Hưng Yên đề xuất xây tuyến đường liên tỉnh nối với Hà Nội
Hoạt động nuôi trồng thủy sản 7 tháng đầu năm tiếp tục gặp khó khăn
Thủy sản là chỗ dựa cho ngành nông nghiệp tăng trưởng cuối năm
Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3%
Tin trong nước đọc nhanh chiều 21-01-2016
- Cập nhật : 21/01/2016
27 cán bộ Hải quan An Giang “dính” vụ lừa hơn 80 tỉ đồng
Liên quan đến vụ án buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ, môi giới hối lộ này, đã có 27 công chức của Cục Hải quan tỉnh An Giang dính líu về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chiều nay (19.1), nguồn tin riêng của, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lê Dũng, Trần Thị Bích Tuyền, Hứa Châu cùng đồng phạm can tội “buôn lậu”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “đưa hối lộ”, “môi giới hối lộ”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại TPHCM và tỉnh An Giang”.
Vụ trọng án về kinh tế này có đến 46 bị can, trong đó nhiều giám đốc công ty và đặc biệt là 30 bị can nguyên là cán bộ công chức hải quan (trong đó có đến 27 người nguyên là cán bộ công chức Cục Hải quan tỉnh An Giang và 3 nguyên là cán bộ Hải quan TPHCM).
Theo kết luận điều tra, ngày 24.9.2012, tại Cảng Cát Lái, quận 2, TPHCM, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, thuộc Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan kiểm tra 2 container do Cty Cổ phần thực phẩm công nghệ Sài Gòn (Cty CP TPCN SG), trụ sở số 103 – 105 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1, TPHCM (51% vốn Nhà nước), do Lê Dũng làm giám đốc, xuất khẩu sang Campuchia mặt hàng thuốc lá.
Kiểm tra thực tế, trong 2 container lại chứa 20.000kg gạo. Trong khi lực lượng chống buôn lậu đang kiểm tra, thì Hứa Châu (Giám đốc Cty TNHH TM Lâm Kim Ngọc) mang thuốc lá vào cảng để đánh tráo 2 container gạo, nhưng đã bị Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV bắt giữ. Ngày 3.10.2013, Cục điều tra chống buôn lậu khởi tố vụ án “buôn lậu” và chuyển hồ sơ cùng tang vật sang Cơ quan CSĐT Công an TPHCM tiếp tục điều tra…
Lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước trong việc quản lý hàng xuất khẩu, khuyến khích xuất khẩu cũng như hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các doanh nghiệp, Trần Thị Bích Tuyền – Giám đốc Cty cổ phần Đại Đắc Tài bàn bạc với Lâm Tuấn Phát – Giám đốc Cty cổ phần Cảnh Phong, Hứa Châu – Giám đốc Cty TNHH Lâm Kim Ngọc lập hồ sơ xuất khẩu khống (không có hàng xuất khẩu thật) sang Campuchia, rồi sử dụng hồ sơ khống này làm thủ tục xin hoàn thuế GTGT, lừa đảo chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Tuy nhiên, để thực hiện trót lọt các “phi vụ”, Tuyền, Phát và Châu biết doanh nghiệp của mình là tư nhân, kiểm tra hàng xuất khẩu kỹ hơn, nên tìm cách “quan hệ” với Lê Dũng và được Lê Dũng đồng ý thỏa thuận ký các hợp đồng mua hàng hóa khống nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước tổng cộng là hơn 80 tỉ đồng. Lê Dũng được xác định vai trò cầm đầu nhóm phạm tội “buôn lậu”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”.
Đây là vụ trọng án kinh tế với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, mà còn đặc biệt nghiêm trọng hơn đó là có nhiều cán bộ công chức hải quan bị “dính chàm” nhiều đến như vậy. Cụ thể là 27 cán bộ công chức hải quan tại cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang bị khởi tố trong vụ án.
Theo điều tra, Tuyền còn được xác định là người đã chuyển tiền đưa hối lộ chủ yếu cho các công chức thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang, thuộc Cục Hải quan tỉnh An Giang và một số cán bộ công chức hải quan Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV, thuộc Cục Hải quan TPHCM. Bên cạnh đó, Tuyền còn chi tiền hối lộ cho cả Giám đốc Cty CP TPCN SG - Lê Dũng và Lê Tiến Cường (nhân viên dưới cấp của Lê Dũng).
Cơ quan CSĐT Công an TPHCM nhận xét, đây là tổ chức tội phạm mang tính chất xuyên quốc gia, bao gồm người trong nước câu kết với pháp nhân nước ngoài thực hiện hành vi buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của Nhà nước bằng cách thành lập các Cty “ma” (không có thật) tại nước ngoài, ký các hợp đồng “ma” xuất khẩu khống các mặt hàng có giá trị cao nhằm chiếmn đoạt tiền hoàn thuế GTGT được nhiều hơn.
Trong hàng loạt cán bộ công chức hải quan tỉnh An Giang (27 bị can), thì có cả bị can nguyên là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang – Nguyễn Văn Biên; Nguyễn Phi Công và Thái Thanh Nguồn đều nguyên là Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang cùng “dính chàm” trong vụ án này.
Nguyễn Văn Biên là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang, biết rõ không có hàng hóa xuất khẩu, nhưng Biên đã chủ động móc nối với đối tượng ngoài xã hội để thỏa thuận ký khống tờ khai xuất khẩu mặt hàng thuốc lá cho Cty CP TPCN SG. Không những vậy, Biên còn chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ tiếp nhận và ký khống thủ tục thông quan để nhận tiền của doanh nghiệp… Công và Nguồn, là Chi cục phó hải quan cửa khẩu, cũng biết rất rõ không có hàng xuất khẩu, nhưng cả hai vẫn chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ tiếp nhận và ký thủ tục thông quan khống cho Cty CP TPCN SG nhằm nhận tiền “lót tay” của doanh nghiệp.
Đối với 24 nguyên công chức hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang bị khởi tố bị can trong vụ án này, biết rất rõ Cty CP TPCN SG không xuất hàng sang Campuchia, mở tờ khai khống… nhưng vẫn lập hồ sơ “thông quan” khống để nhận tiền của Cty CP TPCN SG.
Cơ quan điều tra bắt nguyên cán bộ hải quan "dính" vụ buôn lậu...
"Đất đai là một trong những lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất"
“Việc quản lý, sử dụng đất đai luôn được đánh giá là một trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ và biểu hiện tham nhũng”.
Trên đây là ý kiến phát biểu của ông Lê Quốc Trung, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên- Môi trường tại Hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng” do Bộ Tài nguyên- Môi trường tổ chức ngày 20-1.
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Trung cũng cho biết: Trong thời gian qua, việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở nhiều địa phương còn bất cập đã tạo kẽ hở tham nhũng, trục lợi cho nhiều tổ chức, cá nhân như: Việc thực hiện giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch mà chạy theo nhu cầu của nhà đầu tư; lợi dụng thẩm quyền để lập hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng nhằm trục lợi.
Theo ông Trung: Trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dễ phát sinh hành vi tham nhũng của các cán bộ trong thực thi công vụ, đặc biệt, đối với cán bộ thuộc cấp huyện, thị xã, thị trấn, xã/phường ở các tỉnh/thành phố có tốc độ đô thị hóa cao. Các hành vi tham nhũng có liên quan tới chuỗi quy trình thực hiện việc cấp giấy chứng nhận như: Cán bộ thực hiện gây khó dễ; thời gian đánh giá và phê duyệt hồ sơ của quy trình này bị kéo dài so với thời hạn quy định.
Trong công tác thu hồi, giao đất cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng tình trạng tham nhũng diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Gian lận trong việc lập phương án bồi thường; xác nhận thời điểm sử dụng đất, vị trí đất, diện tích đất có sự thỏa thuận với người dân để chia lợi hoặc phê duyệt giá giao, cho thuê có lợi cho chủ đầu tư.
Việc xác định giá đất khi giao đất, cho thuê đất ở các địa phương chưa sát với giá thị trường đã làm lợi cho doanh nghiệp, tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Việc định giá trị tài sản của doanh nghiệp và quyền sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp: Ở nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa, tài sản này bị thất thoát bằng nhiều hình thức như: Doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị sử dụng đất; sử dụng lãng phí, cho thuê, mượn sai quy định.
Đánh giá về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, ông Lê Thanh Khuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên- Môi trường) cho biết: Hiện đất đai là một trong những lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất. Để phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực đất đai nên có sự phối hợp giữa các ngành có liên có quan. Bởi một dự án được đầu tư liên quan đến quy hoạch, kiến trúc, quy hoạch sử dụng đất… nên cần phải xác định tham nhũng ở đâu để có hướng xử lý.
Ông Khuyến cũng đánh giá: Theo Luật Đất đai 2013, quản lý đất đai được phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên việc tự kiểm tra của các cán bộ cấp dưới vẫn không thể giải quyết tình trạng tham nhũng. Ngoài ra, các thủ tục liên quan đến đất đai vẫn còn rườm rà, phức tạp chưa thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nên đã nảy sinh tham nhũng.
Theo ông Trung để giải quyết tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, qua đó tăng cường tính công khai, minh bạch đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường giao đất có thu tiền sử dụng đất cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế, xã hội…
Mức lương của người Việt chỉ đứng hàng thứ 8 trong ASEAN
Cạnh tranh lao động chất lượng cao sẽ ngày càng gay gắt hơn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành và với mức lương khá thấp của người Việt, chỉ đứng vị trí thứ 8 trong ASEAN thì xu hướng lao động Việt Nam chuyển dịch ra nước ngoài là có thể diễn ra.
Đó là thông tin được bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam khiCộng đồng AEC được hình thành.
Theo bà Minh Đức, ngay cả khi Cộng đồng AEC chưa được hình thành thì đã có tình trạng người lao động chuyển dịch trong khối ASEAN, đặc biệt là lao động có kỹ năng, trình độ chất lượng cao.
Việc hình thành Cộng đồng AEC sẽ cho phép 8 ngành nghề Lao động có kỹ năng dịch chuyển đó. Bao gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch.
Lao động ra nhiều hơn vào, cạnh tranh chất lượng cao?
Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng kèm theo yêu cầu lao động phải qua đào tạo và nếu thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh sẽ được di chuyển tự do hơn. Bà Minh Đức cũng cho biết, mặc dù cho phép 8 nghề được tự do dịch chuyển trong ASEAN song mỗi nước đều quy định về khung trình độ tham chiếu, đưa ra những yêu cầu mặt kỹ thuật riêng nên không phải lao động muốn dịch chuyển là có thể dịch chuyển được.
Theo đó, áp lực về tiền lương đối với người lao động khi AEC được hình thành là có thể xảy ra. Tuy nhiên, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, sức ép về lương diễn ra với lao động có kỹ năng nhiều hơn là với lao động có trình độ thấp.
“Người lao động trình độ thấp bị chèn ép sẽ nhiều hơn do chất lượng nguồn nhân lực của ta yếu thế. Còn lao động vào nhiều hay ra nhiều, tôi tin lao động ra nhiều hơn vì mức lương của Việt Nam chỉ đứng mức thấp, ở hàng thứ 8 so với ASEAN” – Bà Minh Đức nhận định.
Với mức lương trung bình thấp như vậy, trong khi mặt bằng nguồn nhân lực trong ASEAN có chất lượng cao hơn, nên nhiều khả năng lao động Việt Nam sẽ có xu hướng chuyển dịch nhiều hơn và lao động nước ngoài sẽ ít chuyển dịch vào Việt Nam do mức lương thấp.
Tuy nhiên, lao động có kỹ năng thì có thể sẽ dịch chuyển nhiều hơn. Bà Minh Đức cho rằng khi lao động có tay nghề trình độ vào Việt Nam thì sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt về việc làm và yêu cầu người lao động Việt Nam phải nâng cao chất lượng lao động.
Thu nhập thua xa các nước trong khu vực
Trước đó, Tổng cục Thống kê công bố thu nhập bình quân của người lao động (tương đương năng suất lao động) Việt Nam năm 2015 là 79,3 triệu đồng/người, tương đương 3.657 USD. Mặc dù năng suất lao động đã tăng khoảng 6,4% so với năm 2014 và khoảng cách so với các nước đã ngày càng thu hẹp, song vẫn ở mức thấp hơn rất nhiều.
Cụ thể, nếu tính theo sức mua năm 2005, thì năng suất lao động của Singapore gấp 29,2 lần so với Việt Nam, thì đến năm 2013 khoảng cách này giảm chỉ còn 18 lần. So với Malaysia giảm từ 10,6 lần xuống 6,6 lần; so với Thái Lan khoảng cách năng suất lao động giảm từ 4,6 lần xuống 2,7 lần; Philippines giảm từ 3,1 xuống 1,8 lần.
Tuy nhiên, so với GDP/tổng số người làm việc bình quân thì Việt Nam lại thua xa so với các nước trong khu vực. Theo đó, Singapore tăng từ 62.052 USD năm 1994 lên 92.632 USD; Malaysia tăng từ 21.142 USD lên 30.317 USD; Thái Lan tăng từ 7.922 USD lên 9.311 USD.
Theo bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội, năng suất lao động thấp vẫn đang là bài toán khó đặt ra với người lao động Việt Nam. Bởi khi cộng đồng kinh tế AEC được hình thành, nguồn lao động chất lượng cao từ các nước trong khu vực sẽ dịch chuyển nhiều hơn, và cạnh tranh trực tiếp với lao động Việt Nam.
Định hướng và giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng
Kế thừa những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Dự thảo văn kiện chuẩn bị trình Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ định hướng cũng như giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế là một chủ trương lớn, quan trọng xuyên suốt từ Đại hội XI của Đảng. Dự thảo Văn kiện đánh giá mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng đã bước đầu có sự chuyển biến sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; đã hình thành những mô hình mới và cách làm mới, sáng tạo.
Với việc cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là trên một số lĩnh vực trọng tâm, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế có bước cải thiện; bảo đảm hài hoà hơn giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Dự thảo Văn kiện nêu rõ, những kết quả đạt được nêu trên chủ yếu là do Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân ta đã có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Trung ương phù hợp với tình hình mới.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng.
Năng suất lao động chậm được cải thiện, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế còn thấp. Chưa phát huy được lợi thế so sánh và tận dụng các cam kết hội nhập quốc tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững.
Do đó, kế thừa những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Dự thảo Văn kiện chuẩn bị trình Đại hội XII của Đảng đã có những phát triển mới rõ rệt, nêu rõ hơn định hướng và giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Dự thảo văn kiện đã chỉ ra những định hướng quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững; giải quyết hài hoà giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Về nguồn lực tăng trưởng, đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển đồng thời dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước. Phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông nghiệp.
Dự thảo Văn kiện cũng chỉ ra động lực và chính là điều kiện để đổi mới, đó là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D), nhập khẩu công nghệ mới; thực hiện phương thức quản lý, quản trị hiện đại; phát huy tiềm năng con người và khuyến khích tinh thần sản xuất kinh doanh của mọi người để chủ động khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị quốc gia và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế và các ngành, các lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng được nêu rõ trong Dự thảo Văn kiện.
Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng: Cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Đại hội Đảng 12: “Chờ quyết sách lớn cải cách thể chế”
Qua nhiều năm đổi mới, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn đang thiếu đi những thiết chế pháp lý cần thiết nhằm bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích của doanh nghiệp - Ảnh: Reuters.
“Đại đa số người dân đều mong muốn lãnh đạo nhiệm kỳ mới là những người có tư duy đổi mới”...
“Cốt lõi vấn đề vẫn là cải cách thể chế, tôi mong Đại hội lựa chọn được những người lãnh đạo mới có đủ sức đưa kinh tế phát triển bằng thể chế mới”, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) Văn Đức Mười chia sẻ trước thềm Đại hội Đảng12.
Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng 11, theo ông Mười, vai trò của doanh nhân đã được nhắc đến rất nhiều, chính sách cũng có nhiều điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhưng, “trước đây khó khăn, hiện nay khó khăn và sẽ còn khó khăn nữa, là thể chế chưa được cải thiện đúng mức”, ông nhấn mạnh.
Theo nhận xét của Tổng giám đốc Vissan, ở tầm vĩ mô thì chính sách đúng đắn và thông thoáng, nhưng các cấp trung gian không chỉ triển khai chậm, mà nhiều nơi vẫn còn dùng cơ chế cũ để “sửa đổi” lại chính những điều đúng đắn ấy.
Bởi vậy, mong muốn lớn nhất của ông Mười là Đại hội 12 sẽ có những quyết sách lớn để cải cách thể chế một cách thực sự. Và muốn vậy thì rất cần những người có tư duy thực sự đổi mới.
Không có đủ thông tin để có thể bày tỏ chính kiến về công tác nhân sự của Đai hội 12, song qua đại hội Đảng các cấp vừa qua, ông Mười cho rằng nếu lựa chọn được đội ngũ cán bộ trẻ là điều rất tốt.
Bởi, “tuổi trẻ bao giờ cũng nhiệt huyết hơn, còn người lớn tuổi đôi lúc bảo thủ mà chính bản thân mình cũng không biết”.
Từng là doanh nhân và cũng là người quan tâm sâu sắc đến cải cách thể chế, Phó chủ tịch UBDN tỉnh kiêm Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, không riêng ông mà “đại đa số người dân đều mong muốn lãnh đạo nhiệm kỳ mới là những người có tư duy đổi mới”, và là những người luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Ông Đồng nói rằng ông rất tâm đắc với quan điểm trong một bài báo đã đọc vài năm trước. Đó là: “Đất Việt đã nhiều phen nguy biến, nhưng khi nào những người lãnh đạo cao nhất khiến nhân dân tin rằng, với họ “Tổ quốc là trên hết” thì nhất định sẽ vượt qua bất cứ thử thách nào”.
Bên cạnh thể chế và nhân sự, đột phá nào cho nền kinh tế từ nhiệm kỳ sau của Đảng cũng là vấn đề được quan tâm trước thềm Đại hội.
Từ trải nghiệm mấy chục năm lăn lộn trên thương trường, người đứng đầu Vissan cho rằng muốn đưa đất nước phát triển bền vững thì cần hun đúc tinh thần quốc gia khởi nghiệp.
Theo ông, cần phải thay đổi từ giáo dục, cần hun đúc tinh thần quốc gia khởi nghiệp, làm giàu cho cá nhân ngay từ học sinh ở bậc trung học.
“Nếu thời chiến thì phải đặt Tổ quốc lên trước, còn ở thời bình thì tôi nghĩ rằng cứ làm giàu cho bản thân trước rồi đóng góp cho đất nước”, ông Mười nêu quan điểm.
Tại sao con trẻ lại chủ yếu được định hướng thành bác sĩ, kỹ sư, thành công an, bộ đội… mà không phải là một doanh nhân, cũng là câu hỏi đã nhiều lần được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tâm tư với báo chí.
Ông Lộc cho rằng, giáo dục Việt Nam bấy lâu nay ít thực tiễn và thiếu tính sáng tạo, không làm cho học sinh hứng thú với việc nghĩ khác, làm khác, không định hướng học sinh làm dân mà thích làm quan, làm công chức… Đó là trở ngại lớn cho một đất nước khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, qua nhiều năm đổi mới, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn đang thiếu đi những thiết chế pháp lý cần thiết nhằm bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích của doanh nghiệp.
“Những bất ổn xảy đến với doanh nghiệp tại Việt Nam thời gian qua, có phần quan trọng là do chính sách can thiệp quá sâu vào thị trường của Nhà nước gây nên. Nếu chúng ta để cho thị trường tự vận hành theo cơ chế của nó, thì doanh nghiệp tư nhân chắc chắn vẫn ổn, và nếu có rủi ro thì đó là những rủi ro tiên liệu được”, ông Lộc nhìn nhận.
Và đây, cũng có thể coi là “điểm nghẽn” của thể chế, cần có quyết sách đủ mạnh để tháo gỡ, ngay từ nhiệm kỳ mới của Đảng.