(Thoi su)
Nhiều người dân tại TP.HCM choáng và không khỏi bối rối khi bị yêu cầu nộp tiền quỹ ở khu phố với những khoản từ trên trời rơi xuống.
UBND P.13 (Q.Tân Bình) thông báo vận động thu 4 quỹ nhưng tại khu phố lại thu của người dân đến 15 loại quỹ - Ảnh: Tân Phú
Ngại bị gây phiền hà nên đành nộp cho xong !
Không được ép buộc người dân đóng góp
Theo một cán bộ Sở Tài chính TP.HCM, chỉ có quỹ phòng chống lụt bão là thu bắt buộc đối với công dân trong độ tuổi lao động theo quy định với mức 5.000 đồng/người/năm. Tuy nhiên, ngày 28.5 vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai TP.HCM nên việc thu quỹ này tạm thời ngưng lại để chờ hướng dẫn cụ thể. Các nguồn quỹ còn lại như an ninh quốc phòng, bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo, người cao tuổi... thì được thu theo tinh thần vận động, không được ép buộc người dân đóng góp.
Cũng theo vị cán bộ này, nguyên tắc thu quỹ (dù đó là quỹ bắt buộc hay vận động) đều phải có phiếu thu riêng từng loại quỹ rõ ràng, nếu thu gộp chung tất cả các loại quỹ vào một phiếu thu hoặc thu mà không ghi phiếu thu là sai quy định.
Giữa tháng 7.2015, nhiều người dân ở khu phố (KP) 4, P.Tân Hưng (Q.7) nhận thông báo về việc thu các loại quỹ: vì người nghèo, vì biển đảo quê hương - vì tuyến đầu Tổ quốc, phòng chống bão lụt, an ninh quốc phòng... Thông báo này ấn định thời gian nộp tiền từ 17 - 21.7.2015, nếu người dân không đến UBND phường để nộp thì ban điều hành tổ dân phố sẽ đến từng hộ để thu. Anh H.Đ ở đây cho biết anh đã nộp 140.000 đồng cho tổ trưởng tổ dân phố nhưng không có biên lai thu.
Tại KP.5, P.An Phú (Q.2), vào tháng 6.2015, đại diện KP đến từng hộ dân để thu tiền quỹ năm 2015. Theo lời kể của chị P.T, “người đi thu yêu cầu đóng 180.000 đồng nhưng chỉ phát một phiếu thu thể hiện số tiền 120.000 đồng với lý do chung chung là "nộp 5 quỹ". 60.000 đồng còn lại thì được ghi vào một cuốn sổ nhưng tôi cũng không được ký vào đó. Cho đến giờ tôi không được biết 5 loại quỹ đó cụ thể là quỹ gì, tự nguyện hay buộc phải đóng. Vì ngại bị gây phiền hà nên tôi đành phải nộp cho xong”.
"Trong một cuộc họp dân trước đó, có người đã lên tiếng phản ánh việc thu tiền quỹ của dân vì người dân chỉ biết đóng tiền chứ không biết ai chỉ đạo đóng và đóng để làm gì", một người dân cũng ở KP.5 cho biết và bức xúc: “Chúng tôi chỉ thấy đầu vào (thu tiền) chứ không thấy đầu ra (chi tiền) cụ thể ra sao cả. Năm nào người dân cũng phải đóng nhưng đều rất mù mờ về các khoản thu chi vì không thấy công khai”.
Trong khi đó, tại P.13 (Q.Tân Bình), người dân phải nộp đến 15 loại quỹ với tổng số tiền lên đến hơn 500.000 đồng. Chị T.N, công dân ở đây, cho hay chị “choáng váng” khi người của tổ dân phố đến nhà đưa bảng kê tên các khoản thu: phòng chống bão lụt (5.000 đồng/người/năm), an ninh quốc phòng (180.000 đồng/hộ/năm), đền ơn đáp nghĩa (10.000 đồng/hộ/năm), vì người nghèo (10.000 đồng/hộ/năm), người cao tuổi (10.000 đồng/hộ/năm), xóa đói giảm nghèo (10.000 đồng/hộ/năm), ủng hộ Trường Sa (10.000 đồng/hộ/năm), quỹ tổ dân phố (150.000 đồng), quỹ KP 20.000 đồng; quỹ phụ nữ có thêm 6 khoản: hội phí 12.000 đồng, xây dựng tượng Bà Triệu 3.000 đồng, mái ấm tình thương 3.000 đồng, học bổng Nguyễn Thị Minh Khai 6.000 đồng, vì biển đảo 3.000 đồng, quỹ tiết kiệm 6.000 đồng.
Chị T.N bức xúc: “Tổ trưởng tổ dân phố phát thông báo tiến hành thu từng nhà kèm lời nhắn gửi “mong bà con đóng góp đầy đủ” nên tôi buộc phải đóng. Tôi đã đóng tiền từ tháng 6 nhưng nay đã đến gần cuối tháng 9 rồi mà vẫn chưa nhận được biên lai thu tiền”.
“Chưa biết cụ thể vì kế toán của phường đi vắng”
Ngày 17.9, PV Thanh Niên đến UBND P.13 (Q.Tân Bình) để tìm hiểu thêm về những khoản quỹ mà các KP trên địa bàn phường đã tiến hành thu tiền của người dân. Ông Hoàng Văn Tài, Chủ tịch UBND P.13, thừa nhận “nhìn vào con số thì cũng hết hồn”, nhưng lại cho rằng việc thu như vậy là do người dân tự thống nhất với nhau (?!).
Ông Tài cho biết P.13 có 11 KP, 133 tổ dân phố với hơn 9.000 hộ dân. Việc thu quỹ được tiến hành từ tháng 4.2015, đến nay các KP đã cơ bản thu xong nhưng tổng số tiền thu được bao nhiêu thì hiện chưa biết cụ thể vì kế toán của phường đi vắng, và ông mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND P.13 hơn 2 tháng (chủ tịch tiền nhiệm đã chuyển công tác khác - PV).
Khi được hỏi UBND phường có biết các KP sử dụng các khoản thu này như thế nào hay không, ông Tài thừa nhận “không biết” và nói: “Muốn có con số cụ thể thì phải tổng hợp lại”. Theo ông Tài, trước đó UBND P.13 có thông báo chỉ vận động thu 4 quỹ: an ninh quốc phòng, vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo.
“Thu bậy bạ là không được”
Tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân do PV Thanh Niên chuyển đến, ông Lê Sơn, Phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình, cho biết đã yêu cầu UBND P.13 tiến hành kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh để tránh gây bức xúc cho người dân, “chứ thu bậy bạ là không được”.
Về vấn đề này, ông Huỳnh Công Hùng, Ủy viên Thường trực HĐND TP.HCM cho rằng cần phải minh bạch, rõ ràng trong việc thu chi các loại quỹ vì nếu cứ mập mờ thì không biết đường nào mà quản. “Vận động người dân nộp tiền mà người dân không biết tiền mình nộp được sử dụng ra sao là điều không nên”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, cần xem xét cải tiến hình thức triển khai thu vận động đóng góp, trước khi ban hành kế hoạch thu quỹ nên lấy ý kiến của người dân là nên thu quỹ nào, không nên thu quỹ nào. Ngoài ra, UBND các phường, xã, thị trấn căn cứ số tồn của từng loại quỹ, nhu cầu chi thực tế đối với việc phục vụ cho lợi ích thiết thực của cộng đồng khu dân cư tại địa phương mình để thực hiện thu các khoản huy động sao cho phù hợp, không nhất thiết phải vận động thu toàn bộ các loại quỹ để giảm áp lực về thu đóng góp trong dân, và nếu có thu thì phải thực hiện đúng nguyên tắc tự nguyện.
Chấn chỉnh việc huy động đóng góp của người dân
Ngày 20.9, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết UBND TP đã ban hành Công văn số 4746 về việc tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc huy động đóng góp của người dân. Theo đó, giao UBND các quận, huyện tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND TP về tăng cường kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc thu và sử dụng các khoản vận động đóng góp từ người dân trên địa bàn; đảm bảo việc huy động (bao gồm huy động đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng và huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện) phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và theo nguyên tắc tự nguyện.
UBND TP yêu cầu UBND các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn không được ra các văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới; không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng; thực hiện công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp; thực hiện rà soát, bãi bỏ ngay các văn bản huy động đóng góp của nhân dân sai quy định (nếu đã ban hành); xử lý kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân có sai phạm.
(Theo Báo Thanh Nien)