Ngành du lịch Việt Nam có nhiều ưu thế do nằm trong vùng Đông Nam Á - nơi đang phát triển nhanh nhưng lại bị cạnh tranh gay gắt bởi các nước lân cận
Tin trong nước đọc nhanh 28-11-2015
- Cập nhật : 28/11/2015
Quân đội xác minh vụ tàu Trung Quốc vây ép tàu Việt Nam
“Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đang xác minh thông tin tàu Hải Đăng 05 bị tàu chiến 995 và hai tàu hải cảnh Trung Quốc vây ép, chĩa súng tại Trường Sa ngày 13-11”.
Tàu chiến 995 của Trung Quốc đang đe dọa tàu Hải Đăng 05 - Ảnh do thuyền viên tàu Hải Đăng 05 cung cấp
10g30 sáng 27-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến - phó tư lệnh Bộ đội biên phòng - đã cho biết thông tin này.
Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến nói: “Qua thông tin nắm được ban đầu, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đang chỉ đạo liên hệ với các bên liên quan, nắm thông tin để có phương thức xử lý vụ việc”.
Tướng Chiến cho biết hiện nay vụ việc tàu chiến Trung Quốc số hiệu 995 và hai tàu hải cảnh 35115 và 2305 vây ép, chĩa súng vào tàu Hải Đăng 05 của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng mới chỉ nắm một phía từ báo chí và các thuyền viên.
“Để xác thực thông tin, đánh giá đúng mức độ, chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan có chức trách, phải nắm thông tin thật chính xác, trước khi có bước xử lý thích hợp” - thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến nói.
Tuy nhiên, ông Chiến cũng nhận định tàu Hải Đăng 05 là của một đơn vị nhà nước, thuộc quản lý của Bộ GTVT, sự việc đã được báo cáo lên cấp trên quản lý, với hình ảnh và clip ghi lại nên tính xác thực của thông tin “theo tôi là yên tâm”.
Về hướng xử lý tiếp theo sau khi nắm thông tin, thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết sẽ có báo cáo đánh giá và kiến nghị cụ thể đến Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao nhằm có phản ứng thích hợp.
Trước đó, từ 9g30-13g30 ngày 13-11, tàu Hải Đăng 05 thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo khi đang trên đường làm nhiệm vụ tiếp tế cho hải đăng Trường Sa từ Sơn Ca về Song Tử Tây đã bị các tàu Trung Quốc vây ép.
Trong đó tàu chiến 995 của Trung Quốc có tải trọng 4.800 tấn đã mở bạt pháo 37 li và cử hơn 10 người mặc quân phục vào các vị trí chiến đấu chĩa AK vào tàu hải Đăng 05 đe dọa. Hai tàu hải cảnh khác cũng liên tục vây ép tạo tình huống nguy hiểm với tàu Hải Đăng 05.(TT)
Tham nhũng khắc phục hậu quả tốt được miễn tử hình
Đó là nội dung mới đáng chú ý trong Bộ luật hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng 27-11. Quốc hội cũng quyết định bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh.
Không tử hình tội tàng trữ trái phép chất ma túy
Theo đó, Điều 40 Bộ luật Hình sự (sửa đổi), quy định: “Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người từ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ (ba phần tư) tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Trong trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều này thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân”.
Đồng thời, Quốc hội quyết định bỏ hình phạt tử hình đối với: Tội cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch.
Phong tỏa tài sản tham nhũng từ giai đoạn điều tra
Thông qua nghị quyết về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Quốc hội yêu cầu cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
“Trong giải quyết, xử lý người phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng, cần tăng cường áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra nhằm chống tẩu tán tài sản, bảo đảm việc thu hồi; xem xét việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại trong vụ án; nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt tỷ lệ trên 60%” - nghị quyết nêu.
Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, bảo đảm 100% các vụ việc sau khi thanh tra, kiểm toán có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay đến cơ quan có thẩm quyền xem xét việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Hỏi cung bị can phải ghi âm, ghi hình
Sáng 27-11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), khép lại cuộc tranh luận trong thời gian qua về việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung; quyền im lặng…
Bị can có quyền yêu cầu ghi âm, ghi hình
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích: “việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu Hiến pháp”.
Biện pháp này cũng “đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh bị vu cáo”.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta, dự thảo luật quy định việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra phải được ghi âm, ghi hình là phù hợp; còn tại các địa điểm tiến hành điều tra khác thì chỉ ghi âm hoặc ghi hình theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 183 bộ luật quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Để có thời gian chuẩn bị, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện ghi âm, ghi hình, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thi hành Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), trong đó “giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 1-1-2017”.
“Chậm nhất đến 1-1-2019 thì thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc”.
Chấm dứt tình trạng “cấp phép bào chữa”
Một trong những quy định mới đáng chú ý của bộ luật này là Quốc hội đã quyết định bỏ thủ tục “cấp giấy chứng nhận bào chữa”, thay thế bằng thủ tục “đăng ký bào chữa”.
Liên quan đến “quyền im lặng”, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Theo giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định này là để “đơn giản hóa thủ tục xác nhận tư cách tham gia tố tụng của người bào chữa, tạo điều kiện cho họ thực hiện việc bào chữa, tránh nhận thức cho rằng phải có “cấp phép bào chữa”.
Phục hồi điều tra vụ án chia đất rừng tại Phú Yên
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sông Hinh (Phú Yên) phải hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án tham ô tài sản tại Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh để phục hồi điều tra vụ án.
Chiều 26-11, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên vừa ban hành quyết định hủy bỏ văn bản kết luận kiểm sát việc đình chỉ điều tra vụ án của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sông Hinh, đồng thời giao cơ quan này yêu cầu thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sông Hinh hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án tham ô tài sản xảy ra năm 2011-2012 tại Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh, phục hồi điều tra vụ án.
Liên quan đến vụ án này, ông Nguyễn Trọng Tùng - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên - vừa ký quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Phương (trưởng Phòng nông nghiệp) và ông Huỳnh Xuân Quang (chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp).
Trước đó, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên cũng ra quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng đối với ông Phương và ông Quang do thiếu trách nhiệm trong việc giám định tư pháp vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh.
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, cuối năm 2013, qua kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên phát hiện ông Võ Trọng Bình - phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh - có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên chuyển hồ sơ sang công an huyện điều tra, xử lý.
Trong quá trình thực hiện công tác giám định, ông Phương và ông Quang cùng một số cán bộ của công an và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sông Hinh có kết luận giám định sai quy định, dẫn đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Sông Hinh ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án không đúng quy định của pháp luật.
TP.HCM thu phí xe gắn máy đạt... 1,03% kế hoạch
Theo dự kiến, phí đường bộ với xe máy tại TP.HCM năm 2015 dự kiến khoảng 307 tỉ đồng, hiện mới thu được khoảng 3,1 tỉ đồng, chỉ đạt 1,03%.
UBND TP.HCM vừa có tờ trình kiến nghị HĐND TP tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy trên địa bàn TP.HCM kể từ ngày 1-1-2016.
Trong khoảng thời gian còn lại của năm 2015, công tác thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện đối với xe máy vẫn tiếp tục triển khai thực hiện.
Bắt đầu từ tháng 6-2015, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP đã thực hiện kê khai, lập, phê duyệt danh sách thu phí trước khi tổ chức thu; thông báo thời gian, địa điểm thu phí để người dân đóng phí. Hiện có 12/24 quận huyện thu được phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.