Ngày 27/8, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Diego Aulestia, Bộ trưởng Ngoại thương Ecuador nhằm tăng cường hợp tác; đồng thời chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Ecuador dự kiến trong cuối tháng 10/2015.
Tin trong nước đọc nhanh 09-10-2015
- Cập nhật : 09/10/2015
Tăng sức ép lên Chính phủ về mức tăng lương tối thiếu vùng
Ngày 6/10, ông ChoYoung Jun, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại ViệtNam, cho biết vừa có thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm mức tăng lương vừađược Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua.
Theo đó, Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng mức tăng lương tối thiểu vùng 2016, trung bình 12,4% vừa được Hồi đồng Tiền lương Quốc gia thông qua sẽ đáp ứng cuộc sống của người lao động và mục tiêu tích cực của quốc gia.
Tuy nhiên, năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6,2%, và năng suất sản xuất lao động dự kiến tăng 3% nhưng tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa có khởi sắc, vì vậy mức lương vừa được Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra là quá cao.
Bên cạnh đó, năm 2016 doanh nghiệp vừa phải tăng lương và đóng BHXH theo quy định mới thì thực tế tăng lương vượt quá 20% sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
Tương tự, Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Tiểu ban Nhân lực và đào tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lâm Đồng đều kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần cân nhắc khi đưa ra mức tăng lương tối thiểu vùng 2016.
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu 2016 tăng thấp nhất là 14,4%.
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp, bỏ phiếu thông qua phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%. Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động chưa đồng tình với mức điều chỉnh trên và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thấp nhất cũng bằng mức tăng năm 2015.
Nguyên nhân, do tình hình kinh tế chín tháng đầu năm 2015 đã khởi sắc; thực hiện nghiêm túc quy định của Luât Lao động và thực hiện lộ trình đến 2017 tiền lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu và cũng là bước chuẩn bị cho việc thực hiện Điều 89 Luật BHXH vào năm 2018; đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn; khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng khá cao.
Trước đó, trả lời chúng tôi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thông qua mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 từ 11,6%-12,9% (tùy theo từng vùng). Sau khi trình kết này quả lên, Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng.
Tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản làm việc
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa thông báo tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam khóa IV năm 2015 sang Nhật Bản làm việc.
Đây là chương trình giúp cho những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng có nguyện vọng được sang làm việc tại Nhật Bản với tư cách là ứng viên điều dưỡng và hộ lý có cơ hội tham dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia tại Nhật Bản.
Người đăng ký đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định sẽ được tuyển chọn đưa vào đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng tại cơ sở đào tạo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản tổ chức. Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3.
Vị trí tuyển chọn gồm: ứng viên điều dưỡng là những người sẽ tạm trú ở Nhật Bản 3 năm và thực hiện công việc hỗ trợ điều dưỡng tại bệnh viện nhằm đạt được chứng chỉ điều dưỡng viên để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản; ứng viên hộ lý là những người sẽ tạm trú ở Nhật Bản 4 năm và tham gia cung cấp dịch vụ hộ lý tại cơ sở chăm sóc sức khoẻ nhằm đạt được chứng chỉ hộ lý để có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản.
Những người được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn 1 lần). Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm 1 lần, ứng viên hộ lý được dự thi 1 lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn.
Mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Tuy nhiên, mức lương thông thường như sau: Ứng viên điều dưỡng 130.000 - 140.000 yên/tháng; Ứng viên hộ lý 140.000 - 150.000 yên/tháng. Ngoài mức lương trên, thông thường ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.
Thời gian nhận hồ sơ của các ứng viên là từ nay đến 23/10/2015 (trừ Thứ 7, Chủ Nhật và ngày lễ) tại Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Danh sách ứng viên trúng tuyển tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật sẽ được thông báo trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (dolab.gov.vn).
Thay 3 thành viên ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thay đổi 3 thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Cụ thể, thay đổi 3 thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ gồm: Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thay ông Trần Hồng Hà; ông Đỗ Đức Duy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thay ông Cao Lại Quang và ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thay ông Nguyễn Thành Hưng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Nội vụ là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ là Phó Trưởng Ban.
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ.
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và hằng năm do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.
Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính của Chính phủ, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có nội dung chủ yếu liên quan đến cải cách hành chính trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ; các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác cải cách hành chính; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác cải cách hành chính.
Phú Yên: Nông dân ồ ạt phá mía, sắn để trồng tiêu
Giá hồ tiêu có thời điểm lên tới 230.000 đồng/kg. Trong khi đất đai ngày càng cằn cỗi; mía, sắn có năng suất thấp khiến cho nhiều hộ dân ở Sơn Long ồ ạt chuyển sang trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Quyến (46 tuổi) ở thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, huyện Sơn Hoà cho biết ông đã phá bỏ 7 sào mía để trồng 1500 trụ tiêu với tổng kinh phí là 285 triệu đồng. Hỏi sao lại phá bỏ mía để trồng tiêu, vợ ông cho hay: “Đất ở đây rất xấu lại xa nguồn nước nên vợ chồng tôi phá mía. Hơn nữa giá tiêu cao như vậy nên chúng tôi cũng ham”.
Vì rớt giá nên ông Phạm Văn Thành (45 tuổi) ngụ cùng địa chỉ trên đã chặt bỏ 7 sào cà phê để trồng 1300 trụ tiêu với kinh phí 260 triệu đồng. Ông khẳng định: “Tiêu có rớt giá xuống 50.000 đồng/kg vẫn có lời hơn. Vì đất ở đây không hợp, cà phê không đạt năng suất để lại chỉ phí đất”.
Bà Lê Thị Tâm Loan (58 tuổi) chia sẻ: “Người trồng tiêu tiên phong và có thu nhập cao tại địa phương là hộ ông Đào Văn Toàn. Năm vừa rồi gia đình ông thu hoạch 2 tấn hồ tiêu đạt 400 triệu đồng. Chúng tôi thấy vậy nên trồng theo, nhưng kinh phí đầu tư cao nên chỉ trồng với qui mô nhỏ rồi từ từ mở rộng ra. Hiện tại nhà tôi trồng 700 trụ. Trong đó, trồng mới 500 trụ”.
Báo cáo tại Hội nghị Thường niên của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam ngày 8/5/2015, Chủ tịch Hiệp hội ông Đỗ Hà Nam cho biết: Giá hồ tiêu trong nước và xuất khẩu còn tiếp tục cao trong vài năm tới do nguồn cung thấp hơn nhu cầu, nhưng sau đó thị trường có thể sụp đổ nếu nông dân tiếp tục ồ ạt trồng tiêu như hiện nay. Theo ông Nam, diện tích trồng tiêu cả nước hiện đã trên 80.000ha, vượt 30.000ha theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Nguyên nhân do giá hồ tiêu tăng liên tục kể từ năm 2007 đến nay đem về mức lợi nhuận “trong mơ” cho người trồng tiêu dẫn đến hiện tượng nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu. Tuy nhiên, với tốc độ tăng diện tích quá nhanh như thời gian qua, kèm với đó là việc mất kiểm soát trong quản lý chất lượng trồng trọt đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn với ngành hồ tiêu của Việt Nam.
Các nhà máy đường lo lắng khi vào vụ mới
Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA, những tháng qua rơi vào thời kỳ chuẩn bị cho Tết Trung thu, nhưng lượng đường các nhà máy bán ra trong tháng 7 là gần 67.000 tấn, tháng 8 là hơn 89.000 tấn, tháng 9 là hơn 82.500 tấn, trong khi mức tiêu thụ trung bình những tháng này dao động từ 115.000 đến 120.000 tấn. Như vậy có thể có một lượng đường lớn không do sản xuất trong nước đã tham gia thị trường dịp Tết Trung thu.
Một lý do ảnh hưởng đến lượng đường bán ra của các nhà máy giảm một phần là do thị trường đang sử dụng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan khi Việt Nam cam kết gia nhập WTO, và đường nhập khẩu từ Lào của công ty Hoàng Anh Gia Lai.
Theo Thông tư số 08/TT-BCT ngày 27-5-2015 của Bộ Công Thương, đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chịu thuế suất 2,5% khi nhập về Việt Nam. Tính đến ngày 5-9, đã nhập khẩu 15.323 tấn trong số hạn ngạch 50.000 tấn đã cấp. Có thể, thời gian tới, HAGL vẫn tiếp tục đưa về Việt Nam khoảng gần 30.000 tấn đường, và điều này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến các nhà máy đường trong nước.
Ngược lại, xuất khẩu đường của các doanh nghiệp, nhà máy đường cũng không khả quan như mong đợi. Cụ thể, từ cuối tháng 8 cho đến giữa tháng 9, doanh nghiệp không xuất được đường sang Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của VSSA, tính đến ngày 18-9, lượng đường xuất khẩu qua Trung Quốc chưa đến 86.000 tấn trong số 246.400 tấn đường đã được cơ quan quản lý đồng ý cho xuất khẩu.
Trong khi lượng đường bán ra tại các nhà máy giảm thì lượng đường ép được từ vụ mía đang có dấu hiệu tăng hơn so với cùng kỳ. Đơn cử, tính đến 15-9, nhà máy đường Nước Trong - một trong bốn nhà máy đã bước vào vụ sản xuất - đã sản xuất được 7.500 tấn đường, tăng hơn cùng kỳ năm trước 360 tấn.
Giá đường trên thị trường trong tháng 9 dao động từ 13.300 đến 14.300 đồng/kg, còn tại các nhà máy giá thường thấp hơn giá bán buôn trên thị trường khoảng 400 – 500 đồng/kg.