Người dân không thể chấp nhận giá xăng dầu liên tục giảm nhưng giá cước vận tải và hàng hóa đứng yên.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 26-02-2016
- Cập nhật : 26/02/2016
Ông Lê Tuấn Anh giữ chức Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ GTVT
Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trao quyết định bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho ông Lê Tuấn Anh (bên phải ảnh).
Hơn 235.000 dân Tiền Giang phải xài nước nhiễm mặn
Chiều 25-2, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức cuộc họp khẩn bàn giải pháp cứu lúa và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân các huyện ven biển trong mùa khô này.
Ông Châu Văn Hiếu ở xã Bình Đông (thị xã Gò Công) phải đi đổi từng can nước ngọt về sử dụng từ trước tết đến nay - Ảnh: V.TR.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT, tại các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công hiện có khoảng 42.000 hộ dân với khoảng 235.000 dân đang phải sử dụng nước máy và nước dự trữ bị nhiễm mặn.
Bình quân độ mặn nước sinh hoạt ở mức trên dưới 1g/lít, trong khi quy định độ mặn nước sinh hoạt là dưới 300mg/lít.
Do hạn hán diễn ra khốc liệt và nước mặn xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng hàng chục cây số nên dự báo đến cuối tháng 3-2016 vùng ngọt hóa Gò Công sẽ không còn nước để các trạm cấp nước lấy để xử lý, cấp cho người dân sử dụng.
Riêng tại huyện cù lao Tân Phú Đông nguồn nước ngọt dự trữ trong ao rộng 6ha đã cạn, chỉ còn khoảng 80.000m3. Trong khoảng 2-3 tuần tới huyện này sẽ không còn nước cho sinh hoạt, kể cả nước nhiễm mặn.
Đối với 30.000ha lúa đông xuân ở các huyện ven biển, nhờ có những giải pháp quyết liệt và có hiệu quả nên diện tích lúa chết đang giảm mạnh.
Đến ngày 25-2 diện tích lúa chết ghi nhận được 931ha, nhiều nhất là huyện Gò Công Đông với 862ha. Như vậy từ ngày mùng 1 tết Bính Thân đến nay (gần 20 ngày) diện tích lúa chết chỉ tăng thêm khoảng 100ha.
Mới đây Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khi đến Tiền Giang kiểm tra tình hình chống hạn, mặn đã rất ngạc nhiên khi tỉnh có những giải pháp hay, cứu được hơn 90% diện tích lúa trong số 30.000ha lẽ ra đã chết sạch từ tháng 2.
Quyết định phù hợp nhất là bơm nước mặn dưới 1,5g/lít từ sông Tiền tại TP Mỹ Tho vào hệ thống kênh Xuân Hòa-Cầu Ngang đưa về các huyện ven biển cách đó 50km; đồng thời thuê hơn 1.000 máy bơm công suất lớn đặt ở 400 điểm bơm nước từ kênh trục chính vào kênh nội đồng liên tục 24/24g suốt từ tháng 1-2016 đến nay giúp cứu được lúa.
Hiện có 558ha đã thu hoạch, đến ngày 10-3 tới sẽ có khoảng 20.000ha lúa sẽ cắt nước vì sắp chín. Khoảng 7.500ha nữa đến cuối tháng 3-2016 sẽ cắt nước. Như vậy tỉnh Tiền Giang sẽ chắc chắn cứu được 21.000ha lúa đông xuân.
Ông Lê Văn Hưởng, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, yêu cầu giám sát độ mặn trên sông Tiền nghiêm ngặt, khi độ mặn giảm xuống thì tận dụng từng phút bơm vào vùng ngọt hóa Gò Công trước ngày 5-3, vì dự báo đến ngày này không thể lấy nước được nữa.
Ngành nông nghiệp tiến hành đắp đập, chặn dòng kênh trục chính để trữ nước cứu 7.500ha xuống giống trễ nhất. Phấn đấu không để diện tích thiệt hại vượt quá 1.000ha và cứu được 90% diện tích lúa của dân.
Ông Hưởng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các đường ống đấu nối với nguồn nước của Nhà máy nước BOO Đồng Tâm đã được duyệt, sớm đưa nước sạch đến cho dân tại thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông.
Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang cam kết ngày 26-2 sẽ hoàn thành hai tuyến ống hòa vào hệ thống sẵn có cấp nước cho khoảng 2.000 hộ dân.
Đối với các trạm cấp nước đang bị nhiễm mặn tại các khu vực khác thì thi công đường ống tạm để trên mặt đất để bơm nước từ nguồn BOO Đồng Tâm vào các trạm này, cấp nước ngọt cho hơn 5.000 hộ dân.
Ở những nơi không có nước máy, hiện đã thi công đường ống mở 122 vòi nước công cộng cho dân đến lấy sử dụng miễn phí.
Ngoài ra, nước ngọt sẽ được về cứu khát cho 35.000 dân ở huyện cù lao Tân Phú Đông kể từ ngày 1-3 đến tháng 5
Vụ tử vong do viêm não mô cầu: Giám sát 50 người thân quen
Trước việc nữ sinh lớp 12 tử vong do bệnh viêm não mô cầu, ngành Y tế Hải Dương giám sát chặt sức khỏe khoảng 50 trường hợp là người thân, bạn học, bệnh nhân này.
Ngày 25-2, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương thông báo về ca tử vong đầu tiên do bệnh viêm não mô cầu tại đây. Bệnh nhân tên Đỗ Thị Xuyến (SN 1998, trú tại phường Tứ Minh, TP Hải Dương), học sinh lớp 12, trường THPT Lương Thế Vinh, TP Hải Dương.
Theo thông tin từ gia đình Xuyến, ngày 20-2, Xuyến bị sốt nhẹ, đau đầu. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, Xuyến đi vệ sinh thì bị ngã, gia đình đưa đi khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Khi thấy bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết, bệnh viện hội chẩn và chuyển Xuyến lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Tại Bệnh viện 108, bệnh nhân xuất hiện các tình trạng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, rối loạn đông máu. Xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết/viêm màng não mủ do não mô cầu. Đến 10 giờ ngày 22-2, Xuyến tử vong. Gia đình được khuyến cáo khâm liệm tử thi tại chỗ và hỏa táng.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương đã cử cán bộ xuống điều tra, giám sát gia đình bệnh nhân.
Các cơ quan chức năng cũng lập danh sách 50 người tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc bệnh nhân, các học sinh học cùng lớp với bệnh nhân... Đồng thời, nhà chức trách tiến hành hoạt động thông báo về trường hợp bệnh và tình hình bệnh dịch.
Ông Bùi Huy Nhanh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương cho biết phía Viện Pasteur TP HCM kết luận Xuyến bị viêm màng não do mô cầu. Đây là ca bệnh đầu tiên trên toàn quốc trong năm 2016, bệnh này mới xuất hiện ở một số địa phương, ngay tại Hải Dương, 13 năm mới tái phát hiện.
Theo các chuyên gia, bệnh viêm màng não do não mô cầu có thể rất nặng, diễn tiến nhanh, tử vong trong vòng 24 giờ. Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp do hít phải những giọt nhỏ dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh và có thể bùng phát thành dịch.
Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc trên da hay qua đồ dùng, dụng cụ hằng ngày như ly, tách, điện thoại. Các môi trường tiếp xúc gần gũi như khu tập thể, khu cắm trại, trường học có nguy cơ lây truyền cao.
TP.HCM đầu tư 300 xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên
Theo ông Lê Hoàng Minh, phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, các doanh nghiệp vận tải xe buýt đã đăng ký đầu tư 500 xe buýt mới trong năm 2016 nhằm thay thế số xe buýt cũ đã hơn 10 năm sử dụng.
Theo đó, ngày 1-3, Hợp tác xã vận tải xe buýt 19-5 sẽ là đơn vị đầu tiên đưa 23 chiếc xe buýt CNG (sử dụng nhiên liệu khí nén thiên nhiên) vào hoạt động tuyến xe buýt 33 Bến xe An Sương - Suối Tiên - Đại học Quốc gia.
Việc các đơn vị đầu tư hàng trăm chiếc xe buýt mới nằm trong dự án đầu 1.680 xe buýt trong giai đoạn giai đoạn 2014-2017 đã được UBND TP phê duyệt, trong đó có 300 xe buýt CNG.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT TP, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách sở đã thành lập đội kiểm tra đột xuất khí thải xe buýt, dù các xe buýt này đã được đăng kiểm.
Theo đó, nếu xe buýt nào có khí thải vượt quá mức qui định sẽ phải dừng hoạt động và sau khi khắc phục mới cho hoạt động trở lại. Việc kiểm tra khí thải xe buýt cũng nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư xe buýt mới.
Trước đó, người dân đã phản ánh hiện tượng xe buýt xã nhiều khói gây ô nhiễm môi trường. Sở GTVT cho biết có 1.318 xe buýt đã được đầu tư vào những năm 2002-2003 đến nay đã xuống cấp.
Hơn 1.200 người ở Đà Nẵng 'sập bẫy' tập đoàn đa cấp Liên Kết Việt
Ngày 25-2, Cơ quan CSĐT (Công an TP Đà Nẵng) cho biết theo quyết định ủy thác điều tra của Bộ Công an, đơn vị này tiến hành một số hoạt động điều tra, xác định hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng có liên quan tại văn phòng đại diện (51 Vũ Ngọc Phan, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) và đại lý ký gửi hàng hóa Công ty CP Liên kết Sản xuất Thương mại Việt Nam (566 đường 2-9, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu). Đây là chi nhánh của tập đoàn đa cấp lừa đảo Liên Kết Việt đặt tại Đà Nẵng.
Trước đó, ngày 19-2, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt giam đối với bảy lãnh đạo và tổng đại lý của Công ty CP Liên kết Sản xuất Thương mại Việt Nam (gọi tắt là Liên Kết Việt) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó có Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), chủ tịch HĐQT của công ty này.
Theo điều tra của C46, công ty này được thành lập năm 2010, có chi nhánh và đại lý ở 27 tỉnh, thành. Công ty kinh doanh mặt hàng gồm: bổ não vương, máy khử độc ozone, ngũ linh đông trùng hạ thảo... Các sản phẩm này được quảng cáo mua từ Công ty CP Tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng và Công ty CP Biovaccine Việt Nam (thực tế không có như vậy).
Nhằm đánh lừa khách hàng, Lê Xuân Giang đặt ra các mức thưởng rất hậu hĩnh. Theo đó, mỗi nhà phân phối tham gia vào hệ thống bán hàng được cấp một mã kinh doanh, khi nộp số tiền tối thiểu 8,6 triệu đồng sẽ được quyền mua một mã hàng gồm một máy ozone và các loại thực phẩm chức năng. Với số tiền này, chỉ sau năm năm, nhà phân phối sẽ được hưởng 449 triệu đồng tiền hoa hồng, tiền thưởng và lãi. Các đối tượng còn tuyên truyền rầm rộ mạo danh là công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, treo nhiều ảnh lãnh đạo công ty mặc trang phục quân đội chụp ảnh với một số đồng chí lãnh đạo cấp cao…
Với thủ đoạn trên, chỉ từ tháng 6-2014 đến tháng 7-2015 đã có hàng chục ngàn người tham gia và nộp khoảng 1.900 tỉ đồng vào mạng lưới đa cấp của Công ty Liên Kết Việt. Tuy nhiên, đến thời điểm các đối tượng bị bắt giữ, số dư trong tài khoản của công ty này chỉ còn vài chục tỉ đồng.
Thông qua báo Pháp Luật TP.HCM, Công an TP Đà Nẵng thông báo ai là người nộp tiền cho văn phòng đại diện và đại lý ký gửi của Công ty Liên Kết Việt (Chi nhánh Đà Nẵng) thì liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng để làm việc. Địa chỉ liên hệ: Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Đà Nẵng, 47 Lý Tự Trọng, điện thoại: 05113.860.259 hoặc 0905.843.357 (gặp đồng chí Hồ Quang Cảnh).