Vasep cho rằng, trước thềm hội nhập khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, tiềm lực yếu, “gánh nặng” tăng lương tối thiểu đến 16% có thể làm giảm cơ may “sống sót” của các doanh nghiệp.
Tin trong nước đọc nhanh 20-11-2015
- Cập nhật : 20/11/2015
Ông Hoàng Văn Trà – Phó bí thư tỉnh ủy – giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt (phải) chúc mừng tân Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà. Ảnh: Bích Đào
Ngày 19/11, kỳ họp bất thường HĐND khóa VI tỉnh Phú Yên biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Phạm Đình Cự; bầu Phó bí thư tỉnh ủy Hoàng Văn Trà giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Trà, 51 tuổi, quê Nghệ An là thạc sĩ kinh tế; cử nhân luật. Ông từng là ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng, Phó bí thư tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015–2020.
Phát biểu tại lễ nhậm chức, tân Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cam kết nỗ lực hoàn thành tốt trọng trách được giao.
Trong kỳ họp sáng nay, HĐND tỉnh Phú Yên bầu Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Hiến (55 tuổi) và ông Phan Đình Phùng (53 tuổi) Bí thư huyện ủy Đồng Xuân giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh, thay ông Trần Quang Nhất, Nguyễn Ngọc Ẩn nghỉ hưu theo chế độ.
Website chính quyền TP HCM bị 60.000 đợt tấn công từ nước ngoài
Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết, trong 9 tháng đầu năm, có hơn 400.000 đợt dò quét và 60.000 đợt tấn công mạng nhắm vào hệ thống thông tin của thành phố được phát hiện và ngăn chặn. Trong đó, nguồn tấn công mạnh nhất xuất phát từ Trung Quốc và Mỹ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Tất Thành Cang, để đối phó với tình hình an ninh thông tin diễn biến ngày càng phức tạp, thành phố đã nâng cấp và tăng cường an ninh cho hệ thống chính quyền điện tử theo mô hình điện toán đám mây, triển khai các giải pháp bảo mật chuyên dụng...
Sở Thông tin Truyền thông cũng phối hợp với Chi hội An toàn thông tin phía Nam, Công viên Phần mềm Quang Trung tổ chức diễn tập bảo vệ hệ thống thông tin TP HCM.
Trong buổi diễn tập, các kỹ sư an ninh mạng chia làm hai đội. Đội áo đen (tấn công) và áo đỏ (phòng thủ) thực hiện lần lượt các tình huống tấn công, phòng thủ giả định như thay đổi giao diện website; tấn công APT (sử dụng mã độc khống chế máy tính); tấn công DDOS và khai thác dữ liệu. Các tình huống tấn công và phòng thủ được thực hiện trên hệ thống ảo Cisco Cyber Range.
UBND TP HCM cho rằng, tình huống diễn tập sẽ giúp các đơn vị có thêm kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình ứng cứu sự cố an ninh thông tin. Phương án ứng cứu sau diễn tập sẽ được triển khai phổ biến đến các cơ quan ban ngành của thành phố.
Quốc hội thông qua Luật an toàn thông tin mạng
Sáng 19-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật an toàn thông tin mạng. Đạo luật này có quy định về ngăn chặn hoạt động sử dụng mạng để khủng bố.
Các biện pháp được đưa ra bao gồm vô hiệu hóa nguồn Internet để thực hiện hành vi khủng bố. Ngăn chặn việc thiết lập và mở rộng trao đổi thông tin về các tín hiệu, nhân tố, phương pháp và cách sử dụng Internet để thực hiện hành vi khủng bố, về mục tiêu và hoạt động của các tổ chức khủng bố trên mạng.
Trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn về kiểm soát các nguồn Internet, tìm và kiểm soát nội dung của trang tin điện tử có mục đích khủng bố.
Luật này giao Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm thực hiện và các biện pháp ngăn chặn hoạt động sử dụng mạng để khủng bố.
Trong số các hành vi bị nghiêm cấm theo luật này, có việc nghiêm cấm thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác thông tin cá nhân.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016
Bắt 2 cán bộ kiểm lâm bị tố “vòi” tiền chung chi
Khi kiểm tra lô hàng ngô mây của bà Thắm, cán bộ kiểm lâm gợi ý bà chung chi 20 triệu đồng, nếu không sẽ bị tịch thu hàng, bị phạt 120 triệu đồng.
Chiều 18-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Phạm Anh Tuấn, phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Nghệ An, cho biết Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Nguyễn Hữu Dương - hạt phó và ông Hồ Xuân Tục - cán bộ pháp chế Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu.
Hai cán bộ kiểm lâm này bị điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 12-5, bà Nguyễn Thị Thắm (41 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) mua 500kg quả mây ở tỉnh Kiên Giang đưa ra Móng Cái (Quảng Ninh) tiêu thụ.
Do lô hàng không bán được, ngày 19-5 bà Thắm thuê Nguyễn Văn Quân chở số quả mây này về TP.HCM. Khi Quân lái xe qua huyện Diễn Châu thì bị cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Diễn Châu kiểm tra, tạm giữ.
Theo đơn tố cáo của bà Thắm, ngày 22-5 khi bà Thắm cùng tài xế Quân đến Hạt kiểm lâm Diễn Châu để làm việc thì ông Hồ Xuân Tục “gợi ý” chung chi 20 triệu đồng, nếu không sẽ bị tịch thu toàn bộ lô hàng và bị phạt 120 triệu đồng.
Nếu bà Thắm đồng ý, Hạt kiểm lâm Diễn Châu chỉ thu giữ 300kg và bà Thắm chỉ đóng phạt 15 triệu đồng. Sau đó, bà Thắm nộp phạt 15 triệu đồng và “chung chi” 20 triệu đồng cho Hạt kiểm lâm Diễn Châu.
Phá tổ chức chuyên nghe lén điện thoại quy mô lớn
Tối 18-11, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ba nghi can trong đường dây chuyên cung cấp phần mềm nghe lén điện thoại trên cả nước.
Thông tin ban đầu cho biết, ba đối tượng bị lực lượng phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trât tự xã hội (C45) và Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) của Bộ Công an bắt khẩn cấp gồm: Lê Kim Đính (33 tuổi, hộ khẩu thường trú tại Lâm Đồng, tạm trú Q.Thủ Đức, TP.HCM) Lê Đức Anh (24 tuổi) và Nguyễn Văn Cao (28 tuổi, cùng quê H.Trực Ninh, Nam Định, tạm trú tại Hà Nội).
Các đối tượng cùng bị bắt trong sáng 18-11 về hành vi truy cập bất hợp pháp vào thiết bị số của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, Bộ Công an còn đang triệu tập nhiều đối tượng khác có liên quan tới hành vi vi phạm của nhóm Đính, Anh và Cao.
Thông tin ban đầu cho biết, từ khoảng năm 2012, nhóm Cao, Anh, Đính là những người có quan hệ thân thiết trong gia đình, bàn bạc mua phần mềm chuyên nghe lén điện thoại, theo dõi, đánh cắp dữ liệu trong điện thoại của người khác để bán lại tại Việt Nam.
Để thực hiện kế hoạch này, các đối tượng lập nên nhiều trang web để quảng cáo, chào mời những người có nhu cầu nghe lén, theo dõi điện thoại của người khác mua.
Khách hàng quan tâm thì liên lạc qua điện thoại, sẽ được nhóm này hướng dẫn, trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại để nhận tiền, sau đó hướng dẫn cách cài đặt phần mềm vào điện thoại của người muốn theo dõi.
Muốn cài đặt được phần mềm, người mua phải tự tay cài đặt vào máy của người sử dụng, các loại điện thoại thông minh mới có khả năng cài đặt phần mềm này.
Để mua được phần mềm theo dõi điện thoại này, mỗi khách hàng phải trả 1,5 triệu đồng/tháng. Điện thoại được cài đặt phần mềm theo dõi sẽ hoạt động ẩn, tự động chuyển dữ liệu ghi âm cuộc gọi, nhắn tin, chat qua các phần mềm, hình ảnh… về trang chủ do nước ngoài tạo lập.
Người mua sẽ được cung cấp một tài khoản, mã bí mật để truy cập trang web chuyên dùng, từ đó có thể kiểm tra, hoặc dowload dữ liệu về. Kết quả điều tra ban đầu xác định có hàng ngàn người trên cả nước mua phần mềm, sử dụng phần mềm của nhóm đối tượng bị bắt, trả tiền qua tài khoản của nhóm này.
Vụ việc đang tiếp tục được mở rộng điều tra.(TT)