Nga sẽ xây nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam sau nhiều lần trì hoãn
Chủ tịch nước bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện KSND tối cao
TPHCM kiến nghị đầu tư cụm cảng trung chuyển 4.635 tỷ tại quận 9
Trường hợp nào được miễn thuế TNCN chuyển nhượng nhà đất?
Hoàn thuế, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt
Tin trong nước đọc nhanh 17-12-2015
- Cập nhật : 17/12/2015
Cần Thơ xây dựng đô thị thông minh
Cần Thơ đang xúc tiến dự án trị giá hơn 5.000 tỷ đồng để quy hoạch, xây dựng, quản lý thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Cửu Long
Bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó Chủ tịch UBND Cần Thơ - cho biết, thành phố đang bàn bạc với các bên liên quan về những giải pháp quy hoạch, xây dựng đô thị thông minh, kiểu mẫu cho tương lai. Dự án thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, doanh nghiệp Hàn Quốc, ngân hàng thế giới... khi đến làm việc với UBND TP Cần Thơ.
Các chuyên gia cho rằng mô hình đô thị thông minh mà Cần Thơ muốn xây dựng phải dựa trên 3 tiêu chí: tối đa hóa khả năng tiếp cận, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu vì có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của đô thị thông minh; sẽ được hỗ trợ đồng bộ từ hạ tầng cơ sở đến các chính sách, dựa trên công nghệ kỹ thuật hiện đại.
Việc sử dụng năng lượng xanh, sạch sẽ được chú trọng, thay thế dần nguồn năng lượng từ than, khoáng sản nhằm giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Pin mặt trời và năng lượng gió là hướng phát triển của thành phố thông minh trong chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ đời sống người dân.
Thành phố sẽ có hệ thống kỹ thuật thông minh gồm: giám sát giao thông, dự báo thiên tai, quản lý thiết bị, mạng truyền thông công cộng. Các phương tiện khi tham gia trên đường sẽ được kiểm soát bằng camera tự động, các lỗi vi phạm được gửi về trung tâm quản lý tích hợp. Người chạy xe được hỗ trợ kết nối an toàn tối đa bằng các công cụ hiện đại như camera giảm thiểu "vùng mù" của xe, thiết bị giúp xe không phải dừng lại khi qua trạm thu phí... Hệ thống này giúp giảm số lượng cảnh sát điều phối giao thông và hạn chế tối đa tai nạn.Cư dân thành phố được hưởng mạng truyền thông công cộng chất lượng cao, tính bảo mật tốt, miễn phí…
Theo bà Ánh, thành phố đang xúc tiến dự án quy hoạch phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu trị giá 250 triệu USD (hơn 5.000 tỷ đồng), do ngân hàng thế giới hỗ trợ. Đây là một trong những vấn đề trọng tâm của việc xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, các hợp phần quan trọng là bảo vệ và chống ngập toàn bộ đô thị lõi; kết nối các hệ thống giao thông lớn; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tích hợp, đồng bộ…
"Việc xây dựng trung tâm hành chính tập trung trong thời gian tới cũng nhằm hướng đến kiện toàn cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp của đô thị thông minh", bà Ánh nói và cho biết sắp tới Cần Thơ sẽ cử đoàn chuyên gia sang Hàn Quốc học hỏi kinh nghiệm các mô hình đô thị thông minh như: Naju, Asan Baebang, Magoc.
7.500 tỷ đồng xây cầu Mỹ Thuận 2 vượt sông Tiền
Cầu Mỹ Thuận 2 dài 6,4 km, bắc qua sông Tiền, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 1,2 km, tổng mức đầu tư khoảng 7.500 tỷ đồng. Trong đó, phần cầu khoảng 2,2 km, quy mô 6 làn xe, rộng 28 m.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc sớm đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 nhằm đảm bảo thông toàn bộ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Trong đó, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi động lại hồi đầu năm nay. Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ dự kiến khởi công trong năm 2016.
Cũng theo Bộ GTVT, giai đoạn 2016-2020 sẽ huy động hơn 86.000 tỷ đồng triển khai mới 46 dự án giao thông tại miền Tây. Trong đó, nhiều công trình quan trọng như: xây dựng cầu Đại Ngãi; mở rộng quốc lộ 91; xây tuyến vành đai biên giới N1 qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp và An Giang...
Đặc biệt, dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài hơn 23 km, được đầu tư 6.345 tỷ đồng, từ nguồn vốn BOT. Còn dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường hành lang ven biển giai đoạn 2 từ Rạch Giá đi Hà Tiên được đầu tư bằng nguồn ODA.
Mỹ Thuận nằm trên quốc lộ 1A là cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam. Cầu bắc qua sông Tiền, nối tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long, được khánh thành giữa năm 2000. Mặt cầu rộng 23,6 m gồm 4 làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ và người đi bộ. Đây là công trình hợp tác giữa các chuyên gia, kỹ sư và công nhân Việt Nam và Australia.
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn được bổ nhiệm Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội
Ngày 16.12, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an và Thường trực Thành ủy Hà Nội, CATP.Hà Nội đã tổ chức lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc CATP cho Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng công an Q.Tây Hồ.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP.Hà Nội - đã dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự lễ công bố có Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND - và đại diện lãnh đạo Cục Tổ chức cán bộ, các cơ quan chức năng của Bộ Công an, ban Tổ chức Thành ủy và CATP.Hà Nội.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Công an và Thường trực Thành ủy Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Anh Tuấn giữ chức vụ Phó Giám đốc CATP.Hà Nội.
“Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh chính trị và TTATXH trên địa bàn Thủ đô, nhất là bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Tết Nguyên đán Bính Thân và bầu cử Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp sắp diễn ra trong năm 2016, đồng thời góp nguồn cán bộ cho CATP, tập thể Thường vụ Đảng ủy, ban Giám đốc CATP đã thống nhất đề nghị lãnh đạo Bộ Công an bổ nhiệm thêm Phó Giám đốc CATP đối với Đại tá Nguyễn Anh Tuấn -Trưởng công an Q.Tây Hồ” - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nói và thay mặt Đảng ủy, ban Giám đốc CATP chúc mừng Đại tá Nguyễn Anh Tuấn.
Thưởng Tết năm nay sẽ tăng bao nhiêu so với năm ngoái?
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân đánh giá bức tranh kinh tế trong năm 2015 khởi sắc. Chỉ số GDP tăng, giá trị sản xuất công nghiệp, tiền lương và thu nhập cơ bản ổn định, nhiều doanh nghiệp tăng. Trên nền sản xuất phục hồi có hiệu quả, ông Phạm Minh Huân dự đoán xu hướng doanh nghiệp sẽ thưởng Tết Âm lịch tăng lên”.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng nhận xét, theo truyền thống, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào thưởng Tết âm lịch hơn là dương lịch. Các khối ngân hàng, dịch vụ, tài chính thường có mức thưởng cao hơn. Khối sản xuất khả năng sẽ duy trì mức thưởng như trước.
Theo Thứ trưởng, từ 1/1/2016, ảnh hưởng từ việc tăng lương cơ bản, tăng chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nên doanh nghiệp sẽ cân nhắc mức thưởng phù hợp, cân đối cho các hoạt động sản xuất của năm tiếp theo. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải tính phương án đảm bảo hoạt động, sử dụng lao động hợp lý.
Bộ LĐTBXH cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương đôn đốc doanh nghiệp trên địa bàn rà soát quy định để xây dựng phương án hỗ trợ người lao động các khoản trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng Tết 2016 và thông báo cho người lao động biết.
Đồng thời, các địa phương khảo sát, nắm tình hình tiền lương, nợ lương năm 2015, tập trung vào các nhóm dệt may, da giày, chế biến thủy sản và chế biến gỗ. Đặc biệt, phân tích rõ nguyên nhân gây nợ lương như chủ bỏ trốn, doanh nghiệp đóng cửa, doanh nghiệp khó khăn…. Các địa phương sẽ phải báo cáo về bộ trước ngày 30/12/2015.
Ông Phạm Văn Thanh, Phó trưởng Phòng Chính sách Lao động - Việc làm (Sở LĐTBXH Hà Nội) cho biết, dù sở đã yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo lương thưởng Tết, nhưng đến thời điểm này chưa nhận được báo cáo nào từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, dựa vào tình hình kinh tế năm nay dự báo thưởng Tết phải bằng năm trước, thậm chí còn khả quan hơn.
Về mức thưởng Tết cao nhất, đại diện Sở LĐTBXH Hà Nội cho rằng sẽ thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Khảo sát nhiều năm của Sở cho thấy, chỉ số mức thưởng của khối doanh nghiệp FDI luôn dẫn đầu trong 4 loại hình doanh nghiệp. Năm 2015, mức thưởng trung bình của khối doanh nghiệp FDI đạt 3.750.000 đồng/người, mức thưởng cá nhân cao nhất đạt 85,6 triệu đồng.
Tuy nhiên ông Phạm Văn Thanh dự báo, mức thưởng Tết âm lịch 2016 của cả 4 khối doanh nghiệp sẽ không tăng nhiều. Một phần bởi doanh nghiệp sẽ chịu thêm chi phí từ quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, có hiệu lực từ 1/1/2016.
“Có thể mức thưởng thực tế còn cao hơn con số Sở LĐTBXH công bố. Bởi khác với thông báo thang bảng lương, việc báo cáo mức thưởng Tết âm lịch không mang tính bắt buộc và chưa có chế tài xử phạt việc không thực hiện” - ông Phạm Văn Thanh nói.
Theo ông Thanh: “Mức đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2016 sẽ gồm thêm yếu tố mới là phụ cấp, bên cạnh căn cứ cũ là mức lương. Bởi vậy, việc tính toán gia tăng nguồn tiền để bù đắp vào khoản chi phí mới phát sinh sẽ khiến doanh nghiệp cân đối lại ngân sách. Trong khi đó, quy định về việc thưởng Tết chưa bao giờ được luật hóa trong Luật Lao động. Do vậy, mức thưởng sẽ dựa vào khả năng quản trị và văn hóa của từng doanh nghiệp”.
Tốt nghiệp đại học được ưu tiên đi nghĩa vụ công an
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân trong đó nhấn mạnh đến đối tượng, tiêu chuẩn, chính sách đối với công dân có nguyện vọng.
Theo đó, đối tượng được tuyển chọn gồm: công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự. Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của công an nhân dân, nếu tự nguyện và công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân.
Nghị định nêu rõ, công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân khi có đủ các tiêu chuẩn sau:
- Có lý lịch rõ ràng.
- Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có tiền án, tiền sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quản chế, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục bắt buộc; có phẩm chất, đạo đức tư cách tốt, được quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác tín nhiệm.
- Bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
- Tốt nghiệp trung học phổ thông. Các xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tuyển công dân tốt nghiệp trung học cơ sở.
Tuy nhiên,công dân đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học trở lên, có chuyên môn cần thiết cho công tác, chiến đấu của công an nhân dân sẽ được ưu tiên khi tuyển chọn.
- Thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Nghị định quy định thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân là 3 năm. Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân được phong, thăng cấp bậc hàm Binh nhì, Binh nhất, Hạ sĩ, Trung sĩ, Thượng sĩ. Thời hạn xét thăng cấp bậc hàm Binh nhì lên Binh nhất 6 tháng; Binh nhất lên Hạ sĩ 6 tháng; Hạ sĩ lên Trung sĩ 1 năm; Trung sĩ lên Thượng sĩ 1 năm.
Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có từ đủ 24 tháng đến dưới 36 tháng phục vụ tại ngũ, đạt danh hiệu chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ trở lên, bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp trong công an nhân dân thì được xét, dự thi vào các học viện, trường công an nhân dân theo quy định về tuyển sinh của Bộ Công an, tốt nghiệp ra trường được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ không thuộc trường hợp trên, hết thời hạn phục vụ tại ngũ có đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu sử dụng của công an nhân dân, nếu tự nguyện và công an nhân dân có nhu cầu thì được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp. Đối tượng, tiêu chuẩn và tỷ lệ chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp đối với hạ sĩ quan nghĩa vụ hết hạn phục vụ tại ngũ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Nghị định cũng quy định, trong thời gian phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ được hưởng các chế độ, chính sách quy định đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ trong lực lượng vũ trang; khi hết thời hạn phục vụ được trợ cấp học nghề hoặc trợ cấp tạo việc làm và được ưu tiên thi tuyển vào các trường công an nhân dân, được hưởng chế độ, chính sách khác theo quy định của Chính phủ.