Trong hơn 2 năm, 3 tiệm vàng vùng quê đã bán hơn 19 tấn vàng, một con số nhìn vào đã thấy bất thường.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 29-11-2015
- Cập nhật : 29/11/2015
Tài sản trí tuệ có yếu tố nước ngoài tăng
Theo ThS Nguyễn Hữu Cẩn, dịch chuyển tài sản trí tuệ của Việt Nam cho nước ngoài là một vấn đề thời sự. Trong đó, dịch chuyển tài sản trí tuệ có yếu tố nước ngoài có xu hướng tăng.
Thông tin này được công bố tại Hội thảo Phát triển và chuyển giao tài sản trí tuệ do Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức vào chiều 27-11.
Theo ThS Nguyễn Hữu Cẩn, phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, tình hình dịch chuyển tài sản trí tuệ của Việt Nam cho nước ngoài chủ yếu là nhãn hiệu chiếm 96,7%.
Bên bán gồm các công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty liên doanh, doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam chiếm 92,1% và bên mua (nước ngoài) bao gồm các công ty, tập đoàn.
ThS Nguyễn Hữu Cẩn cho biết dịch chuyển tài sản trí tuệ của Việt Nam cho nước ngoài là một vấn đề thời sự. Trong đó, dịch chuyển tài sản trí tuệ có yếu tố nước ngoài có xu hướng tăng.
Từ năm 2006 đến năm 2014, tổng số tài sản trí tuệ được chuyển nhượng và tổng số tài sản trí tuệ được chuyển nhượng giữa Việt Nam và nước ngoài tuy có biến động nhưng nhìn chung tăng theo từng năm.
Cụ thể, năm 2006, tổng số tài sản trí tuệ được chuyển nhượng giữa Việt Nam và nước ngoài là 19 nhưng năm 2015, con số này đã tăng lên, đạt 303.
Lĩnh vực dịch chuyển tài sản trí tuệ của Việt Nam cho nước ngoài chủ yếu là ngày sản xuất. Các sản phẩm như thuốc, hóa chất, mỹ phẩm, dược liệu, nông hóa phẩm có 93 hợp đồng, chiếm số lượng cao nhất trong tất cả các sản phẩm, dịch vụ.
Bên mua, chủ yếu từ châu Á và châu Âu (chiếm 81,8%), trong đó số lượng nhãn hiệu đã bán sang Hàn Quốc chiếm cao nhất (210 nhãn hiệu).
Ông Thuận Hữu giữ chức chủ tịch Liên đoàn Các nhà báo ASEAN
Chiều 27-11, tại phiên họp đại hội đồng lần thứ 18 Liên đoàn Các nhà báo ASEAN (CAJ) tổ chức ở Hà Nội, ông Thuận Hữu - chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - chính thức tiếp nhận chức chủ tịch CAJ trong nhiệm kỳ hai năm.
Trước đó, sáng cùng ngày đã diễn ra lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập CAJ với sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh, các thành viên của CAJ cùng các đoàn nhà báo Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều đoàn ngoại giao các nước tại Hà Nội.
Phiên họp đại hội đồng lần thứ 18 cũng thông qua Tuyên bố Hà Nội nêu rõ: “CAJ - một tổ chức báo chí trong khu vực ASEAN, hưởng ứng với việc ra đời của Cộng đồng ASEAN bằng việc tăng cường tình đoàn kết và ổn định thông qua việc đưa tin đúng đắn”.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: trách nhiệm của CAJ cũng như báo chí các nước ASEAN là phải giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển. Cụ thể là tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, đề cao công lý trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Việt Nam đối mặt với El Nino kéo dài nhất lịch sử
Ông Lê Thanh Hải - phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết các cơ quan khí tượng quốc tế đã đưa ra các thông số cho thấy hiện tượng El Nino mạnh kỷ lục trong 60 năm qua.
El Nino hiện nay được đánh giá vượt qua El Nino năm 1997 - 1998 về sự gia tăng của nhiệt độ nước biển, độ rộng và thời gian tác động.
Năm 2015, tác động của El Nino đã hiện hữu với nước ta khi xảy ra 14 đợt nắng nóng diện rộng với nhiều giá trị nhiệt độ kỷ lục, nhiều nơi nắng nóng trên 42oC.
Năm 2015 cũng ghi nhận xâm nhập mặn ở Nam bộ xuất hiện sớm từ tháng 1-2015 với độ mặn lớn hơn trung bình nhiều năm. Còn mực nước cao nhất trong mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long được ghi nhận là thấp nhất từ năm 1926 tới nay khi mực nước tại Tân Châu đo được ngày 15-10 là 2,55m, tại Châu Đốc ngày 30-9 là 2,35m.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định nhiệt độ từ tháng 11-2015 đến tháng 4-2016 trên toàn quốc có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5oC. Những tháng chính của mùa đông tại miền Bắc (từ tháng 12-2015 đến tháng 2-2016) nhiệt độ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm. Nhận định chung, mùa đông 2015 - 2016 sẽ tiếp tục là một mùa đông ấm, ít ngày rét ở Bắc bộ.
Vẫn còn thu phí tiêu độc, khử trùng ô tô!
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho biết các trạm thú y trên địa bàn vẫn còn thu phí vệ sinh khử trùng, tiêu độc ôtô trong khi thông tư số 113 của Bộ Tài chính đã bãi bỏ.
Sau khi ôtô chuyên chở gia súc gia cầm được vệ sinh khử trùng và tiêu độc, chủ xe nhận được biên lai thu tiền này - Ảnh: Đức Trong
Thậm chí một số trạm thu nhưng không xuất vé, hóa đơn chứng từ về loại phí này. “Khi biết tin đã bãi bỏ một số loại phí, trong đó có phí vệ sinh khử trùng, tiêu độc ôtô, chúng tôi mừng lắm vì bớt đi phần nào gánh nặng chi phí. Nhưng vừa rồi các trạm thú y tỉnh Đồng Nai vẫn thu, chẳng biết vì sao” - một chủ trại gà chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Quang - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai - xác nhận có thu loại phí này, đồng thời cho biết phí này được thu theo hình thức dịch vụ, không bắt buộc. Theo ông Quang, khâu vệ sinh khử trùng, tiêu độc ôtô chở gia súc gia cầm là một trong những quy trình bắt buộc trong kiểm dịch động vật.
Do đó, Chi cục Thú y Đồng Nai đã triển khai cho các doanh nghiệp chăn nuôi trên toàn tỉnh cũng như chủ các phương tiện chở gia súc gia cầm tự vệ sinh khử trùng, tiêu độc dưới sự giám sát của nhân viên thú y. Tuy nhiên các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ lẻ, không thực hiện được việc làm này nên chi cục đã xin phép các đơn vị liên quan triển khai gói dịch vụ này.
“Việc triển khai gói dịch vụ này đã được thông qua nhiều cơ quan chức năng, Chi cục Thuế Đồng Nai cấp hóa đơn chứng từ. Nếu doanh nghiệp nào tham gia sẽ ký kết hợp đồng, còn không thì tự triển khai dưới sự giám sát của nhân viên thú y. Còn về việc chủ phương tiện phản ảnh một số trạm thú y sau khi phun hóa chất mà không cấp vé xác nhận đã thu tiền là sai quy định, chúng tôi sẽ kiểm tra lại và chấn chỉnh ngay” - ông Quang nói.
Hà Nội tiếp tục công khai danh sách 92 doanh nghiệp lỳ thuế
Chiều 28-11, Cục thuế Hà Nội cho biết đã tiếp tục công khai danh sách 92 doanh nghiệp có nợ thuế trên địa bàn.
Tính đến ngày 31-10, tổng số tiền nợ của các doanh nghiệp này lên đến gần 263,6 tỉ đồng. Đây là đợt công khai lần thứ sáu danh sách các doanh nghiệp chậm nộp thuế quá hạn cho phép. Hầu hết doanh nghiệp có số nợ thuế lớn đều hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông.
Cụ thể: Công ty CP đầu tư xây dựng Long Việt nợ 27,9 tỉ đồng; Công ty CP Cầu 3 Thăng Long 16,7 tỉ đồng; Công Ty CP Cầu 5 Thăng Long 16,4 tỉ đồng; Cty CP thép Việt Thanh 14,7 tỉ đồng; Công Ty CP Thí nghiệm và xây dựng Thăng Long nợ 12,8 tỉ đồng; Công ty CP Tư vấn thí nghiệm công trình giao thông 1 - Cienco1 9,9 tỉ đồng; Công ty TNHH Hallim Precision Vina nợ 7,96 tỉ đồng; Công ty CP Lắp máy điện nước và xây dựng 7 tỉ đồng...
Cục Thuế cho biết đã tập trung rà soát, phân loại trạng thái nợ như nợ khó thu, nợ chờ xử lý, nợ có khả năng thu để áp dụng các biện pháp như thông báo tính tiền chậm nộp, trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, công khai thông tin những đơn vị nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cục thuế Hà Nội đánh giá chỉ trong bốn tháng, sau khi công khai danh sách tên và số nợ thuế của doanh nghiệp, số tiền thuế được thu hồi là khá cao. Kết quả đến ngày 27-11, sau khi đăng năm lần công khai số nợ thuế của 470 doanh nghiệp thì đã có 242 đơn vị nộp vào ngân sách với tổng số tiền 1.475,5 tỉ đồng.
Cục thuế Hà Nội cũng khuyến cáo những doanh nghiệp còn nợ thuế cần thu xếp nguồn và khẩn trương nộp nợ vào ngân sách trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.
Về kết quản thực hiện nhiệm vụ thu của cơ quan thuế Hà Nội, Cục thuế Hà Nội cho biết tổng thu nội địa 11 tháng đạt 122.340 tỉ đồng, bằng 94,8% kế hoạch được giao.