khoảng 7g30 sáng 6-1, trong lúc đang neo đậu tàu cá dùng bữa sáng tại vị trí cách đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) khoảng 4 hải lý về phía đông, ngư dân Biên phát hiện hai tàu tuần tiễu Đài Loan màu trắng mang số hiệu PP 10052 và PP 10053 chạy về hướng tàu cá.
“Tôi biết có chuyện chẳng lành, kéo neo chạy. Nhưng hai tàu kia vẫn đuổi theo dùng vòi rồng phun xối xả về phía cabin tàu cá chúng tôi. Tàu PP 10052 còn đâm trực diện vào phía mạn phải tàu tôi ba lần, làm móp góc lái phải, rách thùng cabin, máy dò cá bị hư hỏng” - ông Biên kể.
Ngư dân Biên còn đưa cho chúng tôi xem clip mà các ngư dân ghi lại hai tàu tuần tiễu Đài Loan phun vòi rồng.
Đến khoảng 8g cùng ngày, tàu cá của ngư dân Biên chạy tới cách đảo Sơn Ca chừng 2 hải lý, hai tàu tuần tiễu Đài Loan mới chịu quay đầu chạy về hướng đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), hiện Đài Loan đang chiếm đóng trái phép.
Ngư dân Nguyễn Hà (26 tuổi, xã Bình Châu) kể lúc đó có thêm một tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90929 cũng đang đánh bắt tại khu vực này bị phun vòi rồng, sau đó thoát khỏi sự truy đuổi của hai tàu tuần tiễu của Đài Loan.
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, trung tá Phạm Xuân Trung - phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng đảo Sơn Ca - cho biết đã báo cáo sự việc lên cấp trên, đồng thời khẳng định: “Chúng tôi có ra cụ thể hiện trường ngoài biển, xác định chính xác hai tàu tuần tiễu tấn công tàu cá của ngư dân Biên là của Đài Loan. Chúng tôi từng thấy hai tàu này xuất hiện ở bãi đá Bàn Than (bãi đá nằm giữa đảo Tiên Nữ và Ba Bình), nhiều lần yêu cầu họ rút khỏi khu vực vùng biển của Việt Nam”.
Động đất khiến hồ thủy điện dậy sóng
Theo Viện Vật lý địa cầu, gần 2h sáng 24/1, trận động đất mạnh 3,3 độ richter xảy ra ở khu vực thủy điện sông Tranh (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam). Độ sau chấn tiêu khoảng 8 km, Viện đang theo dõi diễn biến của trận động đất này.
“Đang ngủ thì thức giấc bởi tiếng nổ lớn, sau đó nhà cửa rung lắc khoảng 4 giây. Biết động đất nên cả nhà tháo chạy ra ngoài, may mà nhà cửa không hư hỏng”, ông Phạm Văn Xuân (xã Trà Đốc), nói. Cách đây không lâu, trận động đất mạnh 3,6 độ richter làm nhà ông Xuân bị nứt toác.Một số hộ dân nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện Sông Tranh 2 cho hay cảm nhận rất rõ vụ động đất. "Mặt hồ dậy sóng, chao đảo sau tiếng nổ. Ai nấy cũng hốt hoảng vì thời điểm này hồ đang tích đầy nước. Nếu có động đất mạnh sẽ rất nguy hiểm", ông Phan Thanh (52 tuổi) nói.
Ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh, cho biết hồ chứa nước đang ở cao trình trên 174 m (sát đỉnh 175 m), thiết bị quan trắc động đất gắn tại thân đập cũng ghi nhận dư chấn. Qua kiểm tra nhanh, hệ thống đập, nhà máy vẫn an toàn và hoạt động bình thường.
Chính quyền huyện Bắc Trà My đang cử cán bộ trấn an người dân đồng thời xác minh thiệt hại sau vụ động đất.
TP.HCM: Viết chữ lên nắp cống kêu gọi không xả rác
Theo Bí thư đoàn Công ty Thoát nước đô thị Nguyễn Đức Sáng, hiện tình trạng người dân xả rác bừa bãi ra môi trường còn phổ biến. Việc xả rác làm bít các miệng hố ga, cống và lòng kênh, rạch bị bồi lắng, gây ô nhiễm môi trường và hạn chế khả năng thoát nước.
Làm chính sách kiểu ‘đánh úp’!
Nhưng theo báo chí, đến nay CSGT vẫn chưa phạt chủ xe hay lái xe nào về việc không trang bị bình chữa cháy.
Phải nói sau khi quy định phạt chủ xe hoặc người lái xe không trang bị bình chữa cháy được báo chí phát hiện là đã có hiệu lực thì ngay lập tức thị trường bình cứu hỏa sôi động hẳn lên. Mặc dù giá tăng gấp bốn lần so với trước đây nhưng các cửa hàng bán bình cứu hỏa tại Hà Nội và TP.HCM vẫn “cháy” hàng! Phải nói dân mình rất có ý thức tôn trọng pháp luật! Cho nên bất luận công dụng của bình chữa cháy đến đâu thì người nhập, phân phối và bán bình cứu hỏa vẫn cứ rung đùi lượm tiền!
Có một tờ báo đã làm một khảo sát trên 1.000 người. Kết quả cho thấy chỉ có 7% những người được hỏi là đồng ý với chủ trương cần trang bị bình cứu hỏa cho xe hơi, còn 59% cho rằng không cần thiết. Kết quả này cho thấy mức độ hài lòng của người dân đối với chủ trương đã đề ra.
Cũng cần nhìn thấy Bộ Công an ban hành quy định nói trên xuất phát từ mục đích tốt đẹp trong việc hạn chế cháy nổ trên ô tô, giảm thiểu thiệt hại khi cháy nổ xảy ra. Bởi chỉ tính riêng năm 2015, cả nước đã có 123 vụ cháy ô tô; nếu không trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, nguy cơ xảy ra tình trạng cháy nổ là rất lớn.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, lẽ ra người ta cũng cần phải thống kê, phân tích xem trong 123 vụ cháy ô tô đó có phải vì không có bình chữa cháy trên xe hay không, nếu có bình chữa cháy thì liệu những chiếc xe đó có được “cứu” không? Có bao nhiêu trường hợp nổ bình chữa cháy để trong xe? Nguyên nhân vì sao? Giữa nguy cơ bình chữa cháy bị nổ với nguy cơ xe bị cháy vì… không có bình chữa cháy thì nguy cơ nào lớn hơn, tức lựa chọn nào có lợi hơn?...
Trên đây là những câu hỏi mà người dân rất quan tâm nhưng chưa được cơ quan chức năng trả lời thấu đáo. Ngoài ra, một quy định liên quan đến nhiều người nhưng phải đến cận ngày có hiệu lực thi hành thì người dân mới biết và nháo nhào đi tìm mua bình chữa cháy. Thành ra người dân bức xúc cũng là điều dễ hiểu.
Có rất nhiều chủ trương, chính sách vừa ra đời đã vấp phải sự phản ứng của người dân. Chẳng hạn quy định cấm sử dụng tầng trệt nhà ở để cho thuê, kinh doanh; quy định viếng đám ma không quá bảy vòng hoa, không được để ô kính trên nắp quan tài; cấm bán bia vỉa hè, nơi uống bia phải có nhiệt độ dưới 30oC; bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm ưu tiên khi đi thi ĐH; “ngực lép, chân ngắn” không được lái xe; bán hàng rong phải có đủ sức khỏe… Cứ thế, những quy định phi thực tế ra đời “từ phòng lạnh” như chuyện dài tập về cách thức ban hành chính sách ngộ nghĩnh ở ta.
Ta thường nghe dự án luật này, dự án luật kia. Từ dự án đã bao hàm ý nghĩa khoa học, trong đó các khâu từ khảo sát, phản biện đến trình dự án, thẩm định và ban hành văn bản pháp luật đều phải tuân thủ theo một quy trình chặt chẽ. Thậm chí có chính sách còn phải triển khai thí điểm nhằm đánh giá toàn diện trước khi triển khai trên diện rộng. Có như thế mới tránh cho ra đời những chính sách trời ơi, những quy định “từ trên trời rơi xuống”.
Ngoài ra trước khi thi hành, các cơ quan liên quan còn phải tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân nắm rõ và chuẩn bị. Nếu thấy cần thiết, cơ quan thực thi nên đề ra lộ trình thực hiện để người dân còn “tập dợt”, thay đổi thói quen, hành vi cho phù hợp với quy định mới trước khi chính thức xử phạt. Điều này cũng giống như một con đường trước giờ đang cho lưu thông hai chiều, nay nếu muốn quy hoạch thành đường một chiều thì phải trương bảng hướng dẫn một thời gian, sau đó ai vi phạm mới bị xử phạt. Tránh kiểu làm chính sách và thực thi chính sách như kiểu “đánh úp” khiến người dân trở tay không kịp.
Metro Bến Thành-Suối Tiên sẽ kéo dài đến Đồng Nai, Bình Dương
Tuyến metro số 1 của TP HCM (Bến Thành – Suối Tiên) có thể sẽ được kéo dài đến tận ngã 3 Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai và thành phố mới Bình Dương.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hôm 20-1 bộ này đã nhận được văn bản của tỉnh Đồng Nai đề nghị xem xét nghiên cứu, bổ sung kéo dài tuyến metro số 1 của TP HCM từ Suối Tiên (quận 9, TP HCM) đến ngã tư Vũng Tàu (tỉnh Đồng Nai), với chiều dài 4,7km.
Đề nghị nghiên cứu kéo dài metro số 1 đến ngã 3 Vũng Tàu, theo tỉnh Đồng Nai, xuất phát từ việc tỉnh nằm giáp với cửa ngõ phía Đông của TP HCM - cửa ngõ có lượng xe rất lớn. Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh có 29 khu công nghiệp nên lượng người đi lại giữa Đồng Nai và TP HCM rất lớn.
Về quy hoạch, căn cứ quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 568/QĐ-TTg, 8 tuyến metro của TPHCM sẽ kết nối với các đô thị vệ tinh trong vùng như Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tân An... Trong đó, có việc nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến metro số 1 đến ngã ba chợ Sặt, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Một thuận lợi nữa là Đồng Nai đã có sẵn quỹ đất để xây tuyến đường sắt đô thị và nhà ga qua khu công nghiệp Biên Hoà 2 nên khối lượng giải phóng mặt bằng của dự án không lớn.
Chính quyền tỉnh Đồng Nai cho rằng việc kéo dài tuyến metro sẽ giảm lượng xe cá nhân đi vào TP HCM và sẽ giảm được ùn tắc ở cửa ngõ phía Đông TP HCM.
Ngoài việc kéo dài tuyến metro số 1 đến Đồng Nai, tỉnh Bình Dương hiện tại cũng đang nghiên cứu để xây dựng một tuyến metro nối từ thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên để nối vào tuyến metro số 1 của TP HCM.
Nếu tuyến metro nối từ thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên được xây dựng thì trung tâm đô thị Bình Dương sẽ được kết nối liên thông với TP HCM bằng đường sắt đô thị.
Tuyến metro số 1 của TP HCM từ Bến Thành đến Suối Tiên hiện đang được xây dựng cả đoạn đi ngầm và đi trên cao. Trong đó, đoạn đi trên cao từ Ba Son đến Long Bình, Quận 9 dài hơn 17 km theo kế hoạch đến giữa năm 2017 sẽ hoàn thành, năm 2018 có thể cho tàu chạy ở đoạn trên cao này.
Tuy nhiên, phải đến năm 2020 toàn tuyến metro từ Bến Thành đến Suối Tiên mới hoàn chỉnh.