tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiểu 03-02-2016

  • Cập nhật : 03/02/2016

Chính phủ đồng ý ký Hiệp định TPP

chinh phu dong y ky hiep dinh tpp

Chính phủ đồng ý ký Hiệp định TPP


Có 5 đặc điểm chính làm TPP trở thành một hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo đó, Chính phủ đồng ý ký “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương” và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Hiệp định trên với đại diện được ủy quyền của Chính phủ các nước tham gia Hiệp định TPP.

Trước đó, ngày 5/10/2015, Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tuyên bố kết thúc đàm phán.

Có 5 đặc điểm chính làm TPP trở thành một hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong khi vẫn đề cập tới các vấn đề mang tính thế hệ mới. Các đặc điểm đó bao gồm:

Tiếp cận thị trường một cách toàn diện. Hiệp định TPP cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản đối với tất cả thương mại hàng hóa và dịch vụ và điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên.

Tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết. Hiệp định TPP tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và dây chuyền cung ứng, cũng như thương mại không gián đoạn, đẩy mạnh tính hiệu quả và hỗ trợ thực hiện mục tiêu về tạo việc làm, nâng cao mức sống, thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và tạo thuận lợi cho việc hội nhập qua biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước.

Giải quyết các thách thức mới đối với thương mại. Hiệp định TPP thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh thông qua việc giải quyết các vấn đề mới, trong đó bao gồm việc phát triển nền kinh tế số và vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu.

Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại. Hiệp định TPP bao gồm các yếu tố mới được đưa ra để bảo đảm rằng các nền kinh tế ở tất cả các cấp độ phát triển và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi từ thương mại.

Hiệp định bao gồm các cam kết nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu rõ về Hiệp định, tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định mang lại và nêu lên những thách thức đáng chú ý tới Chính phủ các nước thành viên. Hiệp định cũng bao gồm những cam kết cụ thể về phát triển và nâng cao năng lực thương mại để đảm bảo rằng tất cả các bên đều có thể đáp ứng được những cam kết trong Hiệp định và tận dụng được đầy đủ những lợi ích của Hiệp định.

Nền tảng cho hội nhập khu vực. Hiệp định TPP được ra đời để tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Bùng phát vi phạm trật tự xây dựng vì dễ được 'hợp pháp hóa'

chung cu discovery complex 302 cau giay - ha noi. anh: nhu y

Chung cư Discovery Complex 302 Cầu Giấy - Hà Nội. Ảnh: Như Ý


Công trình xây dựng ngoài giấy phép từ vài trăm đến cả nghìn m2, nhưng vi phạm chỉ được phát hiện ở thời điểm “gạo đã thành cơm”.

Sau đó vi phạm lại dễ dàng được hợp pháp hóa bằng các văn bản chấp thuận điều chỉnh của cơ quan chức năng - đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) bùng phát trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều chỉnh nâng tầng, “hợp pháp hóa”

Nhìn lại “Năm trật tự văn minh đô thị” 2014 - 2015, dư luận không khỏi ngỡ ngàng trước việc chung cư Yên Hòa - Thăng Long tại tổ 50 Yên Hòa, do Cty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư nhiều lần bị UBND phường Yên Hòa đình chỉ thi công nhưng vẫn cố tình tái phạm với mức độ nghiêm trọng hơn.

Điều đáng nói, công trình này lại được cơ quan chức năng Hà Nội liên tục “ưu ái” cho “leo tầng” theo đề xuất của chủ đầu tư.

Tháng 1/2013, dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn khởi công dẫn đến việc UBND phường Yên Hòa ra quyết định đình chỉ thi công. Sau khi bị đình chỉ thi công, Cty TNHH Thăng Long đã hoàn thiện hồ sơ và được cơ quan hữu trách Hà Nội cấp giấy phép xây dựng 17 tầng.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công chủ đầu tư chung cư Yên Hòa - Thăng Long “bỏ quên” giấy phép xây dựng khi tự ý xây sai phép 10 tầng, nâng tổng số tầng lên 27.

Điều đáng nói là sau đó được cơ quan chức năng hợp pháp hóa việc nâng tầng này bằng văn bản chấp thuận đề xuất điều chỉnh quy mô tòa nhà của chủ đầu tư. Tưởng như Cty TNHH Thăng Long sẽ nghiêm túc tuân thủ văn bản điều chỉnh này, nhưng đến tháng 10/2015, các cơ quan chức năng lại phát hiện chung cư Yên Hòa - Thăng Long xây dựng trên 30 tầng, buộc Bộ Xây dựng phải ra quyết định thành lập đoàn thanh tra đối với dự án chung cư Yên Hòa- Thăng Long.

Phát hiện khi “gạo nấu thành cơm”

Trở lại tình trạng vi phạm TTXD trên địa bàn phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Căn cứ kết quả thẩm định quy hoạch, kiến trúc, tiêu chuẩn xây dựng của các cơ quan chức năng, ngày 14/5/2009, Sở Xây dựng cấp Giấy phép số 65/GPXD cho Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy triển khai Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà chung cư cao tầng để bán và cho thuê tại địa chỉ 302 đường Cầu Giấy (dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy).

Dự án được cấp phép xây dựng gồm 5 tầng hầm thông nhau, 5 tầng khối đế thông nhau, 1 tầng cây xanh và khu Văn phòng - chung cư cao cấp với tổng số 54 tầng.

Nhưng trong quá trình thi công, chủ đầu tư lại “bỏ quên” số tầng thể hiện trên GPXD, tự ý xây cơi nới thêm tầng khối đế (phần diện tích được duyệt làm Trung tâm thương mại thông nhau) không có trong giấy phép.

Giấy phép số 65/GPXD do Sở Xây dựng Hà Nội cấp quy định rõ công trình gồm 5 tầng khối đế và 1 tầng cây xanh, nhưng Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Cầu Giấy lại cho mình quyền nâng tầng khối đế lên con số 8.

Công trình vi phạm là một tổ hợp công trình sang trọng quy mô lớn, nhưng những vi phạm tại dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy chỉ được phát hiện ở thời điểm chủ đầu tư đã xây dựng 5 tầng hầm, 8 tầng khối đế, 1 tầng cây xanh, 2 khối nhà cao trên 30 tầng (thể hiện tại Quyết định số 70/QĐ-CT.UBND ngày 31/10/2015 của Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng).

Theo quy định, UBND phường và Đội Thanh tra xây dựng quận là đơn vị giữ vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện GPXD của chủ đầu tư. Thế nhưng với dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy, quy trình giám sát thực hiện GPXD của UBND phường Dịch Vọng và Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy lại không được thực hiện, vì thế mới xảy ra việc công trình vi phạm bị đình chỉ khi số tầng khối đế nằm ngoài giấy phép đã bị 30 tầng nhà “đè” lên.

Vi phạm xảy ra ở dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy là rất nghiêm trọng, nhưng mức phạt hành chính “kịch khung” UBND quận Cầu Giấy được phép ban hành chỉ dừng lại ở con số 80 triệu đồng, đi kèm là yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin điều chỉnh GPXD? Nếu những vi phạm tại dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy được cho qua bằng văn bản điều chỉnh GPXD, ai dám chắc sẽ không có những công trình vi phạm kiểu như Discovery Complex 2, 3, 4,... xuất hiện trong tương lai?

Cần siết lại cơ chế phạt tiền cho tồn tại

Trao đổi với phóng viên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, xử lý vi phạm TTXD trên địa bàn thành phố Hà Nội thực ra là việc rất đơn giản, vấn đề là có muốn xử lý hay không. Để hạn chế và tiến tới đẩy lùi tình trạng vi phạm TTXD đang bùng phát, trước hết UBND thành phố Hà Nội cần phải kiên quyết xử lý, công trình vi phạm.

Trong đó, cần cắt, phá bỏ những phần công trình vi phạm mới giải quyết được cốt lõi vấn đề. Thứ hai, cần làm rõ trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cấp phường, cấp quận. Việc kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên.

Thứ ba, cần siết lại cơ chế phạt cho tồn tại. “Công trình xây dựng bị kết luận vi phạm thì chỉ áp dụng biện pháp duy nhất là cắt bỏ mới giữ được kỷ cương. Chúng ta dễ nhận thấy một điều, chủ công trình vi phạm khi bị phát hiện thường viện dẫn ra rất nhiều lý do để xin xỏ, sau đó làm một số “động tác” nữa là có thể được áp dụng cơ chế phạt cho tồn tại rất dễ dàng”, ông Võ nói.


Nhà thầu thất hứa, dân mất tết

Từ khi dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm hoàn thành, có 107 hộ dân cónhà bị hư hỏng nhưng chưa được mời thương lượng bồi thường.

Dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm (TP.HCM) hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn một năm nay, tạo nên diện mạo khang trang cho bức tranh chung của TP. Tuy nhiên, người dân có nhà bị hư hỏng trong quá trình thi công dự án vẫn chưa nhận đủ tiền bồi thường, chưa nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà…

Tết về càng gần, người dân càng lo lắng vì vẫn phải sống trong cảnh nhà cửa xập xệ, rách nát, thậm chí có nguy cơ sụp đổ.

Nơm nớp lo nhà sập

Căn nhà của bà Nguyễn Ngọc Thạch ở 47/44C Tân Hóa, phường 14, quận 6 đang hư hỏng nặng. Đầu năm 2015, nhà thầu của gói thầu số 11 thuộc dự án đã bồi thường cho bà 156 triệu đồng. Nhưng số tiền còn lại (khoảng 104 triệu đồng) của gói thầu số 12 thì bà vẫn chưa nhận được. Ngoài ra, do căn nhà có nguy cơ sụp đổ, khi dự án đang thực hiện dở dang, gia đình bà gồm 14 người phải ra thuê trọ nơi khác. Ban đầu nhà bà còn được chi trả tiền thuê nhà hằng tháng (7 triệu đồng) nhưng từ tháng 7-2015 đến nay, nhà thầu không giao tiền như đã cam kết trước đó.

Gia đình quá khó khăn nên mới đây bà Thạch phải trả lại nhà thuê và trở về căn nhà cũ sống tạm. Tuy nhiên, căn nhà hơn 57 m2 này chỉ còn sử dụng được 16 m2 ở phòng khách phía trước nên chỉ có người mẹ già bệnh tật và một người anh bị tâm thần của bà Thạch ở tạm. Số người khác lại phải chia nhau đi ở trọ bên ngoài hoặc tá túc nhà người quen.

nguoi me benh tat va nguoi anh tam than cua ba thach phai song tam bo trong can nha co nguy co sup do.

Người mẹ bệnh tật và người anh tâm thần của bà Thạch phải sống tạm bợ trong căn nhà có nguy cơ sụp đổ.

Bà Thạch thuộc diện gia đình liệt sĩ và có công. Gặp chúng tôi, mẹ bà Thạch than thở: “Tôi bị bệnh nặng nên không dám ở phòng trọ vì sợ chết ở nhà người ta thì tội nên đành quay về đây sống tạm. Cả nhà tôi phải phân tán khắp nơi, cuộc sống khó khăn vô cùng”.

Bà Thạch cho biết việc thương lượng được mức bồi thường với nhà thầu đã “chua” lắm rồi, đến lúc yêu cầu nhà thầu chi trả cũng trần ai không kém. “Nhà thầu của gói thầu số 12 cứ hứa lên hứa xuống nhiều lần, lần cuối cùng hứa sẽ chi trả thành hai đợt vào ngày 15-1 và 30-1. Nhưng khi đến hẹn thì không thấy họ đâu cả; gọi điện thoại, nhắn tin cũng không được trả lời; hỏi phường, phường cũng không biết. Chúng tôi đã quá mệt mỏi, kiệt sức và suy sụp. Chúng tôi muốn sửa sang lại nhà cửa để còn có chỗ ở chứ như vậy khổ quá rồi” - bà Thạch bức xúc.

Nhà thầu lánh mặt, gần 160 hộ dân khốn khổ

Theo báo cáo của UBND quận 6, toàn dự án có 608 căn nhà bị ảnh hưởng (lún, nứt, có nguy cơ sụp đổ). Tiến độ xử lý các căn nhà hư hỏng này của đơn vị thi công diễn ra rất chậm và kéo dài. Cụ thể là đến tháng 7-2014, tỉ lệ giải quyết hoàn tất là 3%; đến tháng 7-2015 là 51%; tháng 11-2015 là 74%. “Từ thời điểm đó đến nay, đơn vị thi công chưa giải quyết thêm trường hợp nào cho người dân” - UBND quận 6 cho biết.

Theo thống kê của UBND quận 6, hiện còn 159 trường hợp chưa được giải quyết, trong đó có 26 trường hợp người dân đã đồng ý giá bồi thường nhưng chưa được trả tiền hoặc sửa lại nhà. Số còn lại chưa giải quyết, trong đó có 107 hộ dân từ khi hoàn thành dự án đến nay đơn vị thi công chưa một lần mời đến thương lượng về giá cả để bồi thường. Không những thế, từ tháng 10-2015 đến nay, đơn vị thi công còn nợ tiền hỗ trợ thuê nhà cho 38 hộ có nhà trong diện nguy cơ sụp đổ.

Trước tình trạng chây ỳ và dây dưa kéo dài bồi thường, cuối tháng 12-2015, UBND quận 6 đã có văn bản báo cáo UBND TP. Sau đó UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP (gọi tắt là BQL) và các đơn vị có liên quan khẩn trương nghiên cứu, kiên quyết xử lý.

Theo đó, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị BQL phối hợp đơn vị thi công và UBND phường thương lượng trực tiếp với người dân. Trong đó, ưu tiên tổ chức thương lượng trước với các trường hợp nhà trong tình trạng nguy hiểm; các trường hợp đã có cam kết bồi thường của nhà thầu từ trước mà chưa thực hiện bồi thường thì phải hoàn thành xong trước ngày 15-1.

Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn không thấy động tĩnh gì từ phía chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công. Không biết xuân này người dân sẽ đón tết sao đây…


Khởi tố nguyên lãnh đạo Chi nhánh của Agribank

Nhận hồ sơ vay vốn nhưng nguyên Giám đốc Agribank- Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn cùng cấp dưới bị tình nghi không thẩm định dự án khiến ngân hàng này thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, vừa khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH thương mại – dịch vụ A.D.N (công ty ADN) vàNgân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) – Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn.

Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố bị can với Hoàng Văn Cường, Giám đốc công ty ADN để điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Phí Thị Ong, nguyên Giám đốc Agribank – Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn, Trương Thị Thùy Trang, nguyên là cán bộ Phòng Tín dụng chi nhánh về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Đỗ Thị Yến, nguyên Trưởng Phòng tín dụng, Phó giám đốc Agribank – Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong số này, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam Cường và Ong để phục vụ điều tra. Hai bị can còn lại được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Các quyết định và lệnh trên VKSND tối cao đã phê chuẩn.

Theo thông tin ban đầu, Cường đã lập khống dự án trồng cao su tại huyện Đồng Phú (Bình Phước) để làm hồ sơ vay vốn số tiền 75 tỷ đồng của Agribank - Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn.

Nhận được hồ sơ vay vốn này, Ong không thẩm tra, thẩm định dự án; không kiểm tra tài sản đảm bảo và thực hiện việc cho vay.

Cơ quan công an đang điều tra vụ Agribank - Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn - không thẩm tra, thẩm định dự án mà quyết định cho vay dẫn đến ngân hàng bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Các cán bộ cấp dưới của Ong là Trang và Yến cũng không thẩm tra, thẩm định mà đồng ý với chủ trương cho công ty ADN vay tiền.

Đến khi thực hiện giải ngân, các cán bộ của Agribank - Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn không kiểm tra mục đích sử dụng tiền vay có đúng mục đích không.

Việc làm của các bị can tại Agribank - Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn, tạo điều kiện cho Cường chiếm đoạt số tiền vay của ngân hàng. Cường đã sử dụng tiền vay vào mục đích cá nhân, không thực hiện đầu tư vào dự án như cam kết vay, đến nay không có khả năng thanh toán.

Đây không phải vụ án đầu tiên Ong có liên quan và bị xử lý hình sự. Trước đó, năm 2014, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án xảy ra tại Agribank – Chi nhánh Mạc Thị Bưởi, khởi tố bị can đối với Phí Thị Ong (nguyên giám đốc chi nhánh) để điều tra do đã gây thiệt hại cho Agribank trong quá trình cho vay.

Cụ thể, trong vụ án tại Agribank – Chi nhánh Mạc Thị Bưởi, cơ quan điều tra xác định bị can Phạm Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH phát triển nhiên liệu Á Châu, nguyên Giám đốc công ty TNHH địa ốc Á Châu (trụ sở tại TP HCM), đã gian dối trong vay tiền của ngân hàng khiến Agribank mất khả năng thu hồi gần 70 tỷ đồng.

Liên quan đến cả hai vụ án này có vai trò của bà Phạm Thị Mai Toan, nguyên uỷ viên hội đồng thành viên ngân hàng Agribank. Bà Toan đã bị khởi tố về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do liên quan đến vụ án tại Agribank Mạc Thị Bưởi.

Cơ quan điều tra tình nghi bị can này đã câu kết với một số nghi phạm để cho công ty ADN vay tiền rồi chiếm đoạt của ngân hàng.

Cụ thể, bà Toan có quan hệ với ông Hoàng Tiến Dũng (Việt kiều Mỹ) và Hoàng Minh Quang (em ruột ông Dũng). Hai người này đã lập công ty ADN, thuê cháu ruột là Hoàng Văn Cường làm giám đốc. Sau đó, các cá nhân này đạo diễn vụ lập khống dự án để vay tiền từ Agribank.


JICA sẽ hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp Việt Nam

jica se ho tro tin dung cho nong nghiep viet nam

JICA sẽ hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp Việt Nam


Ngày 01/02/2016, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến đã tiếp ông Mori Mutsuya Trưởng đại diện JICA (Nhật Bản).

Tại buổi tiếp, ông Mori Mutsuya đã trao đổi với Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến về định hướng hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam của Nhật Bản trong thời gian tới thông qua các dự án tín dụng nông nghiệp tăng cường chuỗi giá trị tại các tỉnh thành của Việt Nam; trong đó có một số đề xuất cho Dự án “Tín dụng tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng” mà JICA dự kiến sẽ tài trợ với đối tượng thụ hưởng là các hợp tác xã, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp (có hoạt động sản xuất hoa, rau củ tại Lâm Đồng) và các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến hoan nghênh chủ trương tài trợ dự án tín dụng nông nghiệp, nông thôn của JICA. Phó Thống đốc nhấn mạnh, lĩnh vực nông nghiệp là một trong những lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam cũng như NHNN luôn ưu tiên, chú trọng phát triển. Trong thời gian gần đây, NHNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng nông nghiệp và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất cũng như tiếp cận tín dụng của khu vực này còn hạn chế.

Trong bối cảnh Việt Nam sắp gia nhập các hiệp định tự do thương mại trên thế giới, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển của ngành nông nghiệp thông qua việc cải thiện năng suất lao động, đổi mới kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới. Nông nghiệp Nhật Bản có rất nhiều điều mà Việt Nam cần phải học hỏi như chất lượng sản phẩm, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, chính sách phát triển ngành hoàn thiện…

Vì vậy, với những kinh nghiệm của mình, NHNN hy vọng Nhật Bản có thể hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực này một cách hiệu quả, bền vững.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục