Bắt đầu từ tháng 12, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an Hà Nội) sẽ gửi giấy báo nộp phạt nguội vi phạm Luật giao thông tới các chủ xe.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 30-11-2015
- Cập nhật : 30/11/2015
Cần Thơ có hơn 1.500 gái mại dâm
Theo thống kê của các ngành chức năng Cần Thơ, thành phố có hơn 1.500 gái mại dâm, được chia thành 3 nhóm.
Trong đó có 325 người bán dâm đứng đường (75 người có hồ sơ quản lý). Nữ nhân viên làm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, tham gia bán dâm khi có điều kiện là 1.000 người. Số còn lại là “gái gọi”, thông qua người quen và bạn bè kêu đến các nhà hàng, quán ăn, karaoke phục vụ.
Những người tham gia hoạt động mua bán dâm rất đa dạng (nhiều thành phần xã hội) và có xu hướng trẻ hóa. Hoạt động mại dâm trá hình trong các loại hình kinh doanh dịch vụ phát triển trở lại, xuất hiện các hình thức mới (giao dịch qua điện thoại, Internet, sex tuor trong và ngoài nước). Ngoài ra, ngày càng có nhiều cơ sở kinh doanh theo mô hình khép kín (khách sạn, nhà hàng, karaoke, massage) rất phức tạp.
Báo cáo mới nhất về hoạt động phòng chống mại dâm do Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm ký nêu, vì lợi nhuận cao nên các chủ chứa dùng mọi thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng. Một số quy định, phám lệnh về lĩnh vực này không còn phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, biện pháp chế tài đối với người bán dâm chủ yếu là phạt hành chính nên tính răn đe chưa cao. Đa số người bán dâm từ địa phương khác đến và thường xuyên thay đổi chỗ ở nên rất khó quản lý…
Vingroup mua lại khu đất gần Trung tâm hội nghị Quốc gia
Tập đoàn VinGroup (Mã CK: VIC) vừa công bố quyết định nhận chuyển nhượng 56,02 triệu cổ phần, chiếm 67,17% vốn điều lệ Công ty cổ phần Phát triển Thể thao và Giải trí Mễ Trì.
Công ty này có trụ sở tại số 7 Đại lộ Thăng Long, Hà Nội, là đơn vị được giao phát triển dự án trên khu đất có diện tích 32,1 ha tại Mễ Trì. Trước đó, theo quy hoạch năm 2007, dự án có tên gọi Khu luyện tập thể thao và vui chơi giải trí Mễ Trì, với mức đầu tư 15 triệu USD, trong đó có hạng mục sân golf 9 lỗ. Tuy nhiên, sau đó năm 2010, thành phố Hà Nội có quyết định toàn bộ diện tích khu đất sẽ được điều chỉnh thành khu chức năng cây xanh, hồ điều hòa và một phần công trình công cộng kết hợp nhà ở.
Khu đất có vị trí đối diện Trung tâm hội nghị Quốc gia, giáp Đại lộ Thăng Long, tòa nhà Viglacera, hồ điều hòa và khu đô thị mới Phùng Khoang.
Cách đây không lâu, Vingroup cũng mới mua lại doanh nghiệp sở hữu 80% vốn đầu tư tại dự án StarCity Centre, thuộc Khu đô thị mới đông nam đường Trần Duy Hưng, Hà Nội.
Vinamilk vào top 100 doanh nghiệp giá trị nhất ASEAN
Tạp chí Nikkei Asian Review vừa công bố danh sách 100 công ty giá trị nhất Đông Nam Á (ASEAN 100) năm 2015. Việt Nam có 5 doanh nghiệp vào bảng xếp hạng là Vinamilk, PetroVietnam Gas, Vietcombank, Vingroup và FPT.
Theo đánh giá của Nikkei Asian Review, Vinamilk là công ty sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam, chiếm khoảng 50% thị trường sữa với nhiều sản phẩm đa dạng. Được thành lập năm 1976 và bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán TP HCM vào năm 2006, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu 49% cổ phần của công ty. Đến ngày 25/11/2015, Vinamilk có giá trị vốn hóa hơn 6,6 tỷ USD.
Trong danh sách những doanh nghiệp giá trị nhất ASEAN, Singapore có 25 đại diện, Malaysia ghi nhận 22 đơn vị, Indonesia có 25 công ty, Philippines 22 công ty và 25 đơn vị đến từ Thái Lan. Dẫn đầu top 100 là Công ty Viễn thông Singapore - Singapore Telecommunications, được định giá 47 tỷ USD.Hội đồng giám khảo cũng nhìn nhận, các công ty Đông Nam Á có xu hướng ngày càng phát triển khi top 100 ASEAN có tới 44 công ty vốn hóa trên 10 tỷ USD và 24 công ty có lợi nhuận trên 1 tỷ USD.
Nhà máy sữa của Vinamilk được trang bị dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng với thiết bị hiện đại và công nghệ sản xuất tiên tiến hàng đầu hiện nay. Nhà máy hoạt động trên một dây chuyền tự động, khép kín, từ khâu nguyên liệu đầu vào đến đầu ra sản phẩm.
Trong 20 năm qua, lượng tiêu thụ sữa tại Việt Nam tăng hơn 20 lần và Vinamilk là một trong những đơn vị có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng này. Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk đã được Forbesbình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực của châu Á.
Mới đây, tại Manila, Philippines, Vinamilk nhận giải công ty có điểm quản trị tốt nhất Việt Nam trong lễ trao giải "Quản trị công ty khu vực ASEAN".
Vinamilk cũng là thương hiệu duy nhất trong ngành sữa 4 lần liên tiếp đươc Chính phủ vinh danh Thương hiệu Quốc gia. Đây cũng là thương hiệu dẫn đầu trong danh sách 50 thương hiệu có giá trị lớn nhất Việt Nam do hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance (Anh) vừa công bố vào đầu tháng 10 vừa qua.
Hiện Vinamilk chiếm khoảng 53% thị phần ngành hàng sữa nước, 84% thị phần sữa chua và 80% thị phần sữa đặc… Công ty có hệ thống phân phối bán hàng trên toàn quốc với hơn 212.000 điểm bán lẻ, 100 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của chính công ty và 650 siêu thị trên toàn quốc.Doanh thu thuần quý III/2015 của Vinamilk đạt 10.549 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của 9 tháng đầu năm ở mức 5.877 tỷ đồng, vượt 35,4% so với cùng cùng thời điểm của 2014 nhờ việc thay đổi cơ cấu nhóm sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm mang lại hiệu quả cao.
Vinamilk là công ty sữa duy nhất tại Việt Nam tiếp tục lọt top 100 doanh nghiệp giá trị nhất ASEAN năm 2015.
2 năm qua, Vinamilk đã đưa vào hoạt động thêm 2 siêu nhà máy mới sản xuất sữa bột và sữa nước ở Bình Dương, với tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng. Công ty cũng đầu tư 22,8% cổ phần tại nhà máy Miraka (New Zealand), rót 70% cổ phần vào nhà máy Driftwood (Mỹ), nắm 51% cổ phần đầu tư nhà máy tại Campuchia. Doanh nghiệp này cũng mở công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại tại châu Âu. Sản phẩm của Vinamilk hiện có mặt ở hơn 40 nước trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Australia... và đang tiếp tục mở rộng thị trường sang châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ.
Bên cạnh sản xuất kinh doanh, Vinamilk tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng, nổi bật là các chương trình "Sữa học đường", quỹ sữa "Vươn cao Việt Nam", quỹ "Một triệu cây xanh cho Việt Nam".
1.000 đồng một kg táo Ninh Thuận
Những ngày gần đây, giá táo loại một ở vùng chuyên canh cây táo của tỉnh Ninh Thuận là xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước chỉ 4.000-5.000 đồng một kg; loại trung bình 2.500 đồng, còn loại nhỏ còn 1.000 đồng khiến nhiều nhà vườn rất hoang mang. Do giá quá thấp, đã xuất hiện tình trạng người dân cắt cành có trái cho dê, bò ăn, số khác thậm chí chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác.
Một số hộ dân cho biết, vài năm trước giá táo lúc cao điểm có thể đạt 20.000 đồng một kg, rồi giảm dần xuống 10.000 đồng. Còn với giá mua như hiện nay, nếu phải thuê công hái quả 100.000-150.000 đồng mỗi tạ và cắt cành cho vụ sau, nhà vườn cầm chắc lỗ, nên thà chặt bán cành đang có trái cho các trang trại chăn nuôi sẽ giảm bớt chi phí hơn.Thông thường, một vụ táo từ khi cắt cành đến thu hoạch là sáu tháng, trong khi chi phí không dưới 15 triệu đồng mỗi công (1.000m2).
Tuy nhiên, nhiều nhà vườn tại huyện Ninh Phước vẫn cho rằng tình hình này vẫn chưa quá bi đát, bởi mức giá 1.000 đồng chủ yếu là táo nhỏ, cộng với sau đợt mưa trong tháng 10 vừa qua làm táo bị nứt nẻ, xuất hiện bệnh nấm ruồi nên giá táo bị ảnh hưởng.
Tại các vựa thu mua, táo chất lượng hiện được thu gom với giá 4.000-5.000 đồng một kg loại 25 trái; loại nhỏ cũng trên 2.000 đồng. Còn tại vựa đầu mối chuyển ra Hà Nội loại 16-20 trái một kg giá 7.000-10.000 đồng.
Ông Trần Văn Tâm ở thôn 2, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn cho biết cũng khá hoang mang khi có tin giá táo ở Phước Sơn chỉ còn 1.000 đồng. Nhưng rồi ông đã yên tâm hơn khi loại “táo bom” (loại táo được tuyển chọn) mà ông vừa bán tại vườn có giá 8.000 đồng một kg, chỉ thấp hơn 2.000 đồng so với mùa trước."Trồng táo so với trồng nho xác xuất rủi ro ít hơn. 7 năm nay trồng táo, tôi luôn thu nhập trên 50 triệu đồng vụ", ông Tâm nói.
Táo loại một ở vườn nhà ông Trần Văn Tâm có giá bán thấp hơn năm ngoái 2.000 đồng một kg. Ảnh: Sơn Ninh.
Còn vợ chồng ông Phúc, chuyên đi thu gom táo vườn cho đầu mối Ba Mọi thì cho biết táo của nông dân xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước trồng luôn bị mua thấp hơn các vùng thuộc huyện Ninh Hải, Ninh Sơn hay các vùng lân cận thành phố Phan Rang - Tháp Chàm… vì độ ngọt của hàng “táo bom” thấp hơn. Còn táo nhỏ thì thị trường lại càng kén, nên giá rẻ hơn.
Trao đổi với VnExpress, ông Phan Quang Thựu - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết toàn tỉnh có khoảng hơn 1.000ha táo, phát triển duy trì ở mức ổn định, trong đó xã Phước Sơn được xem là vùng chuyên canh táo.
Hiện ông đang cho xác minh hiện trạng và tìm nguyên nhân vì sao nhà vườn lại chặt bỏ táo đang vào mùa, đồng thời khẳng định lâu nay nhiều vùng trong tỉnh, người trồng táo luôn duy trì thu nhập cao so với làm các nông sản khác. Việc cắt tỉa bớt hoặc tạo cành cho táo để chọn nuôi trái chất lượng, rồi dùng làm thức ăn gia súc cũng là bình thường.
FPT lọt vào Top 300 châu Á
Những thương hiệu của Việt Nam được vinh danh trong danh sách này gồm: FPT, Vietcombank, PVGas, Vinamilk và Vingroup.
Theo Nikkei, đây là những công ty không chỉ có quy mô lớn, nền tảng vững chắc như các ngân hàng thương mại hay tập đoàn kinh tế, mà còn có nhiều lĩnh vực kinh doanh trẻ đang phát triển với những lợi thế chuyên biệt như công nghệ hay mô hình kinh doanh tập trung vào những thị trường đặc biệt. Những công ty này có thể không có vốn hóa lớn như các công ty đối thủ, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng nhanh và đang tìm được chỗ đứng ở nhiều quốc gia.
Trong danh sách, FPT là đại diện duy nhất của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin với vốn hóa: 864,5 triệu USD (tính đến ngày 27/11/2015); doanh thu hơn 1,5 tỷ USD (năm 2014); lợi nhuận ròng (năm 2014): 76,98 triệu USD và tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) (2014): 21,58% và tổng tài sản (cuối 2014): 1.059,41 triệu USD.
Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC) đang đứng đầu danh sách này với vốn hóa thị trường hơn 250 tỷ USD. Tiếp theo là 3 cái tên cũng đến từ Trung Quốc: China Mobile với 245 tỷ USD, PetroChina - 241 tỷ USD - và Alibaba, một đại diện từ ngành thương mại điện tử - 211 tỷ USD. Samsung Electronics của Hàn Quốc đứng thứ 5 với vốn hóa thị trường 201 tỷ USD. Các thương hiệu từ Trung Quốc tiếp nối danh sách như Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB - 183 tỷ USD), công ty công nghệ Tencent (178 tỷ USD), Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc (114 tỷ USD).
Với 5 doanh nghiệp, Việt Nam là nước đóng góp ít nhất trong số các quốc gia có mặt trong danh sách Asia 300.
Riêng Đông Nam Á còn có 5 quốc gia khác, với số doanh nghiệp nhiều vượt trội so với Việt Nam, trong đó Singapore, Thái Lan và Indonesia đều có 25 doanh nghiệp, Malaysia có 22 doanh nghiệp, Philippines có 20 doanh nghiệp. Tổng khu vực Đông Nam Á có 122 doanh nghiệp góp tên.
Trung Quốc (gồm cả Hong Kong) đóng góp nhiều nhất với 83 doanh nghiệp, vùng lãnh thổ Đài Loan có 40, Hàn Quốc có 42 và Ấn Độ là 44.