Phá đường dây 30 chân dài bán dâm 100 USD ở Sài Gòn
Một đường dây mại dâm 100 USD núp dưới vỏ bọc dịch vụ massage, được quảng bá trên website đã bị công an TP.HCM triệt phá.
đường dây 30 chân dài bán dâm 100 USD ở Sài Gòn
Sáng 22.10, Công an Q.4 (TP.HCM) xác nhận đã bắt tạm giam Trần Minh Triều (31 tuổi, ngụ Gia Lai) để điều tra về hành vi môi giới mại dâm.
Trước đó, vào khoảng 5 giờ chiều 15.10, Đội 5, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.HCM, kết hợp với Đoàn 2 kiểm tra liên ngành văn hoá xã hội TP.HCM ập vào kiểm tra một khách sạn trên đường Hoàng Diệu (Q.4), bắt quả tang một cặp nam nữ đang thực hiện hành vi mua bán dâm.
Cùng thời gian, một tổ công tác khác cũng bắt quả tang một cặp nam nữ khác đang thực hiện hành vi tương tự tại khách sạn ở P.16, Q.4. Qua khai thác những người liên quan, công an xác định Triều là người có vai trò môi giới trong đường dây mua bán dâm này nên tiến hành bắt giữ.
Để tổ chức điều hành hoạt động mại dâm có hiệu quả, Triều lập hẳn một trang web có tên L. nhằm quảng bá dịch vụ “sung sướng” đến khách hàng núp bóng dưới vỏ bọc dịch vụ massage.
Để quy nạp các "chân dài", Triều lân la đến các tiệm massage, spa… làm quen với các cô gái, sau đó kéo họ về làm gái bán dâm.
Đường dây mại dâm do Triều tổ chức, điều hành luôn có khoảng 30 “chân dài” sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu “hưởng lạc” của khách khắp mọi nơi trên ở Sài Gòn.
Trên trang web L. do Triều quản lý, đăng chân dung những cô gái trong các tư thế gợi cảm để câu khách. Khi khách có nhu cầu sẽ liên lạc trực tiếp với Triều để thoả thuận giá cả.
Sau khi đồng ý giá, Triều sẽ điều “hàng” đến tận nơi để phục vụ khách với giá từ 50 - 100 USD/lần, trong đó Triều lấy 25 USD tiền công môi giới.
Công an xác định đường dây mại dâm do Triều tổ chức điều hành hoạt động từ cuối năm 2012. Mỗi tháng, Triều thu lợi bất chính từ 30 - 60 triệu đồng. Hiện vụ việc tiếp tục được Công an Q.4 mở rộng điều tra.
Gừng Cà Mau phải bán tháo với giá rẻ
Diện tích trồng tại huyện Thới Bình - thủ phủ của gừng Cà Mau năm nay tăng gấp 4 lần năm ngoái lên hơn 200ha, nhưng giá đang rớt mạnh.
Người dân nơi đây đang phải bán tháo, bán chạy gừng non vì dịch bệnh, trong khi thương lái không mặn mà thu mua.
Nhiều vườn gừng ở Thới Bình mới cho củ đã bị sâu bệnh tấn công. Ảnh: Phúc Hưng.
Ông Đào Công Bảy, ngụ ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông thở dài nói: “Năm ngoái, bà con vui mừng bao nhiêu, thì mùa gừng năm nay buồn bấy nhiêu. Nếu vào thời gian này năm trước, thương lái vào tận vườn tranh nhau đặt cọc tiền thu mua, thì giờ có gọi họ cũng không buồn đến xem”.
Còn ông Vũ Anh cho biết, gần 1 ha đất của gia đình, từ đầu vụ đến nay đã đầu tư hơn một trăm triệu đồng, nhưng khi gừng mới cho củ thì bắt đầu xuất hiện dịch bệnh khiến lá bị vàng và thối củ.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, hai tuần trước, thương lái vào chào giá từ 12.000 - 13.000 đồng một kg đối với gừng sạch bệnh. Còn những ruộng gừng đã xuất hiện bệnh thì giá chỉ còn 6.000-8.000 đồng một kg. Với giá này, nông dân may mắn lắm mới huề vốn, chứ không có lãi.
Vụ trước, bình quân mỗi hộ dân trồng gừng ở Thới Bình đầu tư khoảng 300 - 400 triệu đồng cho một ha. Với giá thương lái đặt cọc và đồng ý thu mua từ 180 đến 200 triệu đồng một công (1.000m2), mỗi ha gừng người dân thu lãi không dưới một tỷ đồng, gấp 10 lần so với trồng mía trước đây.
“Gừng là loại cây trồng phát sinh ngoài kế hoạch sản xuất của địa phương, nên từ giống đến kỹ thuật trồng, cách chăm sóc và đầu ra sản phẩm… cho người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện ngành nông nghiệp địa phương đang thống kê diện tích bị thiệt hại để có hướng hỗ trợ”, ông Lâm nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn tỉnh Cà Mau, tình trạng bệnh thối củ của gừng trồng hiện nay là do người dân bón thừa phân đạm. Cơ quan này đã cử cán bộ kỹ thuật vào tìm giải pháp khắc phục, nhằm hạn chế tổn thất cho bà con nông dân.
Thanh tra 12 công ty tài chính trên địa bàn TP.HCM
Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước TP.HCM, cho biết cơ quan này đang thanh tra hoạt động của 12 công ty tài chính trên địa bàn TP.HCM.
“Việc thanh tra một phần dựa trên các đơn phản ảnh của những người vay tiền, mặt khác đó cũng là hoạt động thường xuyên của NH Nhà nước.
Qua thanh tra, NH Nhà nước TP sẽ căn cứ thực tế và đề xuất với NH Nhà nước một số giải pháp để quản lý hoạt động của công ty tài chính tốt hơn” - ông Minh cho biết.
Cũng theo ông Minh, trong vòng ba năm qua cho vay tiêu dùng trên địa bàn đã tăng ba lần và chiếm 6,8% tổng dư nợ, tương đương 80.000 tỉ đồng và gấp đôi dư nợ tại một số TP lớn như Đà Nẵng, Cần Thơ.
Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính dao động 39 - 49 %/năm, cao gấp nhiều lần so với mức mà các NH đang cho vay là 9 - 11%/năm. Nợ xấu cho vay tiêu dùng hiện ở mức 5,1 %/năm. Ông Minh cho biết NH Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này.
TP.HCM kiến nghị vay 400 triệu USD để quản lý rủi ro ngập nước
Sáng 22.10, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính làm việc với Ngân hàng Thế giới để xem xét cho dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM được vay nguồn vốn ưu đãi (IDA) từ Ngân hàng Thế giới.
Nhiều khu vực ở TP.HCM bị ngập cứ đến mùa mưa - Ảnh: Diệp Đức Minh
Dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM bao gồm 7 dự án thành phần, nhằm thực hiện tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm lưu vực kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 437 triệu USD (tương đương 9.658 tỉ đồng), trong đó vốn vay từ Ngân hàng Thế giới - nguồn IBRD là 400 triệu USD và vốn đối ứng 37 triệu USD, chủ yếu dùng cho việc giải phóng mặt bằng và chi phí quản lý dự án.
Đây là dự án phúc lợi xã hội, phục vụ dân sinh cho khu vực 14.900 ha đi qua 9 quận, huyện của thành phố với dân số được hưởng lợi ước tính 2 triệu người (năm 2020). Bản chất dự án này không có nguồn thu, chi phí xây dựng hoàn toàn do ngân sách chi trả.
Do đó, nếu phải vay lại và chi trả hoàn toàn cho các khoản vay của dự án với phương thức vay IBRD (Bộ Tài chính đề nghị áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với nguồn vay 400 triệu USD từ WB là Ngân sách TP.HCM vay lại 100% từ Ngân sách Trung ương) sẽ vượt quá khả năng cân đối vốn hàng năm của ngân sách thành phố.
Theo UBND TP.HCM, tình hình cân đối ngân sách hiện nay của thành phố đang gặp khó khăn, do đó trình Thủ tướng cho phép thành phố được áp dụng cơ chế tài chính cấp phát đối với dự án (Trung ương vay Ngân hàng Thế giới và cấp phát lại 100% cho thành phố để thực hiện dự án).
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết hiện nay hàng năm ngân sách TP.HCM đang phải thanh toán các khoản chi phí liên quan đến xây dựng cơ bản rất lớn, bao gồm cả việc phải thanh toán các khoản vay ODA cho các dự án đã và đang triển khai theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM được phê duyệt tại Quyết định số 752/QĐ-TTg năm 2001 và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP.HCM được phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg năm 2008 của Chính phủ.
Chỉ tính trong 10 năm vừa qua, TP.HCM đã bỏ ra gần 24.300 tỉ đồng để thực hiện các dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch, xây dựng cải tạo hệ thống thoát nước (trong đó ngân sách thành phố khoảng 9.000 tỉ đồng và vốn ODA khoảng 15.300 tỉ đồng) nhưng cũng chỉ đủ để thực hiện được một khối lượng công việc rất hạn chế.
Đặc biệt trong 24.300 tỉ đồng có khoảng 18.700 tỉ đồng (tương đương 870 triệu USD) để thực hiện các dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch (trong đó ngân sách thành phố khoảng 3.400 tỉ đồng và vốn ODA khoảng 15.300 tỉ đồng) nhưng mới chỉ cải tạo được khoảng 1,2% khối lượng công việc theo quy hoạch.
Nguyên nhân chính là do nguồn lực thành phố có hạn, tình hình kinh tế khó khăn nên nguồn ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng. Đến thời điểm cuối 2014, tổng dư nợ vay của thành phố là 25.115 tỉ đồng (bao gồm dư nợ trong nước là 14.669 tỉ đồng và dư nợ vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 10.446 tỉ đồng).
Dự kiến trong 5 năm tới (2016 - 2020), bình quân mỗi năm thành phố phải bố trí khoảng 4.250 tỉ đồng/năm để chi trả nợ gốc và lãi đến hạn (tăng gần 49% so với giai đoạn 2011 - 2014). Do đó, nguồn cân đối cho chi đầu tư phát triển ngày càng khó khăn hơn.
Ông Lê Viết Chữ tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi
Sáng 22.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 19, nhiệm kỳ 2015-2020 đã công bố kết quả bầu chọn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 gồm 56 người, Ban Thường vụ Tỉnh ủy 16 người và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy 9 người.
Ông Lê Viết Chữ tái đắc cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi
Ông Chữ (52 tuổi, quê quán ở xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) từng kinh qua các chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Bí thư Thành ủy Quảng Ngãi, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Ngày 18.6.2015, Ban Tổ chức T.Ư đã công bố và trao quyết định của Bộ Chính trị về việc chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Lê Viết Chữ.
Ngoài ra, các ông Nguyễn Thanh Quang, Trần Ngọc Căng và Trần Văn Minh tái đắc cử chức Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015-2020 .
(
Tinkinhte
tổng hợp)