Ba cán bộ Điện lực Uông Bí tham ô chiếm đoạt gần 18 tỷ đồng
Thưởng Tết năm nay dự báo sẽ cao hơn năm ngoái
Tăng 5% lương, Chính phủ lấy nguồn từ đâu?
“Hô biến” bột ngọt Trung Quốc thành hàng hiệu
Cảnh sát cơ động bị đâm trọng thương khi chống đua xe
Tin trong nước đọc nhanh chiều 28-11-2015
- Cập nhật : 28/11/2015
Nga sẽ lần đầu tập trận chung với Việt Nam trong năm 2016
Ngày 26-11, người đứng đầu bộ phận báo chí Quân khu Miền Đông của Nga cho biết Việt Nam và Nga sẽ tiến hành cuộc diễn tập quân sự chung lần đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam vào năm 2016.
Một đơn vị thuộc Quân khu Miền Đông của Nga sẽ tham gia tập trận chung với Việt Nam trong năm 2016. Ảnh: AFP
Trao đổi với PV, Đại tá Alexander Gordeev nói: “Theo kế hoạch thì cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của một đơn vị vũ trang hiệp đồng của quân khu đóng tại vùng Amur”.
Năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 500.000 nhân lực ngành CNTT
Ông Paul Espinas, Giám đốc tiếp thị của VietnamWorks, đánh giá: Nếu tiếp tục mức tăng trưởng nhân lực hiện tại, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt hơn 500.000 nhân sự ngành CNTT. Đây là một thách thức rất lớn nhưng cũng là cơ hội để các tổ chức giáo dục, giới nhân sự và chính các nhân viên CNTT cùng góp sức đưa ra những giải pháp tốt nhất để cung cấp nhân sự chất lượng cho thị trường tuyển dụng CNTT”.
Kết quả phân tích của VietnamWorks cho thấy trong ba năm vừa qua, số lượng công việc ngành CNTT - phần mềm tăng trung bình 47% mỗi năm. Ngược lại, số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng trung bình 8%. Như vậy sự cách biệt về mức độ tăng trưởng giữa cung và cầu nếu tiếp tục trong những năm tới, Việt Nam sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực để đáp ứng cho ngành dẫn đầu thị trường tuyển dụng này.
Cụ thể, từ nay đến năm 2020, nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực 8%, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực CNTT mỗi năm và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực CNTT, chiếm hơn 78% tổng số nhân lực CNTT thị trường cần.
VietnamWorks cũng đánh giá số lượng công ty tuyển dụng nhân lực trong ngành CNTT đã tăng 69% so với năm 2012. Đồng thời số lượng công ty phần mềm đã tăng 124% chỉ trong vòng bốn năm. Điều này cho thấy số lượng việc làm ngành CNTT luôn tăng nhanh, trong đó tập trung nhiều nhất vào mảng phần mềm.
Bên cạnh sự tăng trưởng nhanh, thị trường CNTT tại Việt Nam phát triển chủ yếu nhờ vào dịch vụ outsourcing (lao động thuê bên ngoài). Theo bảng xếp hạng của Công ty tư vấn Tholons, TP.HCM và Hà Nội nằm trong top 20 TP có dịch vụ outsourcing tốt nhất.
Cho phép nghe lén để điều tra tham nhũng, khủng bố
Đáng chú ý, BLTTHS vừa được thông qua đã dành riêng một chương (Chương XVI) để quy định áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt (từ Điều 223 đến 228) tạo điều kiện cho cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, đấu tranh hiệu quả với các tội phạm có tổ chức, phức tạp về ma túy, rửa tiền, tham nhũng, khủng bố trong tình hình hiện nay. Các biện pháp này gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử...
Luật quy định chỉ áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt trong trường hợp điều tra các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Các ĐBQH ấn nút thông qua. Ảnh: Trọng Phú
Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về dự án BLHS sửa đổi liên quan đến nội dung áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt, Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Văn Hiện cho hay: “Nhiều ý kiến ĐBQH tán thành việc quy định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như dự thảo. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến không tán thành. Do ý kiến ĐBQH còn khác nhau, UBTVQH đã lấy phiếu xin ý kiến các vị ĐBQH, kết quả như sau: Có 66,39% ý kiến ĐBQH tán thành quy định này và 12,55% ý kiến không tán thành”.
Tiếp thu đa số ý kiến ĐBQH và để bảo đảm thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân, tránh lạm dụng trong thực tiễn áp dụng, đồng thời tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, đấu tranh hiệu quả với các tội phạm có tổ chức, phức tạp trong tình hình hiện nay, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như trong Dự thảo.
Ông Nguyễn Thanh Sơn làm bí thư Đảng ủy Viện Cấp cao 3
Theo quyết định, Ban chấp hành Đảng bộ Viện Cấp cao 3 có chín người gồm: ông Nguyễn Thanh Sơn, ông Nguyễn Văn Tùng, bà Huỳnh Thị Ngọc Hoa, ông Nguyễn Gia Viễn, ông Trần Anh Dũng, ông Nguyễn Đức Thái, ông Phạm Công Minh, ông Nguyễn Hải Long và bà Phạm Thị Hồng Đào. Trong đó, Đảng ủy VKSND Tối cao chỉ định Ban Thường vụ gồm ba người: ông Nguyễn Thanh Sơn giữ chức vụ bí thư Đảng ủy, ông Nguyễn Văn Tùng giữ chức vụ phó bí thư Đảng ủy, bà Huỳnh Thị Ngọc Hoa là ủy viên.
Ông Nguyễn Thanh Sơn (trái) - Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM được chỉ định giữ chức vụ bí thư Đảng ủy.
Viện Cấp cao 3 chính thức thành lập từ ngày 1-6-2015 theo Luật Tổ chức VKSND và trở thành một cấp trong hệ thống VKS bốn cấp. Ngoài chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao tại TP.HCM, Viện Cấp cao 3 còn thực hiện việc kháng nghị, tham gia các phiên xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án thuộc khu vực (gồm 23 tỉnh thành từ Đắk Nông trở vào).
Mở đường bay giá rẻ đầu tiên từ Đà Nẵng - Singapore
Lịch khai thác của hãng được thực hiện vào các ngày thứ Ba, thứ Sáu và Chủ nhật hằng tuần bằng máy bay Airbus A320 với 180 ghế đồng hạng phổ thông. Giá vé thông thường được mở bán (một chiều) từ 80-85 SGD (tương đương từ 1,2-1,4 triệu đồng)/chặng.
Theo ông Barathan Pasupathi - Tổng Giám đốc Jetstar Asia, hiện hãng này có chín đường bay nối tiếp với sân bay Changi nên sẽ giúp Đà Nẵng liên kết dễ dàng với hành khách Úc, Indonesia ngay trong khu vực Đông Nam Á. Hiện Jetstar Asia đang khai thác 16 điểm đến nội địa Việt Nam và sáu điểm đến quốc tế.
Ông Trần Chí Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng cho biết đường bay đi vào hoạt động sẽ giúp kích cầu du lịch, kết nối với các thị trường du lịch tiềm năng. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch địa phương và TP Đà Nẵng thúc đẩy du lịch giữa hai quốc gia.
Trả lời câu hỏi về việc một số du khách Việt Nam bị nhà chức trách Singapore “làm khó” khi nhập cảnh vào nước này, đại diện hãng cho biết đây là quy định của nước này. Hãng chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra các loại giấy tờ cần thiết, đồng thời nhắc nhở khách hàng thực hiện các quy định của Singapore để tránh gặp phiền toái.
Cùng ngày, chuyến bay 3K541 từ Singapore mang theo 173 hành khách đã hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng.