Theo Sở Công thương TP, xăng sinh học E5 chỉ chiếm hơn 4% tổng sản lượng xăng dầu bán ra. Để nâng cao tỷ trọng xăng E5, thời gian tới thành phố sẽ áp dụng chính sách “mưa dầm thấm lâu” chứ không áp dụng biện pháp hành chính can thiệp.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 19-12-2015
- Cập nhật : 19/12/2015
Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định PCA với Việt Nam
Ngày 17/12, tại phiên họp toàn thể ở thành phố Strasbourg, Pháp, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua Nghị quyết chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) ký năm 2012 giữa EU và Việt Nam, với hơn 3/4 số phiếu tán thành.
Nghị quyết của Nghị viện châu Âu hoan nghênh kết quả đổi mới và hội nhập của Việt Nam trong thời gian qua, đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và quốc tế.
Nghị quyết khẳng định sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) với Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, chuyển từ trao đổi thương mại và viện trợ là chủ yếu sang hợp tác và đối tác toàn diện.
Nghị viện châu Âu nhấn mạnh việc ký kết PCA với Việt Nam thể hiện tầm quan trọng lớn mang tính chiến lược của Việt Nam, đối tác then chốt của EU tại khu vực Đông Nam Á và ASEAN.
Nghị quyết khẳng định PCA sẽ đưa quan hệ EU-Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng, tăng cường hợp tác chặt chẽ trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển cũng như trên các lĩnh vực xã hội, dân chủ, nhân quyền và phối hợp giải quyết các thách thức đối với khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng bày tỏ lo ngại của EP trước các hành động đơn phương, trái với luật pháp quốc tế, gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông, tạo nguy cơ đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh, ổn định và thương mại quốc tế cũng như những lợi ích cơ bản của EU tại khu vực; đồng thời cũng đe dọa an toàn, tự do hàng hải trên các tuyến đường biển trọng yếu đối với thương mại của EU.
Nghị quyết kêu gọi Trung Quốc và các bên liên quan tăng cường nỗ lực giảm căng thẳng ở Biển Đông, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình thông qua việc xây dựng lòng tin, đàm phán song phương và khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).
Thượng viện Pháp phê chuẩn PCA
Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam- EU (PCA) đã được Thượng viện Pháp phê chuẩn tại phiên họp ngày 17/12 tại Paris, với 100% ý kiến tán thành. PCA là hiệp định khung điều chỉnh quan hệ Việt Nam-EU thay thế Hiệp định khung Việt Nam-EC năm 1995.
PCA cho phép Việt Nam tiếp cận thị trường EU thuận lợi hơn trên cơ sở phát triển quan hệ hợp tác đối tác bình đẳng, lâu dài, ổn định và hợp tác toàn diện. Hiệp định đã được hai bên ký kết ngày 27/6/2012 và sẽ có hiệu lực sau khi được tất cả các quốc gia thành viên EU phê chuẩn.
Quốc hội Pháp cũng đã có kế hoạch sớm xem xét phê chuẩn PCA vào đầu năm 2016. Nếu được cả hai viện của Nghị viện Pháp phê chuẩn, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU nói chung, giữa Việt Nam và Pháp nói riêng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ký hợp đồng mua sữa tươi với 8.000 hộ nông dân
Công ty CP Sữa VN (Vinamilk) bắt đầu tái ký hợp đồng mua sữa tươi nguyên liệu trực tiếp với gần 8.000 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa cả nước với khung giá trong năm 2016.
Ngày 17-12, Công ty CP Sữa VN (Vinamilk) bắt đầu tái ký hợp đồng mua sữa tươi nguyên liệu trực tiếp với gần 8.000 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa cả nước với khung giá trong năm 2016 không thay đổi nhiều so với năm 2015.
Theo đó, những hộ chăn nuôi bò sữa ký hợp đồng thu mua sữa sẽ được Vinamilk bao tiêu sữa nguyên liệu với số lượng và giá cả ổn định như thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu hộ chăn nuôi có chất lượng sữa thấp, Vinamilk sẽ tạm ngưng mua đến khi chất lượng được cải thiện.
Theo ông Vương Ngọc Long - giám đốc phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk, để giảm giá thành sữa, trong năm 2016 đơn vị này sẽ liên kết với một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi để cung cấp cám nuôi bò trực tiếp đến nông dân.
Theo đó, người dân sẽ tiết kiệm được ít nhất 400 đồng/kg cám cho bò ăn. Cũng theo ông Long, ngoài các hợp đồng đã ký, đến nay công ty nhận được trên 1.000 đơn xin bán sữa của các hộ dân nuôi bò trên toàn quốc. Đây là các hộ dân mới đầu tư nuôi bò sữa trong năm vừa qua và hiện chưa biết bán sữa đi đâu.
Nông nghiệp cần nâng chất để hội nhập
Tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, nông nghiệp VN cần phải tổ chức lại sản xuất, nâng chất lượng để tăng năng lực cạnh tranh.
Hầu hết ý kiến tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp trong giai đoạn mới của hội nhập quốc tế” (Bộ Ngoại giao và Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 17-12) đều cho rằng khi đã tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương, nông nghiệp VN cần phải tổ chức lại sản xuất, nâng chất lượng để tăng năng lực cạnh tranh.
Theo ông Trần Công Thắng - phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp nông nghiệp VN có thị trường rộng mở, nhưng khó khăn nhất là chất lượng sản phẩm, công nghệ chế biến sau thu hoạch trong nước còn kém.
“VN luôn xuất siêu nông sản, trong đó xuất sang các nước TPP chiếm khoảng 40% và nhập khẩu chiếm khoảng 20%. Do đó về nguyên tắc, việc tham gia TPP sẽ tạo điều kiện tốt cho xuất khẩu và tăng trưởng nông nghiệp. Tuy nhiên, cơ hội này có thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh và chất lượng hàng nông sản của VN” - ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Hữu Xuân, giám đốc Sở Ngoại vụ Đồng Tháp, cho rằng sản xuất nông nghiệp VN vẫn chỉ là quy mô nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều, năng lực cạnh tranh thấp, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch kém, nên xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô. Do đó, cần có giải pháp nâng cao năng lực chế biến, bảo quản sau thu hoạch để tăng giá trị sản phẩm.
Tham nhũng hơn 530 tỷ đồng, thu hồi được 6 tỷ
Trong 10 năm từ 2005 đến nay, VKS ND hai cấp TP.HCM đã thụ lý giải quyết tố giác, tin báo tội phạm về tham nhũng và kiến nghị khởi tố tội phạm do cơ quan điều tra thụ lý 56 tin, đã giải quyết được 47 tin và 9 tin bị quá hạn.
Cơ quan điều tra 2 cấp thụ lý 149 vụ với 384 bị can, đã giải quyết 140 vụ với 325 bị can, kết luận điều tra 133 vụ với 308 bị can. Trong đó một số vụ còn lại đình chỉ do không chứng minh được hành vi phạm tội, hết thời gian điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm, tạm đình chỉ, nhập vụ án, hoặc chuyển tội danh…
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng của VKS ND hai cấp TP.HCM diễn ra vào sáng 18-12. Ông Dương Ngọc Hải, viện phó VKS ND TPHCM nhận định trong 10 năm qua số lượng án tham nhũng điều tra truy tố xét xử như trên là không nhiều nhưng vụ nào cũng đều phức tạp, có đông bị can, gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. VKS TP đã giải quyết tốt, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm, trong đó có hàng chục vụ án tham nhũng lớn do VKS tối cao ủy quyền, do các cơ quan lãnh đạo trung ương, TPHCM chỉ đạo.
Nhiều lãnh đạo VKS TP và các quận, huyện cũng tự nhận xét số lượng án tham nhũng tại TP.HCM phát hiện, đưa vào xử lý là thấp, thậm chí có quận trong 10 năm không phát hiện vụ tham nhũng nào, không phản ánh đúng tình hình tham nhũng xảy ra. Ngoài ra, việc thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả do quá trình điều tra truy tố xét xử kéo dài, đến khi thi hành án, đối tượng đã kịp tẩu tán, sang tên cho người thân, chuyển tài sản ra nước ngoài. Điển hình như vụ Vũ Quốc Hảo, nguyên tổng giám đốc công ty cho thuê tài chính II cùng 10 đồng phạm gây thiệt hại hơn 531 tỷ đồng, nhưng mới chỉ thu hồi được 5,8 tỷ đồng.
“Sắp tới sẽ triển khai các luật mới mà Quốc hội đã thông qua, trong đó có thay đổi là KSV được tiếp cận, tham gia hoạt động điều tra ngay từ đầu, tránh tình trạng cơ quan điều tra đưa hồ sơ sang đề nghị khởi tố, khi VKS yêu cầu họ đưa tài liệu thì họ mới đưa, điều này giúp nâng cao hiệu quả điều tra, thu hồi tài sản tham nhũng” – ông Dương Ngọc Hải thông tin tại Hội nghị.
Gần 30% người bị rối loạn trầm cảm nghĩ đến cái chết
Ông La Đức Cương, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1, cho biết tỉ lệ mắc chung 10 rối loạn tâm thần được điều tra là 14,22%. Trong đó rối loạn có tỉ lệ mắc cao nhất là lạm dụng rượu và nghiện rượu (4,07%), tiếp đó là lo âu (2,94%) và trầm cảm (2,54%), còn lại là các rối loạn sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần do chấn thương sọ não, nghiện ma túy, tâm thần phân liệt, chậm phát triển trí tuệ, rối loạn hành vi thanh thiếu niên và động kinh.
Theo ông Cương, đối với trầm cảm, tỉ lệ mắc chủ yếu là nữ (hơn 86%). Các triệu chứng của trầm cảm rất phong phú và đa dạng: mất quan tâm thích thú, khó tập trung chú ý, có bệnh nhân mất ngủ thường xuyên, chán ăn.
Đặc biệt có gần 29% nghĩ đến chết chóc và hơn 16% có hành vi tự sát. “Những vấn đề này cần được ngành tâm thần quan tâm phối hợp với gia đình, đoàn thể động viên người bệnh đi khám” - ông Cương nhấn mạnh.
Cũng theo nghiên cứu thì có gần 89% nữ giới được điều tra mắc lo âu. Những triệu chứng thường gặp là nóng nảy và lo âu hơn thường lệ, cảm thấy sợ mà không rõ nguyên nhân, cảm giác dễ bối rối và hoảng sợ, nhiều phụ nữ gặp ác mộng trong giấc ngủ…
Dường như cuộc sống nhiều áp lực, nhiều stress, quá vội vã... đang khiến những dạng bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần có cơ hội gia tăng.
Theo các chuyên gia y tế, một người lo âu, mất ngủ, không thiết tha bất cứ điều gì, thậm chí không muốn ăn, ngủ... kéo dài từ hai tuần trở lên được chẩn đoán là rối loạn trầm cảm.
Tuy nhiên, đa phần đi khám vì bệnh tật chứ không ai đi khám vì… buồn. Do vậy, đa phần bệnh nhân đến khám vì rối loạn trầm cảm thì bệnh ở mức nặng.
Theo một tổng kết tại BV Tâm thần Trung ương 1, trong số người đến điều trị cho thấy cứ 10 bệnh nhân trầm cảm thì bốn người từng lên kế hoạch tự tử, một người từng tự tử nhưng may mắn còn sống. Còn số người trầm cảm tự tử chết không thể thống kê được.
Nghiên cứu được thực hiện tại tám xã thuộc tám tỉnh trên phạm vi cả nước với hơn 76.000 người dân tham gia điều tra.
Liên quan đến vấn đề lạm dụng rượu và nghiện rượu, có đến 97% người nghiện rượu và lạm dụng rượu là nam giới và 67% trong số đó uống rượu hằng ngày. Triệu chứng loạn thần thường gặp là hoang tưởng và có dấu hiệu trầm cảm.