Mấy ngày nay, hàng chục người dân kéo đến các cơ quan chức năng huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phản ảnh về việc bị “sập bẫy” bán hàng đa cấp của Công ty Hoàng Gia Phúc (HGP).
Khó chống hàng giả vì hàng nào cũng giả
- Cập nhật : 29/11/2015
(Thoi su)
Hàng giả tràn lan không chỉ khiến lòng tin người tiêu dùng giảm sút mà việc dẹp vấn nạn này cũng khó có thể thực hiện.
Tại hội thảo “Chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệthương hiệu trong hội nhập AFTA, TPP”, tổ chức tại TP HCM sáng nay, các cơ quan quản lý đều thừa nhận, tất cả hàng hóa đang có mặt trên thị trường, từ phân bón, thức ăn chăn nuôi đến thực phẩm, hàng tiêu dùng cả bình dân đến loại cao cấp hiện đều bị làm giả. “Có cả hàng nhập ngoại giả, hàng có thương hiệu trong nước bị làm giả, và cả hàng Việt bị làm giả ở nước ngoài rồi nhập về bán trong nước”, ông Trần Hùng, Phó ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết.
Hàng giả được sản xuất rất tinh vi dưới dạng gia công sản phẩm ở một nơi, sau đó đặt gia công ở nơi khác rồi lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Thậm chí, có DN trong nước hình thành đường dây làm hàng giả mạo xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu nổi tiếng trong nước. Hàng giả cũng được sản xuất theo đơn đặt hàng, trà trộn vào hàng thật, rất khó phát hiện. Ngoài ra, hàng giả tồn tại còn do một bộ phận người tiêu dùng lâu nay đã tiếp tay để tiêu thụ.
Đại diện Công ty NGK Việt Nam cho biết, việc sản phẩm bugi của đơn vị này bị làm giả lâu nay đã không còn lạ. Tuy nhiên, khi kiểm chứng số liệu thực tế thì doanh nghiệp không khỏi giật mình.
Đơn vị này vừa có cuộc khảo sát bằng cách mua ngẫu nhiên 1.208 chiếc bugi NGK, loại phổ biến được sử dụng cho xe gắn máy hiện nay, tại 452 cửa hàng trên cả nước. Sau khi mua gom số bugi này, đích thân các chuyên gia Nhật Bản kiểm tra từng chiếc, phát hiện có đến 20,5% số bugi này là giả, tức trong 100 sản phẩm thì có hơn 20 chiếc không phải hàng thật. Đặc biệt, các tỉnh phía Nam mặt hàng này bị làm giả rất lớn, lên đến 25,5%. Đơn vị này cho rằng, với 20,5% sản phẩm bị làm giả thì doanh số và thị phần của doanh nghiệp cũng bị mất tương ứng.
Theo thống kê, 10 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện 149.946 vụ hàng giả, hàng lậu, tăng đến 30% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Bị làm giả nhiều nhất là hàng hoá thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng, từ thực phẩm, hàng tiêu dùng đến vật tư nông nghiệp. Dược phẩm, đồ điện gia dụng, vật liệu xây dựng… cũng bị làm giả.
Ông Henry Nishikawa, Tổng giám đốc Công ty BMB (Nhật Bản), cũng chia sẻ, năm nay là năm thứ 4 sản phẩm loa BMB được bán trên thị trường ở Việt Nam, và bị làm nhái, giả khá nhiều. Không chỉ bị làm giả tại Việt Nam mà sản phẩm của đơn vị này còn bị làm giả ở Trung Quốc, chuyển qua Malaysia rồi vào Việt Nam.
Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM khẳng định, rất khó chống hàng giả, hàng nhái bởi hiện nay, hầu như tất cả hàng hóa lưu thông trên thị trường đều bị làm giả, và người tiêu dùng nghiễm nhiên chấp nhận sử dụng hàng này.
“Trên thị trường hiện nay, nếu hỏi có mặt hàng nào không bị nhái, giả thì mọi người sẽ khó trả lời. Ngược lại, chúng ta rất dễ điểm danh nếu được hỏi những mặt hàng nào bị làm giả, làm nhái. Rất nhiều doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường hôm trước thì hôm sau bị làm giả. Nói chung, thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu tại Việt Nam đang rất nghiêm trọng”, ông Phong nói.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, DN phải thay đổi nhận thức, đặc biệt là việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Cơ quan quản lý cũng phải hỗ trợ DN xây dựng và bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ để người tiêu dùng nhận biết và chọn đúng sản phẩm.