Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Đại sứ đặc biệt Việt Nam-Nhật Bản
Ban hành 6 án lệ đầu tiên, áp dụng từ ngày 1/6
Nông dân khốn khổ vì tin đồn
“Xét xử 12 vụ tham nhũng, vụ nào cũng có can thiệp, xin xỏ”
Bình Thuận đề nghị dừng dự án thủy điện nghìn tỷ
Tin trong nước đọc nhanh 18-12-2015
- Cập nhật : 18/12/2015
Singapore bắt giữ tàu chở dầu của Việt Nam
Tàu chở dầu MT Nautilus Pioneer mang quốc tịch Việt Nam đã bị bắt giữ tại Singapore theo phán quyết mới nhất của Toà án Tối cao Singapore.
Tàu MT Nautilus Pioneer bị giữ ở Singapore có thể do tranh chấp thanh toán - Ảnh: website công ty cổ phần vận tải biển Khai Nguyên.
Theo Ship&Bunker ngày 15-12, con tàu 13.700 tấn mang cờ Việt Nam này đã bị bắt giữ vào lúc 7 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương) ngày 14-12 theo đề nghị của công ty bảo hiểm AsiaLegal LLC ở Singapore.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến con tàu bị giữ lại Singapore, nhưng theo Ship&Bunker thường các trường hợp như vậy chỉ xảy ra khi có tranh chấp về thanh toán giữa các bên.
Theo trang VesselsValue.com, tàu MT Nautilus Pioneer được định giá 8,8 triệu USD vốn được đóng từ năm 2008 và thuộc sở hữu của công ty Prime Shipping (Khai Nguyên) có trụ sở tại Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên một tàu chở hàng của Việt Nam bị Singapore bắt giữ.
Hồi tháng 2 năm nay, tàu Royal 45 treo cờ Việt Nam cũng đã bị chính quyền đảo quốc này giữ lại theo đề nghị của AsiaLegal LLC. Tuy nhiên, tàu Royal 45 đã được phía Singapore thả vào cuối tháng 5 vừa qua.
Bị khai trừ vì đòi giải tán Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN
Ngày 16-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Phan Long, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam xác nhận đã khai trừ Công ty Cơ khí Quang Trung khỏi hiệp hội.
Theo ông Đào Phan Long, tại cuộc hội thảo về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam tổ chức tại Bộ Công thương này 10-11 vừa qua, ông Nguyễn Tăng Cường, giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đã đề nghị giải tán hiệp hội, nói "lãnh đạo hiệp hội già", "không làm được"…
Theo điều lệ, hiệp hội là tổ chức tự nguyện, ai muốn vào muốn ra là do tự nguyện. Vì vậy, ông Long cho biết, trước phát biểu của ông Cường, Hội đồng hiệp hội gồm 40 người đã xem xét và chiếu theo điều lệ, đã bỏ phiếu khai trừ Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung ra khỏi hiệp hội.
Ông Nguyễn Tăng Cường là anh hùng lao động, nổi tiếng với việc chế tạo những chiếc cần cẩu "made in Việt Nam" và những sản phẩm cơ khí. Tại cuộc hội thảo ngày 10-11, dù bị chủ tọa ngắt nhiều lần, ông vẫn thẳng thắn cho rằng Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hoạt động chưa hiệu quả và có yếu tố không công bằng.
“Ở các nước hiệp hội rất mạnh, lựa chọn người có năng lực, bầu làm chủ tịch. Ở Việt Nam lại khác, mấy bác về hưu, sức khỏe yếu kém. Phải gắn bó quyền lợi máu thịt với ngành thì mới phát triển được. Bị kiện phải đi theo kiện. Sức khỏe thế làm sao làm 12 - 14 tiếng cùng doanh nghiệp?”, ông Cường nói.
Theo ông Đào Phan Long, tại cuộc họp toàn thể Đại hội đồng hiệp hội ở TP.HCM cuối tháng 12-2015 này, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam sẽ chính thức công bố thông tin trên.
Ông Long thông tin thêm tại đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí năm 2013, ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch hiệp hội và ông là phó chủ tịch đã xin nghỉ. Tuy nhiên, đại hội vẫn bỏ phiếu tín nhiệm bầu.
Ông Long cho rằng việc khai trừ Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung là không có gì khuất tất, theo đúng điều lệ của hiệp hội.
Đề xuất xây dựng công viên nghĩa trang ở TP.HCM rộng 90ha
UBND TP.HCM vừa chấp thuận cho Sở Quy hoạch - kiến trúc TP và UBND huyện Bình Chánh về địa điểm quy hoạch xây dựng khu nghĩa trang TP tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh.
Theo đề xuất, công viên nghĩa trang TP sẽ có quy mô rộng 90ha. Ngoài ra, UBND TP cho biết về đề nghị xây khu hỏa táng rộng 9,1ha tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh là không phù hợp với quy hoạch chung, quá gần với khu dân cư và Khu công nghiệp Lê Minh Xuân.
Do đó, UBND TP yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu bố trí khu hỏa táng về khu công viên nghĩa trang TP tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh.
Tổng bí thư tiếp chủ tịch Thượng viện Campuchia
Chiều 16-12 tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Vương quốc Campuchia do ngài Samdech Say Chhum - phó chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, chủ tịch thượng viện - dẫn đầu đang có chuyến thăm Việt Nam.
Chủ tịch Thượng viện Say Chhum bày tỏ vui mừng được trở lại thăm Việt Nam trên cương vị chủ tịch Thượng viện Campuchia.
Ông cũng bày tỏ cảm ơn sâu sắc về sự ủng hộ giúp đỡ chí tình, chí nghĩa mà Việt Nam đã dành cho Campuchia trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, cũng như trong sự nghiệp hòa hợp dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng sự lãnh đạo sáng suốt của Thượng viện, Quốc hội, Chính phủ Campuchia do Đảng CPP làm nòng cốt; đánh giá cao về kết quả của cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Thượng viện Campuchia và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, đề nghị trong thời gian tới hai cơ quan lập pháp của hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm.
Cùng ngày, ngài Samdech Say Chhum cũng đã có các cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Việt Nam góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh thế giới
Đó là thông tin được lãnh đạo Bộ Tài nguyên - môi trường công bố tại cuộc họp báo về kết quả hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Paris, Pháp.
Theo đó, tại COP21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra cam kết "Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016- 2020. Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế”.
Theo ông Phạm Văn Tấn - phó cục trưởng Cục khí tượng Thủy văn và biến đổi khí hậu - phó trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris được thông qua tại COP21 đã đưa ra được nhiều thỏa thuận quan trọng.
Thứ nhất, đặt ra mức tăng nhiệt độ của trái đất đến năm 2100 thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2 độ C và gắng tiến tới ngưỡng thấp hơn 1,5 độ C.
Thứ hai đề ra cơ chế để mỗi nước tự nguyện rà soát. Theo đó, từ năm 2023, cứ 5 năm/lần Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả tổng hợp về các nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các nước.
Việc đánh giá này sẽ giúp các nước có thêm thông tin để cập nhật và tăng cường các cam kết của họ. Đặc biệt, các nước phát triển sẽ cung cấp nguồn lực tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng và giảm nhẹ phát thải.
Mức đóng góp 100 tỉ USD mỗi năm cho đến năm 2020 tiếp tục được khẳng định lại nhưng quan trọng là Thỏa thuận Paris xem con số 100 tỉ USD này không đủ và đang kêu gọi tăng thêm. Đến năm 2025 sẽ lại đưa ra được một con số cụ thể khác về đóng góp tài chính.
Đối với Việt Nam, một trong những quốc gia bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, theo đánh giá ban đầu, thỏa thuận đã đề cập đến các vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cũng tại Hội nghị COP21 lần này, lần đầu tiên sau 20 kỳ họp COP Việt Nam đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện bên lề tại COP 21.
Nhiều hoạt động đa dạng phong phú về hình thức và nội dung đã được triển khai, thu hút quan tâm của các đại biểu quốc tế dự COP 21, bao gồm các phiên đối thoại cấp cao, các hội thảo bên lề, các cuộc họp song phương, trưng bày triển lãm hình ảnh ấn phẩm về thành tựu ứng phó với BĐKH ở Việt Nam, về đất nước con người Việt Nam.
Ước tính, hơn 500 đại biểu đã tham gia các hội thảo, trên 2.000 lượt đại biểu tham quan, gặp gỡ tại khu triển lãm của Việt Nam.