Đài Loan truy tìm một lao động Việt chém bốn đồng hương
Chấn chỉnh thuyền viên Việt Nam nhảy tàu bỏ trốn
Tăng nặng án phạt tù vì buôn bán hàng giả là bột ngọt
TP.HCM xây dựng chuỗi sản phẩm đạt chuẩn quốc tế
300 tỷ đồng sửa cống vòm 150 tuổi dưới lòng đất Sài Gòn
Tin trong nước đọc nhanh chiều 20-01-2016
- Cập nhật : 20/01/2016
Có thể xảy ra mưa tuyết, băng giá từ ngày 23 đến 25-1
Dự báo nhiệt độ các khu vực núi cao của miền Bắc giảm xuống dưới 0 độ C và xuất hiện mưa tuyết, băng giá từ 23 đến 25-1.
Theo ông Vũ Anh Tuấn - Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn ngắn, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, đợt không khí lạnh rất mạnh sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh miền núi phía Bắc từ đêm 21-1. Đến sáng và trưa 22-1 ảnh hưởng đến trung tâm Hà Nội.
Dữ liệu tới ngày 19-1 cho thấy nhiệt độ thấp nhấp trong đợt rét này ở miền Bắc đến Thừa Thiên - Huế phổ biến từ 8-11 độ C. Vùng núi cao từ 3-6 độ C. Riêng các khu vực núi cao như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa, Ô Quy Hồ (Lào Cai), Trùng Khánh (Cao Bằng), Đồng Văn (Hà Giang) có thể xuống 1 độ C và dưới 0 độ C.
Do ảnh hưởng của đới gió Tây trên cao trên 5.000m kết hợp với gió đông bắc tầng thấp nên từ đêm 21-1, có khả năng đợt mưa diện rộng ở miền Bắc sau đó lan đến Khánh Hòa. Mưa kết hợp với nhiệt độ thấp ở vùng núi cao là điều kiện để hình thành mưa tuyết, băng giá được dự báo có thể xảy ra trong các ngày 23 đến 25-1.
Nhiệt độ Hà Nội nhiều khả năng xuống mức thấp kỷ lục trong mùa đông xuân 2015-2016. Đến ngày 24-1 nhiệt độ tại Hà Nội được dự báo xuống mức 9 độ C hoặc thấp hơn. Nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biển mức 13-14 độ C nên cảm giác rét duy trì suốt ngày.
Theo ông Tuấn, từ 26-1 nhiệt độ tăng dần lên nhưng vẫn ở mức rét. Ngày 26-1, nhiệt độ ở Hà Nội thấp nhất 12 độ C, cao nhất khoảng 17 độ C.
Ngoài ra, đợt không khí lạnh này được dự báo gây một đợt gió mạnh kéo dài trên khắp biển Đông gây nguy hiểm cho tàu thuyền.
Theo ông Nguyễn Đăng Quang- Trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa, hạn dài của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong tháng 2-2016 có khả năng xảy ra khoảng 4-5 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến miền Bắc. Trong đó có thể xảy ra 1 đợt rét đậm nhưng không kéo dài.
Cụ thể hơn, khoảng ngày 23 tháng Chạp sẽ có một đợt không khí lạnh cường độ vừa phải ảnh hưởng miền Bắc. Trong những ngày chính Tết có một đợt không khí lạnh và từ mùng 3 đến mùng 6 Tết có thêm đợt không khí lạnh bổ sung. Nhiệt độ miền Bắc trong những ngày Tết phổ biến 12-14 độ C, mưa không đáng kể
Các tỉnh miền Trung, miền Nam cơ bản thời tiết tốt trong dịp Tết. Riêng khu vực giữa miền Trung có thể có mưa, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Huế trời rét vào thời điểm có không khí lạnh.
44 người chết vì tai nạn đường thủy năm 2015
Đó là con số thống kê do Cục đường thủy nội địa Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải công bố.
Theo đó, các tuyến giao thông đường thủy cả nước đã xảy ra 106 vụ tai nạn, làm chết 44 người, bị thương 8 người, chìm 93 tàu, sà lan, ghe đò…, ước thiệt hại khoảng 21 tỷ đồng.
So với năm trước tăng 16 vụ, giảm 15 người chết và tăng 1 người bị thương, thiệt hại tài sản tăng khoảng 8 tỉ đồng.
Nguyên nhân tai nạn nhiều nhất là có 45 vụ tàu, ghe đâm va vào nhau do không tuân thủ qui tắc giao thông làm 18 người chết, 15 vụ chở hàng quá tải làm 7 người chết, 7 vụ đâm vào cầu, đường dây điện (không có người chết hoặc bị thương).
Lễ hội chùa Hương: tổng doanh thu 550 tỉ đồng
Mỗi mùa lễ hội có khoảng 1,4 triệu lượt khách đến chùa Hương. Mỗi khách chi tiêu trung bình 300.000 - 400.000 đồng thì tổng doanh thu của lễ hội mới được khoảng 550 tỉ đồng.
Người dân đi hội chùa Hương chen nhau bôi tiền, nhét tiền vào miệng sư tử đá trước chùa Thiên Trù - Ảnh tư liệu.
Giải đáp một số thông tin nói rằng số tiền thu được ở chùa Hương mỗi mùa lễ hội khoảng 700 tỉ đồng nhưng vẫn phải xin từ ngân sách để đầu tư các hạng mục ở đây, ông Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội, trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2016 - trả lời:
“Mỗi mùa lễ hội có khoảng 1,4 triệu lượt khách đến chùa Hương. Mỗi khách chi tiêu trung bình 300.000 - 400.000 đồng thì tổng doanh thu của lễ hội mới được khoảng 550 tỉ đồng.
Tuy nhiên số tiền này phần lớn là doanh thu của những hộ kinh doanh trong khu vực lễ hội như chèo đò, kinh doanh thực phẩm... Còn ban tổ chức lễ hội chỉ thu 49.000 đồng/du khách tiền vé thì mỗi năm chỉ được 60 - 70 tỉ đồng thôi”.
Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo công bố kế hoạch quản lý và tổ chức Lễ hội du lịch chùa Hương 2016 sáng 18-1.
Chùa Hương sẽ khai hội vào mùng 6 tháng giêng hằng năm và kéo dài trong ba tháng sau đó. Ban tổ chức cho biết Lễ hội du lịch chùa Hương 2016 sẽ có chủ đề Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch với mục tiêu đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự.
Mùa lễ hội 2016, khu vực chùa Hương sẽ lần đầu tiên được phủ sóng WiFi và bố trí xe buýt chất lượng cao phục vụ du khách trẩy hội.
Về các phương tiện thuyền, đò phục vụ du khách, ông Hậu cho biết năm nay có 4.395 phương tiện đò tham gia chở khách.
“Loại đò nhỏ nhất ở đây chở được sáu người, nhưng có trường hợp khách du lịch chỉ đi 2 - 3 người trên một chuyến thì phải có phụ thu thêm cho người chở đò” - ông Hậu giải thích về những ý kiến cho rằng nhiều du khách bị “chặt chém” khi đi đò ở chùa Hương.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, ban tổ chức sẽ công khai đường dây nóng là các số điện thoại di động của thành viên ban tổ chức lễ hội, trong đó có số của ông Nguyễn Văn Hậu.
Tuy nhiên, có PV đặt câu hỏi khi gọi và nhắn tin vào số của ông Hậu nhiều lần mà không nhận được hồi âm thì đường dây nóng liệu có hiệu quả không, ông Hậu đáp rằng hiện nay chưa khai hội và ông còn rất nhiều công chuyện phải giải quyết.
Sớm triển khai đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (khoảng 3.300 tỉ đồng), giao Viettel ứng vốn xây dựng.
Đó là yêu cầu của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Công an, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và các cơ quan hữu quan, tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Ban chỉ đạo 896).
Theo kế hoạch triển khai đề án 896 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (khoảng 3.300 tỉ đồng), giao Viettel ứng vốn xây dựng.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công an (chủ đầu tư) sớm phê duyệt đề án khả thi để Viettel triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật; lưu ý các bộ ngành, địa phương phải chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, khi đủ điều kiện thì kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.
“Đa số các nước đều có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chúng ta hội nhập ASEAN rồi mà vẫn chưa làm được.
Ở các nước, người dân chỉ cần nhớ mã số của mình thì có thể giải quyết được mọi công việc liên quan đến thủ tục hành chính của cá nhân mình.
Đây là đề án liên quan đến quyền lợi của người dân, đến môi trường đầu tư, giảm chi phí tuân thủ, đơn giản thủ tục hành chính.
Chúng ta có 90 triệu dân, chỉ cần một thủ tục giảm được thời gian, giảm được chi phí thì sẽ đem lại hiệu quả tổng thể rất là lớn” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Xe tải từ 10 tấn trở lên phải gắn phù hiệu
Mặc dù đã có quy định xe tải kinh doanh vận chuyển hàng hóa phải gắn phù hiệu “xe tải” và đã có lộ trình thực hiện việc này, nhưng nhiều tài xế và chủ xe tải chỉ biết đến quy định này khi bị cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm.
Ông Võ Văn Hải (ở P.10, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) kể ông có chiếc xe tải 12,5 tấn chở nông sản thuê từ Tiền Giang đi các tỉnh phía Bắc. Ngày 2-1, xe của ông đi qua địa bàn tỉnh Bình Định thì bị cảnh sát giao thông lập biên bản với lỗi “điều khiển xe không có phù hiệu đối với ôtô có tải trọng từ 10 tấn trở lên kinh doanh vận tải hàng hóa”.
Nhiều chủ xe và tài xế xe tải khác cũng rơi vào trường hợp bị lập biên bản với lỗi vi phạm như ông Hải.
Ông Huỳnh Văn Nguyện, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết theo quy định của Chính phủ và Bộ GTVT, xe container phải gắn phù hiệu “xe công-ten-nơ”, xe tải kinh doanh vận chuyển hàng hóa phải gắn phù hiệu “xe tải”.
Lộ trình thực hiện là trước ngày 1-1-2016 đối với xe có trọng tải từ 10 tấn trở lên, trước ngày 1-7-2016 đối với xe có tải trọng từ 7 tấn đến dưới 10 tấn, trước ngày 1-1-2017 đối với xe có tải trọng từ 3,5 tấn đến dưới 7 tấn và trước ngày 1-7-2018 đối với xe tải dưới 3,5 tấn.
Theo điều 24 nghị định 171, lỗi điều khiển xe tải không có phù hiệu như quy định nói trên bị phạt 3-5 triệu đồng, kèm theo phạt bổ sung tước giấy phép lái xe 2 tháng đối với người thực hiện hành vi vi phạm.
Do hợp tác xã (HTX) vận tải mới có đủ điều kiện để sở GTVT tỉnh thành xét cấp phù hiệu nên thời gian qua các chủ xe tải ùn ùn xin vào HTX. Tại Tiền Giang, trong hai tuần qua, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận, xử lý cấp tới 300 phù hiệu cho xe tải từ 10 tấn trở lên do các HTX vận tải đề nghị.
Ở Tiền Giang có 11 HTX vận tải nhưng mức thuế vận chuyển hàng hóa mỗi nơi mỗi khác. Thuế rẻ và thuận tiện nhất là HTX vận tải huyện Tân Phước nên phần lớn chủ xe tải đến đây xin vào HTX. Một số chủ xe cho biết mức thu của HTX này chỉ 10.000 đồng/tấn/tháng. Tại các HTX vận tải Chợ Gạo, Châu Thành và TP Mỹ Tho dù mức thuế vận chuyển hàng hóa khá cao nhưng nhiều chủ xe cũng xin gia nhập HTX này vì muốn được cấp phù hiệu nhanh.