Mấy ngày nay, hàng chục người dân kéo đến các cơ quan chức năng huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phản ảnh về việc bị “sập bẫy” bán hàng đa cấp của Công ty Hoàng Gia Phúc (HGP).
Tin trong nước đọc nhanh tối 22-01-2016
- Cập nhật : 22/01/2016
Tan nát gia đình vì bị chủ đầu tư lừa
TP HCM hiện có hàng chục dự án mà chủ đầu tư đã thu tiền của khách nhưng đã trễ hạn 2-4 năm khiến người mua nhà lâm cảnh lao đao, nợ nần chồng chất, vợ chồng ly tán
Vài chục người là nạn nhân của dự án căn hộ chung cư Vạn Hưng Phát (đường Bông Sao, quận 8) đã tạo thành nhóm để thông tin cho nhau về việc xử lý, khả năng lấy lại tiền. Họ cho rằng bị chủ dự án lừa đảo, bán nhà trên giấy, chiếm đoạt số tiền lớn.
Người ít thì bị chiếm dụng 500-700 triệu đồng, người nhiều đến 3-5 tỉ đồng. “Chúng tôi suốt ngày phải động viên nhau, khiếu kiện khắp nơi với hy vọng cơ quan chức năng can thiệp để được trả lại tiền nhưng vẫn vô vọng” - ông Cường, một trong những nạn nhân của dự án này, bức xúc.
Chị Thanh Mỹ (quận 8) cũng vì lỡ mua căn hộ tại dự án Vạn Hưng Phát mà nay phải cầm cố hết tài sản cho ngân hàng để vay trả nợ. Chị Phương, nạn nhân của dự án này, thổ lộ: “Khổ lắm, tiền mua căn hộ đã nộp nhưng chủ đầu tư không xây tiếp, lại trốn biệt. Kiện thì tòa xử tôi thắng nhưng chủ đầu tư không thi hành án. Do đó, mỗi tháng, tôi phải ra ngân hàng đóng lãi 10 triệu đồng, trong khi cả gia đình phải ở nhà thuê”.
Trường hợp của ông Nguyễn Tri L. (quận 2) còn éo le hơn. Nghe bạn rủ mua căn hộ Vạn Hưng Phát, ông gom góp được hơn 200 triệu đồng đóng cho chủ đầu tư, đến hạn nhưng chẳng thấy nhà đâu. “Phải chi giàu có thì không sao, trong khi gia đình tôi thiếu trước hụt sau nên sau khi đóng tiền vào dự án, gia đình càng thêm khốn đốn, vợ chồng lục đục thường xuyên, cuối cùng phải ly dị” - ông L. tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Lan Hương (TP Vũng Tàu) góp tổng cộng gần 700 triệu đồng theo tiến độ để mua căn hộ chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức). Vậy mà sau đó, chị phát hiện căn hộ của mình đã được bán cho chủ khác, chủ đầu tư dự án này là Công ty Gia Phú (Gia Phú Land) hứa hẹn giải quyết nhiều lần rồi lặn mất tăm.
“Lãnh đạo TP đã chỉ đạo các sở, ngành can thiệp nhưng mấy tháng nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực. Ước mơ mua căn hộ ở TP HCM để tiện xin việc làm đã tan nát. Mồ hôi công sức của vợ chồng tôi dành dụm nhiều năm trời đã tan tành mây khói” - chị Hương buồn bã.
Để đủ tiền mua căn hộ Vietnam Petro LandMark (quận 2) do Công ty CP Bất động Xây lắp Dầu khí làm chủ đầu tư, chị Hải Yến, đang làm việc ở quận 3, mượn ba mẹ ở quê được 1,7 tỉ đồng. Đã trễ hạn 4 năm nhưng chị vẫn chưa được chủ đầu tư giao nhà. “Do mất tiền, tôi thường xuyên bị cha mẹ cằn nhằn bởi đây là tiền dành dụm để dưỡng già của ông bà chứ có dư dả gì đâu” - chị Hải Yến nói.
Số trường hợp người dân mua nhà bị chủ đầu tư cố ý hay vô tình lừa dối trong thời gian qua cao hơn nhiều trên thực tế. Nhiều dự án bê bối, lãnh đạo TP HCM đã chỉ đạo xử lý nhưng không có kết quả gì khả quan. Nhiều nạn nhân thắng kiện nhưng vẫn trắng tay vì dự án đã bị chủ đầu tư cầm cố cho ngân hàng, như dự án Vạn Hưng Phát.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM, người mua chọn nhầm chủ đầu tư chây ì thì nên tiếp tục khiếu kiện, tập hợp thành nhóm để tạo sức mạnh. Nên kiện ra tòa bởi nếu dự án có phát mãi hay đổi chủ thì người mua nhà sẽ được ưu tiên xem xét
Đề xuất đầu tư một số đoạn đường Hồ Chí Minh quy mô cao tốc
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, Quốc hội đã đồng ý cho sử dụng nguồn vốn dư của các dự án qua Tây Nguyên để đầu tư dự án khu vực phía Bắc (tuyến tránh Ngân Sơn, tuyến tránh Nà Phặc, Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn, cầu Bình Ca và đường dẫn đầu cầu).
Ban đã trình Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt dự án đầu tư, dự kiến phê duyệt trong quý 1-2016. Ngoài ra, Chính phủ đồng ý chuyển đổi hình thức đầu tư phần còn lại của dự án Chơn Thành - Đức Hòa sang đầu tư theo hình thức BOT và tiếp tục triển khai dự án Cam Lộ - La Sơn theo hình thức BT.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cũng báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải chủ trương đầu tư BOT đoạn Đoan Hùng - Phú Hộ (khoảng 23km) thuộc đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến (dài 130km). Ngoài ra, Ban cũng chủ động nghiên cứu, đề xuất kêu gọi đầu tư một số đoạn đường Hồ Chí Minh quy mô cao tốc để sớm hoàn thiện đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch.
Hà Nội gỡ vướng GPMB, đẩy nhanh thi công đường Lê Trọng Tấn
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa chỉ đạo thúc đẩy công tác GPMB, thi công Dự án Xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn, đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến sông Lừ.
Theo đó, trong Thông báo số 17/TB-VP ngày 19/1/2016 của UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch thống nhất về mặt chủ trương đối với đề xuất của Quân chủng Phòng không - Không quân về việc xây dựng tường rào mới cao 3,2m (cao hơn tường rào cũ) để đảm bảo an toàn, an ninh cho khu vực đường băng sân bay Bạch Mai và bổ sung một cổng ra vào; đề nghị Quân chủng Phòng không - Không quân hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo quy định, trình UBND quận Thanh Xuân phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đối với hạng mục cấp nước sạch của Quân chủng Phòng không - Không quân, UBND thành phố đồng ý về chủ trương cho phép xây dựng tuyến cấp nước mới của Quân chủng thay thế tuyến cấp nước cũ. Thành phố yêu cầu Chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị thi công, trong quá trình thi công có phương án bảo vệ hệ thống cấp nước cũ để đảm bảo việc cấp nước sạch bình thường, không ảnh hưởng đến công tác sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.
Về di chuyển, bảo vệ kết hợp hạ ngầm hệ thống thông tin liên lạc, thành phố yêu cầu Chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ di chuyển, gửi Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định, trình UBND quận Thanh Xuân phê duyệt. Thống nhất chủ trương cho di chuyển tạm để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, an toàn trong khi chưa xây dựng kịp hệ thống hào kỹ thuật.
Về việc di chuyển, bảo vệ kết hợp hạ ngầm hệ thống điện lực, 06 Trạm biến áp, thành phố yêu cầu Chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ thiết kế - dự toán theo quy định, gửi Sở Công thương khẩn trương thẩm định, UBND quận Thanh Xuân phê duyệt theo quy định.
UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải làm việc với UBND quận Thanh Xuân, Sở Tài nguyên và Môi trường để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục thu hồi đất theo đúng quy định. Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện GPMB Dự án; chủ trì, phối hợp giải quyết kịp thời các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong GPMB theo quy định; đề xuất, báo cáo UBND TP các vấn đề vượt thẩm quyền.
Giáp Tết, CPI Hà Nội tăng mạnh mặc giá xăng dầu “lao dốc”
Mặc dù giá xăng dầu được điều chỉnh giảm 2 lần liên tiếp nhưng CPI TP Hà Nội tháng đầu năm 2016 vẫn tăng mạnh do nhu cầu sắm sửa Tết Nguyên đán của người dân.
Cục thống kê Hà Nội vừa công bố tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố tháng 1/2016. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) TP Hà Nội tháng này đã tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 1,19% so với cùng kỳ năm 2015.
Đóng góp vào mức tăng chung của chỉ số giá tiêu dùng TP Hà Nội tháng này là 8/11 nhóm hàng tăng giá.
Trong đó, tăng cao nhất thuộc về nhóm giáo dục (tăng 3,74%) do thực hiện Quyết định số 41/2015/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, các trường tăng học phí cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (cả 2 đối tượng trong rổ hàng hóa).
Tháng này, nhóm thực phẩm tăng 0,27% so tháng trước do theo quy luật, đang vào thời điểm giáp Tết nên nhiều hộ dân găm giữ hàng để bán vào những ngày tết cho được giá, làm cho nguồn cung khan hiếm. Thêm vào đó, việc các nhà hàng thu gom thực phẩm để phục vụ cho các đám cưới hỏi, liên hoan, hội nghị cuối năm cũng khiến cho giá một số mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản... tăng giá.
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,08% so tháng trước do nhu cầu sửa chữa nhà cửa phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới nên một số loại dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng.
Thêm vào đó là nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa lạnh nên sản lượng điện tăng. Từ đầu tháng 1/2016, do giá gas thế giới giảm khoảng 100 USD/ tấn nên giá gas bán lẻ trong nước được điều chỉnh giảm 2.583 đồng/kg tương đương 31.000 đồng/ bình 12kg tùy từng hãng.
Giá thép tiếp tục giảm do giá nguyên liệu sản xuất giảm và thép phôi giữ ở mức thấp nên các nhà máy đã điều chỉnh giảm giá bán thép nhằm giữ sản lượng và tăng thị phần.
Trong tháng, nhóm có chỉ số giảm duy nhất là nhóm giao thông (giảm 2,1%) do trong kỳ tính giá, giá xăng dầu được điều chỉnh 2 lần vào ngày 18/12/2015 và ngày 4/1/2016 khiến giá xăng dầu giảm mạnh.
Mặc dù đợt giảm giá ngày 19/1 chưa ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng 1, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tháng tiếp theo.
Trong tháng, cả hai chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ đều tăng, với mức tăng lần lượt là 0,26% và 0,13% so tháng trước.
Phó phòng ngân hàng tự tử vì nợ 20 tỉ đồng
Ngày 21/1, tin từ Công an thị xã An Khê (Gia Lai) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra một vụ tự tử, nạn nhân là ông Mai Thiện Hùng (SN1960), Phó Trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) - Chi nhánh An Khê.
Theo điều tra ban đầu, sáng 16-1, một số người dân đã tập trung đến nhà ông Hùng (tổ dân phố 6, phường An Bình) để đòi nợ, gây mất trật tự. Công an đã kịp thời có mặt, mời ông Hùng và các chủ nợ về trụ sở làm việc.
Tại đây, ông Hùng khai nhận đã vay tiền của hơn 20 người với lãi suất4%-6%/tháng; tổng số nợ (cả gốc lẫn lãi thời điểm hiện tại lên đến 20 tỉ đồng); mục đích vay là để trả nợ mua bán gỗ.
Công an đã yêu cầu chủ nợ không được làm mất trật tự khu dân cư cũng như hủy hoại tài sản của ông Hùng. Tuy nhiên, sau khi ra về những người này vẫn tiếp tục đến nhà ông Hùng đòi nợ.
Đến 11 giờ 15 ngày 17-1, Công an thị xã An Khê nhận được tin báo ông Hùng đã treo cổ chết tại nhà riêng. Sáng 19-1, ông Hùng được gia đình đưa về an táng tại quê nhà ở TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Hiện vụ việc đang được Công an thị xã An Khê tiếp tục điều tra làm rõ.