“Cái mà chúng ta chưa làm được lớn nhất, đáng lo nhất trong thời gian vừa qua không phải là ở kinh tế, mà ở việc xây dựng con người!”.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 31-08-2015
- Cập nhật : 31/08/2015
Hà Nội sắp mở rộng đường Vĩnh Tuy – Mai Động
Đoạn đường từ chân cầu Vĩnh Tuy đến chân cầu Mai Động sắp được mở rộng, nhằm giải tỏa dứt điểm ùn tắc và tăng khả năng lưu thông của các phương tiện. Công trình có tổng chiều dài là 1.400m, dự kiến sẽ được giải phóng mặt bằng từ đầu tháng 10/2015.
Đoạn đường từ chân cầu Vĩnh Tuy đến chân cầu Mai Động là một phần của dự án đường vành đai 2 gồm đoạn Vĩnh Tuy – Chợ Mơ – Ngã Tư Vọng đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào năm 2012, do Sở Giao thông Vận Tải là chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Trong đó, khu vực Vĩnh Tuy – Mai Động đang là một trong những điểm nóng về giao thông của TP. Hà Nội do lưu lượng phương tiện đi lại rất lớn.
Để dự án sớm được triển khai và giải tỏa ách tắc cho khu vực, ngày 7/8/2015, HĐND và UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương cho phép Tập đoàn Vingroup ứng trước kinh phí 1.000 tỷ đồng (không tính lãi) để phục vụ dự án.
Với kinh phí 1.000 tỷ đồng ứng trước, dự án sẽ được tiến hành giải phóng mặt bằng ngay từ tháng 10/2015 nhằm nhanh chóng giải quyết ùn tắc tại “điểm nóng” Vĩnh Tuy – Mai Động, giúp người dân sinh sống trên địa bàn và các khu đô thị lớn như Times City sẽ lưu thông thuận lợi, dễ dàng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đoạn đường Vĩnh Tuy – Mai Động được mở rộng sẽ giúp giao thông thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tuyến đường sẽ từng bước được hoàn thiện và kết nối đồng bộ với các tuyến giao thông trong khu vực theo quy hoạch; giúp phân luồng và tăng khả năng lưu thông của các phương tiện trên toàn địa bàn.
Hiện Hà Nội cũng đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt một số dự án để giảm thiểu tình trạng ùn tắc tại các nút giao thông. Thành phố sẽ từng bước thực hiện theo đúng lộ trình, chỉ tiêu của quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chương trình cũng đặt ra mục tiêu cụ thể là giảm tối thiểu 27 điểm ùn tắc giao thông và giảm 40% thời gian ùn tắc tại các điểm còn lại; đồng thời duy trì, không để phát sinh điểm ùn tắc mới trên địa bàn Thành phố.
Trước đó, vào tháng 3/2015, Tập đoàn Vingroup cũng đã khởi công dự án xây dựng đoạn tuyến cầu đường, mở rộng giao thông khu vực Đường Láng - Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi (Hà Nội) để giải tỏa giao thông cho khu đô thị Royal City.
Bạc Liêu xây khách sạn 5 sao hình đờn kìm
Dự án khách sạn 5 sao với hình cây đờn kìm, chiều cao tòa nhà khoảng 50m. có quy mô 16 tầng, trong đó khối đế là hình chiếc đờn kìm vừa thông qua thiết kế ...Ngày 29-8, ông Ngô Xuân Pha - chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Bảo Toàn - cho biết Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu vừa thông qua phương án thiết kế kiến trúc dự án khách sạn 5 sao của công ty này với hình cây đờn kìm, chiều cao tòa nhà khoảng 50m.
Cụ thể: dự án có quy mô 16 tầng, trong đó khối đế có quy mô khoảng 5 tầng với hình chiếc thuyền “chở” phần chính của dự án là hình chiếc đờn kìm.
Hệ thống hai thang máy của tòa nhà này sẽ được thiết kế thành hai “dây” đờn, phần trên cùng tòa nhà là đài quan sát và sảnh uống cà phê.
Theo ông Pha, tổng vốn đầu tư xây dựng tòa nhà chưa tính phần thiết bị là 140 tỉ đồng, dự kiến được khởi công tháng 9 năm nay tại phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu). “Chúng tôi muốn tạo điểm nhấn đặc biệt và mang nét đặc trưng của tỉnh Bạc Liêu để thu hút khách du lịch đến đây” - ông Pha nói.
Giá gà công nghiệp xuống thấp kỷ lục
Theo Bộ NN&PTNT, do giá gà thời gian qua luôn ở mức cao, người nuôi thấy lãi, nên tích cực tăng đàn. Đến thời điểm này, nguồn cung dồi dào, nên giá giảm mạnh. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu số lượng lớn gà giá rẻ cũng làm cho thị trường bị đảo lộn.
Ngoài ra, giá thịt lợn hơi ở nhiều trang trại phía Nam cũng giảm do người tiêu dùng e ngại thịt nhiễm chất tăng trọng. Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá thịt lợn hơi hiện 44.500 - 45.000 đồng/kg.
TP.HCM thu hồi hơn 1.600ha đất trong năm nay
Gần 300 dự án do Nhà nước thu hồi đất trong năm 2015 mà kỳ họp HĐND TP.HCM vừa thông qua là các dự án công ích, an ninh quốc phòng, phục vụ lợi ích công cộng...
Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, phần lớn dự án trên là mở rộng, nâng cấp các tuyến đường, nạo vét kênh rạch, xây tuyến đê bao, trường học, bệnh viện, ký túc xá, nhà ở xã hội. Tổng diện tích của các dự án này hơn 1.600ha, phân bổ đều khắp các quận, huyện.
Địa phương nhiều dự án nhất là huyện Bình Chánh với 38 dự án, quận 8 và huyện Hóc Môn có đến 28 dự án mỗi nơi.
Trong danh sách thu hồi đất có những dự án đã có kế hoạch từ lâu như dự án khu phức hợp Đầm Sen (quận 11), đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình), mở rộng đường Ung Văn Khiêm, bãi trung chuyển xe buýt 152 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh).
Việc thu hồi đất cho dự án mở rộng và cải tạo kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 cũng được khởi động trong năm nay tại quận 5 và quận 6. Dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 rộng hơn 240ha tại huyện Bình Chánh cũng sẽ bắt đầu các thủ tục thu hồi đất trong năm nay.
Phải phân biệt rõ sữa nước làm từ bột sữa hay sữa tươi
Sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước còn thấp, chỉ đáp ứng 38,7% lượng sữa dạng lỏng tiêu dùng trong nước, chất lượng sữa tươi không ổn định...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng vừa ký văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả hội nghị chuyên đề “Quản lý sữa tươi nguyên liệu và sữa chế biến dạng lỏng”.
Báo cáo cho biết sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước còn thấp, chỉ đáp ứng 38,7% lượng sữa dạng lỏng tiêu dùng trong nước, chất lượng sữa tươi không ổn định... Trong khi đó tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý sữa chế biến dạng lỏng còn thiếu, chưa rõ ràng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Cụ thể, đối với sữa chế biến dạng lỏng, hiện đang được quản lý theo quy chuẩn VN do Bộ Y tế ban hành từ năm 2010, phân chia sữa dạng lỏng làm bảy loại sữa (tươi nguyên chất thanh trùng, tươi thanh trùng, tươi nguyên chất tiệt trùng, tươi tiệt trùng, tiệt trùng, cô đặc, cô đặc có bổ sung chất béo thực vật), người tiêu dùng rất khó nhận biết sản phẩm sữa dạng lỏng có chứa sữa tươi hay không, nhiều người uống sữa bột pha lại nhưng cứ tưởng là mình đang được uống sữa tươi.
“Việc không quy định tỉ lệ phần trăm sữa tươi nguyên liệu trên nhãn đối với sữa tiệt trùng nên nhiều người tiêu dùng đã nhầm lẫn vì hiểu rằng sữa tiệt trùng là sữa tươi” - văn bản nêu rõ.
Do đó, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đề nghị Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi quy chuẩn về sữa dạng lỏng, minh bạch thông tin về ghi nhãn đối với sản phẩm chế biến dạng lỏng để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh đối với các doanh nghiệp sản xuất sữa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.