Thông báo này được cho là chính thức vì đã được lãnh đạo Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đồng ý ký chấp thuận cho đăng phát để rộng đường dư luận khi sự việc chấp thuận cho 300 lao động Trung Quốc vào TP lình xình, gây bức xúc trong thời gian qua.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 28-11-2015
- Cập nhật : 28/11/2015
Chủ tịch Hà Nội xin thôi giữ chức vụ
Trao đổi với báo chí chiều 27/11, Trưởng ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam cho biết, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Hà Nội đã có đơn xin thôi giữ chức vụ và được Trung ương chấp thuận. Bộ Chính trị đồng ý để Thành ủy giới thiệu ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an thành phố, để HĐND bầu làm Chủ tịch Hà Nội.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có đơn xin thôi giữ chức vụ và được Trung ương chấp nhận. Ảnh: Giang Huy.
Trả lời câu hỏi tân Chủ tịch có tuyên thệ trong lễ nhậm chức hay không, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, sau khi được bầu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ phát biểu trình bày với HĐND về nhiệm vụ của mình.
Trong kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ dành một ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tổng hợp nội dung từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Ngoài ra, HĐND sẽ bàn về chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020; trật tự xây dựng; kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020; chia tách, thành lập thôn, tổ dân phố mới ở một số quận, huyện...
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã bước sang tuổi 63 (sinh năm 1952). Ông Thảo có học vị tiến sĩ kinh tế và là một kiến trúc sư. Trước khi đảm trách nhiệm vụ đứng đầu chính quyền Hà Nội từ năm 2007, ông Thảo làm Bí thư Bắc Ninh. Năm 2011, ông Thảo tái đắc cử chức Chủ tịch nhiệm kỳ 2011-2016. Tại Đại hội Đảng bộ thành phố vừa qua, ông Thảo đã không tham gia Ban chấp hành khóa mới.
Tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ 16, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội đã trúng cử Ban chấp hành Đảng bộ thành phố và được bầu giữ chức Phó bí thư thành ủy.
Trong cuộc họp báo kết thúc đại hội, thành ủy Hà Nội thông tin ông Chung được đề cử làm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Theo quy trình, để trở thành Chủ tịch thành phố, ông Chung phải trải qua bầu cử tại HĐND và được Thủ tướng chấp thuận.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (48 tuổi, quê ở Kinh Môn, Hải Dương) là điều tra viên cao cấp, tiến sĩ luật, cử nhân kinh tế, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang khi mới 37 tuổi.
Nhiều năm làm việc tại Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an Hà Nội), ông lần lượt giữ chức Phó phòng rồi Trưởng phòng, Phó giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra.
Tháng 9/2012, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công an Hà Nội.
Ông Nguyễn Đức Chung là tiến sĩ luật, đại biểu Quốc hội, được bổ nhiệm Phó giám đốc Công an Hà Nội vào tháng 9/2010, Giám đốc Công an vào tháng 9/2012 và thăng cấp thiếu tướng vào tháng 7/2013.
Khởi tố chủ tịch xã vì cố ý làm trái
Nguyên chủ tịch UBND xã Nam Sơn, hiện là chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh bị khởi tố về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Thế Tài (52 tuổi, trú tại xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh) - nguyên chủ tịch UBND xã Nam Sơn, hiện là chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Sơn - về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Được biết, năm 2009 ông Tài được giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất ở xã Nam Sơn.
Đến năm 2011, ông Tài làm chủ tịch UBND xã Nam Sơn, là đại diện chủ đầu tư đã có hành vi làm trái, gây thiệt hại tài sản trên 400 triệu đồng.
Đấu tranh mở rộng vụ việc, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Thuấn (35 tuổi, giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và xây dựng Mạnh Thắng) về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và Nguyễn Văn Cao (26 tuổi, trú ở xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, Bắc Ninh), cán bộ giám sát thi công công trình, về hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
400 người đình công vì công ty Hàn Quốc nợ bảo hiểm gần 3 tỷ
Sáng 27/11, hơn 400 công nhân Công ty J-Tex Vina (phường Trường Thạnh, quận 9, TP HCM) tiếp tục đình công. Đây là ngày thứ 4 họ yêu cầu giám đốc phải đóng 10 tháng Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động.
Theo các công nhân, đầu năm đến nay, dù vẫn trích các khoản BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp từ tiền lương nhưng công ty không đóng cho cơ quan Bảo hiểm xã hội TP HCM.
"Hồi tháng 7 đến nay, công ty không phát thẻ BHYT, nghỉ thai sản cũng không được giải quyết chế độ. Lên hỏi ban giám đốc thì họ thừa nhận không những chưa đóng BHYT mà còn không đóng BHXH cho công nhân từ đầu năm", một nữ công nhân bức xúc.
Về nguyên nhân không đóng BHXH, giám đốc người Hàn Quốc Min Jung Ki cho biết, do tình hình sản xuất khó khăn nên công ty phải lấy tiền BHXH trích từ lương công nhân để trả lương cho chính họ. Ông này hứa sẽ sớm giải quyết dứt điểm các khoản BHXH cho công nhân.Các công nhân cho biết, ông giám đốc đã hứa như vậy từ tháng 9 nhưng đến nay mọi chuyện vẫn không tiến triển. "Lúc đầu nghĩ công ty khó khăn, chúng tôi sẽ không làm khó mà đồng hành với họ. Khi sản xuất trở lại bình thường, hàng nhiều, công nhân phải tăng ca 5 ngày một tuần, chúng tôi nghĩ công ty đã ổn định và trả BHXH, phát thẻ BHYT nhưng họ vẫn chưa đóng đồng nào" nữ công nhân tên Thúy nói.
Bà Nguyễn Thị Thu – Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM - cho biết, đơn vị này hồi tháng 6 đã khởi kiện J-Tex Vina ra tòa. Lúc đó, công ty nợ 2,6 tỷ BHXH và nay đã tăng lên. Phía J-Tex Vina đề nghị sẽ trả từng đợt, bắt đầu từ tháng 12 năm nay.
Công ty J-Tex Vina hoạt động trong lĩnh vực may mặc với 100% vốn Hàn Quốc từ 8 năm trước. Thời gian gần đây, J-Tex Vina thường xuyên rơi vào cảnh nợ lương, nợ BHXH của công nhân.
Việt Nam phản đối việc đe dọa dùng vũ lực với tàu tiếp tế Trường Sa
Tàu chiến 995 của Trung Quốc được cho là chĩa súng đe dọa tàu Việt Nam. Ảnh cắt từ clip của Công ty bảo đảm An toàn hàng hải biển Đông và hải đảo.
"Tôi xin khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền của Việt Nam", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm nay trả lời về thông tin các tàu hải cảnh và tàu quân sự của Trung Quốc vây ép, đe dọa sử dụng vũ lực đối với tàu Hải Đăng 05.
"Việc làm đó là vi phạm luật pháp quốc tế, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực và hoàn toàn không thể chấp nhận, biện minh được", ông Bình cho biết.
Người phát ngôn cũng cho hay các cơ quan chức năng trong nước đang làm rõ vị trí, khu vực xảy ra vụ việc cũng như một số vấn đề liên quan để có các biện pháp đấu tranh ngoại giao phù hợp.
Thuyền trưởng tàu Hải Đăng 05 Trần Văn Nga cùng các thuyền viên Công ty bảo đảm An toàn hàng hải biển Đông và hải đảo (thuộc Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Miền Nam) cho biết con tàu tiếp tế trưa 13/11 đang trên đường từ đảo Sơn Ca về đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, thì bị các tàu Trung Quốc vây ép, chĩa súng thẳng vào tàu.
Lúc tàu đi ngang qua bãi đá Subi (thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) khoảng 12 hải lý, Trung Quốc xua một tàu nhỏ ra đuổi. 30 phút sau, thêm hai tàu hải cảnh xuất hiện, vây ép từ mũi và đuôi Hải Đăng 05. Tiếp đó, một tàu chiến Trung Quốc được trang bị pháo 37 ly và nhiều loại vũ khí khác kéo đến, áp sát tàu Việt Nam. Đồng thời, tàu liên tục bắn pháo hiệu qua tàu Hải Đăng 05, phát loa bằng tiếng Trung.
Theo ông Nga, nghiêm trọng nhất là lúc 12h, khi tàu chiến Trung Quốc mở bạt pháo 37 ly, điều khoảng 10 người mặc quân phục dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05. Trước tình hình đó, các thuyền viên tàu Hải Đăng 05 vẫn bình tĩnh điều khiển tàu đi theo đúng hải trình đã định, cố gắng không để xảy ra va chạm, và các tàu Trung Quốc rút đi sau một tiếng rưỡi.
Quốc hội yêu cầu giữ môn Lịch sử
Theo đó, QH yêu cầu cuối năm 2016 phải hoàn thành việc rà soát, tổng kết, trình QH đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ XIV việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công. Xây dựng lộ trình và các biện pháp hữu hiệu, bảo đảm an toàn nợ công, trong giới hạn QH cho phép, từng bước giảm dần nợ công.
Bảo đảm sớm thu hồi nợ đọng thuế, hạn chế phát sinh nợ đọng thuế mới; giảm thời gian làm thủ tục khai, nộp thuế về mức ngang bằng với các nước ASEAN-4. Thực hiện các cân đối tài chính, ngân sách, giảm dần bội chi, bảo đảm bội chi trong giới hạn QH cho phép, chỉ sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa DNNN cho đầu tư phát triển; tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
Cạnh đó, QH cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm soát, xử lý sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ban hành chính sách đồng bộ để tiếp tục giảm và khống chế nợ xấu; nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Xây dựng các mục tiêu, tiêu chí cụ thể đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đầu tư công, chi thường xuyên bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, sản xuất và tiêu dùng làm cơ sở đánh giá hiệu quả của công tác này.
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu “thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Theo đó, “Tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh” - nghị quyết nêu.
QH cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến rõ hơn về cải cách hành chính nhà nước. Đánh giá toàn diện, khách quan, minh bạch chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện đề án vị trí việc làm, tích cực thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
”Tinh giản tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” - nghị quyết của QH nêu rõ.
Nghị quyết cũng yêu cầu sớm khắc phục tồn tại của việc bổ nhiệm chức vụ, cấp “hàm”; thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng, phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; quy định chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý để triển khai thực hiện thống nhất, chặt chẽ trên toàn quốc.
”Đẩy mạnh hơn nữa cải cách công vụ gắn với kiểm tra công vụ định kỳ, xây dựng đội ngũ công chức trong sạch, chuyên nghiệp, gần dân, tận tâm phục vụ nhân dân; bảo đảm hoạt động của chính quyền từ trung ương đến địa phương thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, nhận được sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp” - nghị quyết nhấn mạnh.