Chiến hạm Hải quân Việt Nam dự lễ duyệt binh quốc tế
Ngày 20/1, tại quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), Quân chủng Hải quân Việt Nam tổ chức lễ đưa tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng HQ-011 cùng đoàn công tác lên đường tham dự lễ duyệt binh tàu hải quân quốc tế tại Ấn Độ và giao lưu với Hải quân Singapore. Đoàn công tác cấp cao của Hải quân Việt Nam do đại tá Lê Xuân Thủy - Phó tham mưu trưởng quân chủng Hải quân - dẫn đầu. Động thái này nhằm tăng cường tinh thần hữu nghị, trao đổi, hợp tác giữa Hải quân Việt Nam, Hải quân Ấn Độ và Singapore.
Tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng của Hải quân Việt Nam. Ảnh: An Nhơn
Theo kế hoạch, chiến hạm HQ–011 sẽ đi hơn 5.000 hải lý, vượt biển Thái Bình Dương để sang Ấn Độ Dương. Đoàn công tác và tàu hộ vệ tên lửa có chuyến thăm Singapore từ ngày 23 đến 26/1, sau đó tham dự lễ duyệt binh quốc tế; hội thảo Hàng hải quốc tế, diễu binh đường phố, bắn pháo hoa, biểu diễn văn nghệ với các ban nhạc quốc tế từ 4 đến 8/2 tại Ấn Độ, trước khi lên đường về nước.
Đây là lần thứ hai Hải quân Việt Nam đưa tàu hộ vệ tên lửa đi thăm, giao lưu với hải quân các nước. Đồng thời kết hợp huấn luyện đi biển đường dài cho chiến hạm HQ –011 Đinh Tiên Hoàng; khả năng tổ chức chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu và làm chủ khí tài hiện đại của Hải quân Việt Nam.
Chiến hạm HQ–011 Đinh Tiên Hoàng do Nga đóng theo hợp đồng đã ký kết với Hải quân Việt Nam cuối năm 2006, được biên chế vào lực lượng Hải Quân Việt Nam. Tàu được trang bị hệ thống thiết bị điện tử và vũ khí hiện đại, phù hợp xu thế chiến tranh điện tử.
Trọng tải choán nước lên đến 1930 tấn, HQ–011 có vận tốc tối đa 27 hải lý/h, tầm hoạt động 7.000 km có thể hoạt động liên tục trong 15 ngày, giúp Hải quân Việt Nam nâng cao đáng kể năng lực tác chiến điện tử và trên biển; hiện đại hóa quân đội để phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc.
14 người Việt bị Thái Lan bắt giữ vì lao động chui
Một nhóm người Việt đang trên đường về quê ăn Tết thì bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vì thị thực hết hạn và lao động bất hợp pháp.
Nhóm người Việt Nam bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ và đưa về nhà ga Nong Khai. Ảnh: Thairath
Thairath đưa tin vào 18h hôm 19/1, cảnh sát nhận được trình báo từ nhà ga tỉnh Udon Thani rằng có một nhóm người gây ồn ào trên tàu.
Khi lên tàu kiểm tra, cảnh sát phát hiện nhóm người này đã lẩn trốn, trà trộn vào các hành khách Thái Lan, hoặc nấp trong nhà vệ sinh.
14 người, gồm hai nữ và 12 nam, tuổi từ 14 đến 50, sau đó đều bị bắt giữ và đưa về nhà ga tỉnh Nong Khai.
Điều tra ban đầu cho thấy tất cả những người này đều là lao động Việt Nam có thị thực đã quá hạn và đang lao động chui.
Ông Nguyen, 40 tuổi, khai rằng họ đến Thái Lan từ hồi tháng 7 để tìm việc tại các nhà hàng ở Bangkok và các vùng lân cận. Gần đến Tết Nguyên đán nên họ cùng nhau về quê.
Vì thị thực đã quá hạn, nhóm người dự định đi tàu đến tỉnh Nong Khai, sau đó qua Lào và bắt xe về Việt Nam. Tuy nhiên, trên đường đi họ đã bị cảnh sát phát hiện và bắt giữ.
Ngăn chặn vụ mua bán 30 tấn tiền chất ma túy
Đầu tháng 1.2016 lực lượng chức năng Bình Dương phát hiện một doanh nghiệp trên địa bàn bán khoảng 30 tấn tiền chất toluen, là nguyên liệu có thể điều chế ma túy.
Hôm qua, ông Nguyễn Trường Giang, Phó cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết đầu tháng 1.2016 lực lượng chức năng phát hiện việc một doanh nghiệp trên địa bàn bán khoảng 30 tấn tiền chất toluen (còn gọi là metylbenzen), là loại dung môi công nghiệp sử dụng trong ngành sơn, keo, mực in..., đồng thời cũng là nguyên liệu để điều chế ma túy.
Theo đó, doanh nghiệp khai báo đã bán số tiền chất này cho một số doanh nghiệp khác trong ngành da giày. Tuy nhiên, ông Giang cho rằng việc mua bán, nhập khẩu các loại hóa chất là tiền chất có thể điều chế ra ma túy được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Hiện Cục Hải quan Bình Dương đang phối hợp với cơ quan công an điều tra làm rõ vụ việc.
Cũng theo ông Giang, trong năm 2015, Hải quan Bình Dương đã phát hiện, lập biên bản 458 vụ vi phạm hành chính, trong đó có 49 vụ gian lận thương mại, phạt và truy thu thuế gần 83 tỉ đồng...
Trung Quốc xua tàu tiếp tế ra Biển Đông
Tàu tiếp tế Lô Cô Hồ thuộc Hạm đội Nam Hải - Ảnh: Guancha
Trung Quốc cấp tập mở rộng đội tàu tiếp tế để tăng cường hiện diện ở Biển Đông và kéo dài thời gian hoạt động trên biển của chiến hạm.
Theo truyền thông Trung Quốc, Hạm đội Nam Hải của nước này, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông, vừa nhận thêm 3 tàu quân sự, trong đó có tàu tiếp tế Lô Cô Hồ 962. Trang tin Guancha dẫn lời một số sĩ quan thuộc hạm đội nói trên ngang nhiên tuyên bố tàu mới sẽ dùng để chở hàng tiếp tế và binh sĩ đến trú đóng luân phiên ở các địa điểm bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lô Cô Hồ 962 là chiếc thứ 2 thuộc lớp tàu tiếp tế vận tải tổng hợp Type 094B được biên chế cho Hạm đội Nam Hải trong vòng 6 tháng qua. Chiếc thứ nhất mang tên Quân Sơn Hồ được đưa vào hoạt động giữa năm ngoái. Tàu Type 094B dài trên 171 m, rộng gần 25 m, độ choán nước khoảng 15.000 tấn và vận tốc tối đa 25,3 km/giờ, có thể chở 240 thủy thủ. Tàu còn có bãi đáp trực thăng và được trang bị 2 khẩu pháo 30 mm. Trong hải quân Trung Quốc, chỉ có Hạm đội Nam Hải vận hành tàu Type 094B và những phiên bản trước đó (gồm 094 và 094A) với tổng cộng 5 chiếc.
Không chỉ hải quân mà lục quân Trung Quốc cũng nhảy vào triển khai tàu tiếp tế tới những khu vực chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Tháng 11.2015, cũng theo Guancha, lực lượng này đưa vào biên chế tàu vận tải tiếp tế tổng hợp GY820 với nhiệm vụ cung cấp vật tư, thiết bị cho binh sĩ đóng trú tại cái gọi là “TP.Tam Sa” do Trung Quốc đơn phương dựng lên năm 2012 để tự cho mình quyền quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN.
GY820 là tàu vận tải tiếp tế lớn nhất của lục quân Trung Quốc từ trước tới nay, với chiều dài 90 m, rộng 14,6 m và độ choán nước 2.700 tấn. Tàu còn có bãi đáp có thể phục vụ trực thăng Z-9. Theo chuyên trang Strategy Page (Mỹ), tàu được thiết kế cho xe có thể chạy lên xuống dễ dàng ở các bến tàu do Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông. Từ đó, giới chuyên gia cảnh báo Bắc Kinh có thể đang đóng thêm nhiều tàu loại này để thay thế tàu thương mại đang sử dụng vận chuyển hàng tiếp tế ở Biển Đông, và thậm chí có thể tham gia các chiến dịch đổ bộ.
Anh sẽ phớt lờ các cảnh báo phi pháp trên Biển Đông
Đại sứ Anh tại Philippines Asif Ahmad tuyên bố London phản đối mọi ý đồ làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. “Nếu ai đó tìm cách ngăn chặn và cảnh báo này nọ với phi cơ Anh, dù là dân sự hay quân sự, trong không phận mà chúng tôi xem là vùng trời quốc tế, chúng tôi đơn giản là sẽ phớt lờ”, tờ The Guardian hôm qua 20.1 dẫn lời Đại sứ Ahmad khẳng định. Tuyên bố được đưa ra sau khi giới chức hàng không dân dụng Philippines hôm 18.1 lên tiếng tố cáo hải quân Trung Quốc đưa ra những cảnh báo mang tính đe dọa đối với phi cơ nước này bay gần đá Xu Bi mà Bắc Kinh bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa. Trung Quốc chưa có phản ứng về tuyên bố mới của Đại sứ Ahmad.
Triển vọng nuôi tôm càng xanh trong vùng nước lợ
Ông Huỳnh Văn Lĩnh trúng mùa tôm càng xanh - Ảnh: Minh Khoa
Trước diễn biến ngày càng bất lợi của thời tiết, nông dân H.Vĩnh Thuận (Kiên Giang) tìm tòi, ứng dụng nhiều giải pháp thích hợp để nuôi tôm càng xanh trong vùng nước lợ đạt hiệu quả kinh tế cao.
Những ngày này, nông dân H.Vĩnh Thuận vào vụ thu hoạch rộ tôm càng xanh với niềm vui trúng mùa, được giá. Ông Huỳnh Văn Lĩnh (ngụ ấp Bời Lời A, xã Vĩnh Bình Nam) cho biết: “1,2 ha tôm càng xanh của tôi vừa thu hoạch xong, sau khi trừ các khoản chi phí lời hơn 100 triệu đồng. So với trồng lúa lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Hơn nữa, trồng lúa trong thời gian gần đây kém hiệu quả do xâm nhập mặn, mưa ít không đủ nước ngọt rửa mặn nên lúa sau khi gieo sạ hay bị ngộ độc phèn, mặn và chết”. Tương tự, với diện tích 3 ha nuôi tôm càng xanh sắp thu hoạch, ông Bùi Tấn Te (ngụ ấp Bời Lời A) cho biết: “Tôi đã đầu tư hơn 16 triệu đồng nuôi tôm càng xanh. Hiện với giá thị trường khoảng 195.000 đồng/kg, tôi cầm chắc thu về từ 100 triệu đồng trở lên”.
Theo Sở NN-PTNT, vụ tôm càng xanh năm 2015, nông dân H.Vĩnh Thuận thả 3.578 ha, tổng sản lượng thu hoạch hơn 2.430 tấn, năng suất bình quân 679 kg/ha. So với sản xuất luân canh vụ lúa, vụ tôm (tôm - lúa), năng suất trên dưới 400 kg/ha và nuôi quảng canh - quảng canh cải tiến khoảng 287 kg/ha thì nuôi tôm càng xanh năng suất đạt khá cao, giá bán trên thị trường không thua kém tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Theo ông Te, phần lớn nông dân trong vùng đang tập trung nuôi tôm càng xanh vì lời nhiều hơn, trong khi làm lúa bây giờ “năm ăn, năm thua”. Đầu vụ, nhiều người gieo sạ lúa nhưng đến thời điểm này coi như thất mùa, thua lỗ trắng tay do lúa không nở bụi, trổ bông không đều, hạt lép hoặc bị chết trắng vì ngộ độc phèn, mặn, thiếu nước tưới. Từ khó khăn đó, nông dân trong huyện đã nuôi tôm càng xanh kết hợp với nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng theo mô hình sản xuất tôm - lúa. Tôm càng xanh chỉ thích hợp với môi trường nước ngọt nhưng đã được bà con thuần hóa đưa về nuôi vùng nước lợ, sinh trưởng phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Nhiều nông dân tại xã Vĩnh Bình Nam cho biết trước đây vùng đất này nông dân sản xuất theo mô hình tôm - lúa, nhưng con tôm chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Trong quá trình sản xuất, một số hộ thí điểm thả giống tôm càng xanh nuôi xen và mang lại kết quả bất ngờ. Tôm càng xanh chẳng những không chết trong môi trường nước lợ mà còn sinh trưởng phát triển tốt. Nông dân thu về nhiều nguồn lợi kinh tế trên cùng một diện tích là lúa, tôm sú, tôm thẻ và tôm càng xanh. Theo kinh nghiệm của nông dân, ưu điểm vượt trội của tôm càng xanh so với tôm sú, tôm thẻ chân trắng là dễ nuôi, mau lớn, ít bị dịch bệnh.
“Nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng 3 tháng thu hoạch, còn tôm càng xanh trên dưới 5 tháng nên nông dân lấy ngắn nuôi dài. Khi thu hoạch dứt điểm tôm sú, tôm thẻ chân trắng thì tập trung chăm sóc tôm càng xanh. Hết vụ thu hoạch tôm chuyển sang sản xuất vụ lúa để cải tạo lại đồng ruộng và tiếp tục thả giống tôm nuôi. Để đảm bảo ăn chắc, tôm càng xanh được vèo nuôi trong môi trường nước lợ vài ngày cho chúng quen dần với nồng độ mặn trước khi thả lan ra đồng đất. Điều này giúp cho tôm tăng khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi ban đầu, thích hợp môi trường nước lợ, không bị sốc, giảm tỷ lệ hao hụt”, ông Lĩnh chia sẻ.
Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn, xâm nhậm mặn, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt gây bất lợi cho sản xuất, thì mô hình “lúa - tôm sú - tôm thẻ chân trắng - tôm càng xanh” ở Vĩnh Thuận bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, để mô hình ngày một hoàn thiện, cần có sự nghiên cứu, đánh giá kịp thời của các ngành chức năng nhằm giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao và bền vững.
(
Tinkinhte
tổng hợp)