tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh trưa 22-10-2015

  • Cập nhật : 22/10/2015

TPHCM điều chỉnh đồ án quy hoạch Vùng châu thổ phía Nam thuộc KĐT Thủ Thiêm

tphcm dieu chinh do an quy hoach vung chau tho phia nam thuoc kdt thu thiem

TPHCM điều chỉnh đồ án quy hoạch Vùng châu thổ phía Nam thuộc KĐT Thủ Thiêm

Theo thông tin từ UBND TPHCM, UBND TP vừa chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Vùng châu thổ phía Nam thuộc KĐT Thủ Thiêm.

Trong đó điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất, quy hoạch - kiến trúc của khu nghỉ dưỡng và hoán đổi vị trí các khu công viên công cộng, các khu cây xanh, nghỉ ngơi giải trí và của khu nghỉ dưỡng, nhằm hình thành khu vực ngập nước có diện tích lớn phục vụ bảo tồn đa dạng sinh thái Vùng châu thổ phía Nam thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Được biết, dự án Vùng châu thổ phía Nam (khu chức năng số 8) thuộc KĐT Thủ Thiêm có diện tích 150,25 ha. Hồi tháng 3/2015 UBND TP.HCM đã có quyết định giao Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh nghiên cứu và thực hiện đầu tư dự án này.

Theo quy hoạch chi tiết, Vùng châu thổ phía Nam có chức năng chính là bảo vệ môi trường, kết hợp nghỉ ngơi, giải trí và giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên. Khu vực này phần lớn là vùng sinh thái ngập nước, chỉ bố cục 3 khu đất xây dựng các công trình du lịch giải trí, dịch vụ thương mại và trung tâm nghiên cứu. Các công trình có quy mô và kiến trúc hài hòa, mật độ xây dựng thấp để không phá vỡ cảnh quan chung.

Cảnh quan rừng ngập nước thể hiện đặc trưng của đồng bằng Nam bộ và TP.HCM, với hệ thống sinh thái, thực vật tự nhiên và môi trường sống cho động vật hoang dã. Khu cảnh quan nằm giữa một đô thị sầm uất sôi động sẽ là một không gian hấp dẫn đặc biệt của TP.HCM. Vì vậy, nó cần được nghiên cứu để khai thác hợp lý hiệu quả sử dụng cho nhu cầu nghỉ ngơi giải trí du lịch của đô thị.


“Báo động tình trạng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động”

Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn.

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, bên cạnh kết quả tích cực thì chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế còn thấp.

Các thành viên Ủy ban Kinh tế lo ngại việc khai thác dầu vượt kế hoạch đề ra mặc dù góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng trong điều kiện giá dầu ở mức quá thấp sẽ ảnh hưởng hiệu quả sử dụng tài nguyên.

chu nhiem ub kinh te quoc hoi nguyen van giau

Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu

Nông nghiệp là ngành đóng góp xuất khẩu lớn và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD/năm nhưng giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu và vẫn chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng quá lớn đến thu nhập của người sản xuất nhất là nông dân.

Năm 2015 nhập siêu trở lại sau 3 năm 2012-2014 xuất siêu, mặc dù nằm trong chỉ tiêu Quốc hội nhưng nhiều ý kiến cho rằng khu vực kinh tế trong nước luôn ở tình trạng nhập siêu, giai đoạn 2011-2014 nhập siêu 56,3 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2015 nhập siêu 15,8 tỷ USD, trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu ngày càng tăng. Xuất siêu doanh nghiệp FDI đóng góp, tạo nguồn ngoại tệ dồi dào tăng dự trữ ngoại hối và góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét, chưa có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

“Có ý kiến lo ngại nếu thiếu chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước thì cơ cấu sản xuất doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng thu hẹp, khó khắc phục tình trạng nhập siêu hiện nay” – ông Giàu cho biết.

Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá, điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể lớn trong những năm qua là đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực trong trung hạn, dài hạn.

Ngoài ra, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh. Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng tăng nhanh trong giai đoạn 2011-2015 và áp lực nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh; kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

Việc thực hiện một số chính sách mới như gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng đã có chuyển biến nhưng dư nợ cho vay vẫn rất thấp.

Đây là những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội to lớn nhưng mức độ đi vào cuộc sống còn hạn chế, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và đưa ra các giải pháp khắc phục một cách hiệu quả.


Bộ trưởng Thăng nói gì về dự án dư 14.259 tỉ đồng?

Tổng mức vốn được bố trí cho các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên là 64.294 tỉ đồng, sau sử dụng còn dư 14.259 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đọc tờ trình về phương án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên.

Theo đó, tổng mức vốn được bố trí cho dự án là 64.294 tỉ đồng, tuy nhiên chỉ sử dụng hết 50.035 tỉ đồng, còn dư 14.259 tỉ đồng.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dư trên vào hai mục đích: hoàn thành các dự án trên tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên. Thứ hai là bố trí vốn cho một số công trình có tính kết nối với quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên nhằm đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư của hai tuyến đường này.

Trình bày báo cáo thẩm tra về phương án này, ông Phùng Quốc Hiển - chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cho biết đa số ý kiến cho rằng dự án mở rộng quốc lộ 1 và dự án đường Hồ Chí Minh là kết quả tích cực trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng tỉ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí (dư 23%) thể hiện việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt chưa sát với thực tiễn.

“Việc cắt giảm quy mô đầu tư một số dự án có thể ảnh hưởng tới chất lượng công trình, không bảo đảm thực hiện đúng quy mô ban đầu của công trình; chất lượng thi công một số đoạn, tuyến chưa thật sự bảo đảm cần được khẩn trương sửa chữa” - ông Phùng Quốc Hiển nói.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc tại sao có số dư “khủng” tới hơn 14.200 tỉ đồng sau khi thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, “đây là số tiền tiết kiệm được từ thực hiện các siêu dự án này hay là do việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư không sát với thực tiễn nên mới thừa nhiều như vậy?”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nói rằng: trước hết, cần phải làm rõ là dự án có thực hiện theo đúng quy định của pháp luật không.

“Đây là dự án có sử dụng số vốn trái phiếu chính phủ rất lớn đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Quá trình lập, phê duyệt, quyết định đều theo đúng trình tự của pháp luật. Việc trích lập dự phòng cũng phải đúng quy định, đâu phải muốn dự phòng bao nhiêu thì dự phòng” - ông Thăng nói.

Vậy tại sao “dư” nhiều tiền như vậy? Theo Bộ trưởng Thăng, trước hết là do việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công nên chi phí thực tế thấp hơn số vốn đã bố trí, đặc biệt không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá. Đồng thời, các dự án đều thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng tiết kiệm 5% dự toán.

Phần còn lại là do thực hiện điều chỉnh thiết kế, kỹ thuật và điều chỉnh biện pháp thi công phù hợp. “Kinh nghiệm lớn nhất là đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công. Chính phủ vào cuộc rất quyết liệt, ba phó thủ tướng chỉ đạo ba mảng công việc (một người lo giải phóng mặt bằng, một người lo tiền và một người lo xây dựng)” - ông Thăng giải thích.


Ông Trần Văn Rón tái đắc cử bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long

Tối 19-10, theo nguồn tin của chúng tôi, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long khóa X họp phiên đầu tiên bầu Ban Thường vụ gồm 16 người. Theo đó, ông Trần Văn Rón (Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015) tái đắc cử bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ này. Ba phó bí thư tái đắc cử là bà Nguyễn Thị Thu Hà, ông Trương Văn Sáu (Chủ tịch HĐND tỉnh) và ông Nguyễn Văn Quang (Chủ tịch UBND tỉnh). Ông Bùi Văn Nở được bầu giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Trước đó, vào tháng 3-2015, Bộ Chính trị điều động bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa 13 tỉnh Vĩnh Long, thôi giữ chức bí thư Tỉnh ủy để nhận nhiệm vụ phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Đồng thời, Bộ Chính trị chuẩn y ông Trần Văn Rón, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, giữ chức vụ bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nhiệm kỳ 2010-2015.

 bi thu tran van ron. anh: n.nam

 Bí thư Trần Văn Rón. Ảnh: N.NAM

Ông Trần Văn Rón sinh ngày 1-11-1961 tại xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, được kết nạp Đảng ngày 16-11-1981, chính thức ngày 16-5-1983. Trình độ chuyên môn: cử nhân luật, cử nhân kinh tế và hiện là nghiên cứu sinh chờ bảo vệ luận án tiến sĩ; trình độ chính trị, cử nhân chính trị. Ông Trần Văn Rón đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ trong tỉnh thời gian qua như giám đốc Sở Công nghiệp, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, ủy viên Thường vụ Thường trực Tỉnh ủy, phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long.

 ong nguyen van quang. anh: n.nam

 Ông Nguyễn Văn Quang. Ảnh: N.NAM

Ngày 16-6, HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII tổ chức kỳ họp thứ 13 (bất thường) để bầu chức danh chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016. Ông Nguyễn Văn Quang, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, được bầu làm chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, với 92,8% số phiếu tán thành. Ông Nguyễn Văn Quang sinh năm 1959, quê quán xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Trình độ chuyên môn tiến sĩ, trình độ lý luận chính trị cao cấp.

 ong truong van sau. anh: n.nam

 Ông Trương Văn Sáu. Ảnh: N.NAM

Ngày 24-11-2014, Ban Chấp hành Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội nghị bất thường bàn về công tác cán bộ. Theo đó, hơn 96% ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy có mặt đã thống nhất bầu ông Trương Văn Sáu (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh) làm phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015. Cũng tại kỳ họp này ông Sáu được giới thiệu giữ chức chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

 ba nguyen thi thu ha. anh: n.nam

 Bà Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh: N.NAM

Tháng 3-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng có quyết định điều động và luân chuyển cán bộ đối với bà Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1970), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, về làm phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long nhiệm kỳ 2010-2015.


Hà Nội: Thỏa thuận phương án thiết kế hầm đường bộ 90 tỷ đồng xuyên đê sông Hồng

ha noi: thoa thuan phuong an thiet ke ham duong bo 90 ty dong xuyen de song hong

Hà Nội: Thỏa thuận phương án thiết kế hầm đường bộ 90 tỷ đồng xuyên đê sông Hồng


Trong nội dung Công văn số 7366/UBND-NNNT, ban hành ngày 19/10, UBND TP Hà Nội đã xin thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phương án thiết kế xây dựng hầm đường bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ (Hoàn Kiếm).

Công văn nêu rõ, UBND TP Hà Nội nhận được văn bản của Sở Giao thông Vận tải về việc thỏa thuận phương án thiết kế điều chỉnh dự án xây dựng hầm đường bộ có kết hợp cho người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ (Hoàn Kiếm).

UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thỏa thuận phương án thiết kế điều chỉnh của hầm đường bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ với các thông số kỹ thuật chủ yếu: Hầm bê tông cốt thép, chiều dài đoạn hầm kín 15,7m; đáy hầm ở cao trình dương 11,82m, đỉnh hầm sau khi hoàn thiện dương 15,59m; mở rộng cửa phai hai bên hầm chui để bố trí nhánh ra vào phố Chương Dương Độ bảo đảm hợp lý và an toàn giao thông; đồng thời hạ ngầm tuyến điện 110kV.

Trước đó, ngày 10/10/2014, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản thỏa thuận phương án thiết kế hầm đường bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ với quy mô hầm bê tông cốt thép. Chiều dài đoạn hầm kín 23,7m, chiều dài đoạn hầm hở 32,94m. Đáy hầm ở cao trình dương 11,5m. Tuy nhiên để khớp nối với các tuyến đường trong khu vực phù hợp với tổ chức giao thông, thuận tiện cho quản lý, vận hành, phương án thiết kế của dự án có sự thay đổi.

Được biết, việc xây dựng hầm đường bộ xuyên đê sông Hồng từ phố Chương Dương Độ sang Trần Nguyên Hãn nối với Hồ Gươm được Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất đầu năm 2014. Ngay khi có đề xuất này, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu đầu tư dự án hầm đường bộ từ phố Chương Dương Độ sang phố Trần Nguyên Hãn, nối với Hồ Gươm.

Theo lý giải của UBND Hà Nội, việc xây dựng hầm đường bộ có kết hợp đường cho người đi bộ này nhằm tăng cường khả năng khai thác các tuyến đường, hiệu quả quỹ đất dôi dư hiện có của phường Chương Dương và Phúc Tân. Tuyến hầm cũng giúp các phương tiện qua lại giữa khu vực trung tâm và ngoài đê được an toàn, hạn chế ùn tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người đi bộ và các phương tiện.

Theo dự kiến ban đầu, tổng mức đầu tư xây dựng công trình này khoảng 90 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, thời gian hoàn thành là cuối năm 2015. Tuy nhiên đề xuất này sau đó đã vấp phải những ý kiến trái chiều.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục