Đài Loan xây xong hải đăng phi pháp ở đảo Ba Bình
Sẽ chuyển trung tâm hành chính Hải Phòng sang phía bắc sông Cấm
Sở Giao thông Hà Nội: ‘Giảm tần suất xe buýt chỉ là giải pháp tình thế’
Hành, tỏi Lý Sơn bán đổ đống ở Hà Nội
Cơ cấu vào ban thường vụ nhưng trượt ban chấp hành
Tin trong nước đọc nhanh chiều 24-10-2015
- Cập nhật : 24/10/2015
Cảnh sát biển Trung Quốc ngăn cứu nạn ngư dân Việt Nam
Lúc 17g ngày 23-10, tàu SAR 412 của Vietnam MRCC đã đưa 11 thuyền viên và tàu cá của ngư dân Khánh Hoà về đến Đà Nẵng, hoàn tất việc cứu nạn dù có sự ngăn cản của hai tàu Cảnh sát biển Trung Quốc.
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn từ tàu SAR 412 tiếp cận các ngư dân ngặp nạn trong khi tàu Cảnh sát biển Trung Quốc kè sát - Ảnh: thuyền viên tàu SAR 412
Trước đó, lúc 8g15 ngày 20-10, Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) nhận được thông tin: Tàu KH 96977 TS do ông Phan Thành Kim (thường trú tại Ninh Thủy, Ninh Hòa, Khánh Hòa) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng bị hỏng máy từ 18g ngày 19-10 trong khi đang hành nghề gần trung tâm quần đảo Hoàng Sa. Tàu đã cố gắng sửa chữa nhưng không khắc phục được sự cố. Trên tàu có 11 người, lương thực, thực phẩm, nước ngọt còn rất ít.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (tại Đà Nẵng) đã phối hợp với các cơ quan liên quan để có biện pháp hỗ trợ thích hợp cho tàu bị nạn.
Đến 19g29 ngày 21-10 tàu KH 96977 TS vẫn không khắc phục được sự cố máy, không có tàu nào đến hỗ trợ, lương thực thực phẩm, nước ngọt đã cạn kiệt, tàu yêu cầu giúp đỡ khẩn cấp.
Trước tình trạng nguy cấp của thuyền viên tàu KH 96977 TS, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo Vietnam MRCC triển khai ngay biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho thuyền viên và khẩn trương điều động tàu SAR 412 đi cứu nạn.
Tàu SAR 412 rời bến tại Đà Nẵng lúc 20g05 ngày 21-10. Đến 11g ngày 22-10, khi còn cách tàu bị nạn khoảng 0,5 hải lý (lúc này tàu KH 96977 TS trôi dạt đến vị trí cách đảo Bông Bay 2 hải lý về phía nam), tàu SAR 412 bị 2 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 33102 và 35153 ngăn cản, không cho tàu SAR 412 tiếp cận tàu KH 96977 TS.
Vietnam MRCC đã phối hợp với Cục Kiểm ngư, Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao trao đổi qua đường dây nóng, qua đường ngoại giao với phía Trung Quốc. Sau 3 giờ kiên trì trao đổi với các cơ quan liên quan của Trung Quốc, lực lượng cứu nạn hàng hải tại hiện trường đã tiếp cận tàu KH 96977 TS.
Đến 14g ngày 22-10, tàu SAR 412 tiến hành chuyển thuyền viên tàu bị nạn sang tàu SAR 412 để chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế, đảm bảo an toàn đồng thời đưa tàu bị nạn cùng toàn bộ thuyền viên về Đà Nẵng.
Sau khi cứu 11 ngư dân bị nạn ở Hoàng Sa thành công, Bộ trưởng Đinh La Thăng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang đã gửi lời động viên thăm hỏi ân cần đến những người gặp nạn, biểu dương lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải thuộc Vietnam MRCC đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu người bị nạn trên biển.
2 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc ngăn tàu SAR 412 cứu nạn ngư dân tàu cá KH 96977 TS của Việt Nam - Ảnh: thuyền viên tàu SAR 412
(Tuổi Trẻ Online)
Bể hụi trên 14 tỉ tại Tiền Giang, cả trăm người điêu đứng
Nhận thấy chủ hụi Phan Thị Tư có dấu hiệu bán nhà đi khỏi địa phương, hàng trăm người chơi hụi với bà đã vội vàng kéo đến nhà làm dữ để đòi tiền.
Đến chiều 23-10, hơn 200 người tham gia chơi hụi (con hụi) vẫn còn tập trung trước cửa nhà chủ hụi là bà Phan Thị Tư (còn gọi là Tư Xinh, ngụ xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) để đòi nợ.
Theo ông Huỳnh Văn Châu - đại diện cho hơn 200 người chơi hụi ở hai xã Bình Phú và Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, do chỗ quen biết và tin tưởng nhau nên bà con ở đây tham gia chơi rất nhiều dây hụi do bà Tư làm chủ.
Bà Tư làm chủ hụi tại khu vực này đã hơn 10 năm, đã huy động rất nhiều người cùng chơi. Thời gian gần đây nhiều người nhận thấy bà Tư ngưng mở các dây hụi mới và có dấu hiệu tẩu tán tài sản của gia đình mình nên có nghi ngờ.
Mọi người tìm hiểu được biết bà Tư đã dùng thủ đoạn lấy "tên ma" để lập danh sách chơi hụi rồi hốt hụi cho những người này mà không đóng hụi chết, lại có ý rao bán nhà để đi khỏi địa phương nên nghĩ bà Tư đang lừa đảo mọi người.
Vì vậy, hàng chục con hụi đã kéo đến bao vây căn nhà của bà Tư để đòi tiền. Nhiều người ra sức dùng gạch đá ném vỡ các cửa kính, đập cửa nhà, đập phá chậu cây cảnh... của nhà bà Tư. Bà Tư đã cố thủ, khóa cửa trốn trong nhà.
Hiện Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an Tiền Giang đang phối hợp với Công an huyện Cai Lậy điều tra xác minh vụ việc, lập lại an ninh trật tự trong khu vực.
New Zealand muốn tặng TP HCM cây cầu đi bộ bằng gỗ
UBND TP HCM vừa giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Ngoại vụ nhanh chóng nghiên cứu địa điểm phù hợp để xây dựng cầu đi bộ bằng gỗ do New Zealand tài trợ trước ngày 30/10.
Trên cơ sở đó, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các sở, ngành của thành phố để lên chi tiết thiết kế, các thông số kỹ thuật và ước tính chi phí của cầu rồi đưa ra quyết định dự án có khả thi hay không.
Theo tìm hiểu của VnExpress, vị trí tiềm năng để xây cầu đi bộ bằng gỗ nằm trên đường Điện Biên Phủ (đối diện ĐH Hồng Bàng).
Trước đó, trong cuộc gặp Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân, Bộ trưởng an toàn thực phẩm New Zealand Goodhew đã ngỏ ý muốn tặng TP HCM một công trình biểu tượng là cây cầu đi bộ bằng gỗ để đánh dấu quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
"Công trình cũng minh chứng cho kỹ thuật chế biến và thiết kế đồ gỗ của New Zealand, là lĩnh vực đang ngày càng phát triển trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước", đại diện phía New Zealand cho biết.
40.000 ôtô công
Chiều 23-10, trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo về chính sách mới trong quản lý xe công do Bộ Tài chính tổ chức, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã cho biết như vậy.
Ông Thắng đánh giá số ôtô công khá lớn, chủ yếu tập trung tại cơ quan hành chính đơn vị sự nghiệp. Con số trên là chưa bao gồm xe tại doanh nghiệp nhà nước.
Sở dĩ số ôtô công nhiều như vậy, theo ông Thắng, là do vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn định mức. Bên cạnh đó, việc mua sắm, thanh lý, sử dụng ôtô chưa chặt chẽ. Đặc biệt, chi phí cho sử dụng xe công khá lớn, bình quân khoảng 320 triệu đồng/năm.
Để khắc phục tồn tại nêu trên, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng quyết định 32 quy định tiêu chuẩn định mức và chế độ sử dụng ôtô trong cơ quan nhà nước, thay thế quy định cũ. Nguyên tắc của quy định mới là đảm bảo việc không tăng số ôtô so với hiện hành.
Cụ thể, ôtô phục vụ công tác chỉ được thay thế khi sử dụng quá 15 năm thay vì 10 năm như cũ hoặc sử dụng ít nhất 250.000 km mà không thể đảm bảo an toàn…
Một cơ quan đơn vị như sở Tài chính chỉ được trang bị tối đa 1-2 xe ô tô để phục vụ công tác chung. Các địa phương phải rà soát, nếu có số xe đang sử dụng quá định mức thì phỉ điều chuyển sang cho đơn vị khác đang thiếu so với định mức. Nếu sau khi địa phương điều chuyển vẫn còn thừa xe thì phải chuyển giao cho Bộ Tài chính để chuyển cho các đơn vị còn thiếu hoặc bán thu tiền về ngân sách.
Về chức danh được sử dụng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, ông Thắng cho hay quy định mới cũng nêu rõ hơn: chỉ có những chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1.25 và chức danh thứ trưởng (hoặc tương đương) trở lên mới được phép sử dụng xe công. Còn ở địa phương, chỉ 4 chức danh gồm bí thư, phó bí thư tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh và chủ tịch HĐND tỉnh mới thuộc đối tượng được sử dụng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Chức danh phó chủ tịch tỉnh, thành (trừ Hà Nội và TP.HCM), giám đốc sở, bí thư huyện cũng không được trang bị xe công đưa đón từ nhà đến nơi làm việc.
Đánh giá tác động của chính sách nêu trên, ông Thắng cho rằng số ôtô phục vụ công tác chung sẽ giảm khoảng 7.000 xe trong tổng số 24.460 chiếc. Ước tính mỗi năm ngân sách tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng, chưa tính đến chi phí vận hành bình quân cho mỗi xe 320 triệu đồng.
Tăng cường thương mại Việt - Czech
Ngày 23-10, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng CH Czech Lubomír Zaorálek đã nhất trí các biện pháp nâng cao kim ngạch thương mại song phương.
Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Czech Lubomír Zaorálek (trái) và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sau cuộc hội đàm ngày 23-10 - Ảnh: Vân Đỗ
Theo đó, phía CH Czech khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam có mặt nhiều hơn trên thị trường Czech, nhất là các sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản, dệt may, giày dép. Phía Việt Nam cam kết tạo điều kiện để các mặt hàng của Czech vào thị trường Việt Nam như thiết bị điện tử, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông, đồng thời khẳng định ủng hộ các doanh nghiệp Czech mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu như xây dựng hạ tầng, đường sắt, năng lượng tái tạo, chế tạo máy nông nghiệp, thiết bị điện, vật liệu xây dựng, thủy tinh - pha lê, chế biến thực phẩm, viễn thông.
Bộ trưởng hai nước đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí sau buổi hội đàm. Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về những chính sách và biện pháp sắp tới của Chính phủ Czech nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu và mở rộng đầu tư vào thị trường Czech, Bộ trưởng Ngoại giao Czech cho biết: “Trong thời gian qua, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều sang CH Czech. Nền kinh tế của chúng tôi là một nền kinh tế mở theo cơ chế cạnh tranh. Nếu hàng hóa của Việt Nam đạt yêu cầu của thị trường Czech thì tại sao lại không thể đưa hàng hóa Việt Nam sang thị trường Czech? Giờ đây, chính chúng tôi cần học tập các bạn làm thế nào để đưa được hàng hóa Czech sang Việt Nam”.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định hai bên sẽ tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, tư pháp, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và môi trường. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Czech nhấn mạnh kim ngạch thương mại hai nước cần được thúc đẩy để tương xứng với tiềm lực của hai nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Czech cam kết ủng hộ việc EU và Việt Nam sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và EU công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.