TPHCM sẽ phê duyệt đề xuất phát triển công viên cảng Bạch Đằng
Đến 31/5, VAMC đã thu hồi được 31.000 tỷ đồng
Rumani tăng cường hợp tác thương mại với Việt Nam
Hà Nội đã chốt phương án thiết kế cầu đường sắt vượt sông Hồng
Du lịch Việt vẫn lận đận
- Cập nhật : 29/11/2015
(Du lich)
Ngành du lịch Việt Nam có nhiều ưu thế do nằm trong vùng Đông Nam Á - nơi đang phát triển nhanh nhưng lại bị cạnh tranh gay gắt bởi các nước lân cận
Tổng cục Du lịch và dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (dự án EU - ESRT do Liên minh châu Âu tài trợ) vừa công bố Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2014.
Trong đó, thống kê mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp hạng các quốc gia có lượng khách quốc tế đến và tổng thu từ du lịch quốc tế, Việt Nam đều thua xa các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia.
Chỉ hút khách… “nghèo”
Theo Ban Quản lý dự án EU - ESRT, lần đầu tiên ngành du lịch Việt Nam có một tài liệu tổng hợp được xây dựng theo kinh nghiệm quốc tế, sử dụng con số “giá trị gia tăng” xuất phát từ chi tiêu của du khách để đo lường sự đóng góp về kinh tế của ngành.
Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 40 thế giới về lượng khách quốc tế đến. So với các nước trong khu vực thì đứng sau Indonesia (vị trí 34), Singapore (vị trí 25), Thái Lan (vị trí 14) và Malaysia (vị trí 12). Về tổng thu từ du lịch quốc tế, Việt Nam đứng thứ 36 trên thế giới, sau các điểm đến lân cận như Indonesia (vị trí thứ 32), Singapore (vị trí 16), Malaysia (vị trí 13) và Thái Lan (vị trí thứ 12).
Trong giai đoạn từ năm 2010-2014, khách quốc tế đến Việt Nam tăng từ hơn 5 triệu lượt lên 7,87 triệu lượt, trong đó chủ yếu là khách châu Á (chiếm hơn 67,84%). Tổng thu từ khách quốc tế đến Việt Nam năm ngoái ước đạt 8.393 triệu USD, tương đương hơn 177.490 tỉ đồng. Ngành du lịch đóng góp vào tăng trưởng GDP năm 2014 là 6,49%.
Lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành cho rằng ngành du lịch lâu nay chuộng thành tích nên chỉ đưa ra con số khách du lịch năm sau cao hơn năm trước. Ngay cả việc nói về một thị trường khách quốc tế trọng điểm, cũng chỉ đưa ra số liệu về lượng khách đến. Trong khi, để đánh giá tổng quan về một thị trường, cần nhiều yếu tố khác như chi tiêu bình quân mỗi chuyến đi của du khách, độ dài thời gian khách lưu trú trong mỗi chuyến đi...
Phân tích từ Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2014 cho thấy khách Trung Quốc đến Việt Nam nhiều nhất với 1,94 triệu lượt nhưng chi tiêu chỉ 790 USD/người và ở trung bình 6,6 ngày - nằm trong nhóm các thị trường du khách ở ít ngày và chi tiêu thấp nhất.
Ngược lại, du khách đến từ Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức (thuộc nhóm chi tiêu nhiều) khi tới Việt Nam, thời gian lưu trú khoảng 15 ngày. Tính ra, tổng thu từ khách du lịch một số thị trường có tổng lượng khách không cao nhưng lưu trú dài ngày và chi tiêu bình quân một chuyến đi lớn có thể đem lại nguồn thu cao hơn.
“Thái Lan, Malaysia có những phòng phân tích tập trung về thị trường khách có tiền, chi tiêu cao để từ đó đưa ra chiến lược quảng bá, xúc tiến hiệu quả. Như khách Úc chi tiêu gấp nhiều lần khách nước khác, phải chăng ngành du lịch cần tập trung chiến lược xúc tiến ở những thị trường này” - ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Travel Luxury, nhận xét.
Chi tiêu phải thông minh
Theo Tổng cục Du lịch, 10 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt hơn 6,3 triệu lượt, giảm 4,1% so với cùng kỳ. Nhiều ý kiến cho rằng khâu quảng bá du lịch còn quá yếu do kinh phí ít. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu lý giải mỗi năm, ngành du lịch có 3 triệu USD để quảng bá, xúc tiến du lịch là nguồn từ ngân sách trung ương, chưa kể ngân sách địa phương và xã hội hóa. So với các nước lân cận, số tiền như vậy là quá thấp nhưng điều kiện có đến đâu làm đến đó.
Lãnh đạo một số hãng lữ hành kiến nghị đã đến lúc phải thay đổi mạnh mẽ cách quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Chẳng hạn, nhắc đến du lịch biển là du khách nghĩ ngay đến Thái Lan, du lịch mua sắm là Singapore. Ngay cả Campuchia, họ chỉ tập trung quảng bá một vài điểm đến như Angkor và mới đây là đảo Koh Rong được mệnh danh như một hòn đảo Hawaii tuyệt đẹp của châu Á. Trong khi Việt Nam quá nhiều danh lam thắng cảnh, điểm đến nhưng lại dàn trải.
“Tiền ít thì phải chi tiêu thông minh. Muốn quảng bá phải biết điểm mạnh của mình so với đối thủ là gì để xúc tiến, giới thiệu cho du khách quốc tế! Với mỗi thị trường khách trọng điểm cần người có tâm, có tầm làm công tác quảng bá, am hiểu du khách. Bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có” - ông Hà phân tích.
Thay đổi thái độ
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho rằng nếu ngành du lịch không thay đổi để có sự đột phá trong cách làm thì khó bắt kịp Thái Lan, Singapore! “Thái độ của người làm du lịch cũng phải thay đổi, tạo sự khác biệt trong từng sản phẩm, chăm chút cho du khách trên đường tour. Chẳng hạn, với những tour như Đông Tây Bắc vốn thiếu hụt về dịch vụ, cơ sở hạ tầng chưa tốt thì người làm du lịch phải nỗ lực lấy lòng du khách bằng chất lượng phục vụ” - ông Dũng nói.
Thấy mà ham!
Ngành du lịch đang bước vào mùa làm ăn lớn nhất trong năm khi kỳ nghỉ Tết Dương lịch đang cận kề và Tết Nguyên đán chỉ còn hơn 2 tháng nhưng rất nhiều công ty lữ hành cho biết sức mua tour rất yếu.
Trưởng phòng du lịch nội địa một công ty du lịch có trụ sở ở quận Tân Bình, TP HCM cho biết thời điểm này những năm trước, lượng tour Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch du khách đã đặt được khoảng 20%-30% nhưng nay mới 10% dù giá tour giảm so với cùng kỳ.
Ngược lại, khách Việt ra nước ngoài lại nườm nượp. Tour đi một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đang hấp dẫn du khách nhờ giá giảm mạnh. Nhân viên một công ty lữ hành tại TP HCM giới thiệu tour đến Hàn Quốc 5 ngày trước đây khoảng 22 triệu đồng, nay chỉ còn 13 triệu đồng/khách nhờ hãng hàng không Vietjet mở đường bay thẳng, rồi phía đối tác Hàn Quốc giảm giá trực tiếp cho du khách.
Hay với thị trường Nhật, theo ban tổ chức lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam vừa được tổ chức, trong năm 2013, có 80.000 du khách Việt qua Nhật du lịch thì con số này đã tăng lên 120.000 lượt vào năm ngoái. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm nay, lượng khách Việt chọn Nhật Bản làm điểm đến lên tới 139.000 lượt. Sắp tới, Nhật Bản tiếp tục có chính sách nới lỏng visa cho du khách giúp ngành du lịch nước này hưởng lợi. Ngoài yếu tố đồng yen giảm giá giúp giá tour đến Nhật không còn đắt đỏ như trước, theo lãnh đạo một số hãng lữ hành, cách quảng bá du lịch của Nhật rất hiệu quả.
Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho biết giá tour đi Nhật đã giảm rất mạnh trong thời gian qua và hiện mỗi ngày, công ty đều có một tour khởi hành đến Nhật, luôn kín khách. Chính phủ Nhật ưu đãi cho các nhà cung cấp để kích cầu, cả việc “bơm” thêm tiền từ ngân sách để hỗ trợ hoặc cho phép doanh nghiệp du lịch lỗ trong một thời gian nhất định để thu hút du khách...
Linh Anh